THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1920/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2014 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm lâm giai đoạn 2014 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
- Thống nhất đầu mối quản lý về lâm nghiệp tại địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp.
- Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng kiểm lâm theo tinh thần cải cách hành chính của Nhà nước.
- Có giải pháp mạnh về tổ chức để lực lượng kiểm lâm đủ năng lực phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho lực lượng kiểm lâm thực thi nhiệm vụ đảm bảo chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
- Việc thực hiện cần có bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện trong từng giai đoạn, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
- Đổi mới về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống kiểm lâm, thống nhất một đầu mối quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương; sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức kiểm lâm thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần cải cách hành chính.
- Khắc phục được những tồn tại, hạn chế và yếu kém để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của kiểm lâm đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện về lâm nghiệp trên địa bàn và năng lực tham mưu, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường năng lực tham gia tố tụng hình sự của lực lượng kiểm lâm toàn quốc phù hợp với quy định của pháp luật.
- Tạo cơ chế chính sách và đầu tư cho lực lượng kiểm lâm đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo khả năng ứng phó và kiểm soát kịp thời khi cháy rừng xảy ra; tăng cường đầu tư các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm hiện đại, an toàn và hiệu quả.
III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kiểm lâm
a) Đảm bảo các điều kiện để Kiểm lâm thực hiện đầy đủ chức năng: “là lực lượng chuyên trách của nhà nước có chức năng bảo vệ rừng, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng” quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng; bổ sung chức năng phát triển rừng đối với Chi cục Kiểm lâm, thiết lập một đầu mối cơ quan quản lý về lâm nghiệp tại địa phương;
b) Tăng cường sự thống nhất về tổ chức, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ và chính sách, chế độ đối với lực lượng kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương, có đủ quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được giao thông qua việc tăng cường quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và điều động lực lượng đối với các Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo hướng:
- Giữ ổn định tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý Hạt Kiểm lâm tại các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ hiện đang trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.
- Hạt Kiểm lâm tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ không trực thuộc Chi cục Kiểm lâm thì giao Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh thống nhất quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và điều động lực lượng.
c) Tăng cường hoạt động tố tụng hình sự của lực lượng kiểm lâm nhằm bảo đảm thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Trên cơ sở thành lập các đơn vị điều tra về lâm nghiệp trong lực lượng kiểm lâm theo lộ trình hợp lý.
2. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan kiểm lâm các cấp
Bổ sung chức năng quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp đối với Chi cục Kiểm lâm ở cấp tỉnh và Hạt Kiểm lâm để kiểm lâm thực hiện đầy đủ chức năng: “là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng” quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
a) Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm
- Cơ bản giữ ổn định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Cục Kiểm lâm như quy định tại Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm.
- Thống nhất quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và điều động lực lượng đối với Hạt Kiểm lâm các Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.
- Khối cơ quan tham mưu, gồm: Văn phòng cục; Phòng Quản lý bảo vệ rừng; Phòng Tổ chức và Xây dựng lực lượng; Phòng Pháp chế.
Thành lập Phòng điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp trên cơ sở tổ chức lại Phòng Thanh tra, pháp chế và Đội Đặc nhiệm nhằm tăng cường năng lực xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Khối cơ quan thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp, gồm:
+ Đội Kiểm lâm đặc nhiệm; Chi cục Kiểm lâm ở 3 vùng, cụ thể: Chi cục Kiểm lâm vùng I (trụ sở tại Quảng Ninh); Chi cục Kiểm lâm vùng II (trụ sở tại Thanh Hóa), Chi cục Kiểm lâm vùng III (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh).
+ Thành lập Chi cục Kiểm lâm vùng IV tại khu vực Tây Nguyên trên cơ sở Ban công tác Lâm nghiệp Tây Nguyên hiện nay có trụ sở tại tỉnh Đắk Lắk.
- Các đơn vị sự nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập.
b) Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan Kiểm lâm ở địa phương
- Chi cục Kiểm lâm là tổ chức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng, phát triển rừng, giống cây lâm nghiệp, bảo đảm việc thực hiện pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh.
+ Chi cục Kiểm lâm chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp.
+ Chi cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, có trụ sở, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
+ Cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm gồm: Phòng Quản lý, bảo vệ rừng; Phòng Bảo tồn thiên nhiên; Phòng Pháp chế; Phòng Tổ chức và xây dựng lực lượng; Phòng Hành chính, tổng hợp; Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.
