ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1907/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “PHƯƠNG ÁN BÌNH ỔN GIÁ CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2011”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về “Những giải pháp chủ yếu tập trung kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”;
Căn cứ Chương trình số 33/CTr-UBND ngày 07/03/2011 của UBND Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1001/TTr-SCT ngày 19 tháng 4 năm 2011 về việc đề nghị phê duyệt “Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2011”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2011”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và PTNT, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công an Thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHƯƠNG ÁN
BÌNH ỔN GIÁ CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2011
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1907/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
Năm 2011, tình hình bất ổn về chính trị và kinh tế tại nhiều khu vực trên thế giới cùng các chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát của một số nền kinh tế lớn là những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa thế giới. Do nhiều nguyên nhân, giá một số mặt hàng có xu hướng tăng cao. Dự báo giá hàng hóa trong những tháng tiếp theo còn nhiều phức tạp, nhiều mặt hàng nguyên nhiên liệu thiết yếu vẫn tiếp tục chiều hướng tăng giá.
Thị trường trong nước ngoài việc chịu tác động từ thị trường thế giới còn chịu ảnh hưởng tăng chi phí đầu vào (sau khi giá điện, xăng dầu …, biến động tỷ giá giữa đồng Việt Nam với ngoại tệ, sự biến động giá vàng …) sẽ tiếp tục gây tác động lan tỏa đối với nhiều hàng hóa dịch vụ và sẽ hình thành mặt bằng giá mới. Đồng thời còn chịu sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh … làm ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng từ đó giá cả hàng hóa có diễn biến theo xu hướng tăng thường xuyên, liên tục.
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ và Chương trình hành động số 33/CTr-UBND ngày 07/3/2011 của UBND Thành phố Hà Nội về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2011 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nhằm góp phần cân đối cung cấp hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu; từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
2. Yêu cầu
- Đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng bán trên thị trường. Hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định.
- Mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu phải được phân bố đều và rộng khắp trên địa bàn Thành phố.
- Quản lý tốt và phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn nhà nước tạm ứng cho doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Xác định nhóm hàng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cần bình ổn giá
Ngoài những hàng hóa, dịch vụ trong danh mục bình ổn giá trên phạm vi cả nước được quy định tại Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá; Thành phố xác định các nhóm, mặt hàng cần bình ổn thị trường có những tính chất sau đây:
- Có tính chất thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân thành phố.
- Có tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả, nhưng thành phố khó chủ động về số lượng và nguồn hàng cung ứng một cách ổn định.
- Các mặt hàng lương thực thực phẩm cân đối cung - cầu tại chỗ trên địa bàn Thành phố còn thiếu phải khai thác thu mua ở thị trường ngoài Thành phố.
Nhóm mặt hàng cần tập trung bình ổn thị trường trong năm 2011, bao gồm: Gạo tẻ; thịt lợn; thịt gà, vịt; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá; thủy hải sản tươi, đông lạnh; dầu ăn; đường RE; rau củ tươi, giấy vở học sinh (Có danh mục nhóm các mặt hàng bình ổn chi tiết kèm theo).
2. Cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn (tính cho khoảng 8 triệu dân)
- Gạo tẻ:
Nhu cầu tiêu thụ bình quân là 8kg/người/tháng, tổng nhu cầu tiêu dùng gạo của người dân Thành phố khoảng 65.000 tấn/tháng và 780.000 tấn/năm.
Các vùng trồng lúa thuộc các huyện ngoại thành cung cấp khoảng 300.000 tấn gạo/năm. Vì vậy lượng gạo tiêu dùng trong dân thiếu khoảng 480.000 tấn. Lượng gạo còn thiếu được cung cấp từ các tỉnh lân cận và đồng bằng Nam Bộ.
