BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 195-QĐ | Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH THỂ LỆ KỲ THI HẾT CẤP 1 TRƯỜNG PHỔ THÔNG ÁP DỤNG TỪ NĂM HỌC 1962-1963
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Căn cứ nghị định số 596-NĐ ngày 30-08-1956 ban hành quy chế trường phổ thông;
Căn cứ nghị định số 168-NĐ ngày 25-03-1959 ấn định thể lệ kỳ thi hết cấp 1 trường phổ thông;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục cấp 1 và 2,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. - Nay bãi bỏ Nghị định số 168-NĐ ngày 25-03-1959 nói trên và quy định dưới đây thể lệ kỳ thi hết cấp 1 trường phổ thông áp dụng từ năm học 1962 – 1963.
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 2. - Cuối mỗi năm học sẽ tổ chức kỳ thi hết cấp 1 cho học sinh đang học lớp 4 các trường phổ thông và học sinh đã học lớp 4 trước đây tại các trường này (học sinh cũ) nhưng chưa trúng tuyển kỳ thi hết cấp 1.
Sở hay Ty giáo dục ấn định ngày thi thống nhất cho các trường cấp I trong một thành phố hay tỉnh.
Điều 3. - Sở hay Ty giáo dục chỉ đạo các trường cấp 1 và các Hội đồng thi tiến hành kỳ thi hết cấp 1 dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính thành phố hay tỉnh.
Điều 4. – Không được dự kỳ thi hết cấp 1 ngay cuối năm đang học lớp 4 những học sinh sau đây:
- Học sinh đang học lớp 4 bị thi hành kỷ luật đuổi hẳn khỏi trường.
- Học sinh đang học lớp 4 đã nghỉ nhiều trong năm học (học sinh miền xuôi nghỉ quá 45 ngày, học sinh miền núi nghỉ quá 60 ngày, nghỉ một lần liên tục hay thành nhiều lần cộng lại) mà Hội đồng nhà trường, sau khi xét kết quả học tập, không cho học sinh dự thi vì học lực kém.
Khi trường quyết định không cho một học sinh đang học lớp 4 dự kỳ thi, phải báo cho gia đình học sinh biết rõ lý do ít nhất 15 ngày trước ngày thi.
Điều 5. – Trong thời hạn một tháng trước ngày mở kỳ thi, những học sinh cũ lớp 4 xin dự kỳ thi hết cấp 1 phải gửi đến trường mình đã theo học trước đây hồ sơ thi gồm có:
a) Tờ ghi tên xin dự thi
b) Bản chính học bạ cấp 1
c) Bản sao giấy khai sinh
Một học sinh cũ lớp 4 có thể xin thi tại một trường không phải là trường mình đã theo học trước đây nếu trường này xét lý do của học sinh nêu ra chính đáng. Trong trường hợp này, học sinh gửi hồ sơ thì đến trường mình muốn xin dự thi.
Điều 6. - Sở hay Ty giáo dục, theo đề nghị của Hội đồng trường cấp 1, có thể quyết định cho miễn thi và công nhận trúng tuyển một học sinh đang học lớp 4 không dự thi được vì bị ốm trước ngày thi.
Khi gửi đề nghị của Hội đồng nhà trường về Sở hay Ty giáo dục, hiệu trưởng phải gửi đủ những giấy tờ sau đây:
a) Biên bản cuộc họp của Hội đồng nhà trường để xét và đề nghị về học sinh trên.
b) Giấy chứng nhận của cơ quan y tế xã, thị xã hay khu phố về việc học sinh bị ốm không dự thi được kèm theo chứng thực của Ủy ban hành chính xã, thị xã hay khu phố.
c) Học bạ của học sinh.
Sở hay Ty giáo dục, sau khi xét kỹ hồ sơ và thẩm tra lại, chỉ quyết định cho học sinh trên trúng tuyển kỳ thi, nếu trong năm học lớp 4 học sinh thuộc loại có học lực khá và hạnh kiểm tốt.
