BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số : 185-BCNNh-CBLĐ | Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 1964 |
QUYẾT ĐỊNH
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
Căn cứ nghị định số 182-CP ngày 02-11-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp nhẹ;
Để tăng cường công tác quản lý kinh tế và kỹ thuật của toàn nghành công nghiệp nhẹ nhằm phục vụ cho sản xuất được kịp thời;
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ cán bộ và lao động;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành quy định phân cấp quản lý cho xí nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ kèm theo quyết định này.
Điều 2. - Các ông Vụ trưởng, Viện trưởng, Cục trưởng, Giám đốc các xí nghiệp có trách nhiệm phổ biến đến toàn thể cán bộ, công nhân viên để thực hiện tốt bản quy định phân cấp quản lý.
Điều 3. - Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Ông Vụ trưởng Vụ Cán bộ và lao động có trách nhiệm kết hợp với các Vụ, Viện, Cục hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các xí nghiệp trong việc thi hành quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ |
QUY ĐỊNH
PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHO CÁC XÍ NGHIỆP THUỘC BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
Dựa vào những nguyên tắc trong quyết nghị về phần quyền số 93-BCN-ĐĐ ngày 25-07-1959 của Đảng đoàn Bộ Công nghiệp, nhiều chế độ cụ thể về quản lý ngành công nghiệp nhẹ đã được quy định, góp phần làm cho công tác quản lý của xí nghiệp đi dần vào nền nếp.
Nhưng trước tình hình sản xuất ngày càng phát triển, nhiều vấn đề qua thực tế đã có những đổi mới và đã thấy rõ hơn trước. Mặt khác, công việc sự vụ hiện nay còn tập trung nhiều lên Bộ làm cho công việc đó chậm trễ, trong khi đó có những công tác cần nghiên cứu để thực hiện những chủ trương của Đảng và Chính phủ chưa làm được kịp thời phục vụ cho sản xuất.
Vì vậy, việc phân cấp quản lý là một vấn đề hết sức cần thiết, nhằm tăng cường tinh thần trách nhiệm, tinh thần chủ động của toàn thể cán bộ, công nhân viên của xí nghiệp để giải quyết công việc được nhanh chóng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước và của Bộ, tạo điều kiện để Bộ đi sâu nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện các chủ trương chính sách được tốt và kịp thời.
Chương 1:
NGUYÊN TẮC PHÂN CẤP QUẢN LÝ
1. Phân cấp quản lý trên tinh thần bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Bộ, đồng thời tăng cường trách nhiệm, quyền hạn cho các xí nghiệp nhằm phát huy tính tích cực và chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch và chấp hành các chính sách, chế độ của Nhà nước và của Bộ.
2. Phân cấp quản lý trên cơ sở các Cục quản lý sản xuất (từ đây về sau gọi tắt là các Cục) cụ thể là Cục trưởng được Bộ giao cho quản lý và chỉ đạo các xí nghiệp thuộc Cục quản lý (từ đây về sau gọi tắt là các xí nghiệp) chủ yếu về kế hoạch sản xuất, về kỹ thuật công nghệ, đồng thời phải nắm được tình hình và đôn đốc các mặt hoạt động khác của xí nghiệp và thường xuyên báo cáo với Bộ về những hoạt động của mình, tham gia ý kiến với các Cục, Vụ có liên quan nhằm giải quyết tốt các mặt nghiệp vụ cho xí nghiệp ấy.
3. Phân cấp quản lý phải đi đôi với kiện toàn tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc, không vì phân cấp mà làm cho bộ máy trở nên nặng nề hoặc buông lỏng công tác quản lý.
Chương 2:
NỘI DUNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ
Nội dung phân cấp quản lý gồm các mặt:
1. Phần kế hoạch.
2. Phần kỹ thuật.
3. Phần kế toán tài vụ.
4. Phần cung cấp và tiêu thụ.
5. Phần tổ chức cán bộ và lao động tiền lương.
1) Phần kế hoạch.
A. Cục phụ trách:
- Trên cơ sở đảm bảo giá trị tổng sản lượng, sản phẩm chủ yếu mà Bộ giao cho Cục trong quý đó và kế hoạch năm Bộ đã giao cho từng xí nghiệp, Cục xét duyệt và điều chỉnh kế hoạch quý cho các xí nghiệp (kế hoạch điều chỉnh của Cục có giá trị như kế hoạch của Bộ).
- Được quyết định cho xí nghiệp sản xuất các kế hoạch phụ với điều kiện đảm bảo tiêu thụ để tận dụng mọi khả năng của xí nghiệp mà không cần đầu tư thêm vốn, thiết bị và số lao động bình quân của xí nghiệp không tăng.
B. Xí nghiệp phụ trách:
- Xí nghiệp được quyết định kế hoạch tháng trên cơ sở đảm bảo kế hoạch quý của Cục đã duyệt.