Việc cung ứng gạo trên thị trường hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp cung ứng gạo như Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, một số doanh nghiệp kinh doanh gạo và các hộ kinh doanh tại các chợ nội thành. Bên cạnh đó còn một kênh phân phối là người kinh doanh gạo từ nông thôn đưa thẳng gạo đến các nhà hàng, bếp ăn tập thể hoặc hộ gia đình.
- Thịt lợn:
Nhu cầu tiêu thụ khoảng 10.000 tấn lợn hơi/tháng, cả năm khoảng 120.000 tấn. Hiện tại, nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn Thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu Hà Nội (Lượng cung lợn hơi xuất chuồng 308.000 tấn tương đương 200.000 tấn móc hàm). Tuy nhiên, do dịch bệnh và lưu thông hàng hóa ra ngoài địa bàn, nên có những thời điểm thị trường vẫn bị thiếu hàng cục bộ. Vì vậy, phải khai thác thêm ở các tỉnh lân cận và cả phía nam.
- Thịt gà, vịt:
Nhu cầu tiêu thụ khoảng 3.500 tấn thịt/tháng, cả năm khoảng 42.000 tấn. Tổng sản lượng thịt gà, vịt từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trên địa bàn Thành phố cung ứng 26.000 tấn thịt thương phẩm/năm, đáp ứng khoảng 62% lượng thịt tiêu thụ trên thị trường, 38% lượng thịt còn lại được khai thác, cung ứng từ các tỉnh lân cận.
- Trừng gà, vịt:
Nhu cầu tiêu thụ khoản 75 triệu quả/tháng, cả năm khoảng 900 triệu quả. Sản lượng trứng gia cầm từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trên địa bàn Thành phố là 348 triệu quả/năm đáp ứng được 39% nhu cầu tiêu thụ của thị trường, còn lại được cung ứng từ các tỉnh lân cận.
- Thủy, hải sản tươi, đông lạnh:
Nhu cầu tiêu thụ khoảng 4.500 tấn/tháng, cả năm khoảng 54.000 tấn. Mặt hàng này Hà Nội tự cung cấp cho thị trường rất ít (khoảng 15%), chủ yếu được khai thác từ các tỉnh, thành phố khác.
- Thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá:
Nhu cầu tiêu thụ khoảng 4.000 tấn/tháng, cả năm tiêu thụ 48.000 tấn. Các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến của Hà Nội cung cấp lượng hàng rất ít (dự kiến khoảng 20-25%), chủ yếu được khai thác từ các tỉnh, thành khác.
- Dầu ăn
Nhu cầu tiêu thụ khoảng 3,1 triệu lít/tháng, cả năm là 37 triệu lít. Mặt hàng dầu ăn hầu hết được cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác.
- Đường RE:
Nhu cầu tiêu thụ đường phục vụ cho sản xuất, chế biến và đời sống của Thành phố khoảng 3.000 tấn/tháng, cả năm khoảng 36.000 tấn. Mặt hàng đường ăn hầu hết được cung cấp từ nguồn nhập khẩu và các tỉnh về tiêu thụ tại Hà Nội.
- Rau, củ tươi:
Nhu cầu khoảng 75.000 tấn/tháng, cả năm khoảng 900.000 tấn. Sản lượng rau, củ Thành phố sản xuất được khoảng 500.000 tấn/năm. Nguồn cung chủ yếu tại các huyện ngoại thành đáp ứng được gần 55% còn lại được cung ứng tại các tỉnh.
- Giấy vở học sinh:
Nhu cầu tiêu dùng của học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông khoảng 1.350.000 tập/năm (loại tập 32 - 100 trang).
Mặt hàng này phục vụ cho học sinh từ tiểu học đến phổ thông trung học, được bán qua hệ thống các trường học do các doanh nghiệp kinh doanh chuyên ngành đảm nhiệm; vốn ứng cho nhu cầu này tập trung vào trước, trong, sau khai giảng năm học mới; thời gian ứng vốn và dự trữ bán ra là 5 tháng, từ tháng 6/2011 đến hết 10/2011.
