BỘ CÔNG AN
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số: 1869/2005/QĐ-BCA(E11) | Hà Nội , ngày 19 tháng 12 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị được ban hành kèm theo Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Chỉ thị số 04/2000/CT-BCA (E11) ngày 22 tháng 11 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Công an về "tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường";
Theo đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động bảo vệ môi trường của Công an nhân dân giai đoạn 2006 - 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các đồng chí Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1869/2005/QĐ-BCA(E11) ngày 19/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an)
I. MỤC TIÊU
Quán triệt Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Công an xây dựng Chương trình hành động BVMT giai đoạn 2006 - 2010 với các mục tiêu:
1. Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm về môi trường và các vi phạm pháp luật về BVMT.
2. Nắm tình hình, diễn biến an ninh môi trường thế giới, khu vực tác động gây mất an ninh môi trường trong nước để kịp thời đề xuất những giải pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) và giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH).
3. Tiến hành các biện pháp quản lý, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường trong các cơ sở, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Công an nhân dân (CAND).
II. NHIỆM VỤ
1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ CAND và cộng đồng về BVMT và đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
a) Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và pháp luật về BVMT nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ CAND trong công tác BVMT và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về BVMT.
b) Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT và đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT thông qua Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Tăng cường năng lực và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
b) Xây dựng cơ chế điều hành, phối hợp giữa các lực lượng trong CAND để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
c) Xây dựng Đề án thành lập lực lượng Cảnh sát Môi trường.
d) Đào tạo, trang bị kiến thức và pháp luật về BVMT cho các lực lượng nghiệp vụ.
đ) Thu thập thông tin diễn biến tình hình an ninh môi trường thế giới, khu vực tác động đến an ninh môi trường trong nước; âm mưu, hoạt động của các tổ chức, thế lực thù địch nước ngoài phá hoại môi trường nước ta để kịp thời xử lý, kiến nghị, đề xuất giải pháp đảm bảo an ninh môi trường, góp phần bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH.
e) Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
3. Tăng cường năng lực quản lý và thực hiện tốt nhiệm vụ BVMT trong CAND.
a) Kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quản lý môi trường.
b) Đẩy mạnh các hoạt động quản lý nhà nước về BVMT trong CAND: Tổ chức xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án; Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý môi trường; Điều tra, khảo sát, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu và lập báo cáo hiện trạng môi trường; Hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT đối với các cơ sở trong CAND.
4. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT, phòng ngừa, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, ô nhiễm, sự cố môi trường.
a) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN môi trường; nâng cao trình độ cán bộ, năng lực Phòng thí nghiệm phân tích môi trường - Bộ Công an.
b) Đầu tư trang thiết bị, tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường.
c) Phòng ngừa, xử lý các nguồn gây ô nhiễm tại các cơ sở tập trung đông người: trụ sở, trường học, bệnh viện, trại giam, trại tạm giam, cơ sở sản xuất,... trong CAND.
d) Xử lý các loại vũ khí, phương tiện nghiệp vụ đã hết hạn sử dụng và tang vật, mẫu vật vụ án ảnh hưởng đến môi trường.
5. Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước và nước ngoài để nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật về BVMT và trong lĩnh vực quản lý môi trường, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường.
a) Xây dựng cơ chế, chính sách, xác lập mối quan hệ và tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Công an với các cơ quan, lực lượng chức năng trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về BVMT và đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
b) Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là INTERPOL, ASEANAPOL,... trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, quốc tế về môi trường.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng cục VI có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về BVMT trong CAND và tổ chức nghiên cứu, ứng dụng KH&CN môi trường, giám định tội phạm, các vi phạm pháp luật về BVMT:
a) Chủ trì, phối hợp với V19 và các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng và trình Bộ trưởng ký phê duyệt các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT trong CAND.
b) Chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về BVMT trong CAND.
c) Chủ trì, phối hợp với Tổng cục III, V19 tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT, đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ KH&CN về môi trường trong CAND.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan KH&CN, các đơn vị, địa phương liên quan để điều tra, khảo sát, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu, lập báo cáo hiện trạng môi trường trong CAND.