Chương 2:
CHƯƠNG TRÌNH THI BÀI THI
Điều 7. – Chương trình thi là chương trình lớp 4 trường phổ thông đang áp dụng trong năm mở kỳ thi.
Điều 8. - Sở hay Ty giáo dục chọn đề thi thống nhất cho các Hội đồng thi hết cấp 1 trong một thành phố hay tỉnh. Đối với các trường cấp 1 miền núi trong một tỉnh, Ty giáo dục chọn đề thi riêng cho những Hội đồng thi của các trường này.
Điều 9. – Ông chủ tịch Hội đồng thi chịu trách nhiệm giữ hoàn toàn bí mật các đề thi. Một giờ trước giờ thi về môn nào, ông chủ tịch mới được mở phong bì đựng đề thi về môn ấy trước các ủy viên Hội đồng thi.
Điều 10. – Trong kỳ thi hết cấp 1, học sinh thi 4 bài thi viết theo trình tự và thời gian quy định dưới đây:
Buổi sáng | Thời gian (chưa kể thì giờ để chép đề thi) |
1. Tập làm văn | 60 phút |
2. Câu hỏi thường thức (gồm 3 câu: 1 về lịch sử, 1 về Địa lí, 1 về khoa học) Buổi chiều | 50 phút |
3. Toán (gồm 1 bài tính và 2 câu hỏi: 1 về số học, 1 về mét hệ hay hình học) | 70 phút |
4. Chính tả và câu hỏi (bài chính tả dài không quá 15 dòng chữ in. Câu hỏi gồm 2 câu: 1 về từ ngữ, 1 về nội dung bài) | 50 phút |
Điều 11. – Các bài thi đều cho điểm trên 10. Học sinh nào bỏ không thi một bài (vắng mặt) hoặc nộp giấy trắng (không làm bài) sẽ coi là thiếu bài thi và bị loại.
Điều 12. - Mỗi bài thi phải được 2 giáo viên chấm chung. Nếu 2 giáo viên không thống nhất việc cho điểm một bài thì sẽ đưa chủ tịch Hội đồng thi quyết định.
Chương 3:
ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN
Điều 13. - Những học sinh đủ điều kiện dưới đây sẽ được trúng tuyển:
- có tổng số điểm 4 bài thi từ 20 điểm trở lên và mỗi bài thi được từ 3 điểm trên 10 trở lên.
- Không thiếu một bài thi nào.
Điều 14. – Sau khi đã lập danh sách học sinh trúng tuyển theo đúng những điều kiện trên đây, Hội đồng thi sẽ thảo luận việc nên hay không nên lấy trúng tuyển thêm những học sinh ở vào trường hợp sau đây:
- Có tổng số điểm 4 bài thi từ 18 điểm trở lên và riêng hai bài thi Tập làm văn và Toán, mỗi bài được từ 4 điểm trên 10 trở lên và hai bài thi còn lại mỗi bài được từ 3 điểm trên 10 trở lên.
- không thiếu một bài thi nào.
Điều 15. - Hội đồng thi chỉ quyết định lấy thêm một học sinh trúng tuyển sau khi đã xét kỹ học sinh về hai mặt: kết quả học tập và hạnh kiểm trong cả năm học.
Hội đồng thi không được quyết định lấy trúng tuyển thêm một học sinh mà ngày thường đã thuộc loại kém hoặc về môn Văn hoặc về môn Toán.
Điều 16. – Trong việc xét lấy trúng tuyển thêm, toàn thể ủy viên Hội đồng chấm thi có quyền biểu quyết. Quyết định sẽ lấy theo đa số tương đối. Nếu số người biểu quyết ngang nhau thì ý kiến của chủ tịch Hội đồng thi là ý kiến quyết định.
