BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1887/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN HỆ THỐNG TƯ PHÁP THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý chương trình, dự án ODA;
Căn cứ Công văn số 1277/TTg-QHQT ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung danh mục dự án hợp tác Việt Nam – UNICEF giai đoạn 2006 – 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Ban Quản lý dự án Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và thực hiện dự án Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc Ban Quản lý dự án Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên và Thủ trưởng các đơn vị thực hiện dự án chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN HỆ THỐNG TƯ PHÁP THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1887/QĐ-BTP ngày 7 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Cơ sở pháp lý
1. Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
2. Nghị định số 131/2006/NĐ-CP này 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
3. Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấp tổ chức của Ban Quản lý chương trình, dự án ODA;
4. Công văn số 1277/TTg-QHQT ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung danh mục dự án hợp tác Việt Nam – UNICEF giai đoạn 2006 – 2010.
Điều 2. Thông tin chung về dự án
1. Tên dự án: Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên.
2. Tên nhà tài trợ: Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)
3. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án:
(a) Mục tiêu của dự án: Xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên, nâng cấp các chương trình, dịch vụ dành cho người chưa thành niên, đặc biệt là người chưa thành niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật cũng như trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của tội phạm.
(b) Các kết quả chủ yếu của dự án:
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến tư pháp người chưa thành niên và bảo vệ nạn nhân, nhân chứng là trẻ em;
- Nâng cao nhận thức và kiến thức của xã hội về các vấn đề tư pháp tư pháp người chưa thành niên và bảo vệ nạn nhân, nhân chứng là trẻ em;
- Tăng cường nhận thức và cam kết của đội ngũ công an, kiểm sát viên, thẩm phán về các vấn đề tư pháp tư pháp người chưa thành niên và bảo vệ nạn nhân, nhân chứng là trẻ em;
- Xây dựng và hoàn thiện các chương trình, dịch vụ dành cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân của tội phạm.
4. Thời gian bắt đầu và kết thúc dự án: 01/9/2006 – 31/12/2010
5. Tổng vốn của dự án:
Ngân sách của UNICEF: 2.625.000 USD
Vốn đối ứng của Chính phủ: 208.000 USD
Điều 3. Thông tin về Ban Quản lý dự án
1. Tên giao dịch của Ban Quản lý dự án (Ban QLDA): Ban QLDA Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên.
2. Địa chỉ: Bộ Tư pháp, 58 – 60 Trần Phú, Hà Nội
3. Điện thoại: (84 4) 37335117
4. Fax: (84 4) 37335117
Điều 4. Nguyên tắc quản lý và thực hiện dự án
1. Ban QLDA thực hiện việc quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các nội dung hoạt động của dự án.
2. Các đơn vị tham gia thực hiện dự án chủ động triển khai thực hiện các nội dung hoạt động đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm trực tiếp về việc sử dụng nguồn tài trợ và thanh quyết toán theo các nội dung hoạt động đã được duyệt trong kế hoạch.
3. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có hiệu quả giữa Ban QLDA, các đơn vị thực hiện dự án, các cơ quan, đơn vị hữu quan khác và UNICEF trong việc triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể của dự án.
4. Bảo đảm tính công khai, dân chủ, khách quan và hiệu quả trong việc thực hiện dự án và chịu sự giám sát theo quy định hiện hành.
5. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và Văn kiện chương trình hợp tác Việt Nam – UNICEF.
Chương 2.
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QLDA
Điều 5. Tổ chức Ban QLDA
1. Ban QLDA được thành lập theo Quyết định số: 2146/QĐ-BTP ngày 05 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ban QLDA gồm có Giám đốc là đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp và 02 Phó Giám đốc là đại diện của đơn vị thực hiện chính các tiểu dự án.
