ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1908/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 21 tháng 10 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2013-2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;
Căn cứ Thông tư số 20/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về tổ chức, quản lý và điều hành chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 45/TTr- SKHCN ngày 27 tháng 9 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2020” với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên Dự án: “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2020”.
2. Thời gian thực hiện: Từ tháng 10 năm 2013 đến tháng 12 năm 2020.
3. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung:
- Xây dựng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, phát triển nguồn lực cho các doanh nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên của tỉnh.
- Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm hàng hoá thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên của tỉnh; nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Thúc đẩy và hỗ trợ việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
- Tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.
b) Mục tiêu cụ thể:
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hoá thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên của tỉnh xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng gồm các nội dung: Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ, mô hình cải tiến năng suất và chất lượng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất.
Giai đoạn 2013-2015:
+ Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng, chứng nhận 30 sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
+ Hỗ trợ 05 lượt doanh nghiệp áp dụng công cụ, mô hình cải tiến năng suất chất lượng: 5S, Kaizen, TPM, TQM, Six Sigma...
+ Hỗ trợ 10 lượt doanh nghiệp tham gia xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: ISO 9001, ISO/IEC 17025, ISO 22000, HACCP, GMP, OHSAS 18001,SA 8000,...
+ Hỗ trợ 4 doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia.
+ Hỗ trợ 10 doanh nghiệp tham gia đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất…
+ Hỗ trợ 15 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá trong và ngoài nước; kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; 02 đơn vị (tổ chức tập thể) có sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản nổi tiếng gắn với địa danh của địa phương được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Giai đoạn 2016-2020:
+ Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng và chứng nhận 50 sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
+ Hỗ trợ 15 doanh nghiệp áp dụng công cụ, mô hình cải tiến năng suất và chất lượng: 5S, Kaizen, TPM, TQM, Six Sigma ...
+ Hỗ trợ 15 doanh nghiệp tham gia xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: ISO 9001, ISO/IEC 17025, ISO 22000, HACCP, GMP, OHSAS 18001,SA 8000,...
+ Hỗ trợ 05 doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia.
+ Hỗ trợ 15 doanh nghiệp tham gia đổi mới công nghệ.
+ Hỗ trợ 15 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá (bảo hộ trong và ngoài nước); kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; 03 đơn vị (tổ chức tập thể) có sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản nổi tiếng gắn với địa danh của địa phương đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc xây dựng chỉ dẫn địa lý.
+ Xây dựng, nâng cấp và nâng cao năng lực phòng thử nghiệm phục vụ cho công tác đánh giá sự phù hợp sản phẩm.
Giai đoạn 2013-2015: Đầu tư nâng cấp 01 phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC-17025 và được chỉ định tham gia hoạt động thử nghiệm về đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hoá thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên của tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư nâng cấp 01 phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC-17025 thực hiện thử nghiệm sản phẩm hàng hoá thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên của tỉnh và được chỉ định tham gia hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hoá nhóm 2 phục vụ quản lý nhà nước trên toàn tỉnh.
+ Đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất chất lượng, tổ chức cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất chất lượng.
+ Tổ chức 08 lớp tập huấn (02 lớp/năm) cho doanh nghiệp, các sở, ngành, huyện/thành phố, nội dung phương pháp luận về năng suất, đo lường và cải tiến năng suất; phương pháp xác định các công cụ cải tiến, xây dựng và áp dụng các công cụ nâng cao năng suất và chất lượng.
+ Đào tạo 10 cán bộ thuộc các sở, ngành, huyện/thành phố trở thành chuyên gia năng suất chất lượng để làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thực hiện năng suất chất lượng và làm nồng cốt trong phong trào năng suất chất lượng của tỉnh.
+ Tổ chức thực hành về năng suất chất lượng tại doanh nghiệp cho 10 chuyên gia năng suất chất lượng đã được đào tạo và triển khai thí điểm việc tư vấn tại 02 doanh nghiệp.
4. Nhiệm vụ:
- Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng trên địa bàn tỉnh.
- Đầu tư, xây dựng tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hoá thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên của tỉnh.
- Xây dựng và thực hiện dự án nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp điều kiện kinh tế của tỉnh.
- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ.
5. Giải pháp thực hiện:
a) Giải pháp về tài chính:
- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: Hỗ trợ việc xây dựng mô hình; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất chất lượng; thông tin tuyên truyền; tăng cường năng lực phòng thử nghiệm và hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng; đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ.