3. Cân đối vốn tạm ứng với hàng hóa và phân bổ vốn
Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng và giữ mức lượng hàng hóa như năm 2010, mức vốn tạm ứng cho các doanh nghiệp để dự trữ và bán hàng bình ổn giá năm 2011 là: 475 tỷ đồng (do giá cả từ năm 2010 đến nay tăng cao).
Tuy nhiên, cần phải điều chỉnh cơ cấu các mặt hàng trong nhóm hàng bình ổn giá để phù hợp nhu cầu tiêu dùng và tình hình thị trường. Số vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn giá thị trường được phân bổ như sau:
(Đơn vị tính: Triệu đồng)
STT | Mặt hàng | Đơn vị | Lượng DT | Đơn giá TB | Thành tiền |
1 | Gạo tẻ thường | tấn | 6.400 | 13 | 83.200 |
2 | Thịt lợn | tấn | 1.350 | 70 | 94.500 |
3 | Thịt gà, vịt | tấn | 500 | 85 | 42.500 |
4 | Trứng gà, vịt | 1000 quả | 8.000 | 2.5 | 20.000 |
5 | Thủy, hải sản | tấn | 800 | 74 | 59.200 |
6 | Thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá | tấn | 1.280 | 75 | 96.000 |
7 | Dầu ăn | 1000 lít | 800 | 37 | 29.600 |
8 | Đường RE | tấn | 250 | 22 | 5.500 |
9 | Rau, củ | tấn | 2.500 | 14 | 35.000 |
10 | Giấy vở viết học sinh | 1000 tập | 1.350 | 7 | 9.500 |
| Tổng hợp |
|
|
| 475.000 |
Số tiền Thành phố tạm ứng 475 tỷ đồng đáp ứng bình quân 10% so với nhu cầu tổng mức 10 nhóm mặt hàng; Do vậy, yêu cầu các doanh nghiệp bằng các nguồn vốn khác chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng trên tối thiểu 10%, đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ của Thành phố.
Hàng hóa đảm bảo có giá bán thấp hơn giá thị trường tối thiểu 10% khi có biến động bất thường về giá.
4. Thời gian ứng vốn
Vốn tạm ứng chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bán ra các mặt hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu bình ổn giá thị trường của thành phố từ tháng 5/2011 đến hết tháng 4/2012. Riêng mặt hàng giấy vở học sinh, thời gian bình ổn từ tháng 6/2011 đến hết tháng 10/2011.
5. Đối tượng tham gia bình ổn giá:
Bao gồm Doanh nghiệp phân phối bán lẻ; doanh nghiệp sản xuất; doanh nghiệp cung ứng hàng hóa; doanh nghiệp vừa cung ứng, vừa có hệ thống phân phối bán lẻ. Việc xét duyệt các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá trên cơ sở tiêu chí:
- Doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn (vốn, mạng lưới bán buôn, bán lẻ, kho dự trữ, có năng lực và kinh nghiệm tổ chức nguồn hàng, phân phối); hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
- Có phương án tổ chức kinh doanh đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ bình ổn thị trường, đặc biệt là những giải pháp phát triển mạng lưới bán lẻ.
- Ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp lớn đang hoạt động kinh doanh thương mại những mặt hàng cần bình ổn trên địa bàn Thành phố
Ngoài các doanh nghiệp tham gia được tạm ứng vốn, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn giá nhưng không tạm ứng vốn để mở rộng thị trường bình ổn giá, với yêu cầu các doanh nghiệp này phải chấp hành các quy định về đăng ký giá, treo biển nhận diện hàng bình ổn giá, … như các doanh nghiệp được tạm ứng vốn của thành phố.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh khai thác, thu mua hàng hóa trong và ngoài thành phố
- Ưu tiên khai thác nguồn hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn Thành phố. Chủ động phối hợp với các tỉnh trong việc khai thác hàng hóa nhằm bù đắp lượng hàng thiếu của Hà Nội thông qua các đợt đưa doanh nghiệp đi tìm hiểu khai thác, ký kết các hợp đồng thu mua hàng tại các tỉnh.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chở hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh đưa về Hà Nội và đưa vào các điểm bán hàng bình ổn giá trong khu vực nội thành để cung ứng kịp thời hàng hóa.
