BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ ****** Số: 184-BCNNh/TCCB | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA *********** Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 1966 |
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN THI ĐUA TỪ BỘ ĐẾN CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
Căn cứ Nghị định số 182-CP ngày 02-11-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp nhẹ;
Để thống nhất hệ thống tổ chức thi đua của toàn ngành công nghiệp nhẹ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành bản quy định về hệ thống tổ chức các cơ quan thi đua từ Bộ đến cơ sở, kèm theo quyết định này.
Điều 2. – Các đồng chí thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, nhà trường thuộc Bộ căn cứ vào kế hoạch lao động Bộ đã phân bố năm 1966 mà bố trí cán bộ phụ trách về công tác thi đua của đơn vị mình.
Điều 3. – Các đồng chí thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, nhà trường thuộc Bộ trong phạm vi nhiệm vụ của mình thi hành quyết định này kể từ ngày ký.
| BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ |
QUY ĐỊNH
VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN THI ĐUA TỪ BỘ ĐẾN CƠ SỞ THUỘC BỘ
(Ban hành kèm theo quyết định số 184-BCNNh/TCCB ngày 22-03-1966 của Bộ Công nghiệp nhẹ
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm qua, các xí nghiệp và cơ quan thuộc Bộ hàng năm đã hoàn thành kế hoạch sản xuất và công tác, do kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chính quyền và các đoàn thể trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua của toàn ngành làm cho các mặt quản lý về kinh tế kỹ thuật không ngừng tiến lên. Hàng năm trong dịp tổng kết công tác của toàn ngành đều có tổng kết và đề ra phương hưóng, nhiệm vụ về thi đua để đẩy mạnh mọi mặt công tác và sản xuất. Tuy vậy, trong công tác thi đua còn có một số thiếu sót đã hạn chế phần nào những thành tích và kết quả:
- Nhận thức về ý nghĩa và tác dụng của phong trào thi đua chưa được đúng đắn, việc phân định chức trách, nhiệm vụ giữa chính quyền và các đoàn thể chưa được rõ ràng. Có nơi chính quyền thiếu kết hợp chặt chẽ với công đoàn hoặc phó mặc công tác thi đua cho công đoàn.
- Hệ thống tổ chức thi đua chưa được kiện toàn từ trên xuống dưới. Về biên chế chưa được xác định và chưa có sự phân công giữa các cấp nên nhiệm vụ tổ chức động viên phong trào không làm được kịp thời.
Nhiệm vụ của toàn ngành ngày càng phát triển trong khi chúng ta phải hoàn thành kế hoạch với tinh thần “thi đua chống Mỹ cứu nước” thi đua giành ba điểm cao của toàn ngành. Để đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, Bộ đã đề ra nhiệm vụ và phương hướng công tác thi đua là: “Phải tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa các cơ quan chính quyền, công đoàn, thanh niên; chú ý hơn nữa việc giáo dục ý thức giai cấp và trình độ nghề nghiệp cho cán bộ, công nhân; phát huy tinh thần xung phong gương mẫu trong phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai”. Về mặt tổ chức phải xây dựng hệ thống tổ chức thi đua từ Bộ đến các cục quản lý sản xuất và xí nghiệp để thủ trưởng các cấp chỉ đạo thi đua được tốt.
Do nhiệm vụ trên, việc xây dựng hệ thống tổ chức thi đua của toàn ngành hiện nay là rất cần thiết.
II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN THI ĐUA TỪ BỘ ĐẾN CƠ SỞ
Dựa vào Nghị quyết số 76-NQ-TƯ ngày 16-04-1963 của Ban Bí thư về thi đua và căn cứ vào tình hình thực tế của ngành ta, thủ trưởng chính quyền có nhiệm vụ như sau:
- Tổ chức quản lý và chỉ đạo phong trào thi đua như phát động, xác định nội dung, theo dõi uốn nắn phong trào, tổng hợp tình hình và đề xuất biện pháp đẩy mạnh phong trào;
- Tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm về thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiết kỹ thuật, cải tiến quản lý nhằm đẩy mạnh năng suất cao, phẩm chất tốt, giá thành hạ;
- Tổ chức việc xác định thành tích, lựa chọn các đơn vị và cá nhân đảm bảo tốt tiêu chuẩn của cấp trên đề ra, đồng thời tổ chức việc bồi dưỡng, khen thưởng theo chế độ của Nhà nước đã quy định;
- Phối hợp chặt chẽ với công đoàn và thanh niên đề ra nhiệm vụ, phương hướng và các biện pháp tổ chức đẩy mạnh phong trào thi đua của công nhân, cán bộ phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng thanh niên trong phong trào.