+ Thành lập Phòng Sử dụng và Phát triển rừng; Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Lâm nghiệp hoặc phòng Lâm nghiệp hiện có thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Thành lập Phòng điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp trên cơ sở tổ chức lại Phòng Thanh tra, pháp chế và Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm tăng cường năng lực xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong tình huống khẩn cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền huy động các đơn vị này và giao cho Cục trưởng Cục Kiểm lâm trực tiếp chỉ đạo, điều hành nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vượt khả năng và thẩm quyền của Kiểm lâm cấp tỉnh.
- Hạt Kiểm lâm cấp huyện là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo đảm việc thi hành pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản ở cấp huyện.
Ổn định tổ chức đối với Hạt Kiểm lâm huyện hoặc Hạt Kiểm lâm liên huyện; Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng; Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ đang trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.
- Ở cấp xã, Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn xã có rừng nhằm tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển lâm nghiệp trên địa bàn xã.
- Hạt Kiểm lâm các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ không trực thuộc Chi cục Kiểm lâm thì giao Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh thống nhất quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và điều động lực lượng nhằm đảm bảo cho hoạt động của Kiểm lâm trên địa bàn được thống nhất và hiệu quả.
3. Rà soát, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật
Rà soát, sửa đổi, bổ sung Điều 79 và Điều 80 Luật Bảo vệ và phát triển rừng, để tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng kiểm lâm thực hiện chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Trước mắt sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm nhằm thống nhất hoạt động, chính sách, chế độ của Kiểm lâm theo nội dung của Đề án này.
- Rà soát, sửa đổi Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15 tháng 5 năm 2008 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Xây dựng Thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27 tháng 3 năm 2007, hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kiểm lâm ở địa phương.
- Bổ sung ngạch Kiểm lâm viên cao cấp vào hệ thống ngạch Kiểm lâm quy định tại Quyết định số 09/2006/QĐ-BNV ngày 05 tháng 10 năm 2006 của Bộ Nội vụ về ban hành chức danh, mã số và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức kiểm lâm.
- Rà soát, hoàn thiện Quy chế phối hợp trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp.
4. Tăng cường nguồn nhân lực của kiểm lâm, tiêu chuẩn hóa công chức kiểm lâm
Rà soát, sắp xếp biên chế đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ được giao, giảm biên chế gián tiếp, ưu tiên tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn xã để bảo vệ rừng tại cơ sở và những trọng điểm về phá rừng, cháy rừng. Kiên quyết chấn chỉnh, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong thi hành công vụ, đồng thời bổ sung đủ về số lượng theo định biên và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, tập trung ưu tiên bố trí Kiểm lâm phụ trách địa bàn cấp xã; Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng. Bình quân toàn quốc cứ một ngàn héc-ta rừng phòng hộ, sản xuất có một biên chế kiểm lâm theo quy định tại Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm và năm trăm héc-ta rừng đặc dụng có một biên chế kiểm lâm theo quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng. Cụ thể:
- Tiêu chuẩn hóa các vị trí việc làm và chức danh trong lực lượng kiểm lâm, công chức kiểm lâm phải có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo, có năng lực chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, chức danh, đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động công vụ.
- Bảo đảm biên chế cho Đội Kiểm lâm phòng cháy, chữa cháy rừng từ trung ương đến địa phương.
- Điều chỉnh hệ thống tổ chức kiểm lâm và bổ sung biên chế để đảm bảo bố trí Kiểm lâm địa bàn các xã có rừng.
- Bổ sung biên chế cho đơn vị điều tra xử lý vi phạm về lâm nghiệp.
- Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Kiểm lâm đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới, theo nguyên tắc giảm biên chế khâu gián tiếp để tăng cường lực lượng cho cơ sở và kiểm soát chặt chẽ lâm sản tại nơi chế biến, tiêu thụ.
- Củng cố tổ chức và lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành và điều tra xử lý tội phạm về lâm nghiệp, đảm bảo đủ số lượng và tinh nhuệ, hiện đại từ Trung ương đến địa phương.
- Rà soát và có phương án chuyển ngạch công chức cho các viên chức làm việc tại Chi cục Kiểm lâm vùng trực thuộc Cục Kiểm lâm. Đối với 584 cán bộ thuộc biên chế của Chi cục Lâm nghiệp sẽ được rà soát, chuyển đổi ngạch phù hợp.
5. Tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật khác
- Tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị và công cụ chuyên dùng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, cụ thể:
+ Đầu tư cho hoạt động dự báo, cảnh báo và phát hiện sớm điểm cháy rừng, bao gồm: Cải tạo và nâng cấp xây dựng Trung tâm điều hành, kiểm soát lửa rừng đặt tại Cục Kiểm lâm (gồm trạm thu ảnh, hệ thống thiết bị xử lý, điều khiển và truyền tin...); xây dựng các trạm phát hiện sớm điểm cháy rừng tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn, khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như: Vườn quốc gia Hoàng Liên, Vườn quốc gia Tam Đảo, Vườn quốc gia Yok Đôn, Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Phú Quốc, Khu rừng phòng hộ Nam Hải Vân, Khu rừng thông tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, Lâm Đồng, Kon Tum (gồm hệ thống trụ quan trắc bằng Laser và camera quang học, phòng xử lý thông tin và thiết bị truyền dẫn...).
+ Đầu tư phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu suất sử dụng cao (gồm xe chữa cháy chuyên dụng, xe tuần tra, máy móc chữa cháy rừng....); Nghiên cứu phương án kiểm soát cháy rừng trên không bằng máy bay phục vụ cho công tác chỉ đạo, tuần tra phát hiện sớm điểm cháy và chữa cháy rừng.
- Đầu tư trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ đồng bộ, thống nhất đảm bảo trang bị đủ và đúng đối tượng theo quy định hiện hành.
- Nâng cấp, cải tạo xây dựng cơ sở đào tạo, huấn luyện, thực hành, thực tập và đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ đào tạo tại các Chi cục Kiểm lâm vùng.
- Đầu tư xây dựng các chốt, trạm bảo vệ rừng, nhà công vụ, trang thiết bị cho Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Dự kiến xây dựng 1.000 nhà công vụ cho Kiểm lâm địa bàn tại các xã hoặc cụm xã.
6. Bảo đảm tài chính cho hoạt động của Kiểm lâm
a) Ngân sách nhà nước cấp và đảm bảo kinh phí cho hoạt động của lực lượng kiểm lâm theo quy định của Nhà nước, trong đó:
- Nguồn vốn sự nghiệp hành chính và sự nghiệp kinh tế ngoài chi phí hành chính để bảo đảm chi lương, các khoản phụ cấp và chi cho hoạt động nghiệp vụ hàng năm của Kiểm lâm.
- Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Kiểm lâm giai đoạn 2015 - 2020.
- Ngoài ra, có thể huy động các nguồn vốn khác, như vốn đóng góp của các chủ rừng; vốn viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức trong và nước ngoài; các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ khác phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ rừng.
b) Kinh phí thực hiện Đề án thông qua các dự án ưu tiên gồm:
- Dự án “Tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015 - 2020”.
- Dự án “Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2015 - 2020”.
- Dự án “Đầu tư phương tiện, trang thiết bị và cơ sở vật chất cho lực lượng kiểm lâm ở cơ sở”.
- Nguồn vốn:
+ Ngân sách Trung ương cấp thông qua chương trình bảo vệ rừng bền vững.
+ Ngân sách địa phương đối với các tỉnh tự cân đối ngân sách.
+ Đầu tư của các chủ rừng là của đơn vị sản xuất kinh doanh trồng rừng sản xuất.
+ Nguồn ODA, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Trong đó: Ngân sách Trung ương ưu tiên đầu tư cho các địa phương có diện tích rừng lớn, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trọng điểm. Không bố trí ngân sách Trung ương cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối được ngân sách như: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, theo nguyên tắc ngân sách Trung ương sẽ đầu tư giảm dần theo các năm, ngân sách của các địa phương tăng lên theo các năm.
7. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp
- Xây dựng cơ chế chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với Công an, Quân đội và các lực lượng khác tham gia công tác bảo vệ rừng.
+ Phối hợp với lực lượng Quân đội
Phối hợp đấu tranh ngăn chặn và truy quét những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng theo kế hoạch phối hợp hoạt động được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Phối hợp hoạt động giữa lực lượng kiểm lâm với lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng, theo quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25 và 26 của Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng.
+ Phối hợp với lực lượng Công an
Rà soát, hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm và Công an nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; triệt phá các băng nhóm tội phạm về lâm nghiệp.
Tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong điều tra, xử lý tội phạm trong lâm nghiệp.
Đấu tranh, phòng ngừa và xử lý những hành vi tiêu cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức Kiểm lâm.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng và duy trì lực lượng liên ngành giữa Công an và Kiểm lâm nhằm tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương có điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.