- Tổ chức các Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất để phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo nhiều hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
2. Phát triển mạng lưới điểm bán hàng
- Phát triển mạng lưới ở các chợ dân sinh, khu dân cư … theo mô hình hợp tác liên kết, bán đại lý … với giá bán và nhận diện thống nhất trong hệ thống của doanh nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại khu vực nông thôn.
- Tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, các khu công nghiệp, chế xuất (theo Chương trình đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2011).
- Tập trung các điểm bán cố định trong các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán trong mạng lưới bán hàng của các doanh nghiệp tham gia.
Đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại (siêu thị, cửa hàng) tại địa bàn nông thôn.
3. Quản lý về giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá:
Doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thực hiện đăng ký giá với Sở Tài chính, Sở Công Thương đối với các mặt hàng trong diện bình ổn giá theo nguyên tắc:
- Mức giá bán hàng hóa đảm bảo sát giá thị trường (là mức giá phổ biến của hàng hóa trên thị trường tại thời điểm đăng ký giá trên cơ sở so sánh, đối chiếu hàng hóa, sản phẩm có cùng phương pháp sản xuất, hệ thống phân phối, bảo quản sản phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và các đặc tính kỹ thuật khác tương đương …)
- Trong trường hợp giá của một hoặc một số loại hàng hóa trên thị trường có biến động kéo dài tối thiểu 15 ngày liên tục và mức tăng từ 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động và khi Doanh nghiệp đã cung ứng hàng hóa ra thị trường vượt lượng hàng hóa dự trữ tương ứng với số vốn nhận hỗ trợ từ ngân sách, doanh nghiệp báo cáo sở Tài chính, sở Công thương phương án điều chỉnh giá. Mức giá điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc thấp hơn 10% giá thị trường.
- Doanh nghiệp chỉ được bán hàng theo mức giá đăng ký hoặc giá điều chỉnh sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của sở Tài chính.
4. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
4.1. Đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá:
- Thành lập tổ công tác liên ngành gồm các sở, ngành chức năng của Hà Nội: sở Công thương, sở Tài chính, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Thông tin và Truyền thông, cục Thống kê Thành phố trong đó giao lãnh đạo sở Công Thương là tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ giám sát việc sử dụng vốn tạm ứng, tạo nguồn hàng dự trữ và bán hàng của các doanh nghiệp, đồng thời tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố xử lý kịp thời các biến động của thị trường. Thiết lập đường dây nóng tại sở Công Thương (số điện thoại: 04.6269.1279 hoặc 04.6269.1272 email: phongqltm@gmail.com) để người dân, các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo đài phản ánh, thông tin về tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa bình ổn. Thành phố hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền và kinh phí hoạt động cho tổ công tác liên ngành Thành phố.
- Kiểm tra một cách thường xuyên hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác dự trữ hàng hóa và việc thực hiện cam kết bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp theo 2 đối tượng: Nơi phát nguồn hàng - kiểm tra số lượng, chủng loại, chất lượng nguyên liệu, thành phẩm tại nơi sản xuất, kho dự trữ của các doanh nghiệp và kênh phân phối hàng hóa - kiểm tra giá bán, chủng loại, chất lượng hàng hóa tại các điểm bán lẻ thuộc danh sách đăng ký tham gia bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp.