- Xí nghiệp được thay đổi các mặt hàng không thuộc loại Nhà nước và Bộ quản lý, nếu được sự thỏa thuận của cơ quan tiêu thụ nhưng phải báo cáo cho Cục biết và phải đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch mà Bộ và Cục đã giao.
- Trường hợp biến cố xảy ra phải ngừng sản xuất để đảm bảo an toàn, sau khi quyết định, xí nghiệp phải báo cáo lên Cục và Bộ. Các trường hợp khác (trừ trường hợp ngừng sản xuất theo chế độ để làm vệ sinh thiết bị như nhà máy đường), xí nghiệp muốn ngừng sản xuất (làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của một ngành hay một phân xưởng trở lên) phải xin ý kiến của Bộ trước.
2) Phần kỹ thuật.
A. Cục phụ trách:
- Thông qua việc quản lý sản xuất, nghiên cứu đề đạt với Bộ những phương hướng về cải tiến kỹ thuật cho hợp với tình hình phát triển sản xuất của các xí nghiệp. Duyệt chương trình hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý của xí nghiệp.
- Căn cứ vào quy định của Bô, các Cục có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng và hướng dẫn các xí nghiệp xây dựng các quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, các định mức về sử dụng nguyên liệu và phẩm cấp sản phẩm, đồng thời duyệt các tiêu chuẩn, các định mức trên cho các xí nghiệp theo quy định của Bộ. Đối với các định mức khác như định mức lợi dụng thiết bị, định mức lao động, các Cục có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện cho tốt.
- Trường hợp các máy móc thiết bị của xí nghiệp bị hư hỏng mà gặp nhiều khó khăn trong khi sửa chữa thì Cục tìm mọi biện pháp giúp đỡ trong phạm vi khả năng của mình và cùng các cơ quan có liên quan giải quyết những khó khăn về công nhân kỹ thuật, về nguyên vật liệu, về phương tiện để sửa chữa được nhanh chóng.
- Quyết định cho xí nghiệp được thay đổi nguyên vật liệu, quy trình sản xuất trong trường hợp vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, và không tăng thêm thiết bị, giá thành, nhân lực, vật tư v.v…
- Duyệt cho xí nghiệp sản xuất thử các mặt hàng mới.
- Quyết định thưởng những sáng kiến từ 100đ đến 200đ do xí nghiệp đề nghị (cần có sự phối hợp với Vụ Kỹ thuật và các cơ quan hữu quan trong khi xét duyệt).
B. Xí nghiệp phụ trách:
- Căn cứ vào quy định của Nhà nước và của Bộ xây dựng và quản lý các quy trình bảo dưỡng, sử dụng máy móc thiết bị của xí nghiệp.
- Khi máy móc thiết bị bị hư hỏng, xí nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc sửa chữa. Gặp trường hợp hư hỏng nặng, xí nghiệp không tự đảm nhận được thì báo cáo với Cục để đề nghị cơ quan kỹ thuật của Bộ có biện pháp giúp đỡ.
- Trong khi chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy phạm, quy trình kỹ thuật do Nhà nước và Bộ ban hành, xí nghiệp được bổ sung những điểm cụ thể cần thiết không trái với quy định của cấp trên.
- Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, các định mức kinh tế kỹ thuật để đề nghị Bộ duyệt y và quản lý một số tiêu chuẩn, định mức do Bộ giao cho.
- Lập những dự án sản xuất mặt hàng mới và tiến hành sản xuất thử sau khi được cục duyệt.
- Tổ chức trao đổi về khoa học, kỹ thuật với các cơ quan và xí nghiệp bạn để phục vụ cho sản xuất, nhưng phải đảm bảo những nguyên tắc của Nhà nước và của Bộ quy định,
3) Phần kế toán tài vụ.
A. Cục phụ trách:
- Đôn đốc các xí nghiệp chấp hành đầy đủ các chế độ, thể lệ về kế toán tài vụ và tham gia quản lý giá thành sản phẩm.
- Hướng dẫn các xí nghiệp thi hành chế độ hạch toán kinh tế để nâng cao trình độ quản lý, tiết kiệm nhân vật lực và đôn đốc các xí nghiệp thực hiện đầy đủ kế hoạch khấu hao và tích lũy của Nhà nước.
- Duyệt việc sử dụng kinh phí chuyên dùng cho các xí nghiệp trong phạm vi số kinh phí đã được Bộ phân bổ cho từng xí nghiệp.
- Sơ bộ xét giá cả các sản phẩm mới trước khi xí nghiệp trình Bộ duyệt và được duyệt giá một số mặt hàng theo quy định của Bộ.
B. Xí nghiệp phụ trách:
- Trong trường hợp cần thiết có thể bổ sung về hệ thống chứng từ sổ sách kế toán tài vụ cho thích hợp với xí nghiệp nhưng không trái với quy định của cấp trên.