- Xây dựng cơ chế và chế độ làm việc, sinh hoạt cho Kiểm lâm địa bàn xã; có chính sách ưu tiên tuyển dụng người địa phương. Đối với các xã có nhiều rừng, phức tạp trong bảo vệ rừng, có thể tổ chức hợp đồng lao động bảo vệ rừng và xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng.
- Xây dựng cơ chế dự trữ và điều động các phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng.
8. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn
- Xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với mục tiêu và đối tượng được đào tạo, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đến hết năm 2020, phấn đấu đào tạo nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hành cho 33.600 lượt cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng các cấp và lực lượng kiểm lâm, đặc biệt là Kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, cụ thể:
+ Tỷ lệ cán bộ, công chức kiểm lâm có trình độ đại học trở lên chiếm trên 90% (hiện nay là gần 50%).
+ Đào tạo, cấp chứng nhận điều tra viên hình sự cho một số công chức kiểm lâm công tác tại Phòng điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp thuộc Cục Kiểm lâm và Phòng điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước và nghiệp vụ các ngạch công chức kiểm lâm và tương đương cho khoảng 8.600 lượt người; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phát triển rừng cho khoảng 21.000 lượt người và đào tạo, tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ, võ thuật, lái xe cho 4.000 lượt người.
+ Quy hoạch và xây dựng kế hoạch đào tạo một số chuyên gia giỏi cho ngành (ít nhất cấp Trung ương có từ 10 - 15 người, cấp địa phương mỗi tỉnh có rừng có 1 - 2 người) để giúp xây dựng chiến lược bảo vệ và phát triển rừng.
- Xây dựng và tập hợp đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện có trình độ cao, trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết và phương pháp truyền đạt tốt.
9. Các nội dung và giải pháp khác
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý bảo vệ rừng, như sử dụng ảnh viễn thám và hệ thống thông tin địa lý trong giám sát và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; phân vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm điểm cháy rừng; truyền tin, xử lý thông tin về bảo vệ rừng;
- Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực lâm nghiệp; thăm quan nghiên cứu các mô hình quản lý bảo vệ rừng, như: Quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, trao đổi, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật dự án đầu tư cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và dự án trong lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, đổi mới nhận thức về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại cơ sở, xác định vai trò, trách nhiệm tổ chức quản lý bảo vệ rừng của chính quyền cấp xã là giải pháp cơ bản, lâu dài;
- Đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng, đảm bảo tất cả diện tích rừng trên địa bàn có chủ quản lý cụ thể, cơ bản hoàn thành công tác giao rừng, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rừng vào năm 2015.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Xây dựng và thực hiện các dự án trong phạm vi toàn quốc;
b) Xây dựng các quy định, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các dự án;
c) Chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để triển khai thực hiện đề án;
d) Hàng năm xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, trên cơ sở đó làm cơ sở xác định biên chế công chức Kiểm lâm của Bộ gửi Bộ Nội vụ thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định; phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn về sắp xếp tổ chức, biên chế hành chính nhà nước và biên chế sự nghiệp, thông báo cho địa phương; quy định về tiêu chuẩn hóa các vị trí việc làm, chức danh, chế độ ngạch công chức, viên chức Kiểm lâm;
đ) Quy định cụ thể về chế độ làm việc và sinh hoạt của Kiểm lâm địa bàn xã, Kiểm lâm tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ như nhà ở công vụ, phương tiện đi lại và chế độ sinh hoạt; quy định độ tuổi của Kiểm lâm địa bàn xã. Quy định cụ thể công tác quản lý, xử lý đối với công chức, viên chức kiểm lâm không hoàn thành nhiệm vụ, tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong công tác;
e) Kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện đề án và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Công an
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn thiện Quy chế phối hợp trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, phê duyệt kinh phí đầu tư để thực hiện đề án.
4. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm nguồn kinh phí và hướng dẫn sử dụng ngân sách thực hiện đề án đúng quy định và đảm bảo tiến độ kế hoạch của đề án.
5. Bộ Nội vụ
Thẩm định đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh trong đó có biên chế công chức Kiểm lâm, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phương án chuyển ngạch công chức cho các viên chức làm việc tại Chi cục Kiểm lâm vùng trực thuộc Cục Kiểm lâm. Đối với 584 cán bộ thuộc biên chế của Chi cục Lâm nghiệp sẽ được rà soát, chuyển đổi ngạch phù hợp.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tham gia triển khai thực hiện đề án theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Hàng năm xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, làm cơ sở xác định biên chế công chức Kiểm lâm của tỉnh gửi Bộ Nội vụ thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.