4.2. Đối với hoạt động chung của thị trường trên địa bàn Thành phố:
- Triển khai thực hiện một cách nhất quán, liên tục và kiên quyết Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính và các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Các lĩnh vực cần quan tâm trong công tác quản lý thị trường như: chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm công nghiệp chế biến, phòng ngừa dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm, vi phạm về chất lượng đo lường, sở hữu công nghiệp, ghi nhãn hàng hóa và các vi phạm khác trong hoạt động thương mại.
- Chú trọng các biện pháp phòng ngừa, xử lý các trường hợp về đầu cơ hàng hóa bởi đó là nguyên nhân chính của những cơn sốt giá đột biến. Tổ chức các đoàn kiểm tra, không để các chủ thể sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình biến động thị trường để tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật, làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
5. Xử lý vi phạm:
- Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và nhóm mặt hàng bày bán tại các điểm đăng ký bán hàng bình ổn giá ít hơn 2/3 tổng số nhóm mặt hàng đã đăng ký thì áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể theo quy định hiện hành.
- Trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn được tạm ứng không đúng mục đích, không thực hiện đúng cam kết về cung ứng lượng hàng bình ổn: doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ phần vốn đã được giao bình ổn. Nếu doanh nghiệp không thực hiện trả vốn vay đầy đủ và đúng hạn theo Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố, doanh nghiệp sẽ phải chịu lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định thu hồi.
6. Công tác dự báo thị trường và thông tin tuyên truyền:
- Theo dõi sát diễn biến của thị trường trong nước, nhất là các yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa để kịp thời nâng cao chất lượng dự báo giá cả, cung cầu thị trường các mặt hàng thiết yếu nhằm kịp thời đánh giá và dự báo được thời điểm xảy ra biến động bất thường để không bị động và có những giải pháp thích ứng hiệu quả.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phổ biến rộng rãi chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Thành phố, công tác triển khai thực hiện, các giải pháp chỉ đạo điều hành của Trung ương và địa phương để người dân và doanh nghiệp tham gia hưởng ứng, qua đó củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
- Tiếp tục thực hiện việc treo biển nhận diện trong và ngoài các điểm bán hàng bình ổn giá như phương án bình ổn giá năm 2010 đã được UBND Thành phố phê duyệt, có bổ sung thêm việc nhận diện hàng bình ổn giá trên từng sản phẩm.
- Giao ban báo chí định kỳ, và trong các thời điểm nhạy cảm … tại hội nghị giao ban báo chí Thành phố.
7. Chế độ thông tin báo cáo:
Các doanh nghiệp được Thành phố cho tạm ứng vốn thực hiện chế độ báo cáo tổng hợp thường xuyên (01 tháng/lần) về tình hình dự trữ, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu của doanh nghiệp và báo cáo tình hình mua vào, bán ra những mặt hàng tham gia bình ổn giá của doanh nghiệp và diễn biến giá cả 1 tuần/1 lần về Liên Sở Công Thương - Tài chính để theo dõi tổng hợp; đồng thời báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa.
8. Tiến độ thực hiện:
Trong tháng 4/2011, công khai phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2011 của Thành phố để các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn được biết và xây dựng phương án tham gia, gửi Liên sở Công thương - Tài chính.
Liên sở Công thương - Tài chính thẩm định và trình Thành phố phê duyệt phương án bình ổn của doanh nghiệp.
Tháng 5/2011 Thành phố tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá.
Tháng 4/2012 các đơn vị thu hồi và hoàn trả vốn cho ngân sách Thành phố.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các Sở, ban, ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện gắn công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu với công tác bình ổn giá thị trường nói chung, kết hợp việc đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là khu vực nông thôn, các xã có cơ sở thương mại còn ít; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phải bao quát, gắn với nhiệm vụ chống đầu cơ, buôn lậu, đầu cơ tích trữ trên thị trường.
Để đảm bảo thực hiện các nội dung trên, Ủy ban nhân dân Thành phố giao nhiệm vụ cho các sở ban ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai trên địa bàn thành phố như sau:
1. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với sở Tài chính hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án, thẩm định phương án tham gia bình ổn giá của doanh nghiệp và đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định, mức hỗ trợ vốn cho từng doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bình ổn giá.