2. Ban QLDA đặt tại Bộ Tư pháp; được sử dụng con dấu và tài khoản của Bộ Tư pháp.
Điều 6. Giám đốc Ban QLDA
1. Giám đốc Ban QLDA là người đứng đầu Ban QLDA do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm có trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật về hành vi của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
2. Giám đốc Ban QLDA có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Ban QLDA và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Ban QLDA;
b) Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện dự án và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của dự án;
c) Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thực hiện dự án; phân công nhiệm vụ cho các Phó Giám đốc Ban QLDA; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các Phó Giám đốc Ban QLDA;
d) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban QLDA;
đ) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện dự án;
e) Ký duyệt các báo cáo sau khi được Ban QLDA thông qua;
g) Ký các giấy tờ, tài liệu có liên quan của Ban QLDA
Điều 7. Phó Giám đốc Ban QLDA
1. Phó Giám đốc Ban QLDA giúp Giám đốc trong việc quản lý, điều hành thường xuyên các mảng công việc của dự án và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Phó Giám đốc Ban QLDA có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án được Giám đốc phân công phụ trách;
b) Thay mặt Giám đốc điều hành phần công việc do Giám đốc giao;
c) Đảm bảo việc thực hiện chế độ báo cáo, kiểm tra về hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật;
d) Thay mặt Giám đốc ký các hợp đồng cụ thể và các giấy tờ, tài liệu, chứng từ có liên quan để thực hiện dự án; tổ chức nghiệm thu các hợp đồng, thực hiện các công việc trong khuôn khổ dự án theo quy định;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc Ban QLDA giao.
3. Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn nêu tại khoản 2 Điều này, Phó Giám đốc thường trực Ban QLDA còn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Điều hành và chỉ đạo hoạt động của Tổ Thư ký;
b) Thay mặt Giám đốc điều hành và giải quyết các công việc của Ban QLDA khi Giám đốc vắng mặt.
Điều 8. Nguyên tắc hoạt động của Ban QLDA
1. Ban QLDA hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
2. Ban QLDA làm việc theo chế độ tập thể, Giám đốc và các Phó Giám đốc Ban QLDA hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật đối với công chức được cử kiêm nhiệm tại các Ban quản lý dự án.
Mỗi Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Ban QLDA và trước bộ, ngành mình trong phạm vi nhiệm vụ được giao.
3. Đề cao trách nhiệm cá nhân của Giám đốc và các Phó Giám đốc Ban QLDA trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
4. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện dự án.
5. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và Văn kiện chương trình hợp tác Việt Nam – UNICEF.
6. Bảo đảm tính công khai, dân chủ, khách quan trong việc thực hiện dự án và chịu sự giám sát theo quy định hiện hành.
7. Bảo đảm quản lý, sử dụng có hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của dự án.
8. Thực hiện việc giải trình về hoạt động của dự án trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp; giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước về ODA, nhà tài trợ và các cơ quan hữu quan về các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Điều 9. Chức năng, nhiệm vụ của Ban QLDA
1. Ban QLDA có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý, giám sát và đánh giá việc thực hiện dự án Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên.
2. Ban QLDA có các nhiệm vụ sau:
a) Lập kế hoạch các hoạt động hàng năm của dự án trên cơ sở đề xuất của các đơn vị thực hiện dự án trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt;
b) Tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng kế hoạch hoạt động đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt và chịu trách nhiệm về tiến độ, kết quả thực hiện dự án;
c) Xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung hoạt động và kinh phí trong kế hoạch thực hiện dự án hàng năm đã được phê duyệt cho phù hợp với thực tế trên cơ sở đề xuất của các đơn vị thực hiện dự án;
d) Xem xét, phê chuẩn đề xuất của các đơn vị thực hiện dự án về thuế khoán chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế tham gia thực hiện dự án;
đ) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung hoạt động của dự án; trực tiếp tham gia vào một số hoạt động cụ thể, khi thấy cần thiết; tham gia đánh giá, nghiệm thu kết quả đầu ra của các hoạt động của dự án;
e) Tổ chức các cuộc họp xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động của dự án, họp 6 tháng, 1 năm và họp ba bên để đánh giá kết quả hoạt động và tình hình quản lý, sử dụng kinh phí, tình hình giải ngân của dự án;
g) Xem xét, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị thực hiện dự án và những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện dự án;
h) Làm đầu mối của Bộ Tư pháp và các đơn vị thực hiện dự án trong việc liên hệ với UNICEF về các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện dự án;
i) Đại diện theo ủy quyền của Bộ Tư pháp trong các giao dịch liên quan trực tiếp đến hoạt động của dự án;
k) Thông qua báo cáo tình hình thực hiện dự án theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp để gửi Ban quản lý Chương trình Bảo vệ trẻ em, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao để theo dõi, giám sát và hỗ trợ quá trình thực hiện dự án;
l) Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thực hiện dự án theo Quy chế hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp.