đ) Chủ trì tổ chức thẩm định và phê duyệt báo các đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư và cơ sở đang hoạt động trong CAND; Thẩm định phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong CAND theo quy định của pháp luật.
e) Chủ trì, phối hợp với V24, V19 tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT tại các cơ sở trong CAND.
g) Chủ trì tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN môi trường, xây dựng Phòng thí nghiệm phân tích môi trường phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật về BVMT và trong phòng ngừa, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, ô nhiễm môi trường.
2. Các Tổng cục I, II, V có trách nhiệm tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
a) Tổng cục I, II, V theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Tổng cục VI, V19, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
b) Tổng cục I, II, V theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Tổng cục VI, V19 tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức và pháp luật về bảo vệ môi trường cho các lực lượng nghiệp vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường.
c) Các Tổng cục I, II có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng nghiệp vụ thuộc Tổng cục phụ trách phối hợp với các cơ quan chức năng: Thanh tra môi trường, Hải quan, Kiểm lâm, Bảo vệ nguồn lợi thủy sản,... đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
d) Tổng cục V có trách nhiệm thu thập tin tức, tài liệu nắm diễn biến tình hình an ninh môi trường thế giới, khu vực tác động đến an ninh môi trường trong nước và âm mưu, hoạt động của các tổ chức, thế lực thù địch nước ngoài phá hoại môi trường nước ta để kịp thời xử lý, kiến nghị, đề xuất giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.
đ) Tổng cục II chủ trì, phối hợp với Tổng cục III, VI, V11, V19, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất phương án thành lập lực lượng cảnh sát Môi trường.
e) Tổng cục II chủ trì phối hợp với Tổng cục IV, VI, Công an các đơn vị, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường khi có yêu cầu huy động lực lượng của Nhà nước và chính quyền địa phương sở tại.
g) Tổng cục II (Văn phòng INTERPOL) chủ trì phối hợp với V12, V19 và các Tổng cục I, II, VI tổ chức nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, quốc tế về BVMT.
3. Tổng cục III có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Tổng cục VI, V19 và Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vận động nhân dân tích cực tham gia BVMT và giúp đỡ lực lượng Công an trong phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.
b) Chủ trì, phối hợp với Tổng cục VI tổ chức triển khai thực hiện đề án đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy chính khóa trong các trường CAND.
c) Chủ trì, phối hợp với Tổng cục VI và các đơn vị, địa phương trong ngành triển khai thực hiện đề án tổ chức quản lý nhà nước về BVMT trong lực lượng CAND. Trước mắt, bố trí biên chế cán bộ quản lý môi trường tại Công an các đơn vị, địa phương.
4. Tổng cục IV có trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp với Tổng cục VI, V19 xây dựng và trình Bộ trưởng ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch phòng, chống lụt bão, "Nước sạch và vệ sinh môi trường" trong Ngành.
b) Chủ trì phối hợp với Tổng cục VI nghiên cứu đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quản lý môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, ô nhiễm môi trường cho Công an các đơn vị, địa phương.
5. V21 có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Tổng cục I, II, V, VI, V19, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu tác động của an ninh môi trường đến ANQG và TTATXH giúp Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước có giải pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.
6. V26 có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục VI xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án BVMT ở các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý.
7. V22 có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng cục VI, Công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí cho công tác BVMT của CAND, nghiên cứu thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường CAND để tái đầu tư cho công tác BVMT.
8. Lãnh đạo phụ trách các dự án đầu tư, các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở y tế... trong CAND phải thực hiện nghiêm túc việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
9. Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm thực hiện công tác BVMT và đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT trong phạm vi phụ trách, theo chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo của Bộ trưởng; Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch BVMT giai đoạn 2006 - 2010 của đơn vị, địa phương mình.
Giao Tổng cục VI chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Chương trình hành động BVMT và định kỳ 6 tháng báo cáo lãnh đạo Bộ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.