- Phụ trách về tổ chức hạch toán kinh tế ở phân xưởng, tổ sản xuất cho thích hợp với tình hình cụ thể của xí nghiệp
4) Phần cung cấp và tiêu thụ.
A. Cục phụ trách:
- Cùng với cơ quan hữu quan xác định kế hoạch vật tư hàng năm của các xí nghiệp. Mỗi khi Bộ điều chỉnh kế hoạch sản xuất Cục đôn đốc các xí nghiệp lập kế hoạch điều chỉnh vật tư cho kịp thời.
- Hướng dẫn các xí nghiệp ký kết hợp đồng cụ thể theo quy định của Nhà nước và của Bộ; theo dõi đôn đốc việc thực hiện hợp đồng ấy.
- Hướng dẫn các xí nghiệp sử dụng vật tư theo định mức đảm bảo tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và lợi dụng tổng hợp được hợp lý.
- Điều động vật tư có tính chất vay mượn tạm thời giữa các xí nghiệp, sau đó báo cáo cho Cục Vật tư biết.
- Về tiêu thụ: Mỗi khi xí nghiệp gặp khó khăn hoặc do các cơ quan hữu quan không đảm bảo hợp đồng, Cục tìm mọi biện pháp tích cực giúp đỡ xí nghiệp giải quyết.
B. Xí nghiệp phụ trách:
- Căn cứ vào hợp đồng nguyên tắc của Bộ, ký hợp đồng cụ thể về cung cấp và tiêu thụ với các cơ quan, các cơ sở sản xuất, đồng thời ký hợp đồng với Cục Vật tư về các loại hàng trong, ngoài nước do Bộ quản lý và phân phối cho các xí nghiệp.
Đối với vật tư ngoài phạm vi quản lý của Nhà nước và của Bộ, xí nghiệp tìm mọi cách giải quyết để đảm bảo yêu cầu của sản xuất.
5) Phần tổ chức, cán bộ và lao động tiền lương.
A. Cục phụ trách:
Nói chung về phần công tác tổ chức, cán bộ và lao động tiền lương Cục không trực tiếp phụ trách nhưng thông qua công tác quản lý sản xuất thực tế ở các xí nghiệp, Cục đôn đốc các xí nghiệp thực hiện tốt các mặt hàng công tác về tổ chức, cán bộ và lao động tiền lương theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước và của Bộ.
B. Xí nghiệp phụ trách:
a) Về tổ chức:
- Dựa vào các quy định của Bộ lập các phương án cải tiến tổ chức của xí nghiệp trình Bộ duyệt, đồng thời quyết định về tổ chức nội bộ của xí nghiệp ngoài phạm vi quản lý của Bộ (như quy định về tổ sản xuất, tổ chức nội bộ của phân xưởng v.v…)
- Căn cứ quy định về phân cấp quản lý của Bộ, xí nghiệp phân cấp cụ thể cho các phân xưởng, ngành, buồng máy v.v…
- Quản lý về biên chế cán bô, nhân viên theo quy định của Bộ.
- Phụ trách các mặt công tác tổ chức như quy định về quan hệ công tác, lề lối làm việc, sinh hoạt, học tập v.v… theo tinh thần hướng dẫn của cấp trên.
b) Về cán bộ:
- Về quản lý cán bộ: Xí nghiệp quản lý tất cả cán sự nghiệp vụ, hành chính, kỹ thuật viên từ bậc 2 trở xuống và các loại tương đương khác. Nội dung quản lý bao gồm:
Bồi dưỡng về kỹ thuật, nghiệp vụ, văn hóa;
Đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng, xếp lương, xét duyệt vào biên chế;
Khen thưởng và kỷ luật trong phạm vi quyền hạn.
Quản lý hồ sơ lý lịch.
- Đối với cán bộ thuộc cấp trên quản lý công tác ở xí nghiệp, xí nghiệp có thể điều động công tác nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chuyên môn hóa cán bộ. Riêng đối với những cán bộ có chức vụ (trưởng phó phòng, quản đốc, phó quản đốc, trưởng ngành v.v…) thì phải do cấp quản lý quyết định.
- Xí nghiệp muốn xin cán bộ, nhân viên ở cơ quan ngoài Bộ phải đề nghị Bộ quyết định; giữa các xí nghiệp thuộc Bộ có thể điều động cho nhau những cán bộ, nhân viên thuộc quyền quản lý của mình nhưng sau đó phải báo cáo lên Bộ.
- Mỗi khi điều động cán sự nghiệp vụ, hành chính và kỹ thuật viên bậc 1 trở lên sang công tác ở cơ quan khác hay về địa phương tham gia sản xuất đều phải xin ý kiến của Bộ.