Điều 10. Tổ thư ký
1. Tổ Thư ký giúp việc cho Ban QLDA được thành lập theo Quyết định số: 2146/QĐ-BTP ngày 05 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tổ Thư ký do Phó Giám đốc thường trực đứng đầu Thành viên của Tổ Thư ký gồm một số cán bộ của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
2. Tổ Thư ký có các nhiệm vụ sau:
a) Làm đầu mối liên lạc, phối hợp hoạt động giữa Ban QLDA với UNICEF và các đơn vị thực hiện dự án;
b) Xây dựng dự thảo Kế hoạch hoạt động của dự án trình Ban QLDA xem xét, quyết định;
c) Chuẩn bị nội dung và các giấy tờ, tài liệu liên quan đến cuộc họp của Ban QLDA; tham gia các cuộc họp của Ban QLDA;
d) Chuẩn bị các Báo cáo của Ban QLDA về tình hình thực hiện dự án;
đ) Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị thực hiện dự án báo cáo Ban QLDA xem xét, quyết định;
e) Giúp Ban QLDA đôn đốc việc thực hiện các nội dung hoạt động của dự án;
g) Đề xuất với Ban QLDA phương án giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
h) Lưu trữ, quản lý thông tin tư liệu gốc liên quan đến dự án và Ban QLDA theo các quy định của pháp luật, các thông tin, tư liệu khác trong quá trình quản lý dự án và các kết quả của dự án; cung cấp các kết quả của dự án cho các đơn vị thực hiện dự án, nếu có yêu cầu;
i) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Ban QLDA giao.
3. Tổ Thư ký hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban QLDA. Các thành viên Tổ Thư ký có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Tổ Thư ký và chịu sự phân công của Phó Giám đốc thường trực Ban QLDA.
Chương 3.
PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN
Điều 11. Nguyên tắc phối hợp
1. Việc phối hợp giữa Ban QLDA với các đơn vị thực hiện dự án được thực hiện thông qua chế độ lập kế hoạch; đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện dự án; phân bổ, theo dõi tình hình sử dụng kinh phí và giải ngân; đánh giá tiến độ, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án và các hoạt động khác có liên quan trong quá trình thực hiện dự án.
2. Việc phối hợp giữa Ban QLDA với UNICEF được thực hiện thông qua chế độ trao đổi thông tin; cơ chế trao đổi, thống nhất về kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí năm; phê chuẩn việc thuê khoán chuyên gia; đánh giá tiến độ hoạt động của dự án và nghiệm thu kết quả đầu ra của các hoạt động.
3. Việc phối hợp giữa các đơn vị thực hiện dự án với UNICEF được thực hiện thông qua chế độ trao đổi thông tin; đánh giá tiến độ hoạt động của dự án và giải ngân.
4. Việc phối hợp giữa Ban QLDA với Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch tài chính và Văn phòng Bộ Tư pháp được thực hiện theo Quy chế về hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp.
Điều 12. Phối hợp trong việc lập kế hoạch thực hiện dự án
1. Các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện dự án hàng năm của đơn vị mình gửi về Ban QLDA trước ngày 15 tháng 10 năm trước để tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung.
Kế hoạch thực hiện dự án hàng năm phải thể hiện được các nội dung sau: sự cần thiết, nội dung, nguồn lực sử dụng, tiến độ thực hiện, thời hạn hoàn thành, mục tiêu chất lượng và tiêu chí chấp nhận kết quả đối với từng hoạt động của dự án.