Quyết định của Hội đồng thi về việc lấy trúng tuyển thêm phải ghi đầy đủ vào biên bản.
Điều 17. – Sau khi đã quyết định xong danh sách học sinh trúng tuyển, Hội đồng thi sẽ lựa chọn một số học sinh (nhiều hay ít tùy theo kết quả kỳ thi của từng Hội đồng) đáng được đưa ra khen trước toàn thể Hội đồng thi.
Những học sinh được khen ít nhất phải đủ mấy tiêu chuẩn sau:
a) bài thi: tổng số điểm 4 bài thi phải được từ 32 điểm trở lên và không có bài thi nào được dưới 7 điểm;
b) hạnh kiểm: điểm tổng kết cả năm học được 10 điểm.
Hiệu trưởng trường cấp 1 có học sinh được khen ghi việc Hội đồng thi khen vào học bạ của học sinh được khen.
Điều 18. - Nếu chủ tịch Hội đồng thi xét cần chiếu cố lấy trúng tuyển thêm đặc cách một học sinh nào thiếu bài thì vì một lý do chính đáng (thí dụ: học sinh phải bỏ dở kỳ thi vì đang thi bị ốm…), thì chủ tịch Hội đồng đưa việc này ra cho toàn thể Hội đồng thi thảo luận và đề nghị lên Sở hay Ty giáo dục xét và quyết định.
Khi gửi đề nghị của Hội đồng thi lên Sở hay Ty giáo dục, chủ tịch Hội đồng thi phải gửi kèm theo tất cả bài thi và học bạ của học sinh.
Điều 19. - Chủ tịch Hội đồng chấm thi tuyên bố kết quả tạm thời của kỳ thi cho học sinh biết ngay tại Hội đồng thi. Kết quả này chỉ coi là chính thức sau khi được Sở hay Ty giáo dục duyệt y.
Điều 20. - Đối với học sinh đã trúng tuyển kỳ thi hết cấp 1, hiệu trưởng trường cấp 1 chịu trách nhiệm ghi kết quả trúng tuyển vào học bạ của học sinh (phần học bạ lớp 4). Riêng đối với các học sinh của trường miền núi đã trúng tuyển kỳ thi, Sở hay Ty giáo dục, nếu xét thấy cần thiết, có thể cấp thêm giấy chứng nhận trúng tuyển.
Chương 4:
KỶ LUẬT
Điều 21. – Khi vào phòng thi, học sinh không được đem theo bất cứ sách vở hay tài liệu nào.
Trong khi thi, giáo viên có thể cho phép từng học sinh một ra ngoài phòng thi.
Điều 22. – Học sinh nào gian lậu trong khi đang thi sẽ bị đuổi ra khỏiphòng thi và có thể, tùy theo lỗi nặng, nhẹ, bị cấm không được dự thi từ 1 đến 2 năm.
Điều 23. – Học sinh nào đã gian lậu trong kỳ thi nhưng sau này mới tìm ra sự gian lậu sẽ bị thi hành kỷ luật như: hủy bỏ kết quả trúng tuyển và thu hồi giấy chứng nhận, cấm không được dự thi từ 1 đến 2 năm.
Điều 24. – Việc đuổi học sinh gian lậu ra khỏi phòng thi do chủ tịch Hội đồng thi quyết định và ghi rõ vào biên bản kỳ thi.
Việc hủy bỏ kết quả trúng tuyển và thu hồi giấy chứng nhận do Sở, Ty giáo dục quyết định.
Việc cấm không cho học sinh dự thi do Bộ giáo dục quyết định.
Chương 5:
HỘI ĐỒNG THI
Điều 25. – Ủy ban hành chính thành phố hay tỉnh ra quyết định thành lập những Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi và cử thành phần của mỗi Hội đồng thi. Nếu xét cần thiết, Ủy ban hành chính thành phố hay tỉnh có thể ủy nhiệm cho Ủy ban hành chính huyện, Ủy ban hành chính thị xã hay khu phố phụ trách việc này.