- Về kỷ luật cho thôi việc đối với nhân viên 5 trở xuống do xí nghiệp quyết định.
c) Về đào tạo giáo dục:
- Quản lý các lớp tại chức và các lớp bên cạnh xí nghiệp.
- Dựa vào chương trình thống nhất của Nhà nước và của Bộ, xí nghiệp xây dựng chương trình cụ thể. Đối với những ngành nghề chưa có chương trình thống nhất xí nghiệp xây dựng và báo cáo Bộ duyệt.
- Chiêu sinh cho các lớp theo tiêu chuẩn của Bộ. Tổ chức sát hạch cho các lớp tại chức ở xí nghiệp và chứng nhận cho học sinh có trình độ sơ cấp và tương đương.
d) Về lao động:
- Quản lý và sử dụng nhân lực theo kế hoạch lao động đã được Bộ duyệt.
- Mỗi khi tuyển dụng xí nghiệp đề ra tiêu chuẩn với cơ quan cung cấp nhân lực cho thích hợp với tình hình công tác mà xí nghiệp cần tuyển dụng.
- Quản lý công nhân của xí nghiệp về các mặt theo chế độ chung của Nhà nước và của Bộ đã quy định. Riêng về phần kỷ luật cho thôi việc cần phải đưa ra hội đồng kỷ luật của xí nghiệp xét và khi quyết định cần báo cho Ủy ban hành chính địa phương biết theo như điều 15 của điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc của Thủ tướng Chính Phủ ban hành ngay 13-03-1963,
- Giữa hai xí nghiệp trong Bộ có thể trực tiếp điều thẳng công nhân cho nhau nhưng sau khi điều phải báo cáo lên Bộ biết. Riêng việc xin công nhân của ngành khác về đều phải được sự đồng ý của Bộ.
- Đối với công nhân cơ điện từ bậc 4 trở lên khi xí nghiệp điều động đi nơi khác phải có sự thỏa thuận với cơ quan quản lý lao động của Bộ.
e) Về tiền lương:
- Căn cứ vào sự hướng dẫn của trên và tình hình cụ thể của xí nghiệp mà xây dựng kế hoạch quỹ tiền lương, các tiêu chuẩn cấp bậc, thang lương, mức lương và thực hiện các kế hoạch, các tiêu chuẩn ấy sau khi đã được Nhà nước và Bộ duyệt y.
- Mỗi khi Nhà nước có chủ trương cải tiến tiền lương và điều chỉnh lương, xí nghiệp cần căn cứ và mức lương bình quân và tỷ lệ tăng lương do Bộ quy định để xếp lương cho cán bộ và công nhân thuộc phạm vi xí nghiệp quản lý.
- Đối với cán bộ, công nhân thuộc diện Bộ quản lý xí nghiệp phải trình bầy dự kiến của mình để Bộ xét và quyết định.
- Căn cứ vào chính sách của Nhà nước và sự hướng dẫn của Bộ đối với các chế độ trả lương khi điều động, khi ngừng việc, phụ cấp tổ trưởng sản xuất v.v… xí nghiệp được tự giải quyết những trường hợp lẻ tẻ, nhưng khi giải quyết hàng loạt có ảnh hưởng nhiều đến quỹ lương thì xí nghiệp phải trao đổi với cơ quan nghiệp vụ của Bộ trước khi tiến hành.
f) Về bảo hộ lao động và bảo hiểm xã hội:
- Xí nghiệp lập các kế hoạch trang bị về bảo hộ lao động và an toàn kỹ thuật, về sử dụng quỹ xã hội hàng năm để thực hiện sau khi được Bộ duyệt y.
- Kết hợp chặt chẽ với công đoàn xí nghiệp mà thực hiện tốt việc sử dụng quỹ xã hội, quỹ xí nghiệp cũng như các chế độ về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, cải thiện sinh hoạt, văn hóa quần chúng theo như quy định của Nhà nước và của Bộ.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Trên đây Bộ quy định về phân cấp quản lý một số vấn đề chủ yếu cho các Cục và xí nghiệp. Dựa vào đó, các Cục, Vụ kết hợp với Vụ Cán bộ lao động nghiên cứu hướng dẫn cụ thể cho xí nghiệp thi hành. Các xí nghiệp trong khi chấp hành cũng cần nghiên cứu kỹ từng bước thực hiện phân cấp cho các bộ phận sản xuất như phân xưởng, ngành, buồng máy cho thích hợp.
Quá trình thực hiện các Cục quản lý và xí nghiệp gặp những khó khăn gì báo cáo để Bộ nghiên cứu bổ sung cho thích hợp. Nhưng trong khi Bộ chưa có ý kiến thì không được sửa đổi.
Riêng nhà máy Liên hợp dệt Nam Định cần căn cứ vào quy định chung này lập dự án cho các xí nghiệp trực thuộc để trình Bộ duyệt và thi hành.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.