THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 198/2005/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 198/2005/QĐ-TTG NGÀY 08 THÁNG 8 NĂM 2005 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM HÌNH THÀNH TẬP ĐOÀN THAN VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức, quản lý Tổng công ty nhà nước và chuyển đổi Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình công ty mẹ - công ty con;
Xét đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng công ty Than Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Than Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, với nội dung như sau:
1. Công ty mẹ - Tập đoàn Than Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tập đoàn Than Việt Nam) là công ty nhà nước, có chức năng đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác, giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, tài nguyên khoáng sản được Nhà nước giao quản lý, công nghệ, thương hiệu và thị trường.
Tập đoàn Than Việt Nam được hình thành trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên, nhằm tạo ra một tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ cao, quản lý hiện đại, kinh doanh đa ngành trong đó ngành chính là công nghiệp than, nhiệt điện đốt than, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí năng lượng và mỏ, đóng tàu và ô tô, khai thác, chế biến khoáng sản.
2. Bộ máy quản lý, điều hành của Tập đoàn Than Việt Nam bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc. Hội đồng quản trị là đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại Tập đoàn, có 07 thành viên, trong đó có một thành viên là Chủ tịch Hội đồng quản trị, một thành viên là Tổng giám đốc và một thành viên là Trưởng Ban Kiểm soát. Thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tập đoàn do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
3. Tập đoàn Than Việt Nam có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của Tổng công ty Than Việt Nam theo quy định của pháp luật.
4. Mối quan hệ giữa Tập đoàn Than Việt Nam với chủ sở hữu nhà nước và các công ty con, công ty liên kết được thực hiện theo pháp luật và quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Than Việt Nam.
5. Cơ cấu tổ chức Tập đoàn Than Việt Nam gồm:
- Công ty Cảng và Kinh doanh than.
- Công ty Tuyển than Hòn Gai.
- Công ty Tuyển than Cửa Ông.
- Công ty Tài chính than Việt Nam.
- Công ty Địa chất mỏ.
- Trung tâm Cấp cứu mỏ.
- Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực quản lý.
- Ban Quản lý dự án than Việt Nam.
- Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Động.
- Trung tâm Y tế lao động ngành than.
- Tạp chí Than Việt Nam.
Hội đồng quản trị Tập đoàn Than Việt Nam xây dựng đề án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập Công ty Tài chính than Việt Nam theo quy định hiện hành.
6. Các công ty do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vật liệu nổ công nghiệp.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế tạo máy than Việt Nam.
- Công ty Đông Bắc.
- Công ty Than Hòn Gai.
- Công ty Than Hạ Long.
- Công ty Xây dựng mỏ.
- Công ty Than Dương Huy.
- Công ty Than Hà Lầm.
- Công ty Than Thống Nhất.
- Công ty Than Mông Dương.
- Công ty Than Khe Chàm.
- Công ty Than Mạo Khê.
- Công ty Than Vàng Danh.
- Công ty Than Quang Hanh.
- Công ty Công nghiệp ô tô than Việt Nam.
- Công ty Cơ khí đóng tàu than Việt Nam.
- Viện Khoa học và Công nghệ mỏ.
- Viện Cơ khí năng lượng và Mỏ.
Hội đồng quản trị Tập đoàn Than Việt Nam trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc chuyển đổi các đơn vị nói trên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty hoạt động khoa học công nghệ theo quy định của pháp luật; tiếp tục duy trì mô hình tổ chức quản lý hiện nay đối với Công ty Đông bắc.
7. Các công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con:
- Công ty Than Nội Địa.
- Công ty Than Uông Bí.
Hội đồng quản trị Tập đoàn Than Việt Nam xây dựng đề án chuyển Công ty Than Nội Địa và Công ty Than Uông Bí sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt.
8. Các công ty do tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:
- Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả.
- Công ty cổ phần Vận tải và Đưa đón thợ mỏ.
- Công ty cổ phần Đại lý tàu biển than Việt Nam.
- Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu than Việt Nam.
- Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại than Việt Nam.
- Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ.
- Công ty cổ phần Chế biến và Kinh doanh than Cẩm Phả.
- Công ty cổ phần Than miền Trung.
- Công ty cổ phần Than miền Nam.
- Công ty cổ phần Than Tây Nam Đá Mài.
- Công ty Than Núi Béo.
- Công ty Chế tạo thiết bị điện Cẩm Phả.
- Công ty Phát triển tin học, Công nghệ và Môi trường.
- Công ty Tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp.
- Công ty Giám định than Việt Nam.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến và Kinh doanh than miền Bắc.
- Công ty Than Đèo Nai.
- Công ty Than Cọc Sáu.
- Công ty Than Cao Sơn.
- Công ty Than Hà Tu.
- Công ty Vật tư, Vận tải và Xếp dỡ.
- Công ty Khách sạn Heritage Hạ Long.
- Công ty Nhiệt điện Na Dương.
- Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn.
Hội đồng quản trị Tập đoàn Than Việt Nam xây dựng lộ trình cổ phần hoá các Công ty chưa cổ phần hoá nói ở điểm này trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt.
9. Các công ty liên kết do Tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ:
- Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng.
- Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
- Công ty cổ phần Cơ khí Mạo Khê.
- Công ty cổ phần Cơ điện Uông Bí.
10. Các trường đào tạo nghề:
- Trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm.
- Trường Đào tạo nghề mỏ Hữu Nghị.
- Trường Đào tạo nghề mỏ và xây dựng.
1l. Đối với các thành viên mới, Hội đồng quản trị Tập đoàn Than Việt Nam quyết định việc tiếp nhận theo quy định của pháp luật.
Điều 2.Tổ chức thực hiện:
1. Bộ Công nghiệp:
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện Quyết định này; kịp thời phát hiện, giải quyết những vướng mắc phát sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới cần thí điểm trong quá trình thực hiện.
- Phê duyệt đề án chuyển Công ty Than Nội địa và Công ty Than Uông Bí sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nêu tại điểm 7 và phương án cổ phần hoá các doanh nghiệp nêu tại điểm 8 Điều 1 Quyết định này.
2. Bộ Tài chính:
Phê duyệt Quy chế tài chính của Tập đoàn Than Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Than Việt Nam.
3. Hội đồng quản trị Tập đoàn Than Việt Nam:
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Than Việt Nam.
- Xây dựng đề án thành lập Công ty Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
4. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công nghiệp và Hội đồng quản trị Tập đoàn Than Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Điều 3.Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng các Bộ: Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Hội đồng quản trị Tổng công ty Than Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.