2. Ban QLDA có trách nhiệm:
a) Chậm nhất cuối tháng 9 hàng năm có văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án xây dựng kế hoạch thực hiện dự án năm sau của đơn vị mình gửi Ban QLDA để tổng hợp.
b) Lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch thực hiện dự án hàng năm trên cơ sở tổng hợp kế hoạch hoạt động năm của các đơn vị thực hiện dự án và phù hợp với kế hoạch hoạt động hàng năm của Bộ Tư pháp trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt;
c) Xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung hoạt động và kinh phí trong kế hoạch thực hiện dự án hàng năm đã được phê duyệt cho phù hợp với thực tế trên cơ sở đề xuất của đơn vị thực hiện dự án, sau khi thống nhất ý kiến với UNICEF.
Điều 13. Phối hợp trong việc quản lý quá trình thực hiện dự án
1. Sau khi kế hoạch thực hiện dự án hàng năm được phê duyệt, các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm.
a) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của dự án mà mình phụ trách gửi Ban QLDA để theo dõi, đôn đốc;
b) Thông báo kịp thời cho Ban QLDA những thay đổi trong kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung dự án (nếu có);
c) Báo cáo kết quả hoạt động và gửi sản phẩm đầu ra về Ban QLDA.
2. Ban QLDA có trách nhiệm:
a) Thực hiện quy trình, thủ tục theo văn kiện dự án, thỏa thuận tài trợ được ký kết giữa Bộ Tư pháp với UNICEF và các quy định có liên quan.
b) Theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện các nội dung hoạt động của dự án theo định kỳ 6 tháng, 1 năm. Trong trường hợp cần điều chỉnh các hoạt động của dự án, Ban QLDA tiến hành các cuộc đánh giá nhanh.
3. Trong quá trình thực hiện dự án, nếu có phát sinh những vấn đề mới hoặc thấy cần có thay đổi trong kế hoạch hoạt động hoặc mức kinh phí đã được phê duyệt, các đơn vị thực hiện dự án phải kịp thời báo cáo với Ban QLDA.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của đơn vị thực hiện dự án, Ban QLDA tiến hành trao đổi với UNICEF và có ý kiến chỉ đạo thực hiện.
4. Ban QLDA phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính và Văn phòng Bộ Tư pháp trong việc làm thủ tục xin cấp vốn đối ứng cho dự án; phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp trong việc quản lý dự án và làm các thủ tục đối ngoại liên quan đến dự án.
Điều 14. Phối hợp trong việc thuê khoán chuyên gia phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động của dự án
1. Các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm làm các thủ tục cần thiết theo quy định để đề xuất tuyển chọn chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế phục vụ cho các hoạt động của dự án, trình Ban QLDA xem xét, phê chuẩn.
2. Trên cơ sở cân nhắc lý lịch khoa học của chuyên gia, Ban QLDA đánh giá tính phù hợp giữa trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của chuyên gia với yêu cầu, nội dung của hoạt động và xem xét và phê chuẩn việc thuê khoán chuyên gia.
Điều 15. Phối hợp trong việc lập dự trù kinh phí, quản lý, sử dụng và giải ngân kinh phí của dự án
1. Các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm:
a) Lập dự trù kinh phí 3 tháng một lần theo kế hoạch đã được phê duyệt gửi UNICEF, đồng thời gửi Ban QLDA để theo dõi;
b) Sử dụng phần kinh phí được phân bổ và thực hiện thủ tục giải ngân theo đúng quy định;
c) Phối hợp với các đơn vị hữu quan trong bộ, ngành mình và UNICEF trong việc quản lý, sử dụng và giải ngân phần kinh phí được phân bổ theo quy định của pháp luật và phù hợp với các quy định của UNICEF;
d) Báo cáo với Ban QLDA và UNICEF về tình hình sử dụng kinh phí và tiến độ giải ngân kinh phí cho các hoạt động của dự án.