Điều 26. – Trên nguyên tắc, mỗi trường cấp 1 sẽ tổ chức thành một Hội đồng coi thi riêng. Việc thành lập Hội đồng coi thi chung cho nhiều trường chỉ áp dụng trong trường hợp đặc biệt (trường có ít học sinh có thể thi ghép với một trường khác ở gần hoặc hai trường cấp 1 cùng học chung một trường sở).
Điều 27. – Tùy theo tình hình các trường cấp 1, có thể thành lập Hội đồng chấm thi riêng cho từng trường hoặc Hội đồng chấm thi chung cho nhiều trường.
Mỗi Hội đồng chấm thi liên trường chỉ được gồm nhiều nhất là 300 học sinh.
Điều 28. – Thành phần mỗi hội đồng coi thi hay chấm thi gồm có:
- 1 chủ tịch;
- 1 hay 2 phó chủ tịch (nếu xét cần có thêm phó chủ tịch)
- 1 thư ký;
- Một số ủy viên là giáo viên của trường cấp 1 có học sinh dự thi trong Hội đồng coi thi hay chấm thi.
- Một số ủy viên là giáo viên của trường cấp 1 không có học sinh dự thi trong Hội đồng coi thi hay chấm thi.
Số ủy viên này nhiều nhất bằng một nửa tổng số ủy viên trong Hội đồng thi.
Điều 29. – Hội đồng coi thi hay chấm thi có quyền quyết định mọi công việc của kỳ thi trong phạm vi Hội đồng và theo đúng những nguyên tắc đã quy định trong thể lệ kỳ thi.
Điều 30. - Chủ tịch Hội đồng coi thi hay chấm thi lãnh đạo toàn bộ công việc kỳ thi trong phạm vi Hội đồng thi.
Phó chủ tịch Hội đồng giúp chủ tịch lãnh đạo Hội đồng thi trong phạm vi những công việc được chủ tịch phân công.
Thư ký Hội đồng giúp chủ tịch làm những giấy tờ, sổ sách của Hội đồng thi (biên bản, sổ điểm v.v…).
Ủy viên Hội đồng có nhiệm vụ coi thi hay chấm thi thật nghiêm túc và theo đúng những thể lệ, chỉ thị hướng dẫn về việc coi và chấm thi.
Chương 6:
GIẤY TỜ SỔ SÁCH – BÁO CÁO
Điều 31. - Học sinh làm bài thi trên giấy học sinh trường (giấy không có kẻ phách).
Sở hay Ty giáo dục phụ trách ấn định mẫu những giấy tờ, sổ sách dùng trong kỳ thi: tờ ghi tên xin dự thi của học sinh cũ, biên bản, sổ ghi tên và ghi điểm, giấy chứng nhận trúng tuyển cấp cho học sinh miền núi…
Điều 32. – Sau khi thi xong, chủ tịch Hội đồng chấm thi gửi ngay biên bản kèm toàn bộ hổ sơ kỳ thi về Sở hay Ty giáo dục.
Sở hay Ty giáo dục phụ trách lưu trữ và bảo quản những bài thi của học sinh trong thời hạn một năm học.
Điều 33. – Sau khi đã duyệt xong kết quả kỳ thi, Sở hay Ty giáo dục làm báo cáo tổng kết kỳ thi gửi về Bộ giáo dục, khu giáo dục (nếu có) và Ủy ban hành chính thành phố hay tỉnh.
Chương 7:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 34. - Vụ Giáo dục cấp 1 và 2 phụ trách giải thích và ấn định thể thức áp dụng và thi hành quyết định này.
Điều 35. – Ủy ban hành chính các khu, thành phố và tỉnh, các ông Chánh văn phòng Bộ giáo dục, Vụ trưởng vụ giáo dục cấp 1 và 2 chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.