- Chủ trì, phối hợp với sở Tài chính và các sở ngành, cơ quan liên quan xét duyệt và chấp thuận đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá nhưng không tạm ứng vốn.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đăng ký số lượng, chủng loại hàng hóa cụ thể của từng điểm bán hàng bình ổn giá gửi sở Công thương, sở Tài chính làm cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp.
- Phối hợp với sở Tài chính kiểm tra tiến độ tạo nguồn hàng thiết yếu của các doanh nghiệp về số lượng, chủng loại, chất lượng hàng hóa tham gia bình ổn; kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, đăng ký giá đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá của Thành phố.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp: đầu cơ hàng hóa; găm hàng; tăng giá quá mức; đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; và các hành vi vi phạm hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại theo thẩm quyền.
- Đối với đường dây nóng, sở Công thương chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin và xử lý những trường hợp phát sinh theo thẩm quyền, trường hợp không thuộc thẩm quyền thì có trách nhiệm chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, ban quản lý các chợ bố trí điểm, quầy hàng cho doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá tại các chợ dân sinh.
- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2011.
2. Sở Tài chính
- Phối hợp với sở Công Thương tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định, công bố thi hành các biện pháp bình ổn thị trường và trong trường hợp giá cả thị trường có biến động bất thường trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn tổ chức thực hiện quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
- Phối hợp với sở Công thương thẩm định phương án, trình UBND Thành phố quyết định mức vốn tạm ứng cho các doanh nghiệp; thực hiện thủ tục tạm ứng vốn từ Quỹ Dự trữ tài chính Thành phố cho các doanh nghiệp sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt mức tiền tạm ứng.
- Chủ trì, phối hợp sở Công Thương và các ngành có liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá trên địa bàn; xây dựng chỉ tiêu quản lý giá cả các mặt hàng thuộc danh mục cần bình ổn giá của Thành phố, trong đó chú trọng đến việc xác định địa bàn, nhóm ngành hàng trọng điểm, kiểm tra giá trong đợt cao điểm lễ và tết; hướng dẫn các đơn vị kinh doanh đăng ký, kê khai giá, niêm yết giá theo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về giá thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; xử phạt các trường hợp vi phạm về giá đối với các mặt hàng tham gia bình ổn giá.
- Chủ trì, phối hợp sở Công thương tổ chức thu thập thông tin giá cả thị trường, phân tích, tổng hợp thông tin và dự báo biến động giá cả, nhằm nắm bắt tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành những chính sách thích hợp để điều tiết thị trường.
- Thẩm định hồ sơ đăng ký giá, phương án điều chỉnh giá của các doanh nghiệp chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, phương án giá gửi đến; quyết định chấp thuận phương án điều chỉnh giá của các doanh nghiệp khi thị trường có biến động về giá.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với sở Công Thương, Tài chính triển khai xây dựng cụ thể kế hoạch bình ổn giá mặt hàng giấy, vở học sinh.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của Thành phố, nhằm chủ động tạo nguồn hàng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Thành phố. Phối hợp sở Công thương kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng thực phẩm tươi sống tham gia bình ổn giá trên địa bàn Thành phố.
Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn.
Phối hợp với các ngành, địa phương phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm …
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh truyền hình và cơ quan chức năng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung liên quan đến chương trình bình ổn giá và những biến động bất thường về giá cả thị trường. Thường xuyên có chuyên trang, chuyên mục cung cấp thông tin về giá cả thị trường, cập nhật thông tin về công tác bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu của Thành phố để doanh nghiệp, người tiêu dùng hiểu rõ và đồng thuận với các biện pháp điều hành của nhà nước, từ đó ngăn ngừa tác động tâm lý nhằm đẩy giá lên cao, chủ động kịp thời ngăn chặn các thủ đoạn phao tin đồn nhảm, gây hoang mang lo lắng trong các tầng lớp nhân dân.
