THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1905/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN CÔNG BỐ, PHỔ BIẾN TÀI SẢN VĂN HOÁ VĂN NGHỆ DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2008 - 2012
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;
Xét đề nghị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại công văn số 3656/BVHTTDL-VP ngày 20 tháng 10 năm 2008 và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại công văn số 65/CV-2008/VNDG ngày 27 tháng 11 năm 2008 về việc phê duyệt Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hoá văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2008 - 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hoá văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2008 - 2012 với những nội dung sau đây:
1. Mục tiêu và nhiệm vụ
a) Giáo dục các thế hệ sau hiểu biết thêm về lịch sử văn hoá của các dân tộc Việt Nam; giúp cho các dân tộc, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hiểu biết thêm về Việt Nam, một đất nước có nền văn hoá đa dạng, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên toàn thế giới;
b) Phục vụ công tác nghiên cứu, sáng tác ở nhiều lĩnh vực; trong đó các công trình, tác phẩm có nhiều nội dung phong phú như: đặc điểm về môi trường, sinh thái của từng vùng dân tộc; những thiết chế xã hội cổ truyền của các dân tộc Việt Nam; phong tục, tập quán, nghi lễ, tín ngưỡng, những quan niệm đặc trưng của đồng bào về nhân sinh quan và vũ trụ quan, về âm nhạc, nhảy múa, về hội họa, điêu khắc, về ăn mặc, nhà cửa, thậm chí cả những đồ trang sức riêng của mỗi dân tộc;
c) Bổ sung vào hệ thống tài liệu, sách giáo khoa dùng cho nhà trường những tác phẩm quý giá để tham khảo hoặc đưa vào hệ thống giảng dạy. Đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc, giúp cho giáo viên và học sinh, nhất là các giáo viên và học sinh người dân tộc có những kiến thức cần thiết về dân tộc và nền văn hoá của mình.
2. Tiêu chí lựa chọn 1.000 tác phẩm, công trình để công bố
a) Là tác phẩm, công trình giới thiệu về văn hoá văn nghệ dân gian của 54 tộc người hiện đang sinh sống trên đất nước Việt Nam:
- Ưu tiên lựa chọn tác phẩm, công trình đã có bản thảo công trình sưu tầm, nghiên cứu;
- Mỗi tộc người sẽ lựa chọn nhiều tác phẩm công trình thuộc nhiều thể loại (gồm: thể loại văn học dân gian, phong tục tập quán và địa chí, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, tri thức bản địa), trong đó chỉ lựa chọn một tác phẩm, công trình tiêu biểu phản ánh cho mỗi thể loại. Trong trường hợp có công trình tổng hợp nhiều thể loại và mang tính tiêu biểu cho văn hoá văn nghệ dân gian của tộc người đó thì lựa chọn thay thế cho loại hình tác phẩm, công trình có thể loại đơn lẻ.
b) Là các tác phẩm, công trình mô tả hay nghiên cứu về các đặc trưng văn hoá nghệ thuật của một tộc người nào đó được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đánh giá cao và có ý nghĩa bổ trợ không thể thiếu cho các thể loại văn hoá văn nghệ dân gian của mỗi tộc người.
c) Là các tác phẩm, công trình tìm hiểu, nghiên cứu tiêu biểu mang tính tìm tòi, phát hiện mới và ý nghĩa trong công tác nghiên cứu khoa học, xã hội học, nhân chủng học:
- Về các hiện tượng trong đời sống xã hội thể hiện sự giao lưu văn hoá giữa các tộc người Việt Nam;
- Về kỹ năng, bí quyết, thủ pháp sáng tạo văn hoá văn nghệ dân gian.
d) Là các tác phẩm, công trình có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống xã hội, địa phương, vùng miền, tộc người; có nội dung hấp dẫn người đọc, phù hợp với phong tục tập quán của một tộc người nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và phù hợp với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
3. Yêu cầu thẩm định nội dung 1.000 tác phẩm, công trình trước khi xuất bản
a) Tổ chức Hội đồng gồm các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành, các nhà quản lý thuộc các Bộ, ngành liên quan đến nội dung tác phẩm, thẩm định nội dung từng tác phẩm đảm bảo tính khoa học và chất lượng công trình;
b) Mọi tác phẩm, công trình trước khi xuất bản phải được thẩm định nội dung và có tiêu chí phù hợp với quy định nêu trên.
4. Nguồn kinh phí
Bộ Tài chính căn cứ tổng dự toán kinh phí Dự án có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt dự toán kinh phí và cấp kinh phí cho Ban Chỉ đạo Dự án tổ chức triển khai thực hiện từ nguồn ngân sách trung ương bố trí cho sự nghiệp văn hóa hàng năm.
5. Giai đoạn thực hiện Dự án: từ năm 2008 đến năm 2012.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có trách nhiệm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện dự án; hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
2. Giao cho Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam làm đầu mối tổ chức thực hiện Dự án gồm:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án gồm các nhà quản lý văn hoá, nhà khoa học đầu ngành và các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực văn nghệ dân gian để chỉ đạo thực hiện Dự án;
b) Thành lập Văn phòng Dự án để thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Dự án, quyết toán kinh phí. Văn phòng Dự án có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch và thực hiện nhiệm vụ;
c) Thành lập Hội đồng thẩm định để tư vấn, thẩm định nội dung các công trình tác phẩm văn hoá văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam giúp Ban Chỉ đạo Dự án.
Ban Chỉ đạo, Văn phòng Dự án, Hội đồng thẩm định kết thúc nhiệm vụ sau khi Dự án hoàn thành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.