2. Ban QLDA có trách nhiệm:
a) Trao đổi thống nhất với các đơn vị thực hiện dự án và UNICEF về dự kiến phân bổ kinh phí cho từng nội dung hoạt động của dự án trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định;
b) Phối hợp với UNICEF xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ một số mục kinh phí trong kế hoạch thực hiện dự án hàng năm đã được phê duyệt cho phù hợp với thực tế;
c) Theo dõi, đôn đốc việc sử dụng kinh phí và tiến độ giải ngân của các đơn vị thực hiện dự án;
d) Phối hợp với UNICEF và các đơn vị thực hiện dự án để nắm tình hình quản lý, sử dụng và giải ngân kinh phí được phân bổ cho từng nội dung hoạt động của dự án.
Điều 16. Phối hợp trong việc thực hiện chế độ báo cáo và đánh giá về tình hình thực hiện dự án
1. Các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm:
a) Báo cáo theo định kỳ 6 tháng và một năm với Ban QLDA và UNICEF về tình hình thực hiện các hoạt động của dự án. Nội dung Báo cáo cần nêu rõ tiến độ thực hiện các hoạt động, tiến độ giải ngân, đánh giá thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện dự án, nêu những đề xuất, kiến nghị. Báo cáo được gửi về Ban QLDA trước ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, theo dõi phục vụ công tác chỉ đạo thực hiện dự án;
b) Phối hợp với Ban QLDA và UNICEF đánh giá tình hình thực hiện các nội dung hoạt động của dự án do mình phụ trách;
c) Tham gia các cuộc họp của Ban QLDA kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện dự án.
2. Ban QLDA có trách nhiệm:
a) Xây dựng Báo cáo chung về tình hình thực hiện dự án trên cơ sở báo cáo của các đơn vị thực hiện dự án trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp và gửi tới Ban quản lý Chương trình bảo vệ trẻ em để theo dõi và phục vụ công tác chỉ đạo thực hiện dự án;
b) Phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án tiến hành đánh giá tình hình thực hiện các nội dung hoạt động của dự án;
c) Phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án và UNICEF tổ chức họp 6 tháng, 1 năm và họp Ba bên để kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện dự án.
3. Trước ngày 15 tháng 5 và ngày 15 tháng 11 hàng năm, Giám đốc Ban QLDA có trách nhiệm gửi báo cáo về tình hình thực hiện dự án cho Vụ Hợp tác quốc tế để Vụ Hợp tác quốc tế tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Điều 17. Phối hợp trong việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các hoạt động của dự án
1. Các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm:
a) Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung hoạt động cụ thể của dự án với Ban QLDA và UNICEF;
b) Tổ chức đánh giá, nghiệm thu từng nội dung hoạt động của dự án do mình phụ trách;
c) Tham gia các cuộc họp của Ban QLDA đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các hoạt động của dự án.
2. Ban QLDA có trách nhiệm:
a) Theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện dự án tổ chức đánh giá, nghiệm thu từng nội dung hoạt động của dự án do mình phụ trách theo đúng tiến độ;
b) Trực tiếp tham gia cùng với đơn vị thực hiện dự án đánh giá, nghiệm thu một số nội dung hoạt động của dự án;
c) Phối hợp với UNICEF và các đơn vị thực hiện dự án tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các hoạt động của dự án theo đúng quy định.
Điều 18. Phối hợp trong các hoạt động khác
1. Các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Ban QLDA, kịp thời báo cáo Ban QLDA về những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh cần giải quyết trong quá trình thực hiện dự án cùng với đề xuất, kiến nghị cụ thể.
2. Ban QLDA có trách nhiệm điều phối hoạt động giữa các đơn vị thực hiện dự án; kết nối nhu cầu của các đơn vị thực hiện dự án với khả năng đáp ứng của dự án; giải quyết những vướng mắc, yêu cầu nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án.
3. Việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện dự án giữa Ban QLDA và các đơn vị thực hiện dự án được thực hiện định kỳ 3 tháng một lần hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết. Hình thức trao đổi thông tin có thể bằng văn bản, điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các hình thức khác.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Giám đốc Ban QLDA, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Thủ trưởng các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm thi hành Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Ban QLDA có trách nhiệm đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quy chế này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.