Kịp thời thông tin, hướng dẫn người dân sử dụng các mặt hàng thiết yếu khác có khả năng thay thế trong giai đoạn bình ổn thị trường của Thành phố.
Thông báo trên các báo, trang web chuyên ngành về giá nhập khẩu, giá dự kiến bán buôn, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố, mức giá bán trung bình tại Việt Nam và thế giới để người dân, các doanh nghiệp có thể tham khảo và đưa ra các quyết định hợp lý theo tín hiệu trên thị trường.
6. Cục Thống kê Thành phố
Công bố giá thị trường của 10 nhóm mặt hàng bình ổn năm 2011 hàng tháng và đột xuất, làm cơ sở để sở Tài chính thông báo giá và xem xét điều chỉnh giá.
Xác định chỉ số giá và so sánh tỷ lệ tăng giá hàng tháng của 10 nhóm mặt hàng bình ổn, để Thành phố ban hành những chính sách thích hợp điều hành giá cả kịp thời.
7. Sở Giao thông vận tải
- Chủ trì, hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp giấy phép lưu thông vào giờ cao điểm, đường cấm đối với các phương tiện vận tải của doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá được lưu thông vận chuyển, phân phối hàng hóa đến các siêu thị, mạng lưới bán lẻ.
- Đẩy mạnh các biện pháp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và giá thành vận tải.
8. Công an Thành phố
Chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc Công an Thành phố và Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn.
Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan, chính quyền địa phương ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu; buôn bán, sản xuất hàng giả; hàng kém chất lượng, phẩm chất; đầu cơ găm hàng, nâng giá kiếm lợi bất chính; các hoạt động sản xuất - kinh doanh vi phạm vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm và các tệ nạn xã hội.
9. Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội
- Phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá tổ chức bán hàng lưu động phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn Thành phố.
- Sắp xếp, bố trí các địa điểm và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá đầu tư phát triển hệ thống phân phối, bán hàng bình ổn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố.
10. Các sở, ban, ngành khác
Để phối hợp giữa việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu nêu trên với công tác bình ổn giá thị trường nói chung, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành (Y tế, Văn hóa - Thể thao - Du lịch …) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện tốt công tác bình ổn giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực ngành quản lý và có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương thực hiện Phương án này.
11. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc giới thiệu các doanh nghiệp đủ tiêu chí tham gia chương trình bình ổn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạng lưới bán lẻ và xử lý diễn biến của thị trường khi có biến động về cung cầu, giá cả.
- Rà soát các chợ bán lẻ sử dụng chưa hết công năng, các mặt bằng còn bỏ trống trên địa bàn, từ đó phối hợp với các doanh nghiệp được tạm ứng vốn của Thành phố tổ chức các cửa hàng chuyên bán hàng bình ổn giá.
- Công khai cung cấp thông tin cho người dân trên địa bàn quản lý mạng lưới bán lẻ, nhằm giúp mọi người dân Thành phố tiếp cận được nguồn hàng bình ổn và thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân việc thực hiện cam kết bình ổn thị trường của các doanh nghiệp liên quan.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quyền quản lý kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về kinh doanh hàng hóa thiết yếu bình ổn giá trên địa bàn quận, huyện, thị xã.
- Tổng hợp, báo cáo tình hình thị trường giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn về Ủy ban nhân dân Thành phố và tổ công tác liên ngành theo quy định.
- Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Thành phố và các quy hoạch ngành có liên quan, tổ chức rà soát lại quy hoạch hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn nhằm bố trí quỹ đất hợp lý để phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt tại các khu dân cư mới, khu đô thị, khu công nghiệp và khu chế xuất.
Căn cứ Phương án của Thành phố các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch của đơn vị mình, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, báo cáo UBND Thành phố./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.