- Nguồn vốn của doanh nghiệp là chủ yếu để ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đào tạo nâng cao trình độ quản lý của doanh nghiệp; đổi mới thiết bị công nghệ… cho doanh nghiệp.
b) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực:
- Xây dựng và đào tạo đội ngũ gồm 10 chuyên gia tư vấn về năng suất và chất lượng tại địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án năng suất và chất lượng.
- Xây dựng một mạng lưới tuyên truyền viên về năng suất và chất lượng của tỉnh (huyện, thành phố và doanh nghiệp).
- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đáp ứng yêu cầu phát trển kinh tế - xã hội và làm nồng cốt trong việc triển khai phong trào năng suất chất lượng của tỉnh.
c) Giải pháp về truyền thông:
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo để phổ biến và quảng bá việc triển khai phong trào năng suất chất lượng của tỉnh.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi và các phương tiện truyền thông khác.
- Trưng bày các khẩu hiệu, pano, áp phích,... tại các khu vực, địa điểm có khả năng thu hút được nhiều sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội.
6. Trách nhiệm thực hiện:
a) Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan:
+ Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý, theo dõi tình hình thực hiện dự án và phối hợp với Sở Tài chính, các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh các chính sách, biện pháp cần thiết, điều chỉnh nội dung để thực hiện dự án có hiệu quả.
+ Tổ chức phổ biến nội dung, chính sách hỗ trợ của dự án cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
+ Xem xét, thẩm định việc đầu tư, trang bị, xây dựng phòng thử nghiệm của tỉnh đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế của tỉnh.
+ Hàng năm xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí triển khai dự án và kinh phí hoạt động của Ban điều hành dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Tham mưu việc thành lập Hội đồng xét tuyển, nghiệm thu các dự án và trình cấp có thẩm quyền quyết định.
+ Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện dự án; báo cáo đột xuất và định kỳ hàng năm về Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ theo dõi, chỉ đạo.
b) Sở Công Thương chủ trì, xác định danh sách doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hoá thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên của tỉnh để xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết, liên doanh tạo lập và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và doanh nghiệp, vận động doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp tham gia dự án.
c) Sở Tài chính: Xem xét thẩm định, phân bổ kinh phí theo kế hoạch để thực hiện dự án.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm, hàng hoá nông - thuỷ sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất thực hiện tiêu chuẩn hoá sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý và công cụ quản lý chất lượng phù hợp. Xây dựng và triển khai dự án đầu tư phòng thử nghiệm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá.
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp địa phương, để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hỗ trợ các Sở, ngành trong việc triển khai các dự án đầu tư.
g) Ban Quản lý các khu công nghiệp: Tuyên truyền về nội dung và chính sách hỗ trợ của dự án, vận động doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tham gia dự án.
h) Các cơ quan thông tin truyền thông, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng các sở, ngành liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền về năng suất chất lượng bao gồm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án, kết quả lợi ích của việc thực hiện dự án, góp phần tạo dựng và hình thành phong trào năng suất chất lượng trong tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
i) Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương, chỉ đạo các cơ quan chức năng đề xuất vận động lựa chọn doanh nghiệp tham gia dự án.
k) Trách nhiệm của các tổ chức tư vấn:
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để thực hiện việc tư vấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng,… cam kết cử các chuyên gia tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện khảo sát, đào tạo và tư vấn có hiệu quả cho các doanh nghiệp.
- Thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính, thanh quyết toán theo đúng quy định của Nhà nước.
l) Trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia dự án: Cam kết thực hiện đúng các nội dung dự án tại doanh nghiệp theo kế hoạch được duyệt. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình, tiến độ, kinh phí, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện các nội dung dự án tại doanh nghiệp và đề xuất cho Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) xem xét, phối hợp giải quyết.
7. Kinh phí thực hiện:
a) Tổng kinh phí thực hiện dự án là: 68.793.402.000 đồng. Trong đó:
- Vốn sự nghiệp KHCN: 18.878.402.000 đồng.
- Vốn từ ngân sách (nâng cấp 02 phòng thử nghiệm): 10.000.000.000 đồng.
- Vốn khác (doanh nghiệp, tín dụng…): 39.915.000.000 đồng.
b) Phân kỳ kinh phí:
- Vốn sự nhiệp KHCN:
+ Năm 2013: 794.720.000 đồng.
+ Năm 2014: 2.744.828.000 đồng.
+ Năm 2015: 3.004.828.000 đồng.
+ Giai đoạn 2016-2020: 12.334.027.000 đồng.
- Vốn từ ngân sách:
+ Giai đoạn 2013-2015: 5.000.000.000 đồng.
+ Giai đoạn 2016-2020: 5.000.000.000 đồng.
Điều 2. Điều khoản thi hành
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.