Dựa vào những nhiệm vụ chung trên, nay quy định nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan thi đua từ Bộ đến xí nghiệp như sau:
Nhiệm vụ Ban thi đua của Bộ:
- Nghiên cứu tổng hợp, đề ra biện pháp; chế độ để chỉ đạo phong trào thi đua của toàn ngành;
- Theo dõi và hướng dẫn các cơ sở thực hiện các chế độ đối với anh hùng, chiến sĩ thi đua; các tổ, đội, phân xưởng lao động xã hội chủ nghĩa;
- Tổ chức xét duyệt thành tích thi đua của các đơn vị, cá nhân trong toàn ngành để đề nghị khen thưởng theo chế độ đã quy định;
- Tổng kết phổ biến kinh nghiệm và tuyên truyền thành tích nhằm đẩy mạnh phong trào của ngành.
Nhiệm vụ của bộ phận thi đua ở các cục quản lý sản xuất:
- Nghiên cứu đề ra các tiêu chuẩn, biện pháp và tổ chức gây phong trào thi đua giữa các xí nghiệp trong cục;
- Theo dõi tập hợp tình hình thi đua của các đơn vị thuộc cục đề ra những ý kiến giúp thủ trưởng cục chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào thi đua trong cục;
- Sơ bộ xét và xác nhận thành tích thi đua của các xí nghiệp trong cục để báo cáo lên Bộ và cục khen thưởng.
Nhiệm vụ của ban thi đua của các nhà máy, nông trường, ban kiến thiết và các đơn vị sự nghiệp:
- Làm cho mọi người ở đơn vị quán triệt phương hướng, nội dung, mục tiêu thi đua và tích cực tham gia phong trào thi đua của đơn vị mình;
- Định rõ nội dung thi đua cụ thể từng thời gian cho đơn vị mình, chỉ đạo phong trào thực hiện đảm bảo nội dung trên;
- Đúc kết kinh nghiệm, sáng kiến của quần chúng, kịp thời phổ biến bằng mọi hình thức để áp dụng vào sản xuất và công tác;
- Bồi dưỡng đơn vị và cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua của đơn vị theo chủ trương và chế độ chung;
- Tập hợp thành tích và sáng kiến của cá nhân và tập thể trong đơn vị trình thủ trưởng xét khen thưởng và đề nghị lên cấp trên.
III. TỔ CHỨC BIÊN CHẾ CỦA CÁC CƠ QUAN THI ĐUA TỪ BỘ ĐẾN CƠ SỞ
A. Về tổ chức. Thành phần của các cơ quan thi đua từng cấp quy định như sau:
Ở Bộ, có ban thi đua của ngành công nghiệp nhẹ (theo Quyết định số 374-BCNNh/TCCB ngày 05-10-1965);
Ở các cục, vụ, viện, ban và văn phòng Bộ:
- Thủ trưởng đơn vị, trưởng ban;
- Thư ký công đoàn, phó ban;
- Đại biểu các phòng và các đoàn thể khác, ủy viên.
Ở các nhà máy, nông trường, công trường, ban kiến thiết và các đơn vị sự nghiệp:
- Giám đốc hoặc trưởng ban kiến thiết hoặc hiệu trưởng, trưởng ban;
- Thư ký công đoàn, phó ban;
- Đại diện phân xưởng (trưởng tiểu ban kiến thiết, đội trưởng sản xuất hoặc chủ nhiệm lớp) và các đoàn thể khác, ủy viên.
Ở các phân xưởng, đội sản xuất, thành phần cũng gồm những đại diện thuộc các thành phần giống như trên nhưng tùy theo tình hình cụ thể mà châm chước cho thích hợp.
B. Về biên chế.
Ở Bộ, để giúp cho sự chỉ đạo chung của Ban thi đua ngành công nghiệp nhẹ sẽ có một số cán bộ chuyên trách từ hai đến bốn người, trực tiếp dưới sự điều khiển của phó ban phụ trách thường trực.
Ở các cục quản lý sản xuất và các trường, đơn vị có một cán bộ chuyên trách về thi đua nằm trong bộ phận tổng hợp hành chính.
Ở các xí nghiệp:
- Hạng 1 có từ hai đến ba người chuyên trách,
- Hạng 2 có từ một đến hai người chuyên trách,
- Hạng 3 và 4 có một người kiêm nhiệm hoặc một người chuyên trách,
- Hạng 5 và 6 chỉ có người của bộ phận hành chính kiêm nhiệm, nhưng phải dành một nửa thời gian để làm công tác thi đua.
Những cán bộ làm công tác thi đua đều nằm trong bộ phận hành chính tổng hợp của các đơn vị.
Công tác thi đua có quan hệ đến nhiều mặt, các bộ phận trong từng đơn vị, cơ quan, xí nghiệp cần phối hợp và kết hợp chặt chẽ.
Khi xét duyệt thành tích, các cơ quan tổ chức cán bộ, lao động tiền lương, các cơ quan nghiệp vụ cung cấp các tài liệu, số liệu thống kê cần thiết và hướng dẫn chấp hành tốt các chính sách, chế độ của Nhà nước và của Bộ.
Cơ quan hành chính quản trị trực tiếp thực hiện đầy đủ các chế độ của Nhà nước và Bộ đã ban hành.
Các đơn vị căn cứ vào quy định này để thực hiện, nếu gặp vấn đề gì khó khăn kịp thời báo cáo để Bộ giải quyết.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.