THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1961/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, CHUYÊN MÔN ĐÔ THỊ CÁC CẤP GIAI ĐOẠN 2010 – 2015”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 – 2015” với các nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam.
b) Mục tiêu cụ thể
Trang bị cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp những kiến thức cơ bản về quản lý đô thị, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và thực thi các nhiệm vụ quản lý quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đô thị; quản lý phát triển và sử dụng đất đô thị; quản lý tài chính đô thị; quản lý môi trường, kiến trúc – cảnh quan đô thị; kiểm soát phát triển đô thị.
Đến năm 2015 có 100% công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức đô thị từ loại V trở lên, công chức lãnh đạo, chuyên môn các cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các cấp quản lý xây dựng và phát triển đô thị được đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị.
2. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng
a) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã thuộc tỉnh;
c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;
d) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã của các thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh;
đ) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn;
e) Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng, Phó phòng chuyên môn thuộc các sở xây dựng, quy hoạch – kiến trúc, giao thông thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
g) Trưởng, Phó phòng quản lý đô thị, công thương thuộc quận, huyện, thành phố, thị xã;
h) Công thức địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường phường, thị trấn và công chức địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường xã thuộc thành phố, thị xã.
3. Nội dung chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng
a) Yêu cầu về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng
Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và quản lý phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý xây dựng và phát triển đô thị;
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp đô thị tập trung vào việc trang bị kiến thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và phương pháp xử lý, giải quyết các tình huống trong quản lý đô thị, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của từng chức danh;
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên môn: tập trung vào việc nâng cao kiến thức, chú trọng các kỹ năng và phương pháp xử lý tình huống, giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân phù hợp với đặc thù của đô thị.
b) Nội dung đào tạo, bồi dưỡng
Những vấn đề cơ bản về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thi và kinh nghiệm quản lý xây dựng và phát triển đô thị trong và ngoài nước. Tập trung vào một số lĩnh vực sau:
- Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nông thôn;
- Quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật, môi trường đô thị và vấn đề các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu toàn cầu;
- Quản lý đô thị;
- Bảo tồn di sản đô thị;
- Quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản;
- Tài chính xây dựng đô thị.
c) Chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng
Chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp phù hợp nhóm đối tượng học viên, trong đó:
- Về thời gian đào tạo, bồi dưỡng của mỗi chương trình từ 05 đến 10 ngày;
- Đối với những chương trình do địa phương chủ trì: bố trí thời gian để giới thiệu, trao đổi và đánh giá thực trạng quản lý và định hướng phát triển quy hoạch, quản lý đô thị của địa phương.
4. Hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng
a) Hình thức đào tạo, bồi dưỡng
- Đào tạo, bồi dưỡng tập trung, đối với chương trình có thời gian trên 10 ngày có thể tổ chức học tập thành 02 đợt (trong thời gian học có kiểm tra, đi thực tế và cấp chứng chỉ);
- Đào tạo, bồi dưỡng trong nước kết hợp với tham quan học tập ở nước ngoài.
b) Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng
- Đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát huy tính tự giác, chủ động tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên;
- Tổ chức trao đổi, phổ biến kinh nghiệm của nước ngoài về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị thông qua mời chuyên gia trong nước và nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm
5. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
a) Ở Trung ương
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã thuộc tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng: Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thành phố, thị xã, quận, huyện; Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng, Phó phòng chuyên môn thuộc các sở xây dựng, quy hoạch – kiến trúc, giao thông thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng, Phó phòng Quản lý đô thị, Công thương thuộc quận, huyện, thành phố, thị xã và giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
b) Ở địa phương
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã của các thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn; công chức địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường phường, thị trấn và công chức địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường xã thuộc thành phố, thị xã.
6. Kinh phí thực hiện
a) Nguồn kinh phí thực hiện Đề án, gồm:
- Nguồn ngân sách nhà nước: bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện đề án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, trong đó:
+ Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao cho Bộ Xây dựng;
+ Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp ở địa phương;
- Nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
b) Kinh phí để triển khai Đề án, gồm:
- Khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng chương trình, tài liệu;
- Đào tạo thí điểm; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên;
- Xây dựng và hoàn thiện thể chế;
- Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp (trong nước và nước ngoài).
7. Giải pháp thực hiện
a) Thực hiện phân công, phân cấp rõ trách nhiệm giữa Bộ Xây dựng, các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp.
b) Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với từng nhóm đối tượng làm cơ sở cho việc xây dựng các chương trình phù hợp với đối tượng.
c) Ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp.
d) Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng giảm thời lượng học lý thuyết, tăng thời lượng thực hành bài tập tình huống và kinh nghiệm xử lý. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng áp dụng phương pháp giảng dạy mới có sự trợ giúp của các thiết bị giảng dạy phù hợp với đối tượng và nội dung đào tạo, bồi dưỡng.
đ) Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên kể cả giảng viên cơ hữu, giảng viên kiêm chức và báo cáo viên; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy bảo đảm đủ số lượng và năng lực giảng dạy.
e) Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và đô thị đối với: Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các giai đoạn thực hiện Đề án
a) Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2011
Tập trung giải quyết các vấn đề: thể chế, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng chương trình, tài liệu; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; đầu tư cơ sở vật chất Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của địa phương bảo đảm điều kiện dạy và học; đào tạo bồi dưỡng thí điểm và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015.
b) Giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015
Tổ chức đào tạo bồi dưỡng công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp theo kế hoạch được phê duyệt; đồng thời với việc rà soát, hoàn thiện các chương trình đào tạo bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
a) Bộ Xây dựng
- Thống nhất quản lý nội dung, chương trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp; tổ chức biên soạn, thẩm định, ban hành và kiểm tra việc thực hiện chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng;
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp hàng năm gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp và thống nhất quản lý;
- Tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với các đối tượng quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 1 của Quyết định này; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng, ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp;
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung yêu cầu về kiến thức, kỹ năng quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ ngạch công chức ngành Xây dựng để Bộ Nội vụ ban hành theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ; tổ chức sơ kết vào năm 2013 và tổng kết vào năm 2015.
b) Bộ Nội vụ
- Tổng hợp kế hoạch, đề xuất kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức hàng năm (trong đó có kinh phí thực hiện đề án) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện;
- Phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Quy chế đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp.
c) Bộ Tài chính
- Bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ nghiên cứu ban hành chế độ, chính sách phù hợp cho học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các đô thị, công chức lãnh đạo, chuyên môn cơ quan tham mưu giúp việc ủy ban nhân dân các cấp theo hướng: tạo điều kiện và khuyến khích người học.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổng hợp và cân đối kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm, trong đó có chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các đô thị các cấp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Tổng hợp cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư để thực hiện đầu tư, nâng cấp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp thuộc Đề án do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Xây dựng, triển khai kế hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về quản lý xây dựng và phát triển đô thị của địa phương theo thẩm quyền;
- Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo của địa phương đủ số lượng đảm bảo chất lượng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.