ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 182/QĐ-UBND | Lai Châu, ngày 22 tháng 02 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) VỀ “PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ”.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 20 NQ/TW, ngày 01/11/2012);
Căn cứ Công văn số 419-CV/TU, ngày 03/01/2013 của Tỉnh ủy Lai Châu về việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và phân công báo cáo viên triển khai, quán triệt Nghị quyết hội nghị lần thức 6 (Khóa XI) Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) VỀ “PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 182/QĐ-UBND, ngày 22/02/2013 của UBND tỉnh Lai Châu)
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 20 NQ/TW, ngày 01/11/2012), UBND tỉnh Lai Châu xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và sự phối kết hợp của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, đội ngũ tri thức và nhân dân trong phát triển khoa học và công nghệ để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 20 NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI).
Huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ. Cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết, xác định kế hoạch từng giai đoạn làm cơ sở để chỉ đạo, bố trí nguồn lực triển khai các nội dung của Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp làm cho khoa học và công nghệ thực sự phục vụ trực tiếp các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên cơ sở khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng phát triển bền vững và hội nhập khu vực, quốc tế.
B. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH
I. Mục tiêu chung
Phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng trình độ khoa học và công nghệ của tỉnh đạt mức trung bình của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Trước hết, xác định rõ mục tiêu, nhu cầu ứng dụng khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực và địa phương theo hướng: Tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường vốn đầu tư cho phát triển KH&CN.
II. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2020 và những năm tiếp theo: Thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) từng bước nâng tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ từ 19-24% trong tăng trưởng kinh tế.
- Đến năm 2015: Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị bình quân đạt 10-12%/năm. Đến năm 2020 trở đi đạt trên 15%/năm.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ ngày càng cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy. Đến năm 2020, số cán bộ nghiên cứu khoa học đạt mức 5-7 người trên một vạn dân và đạt 10 cán bộ nghiên cứu trên một vạn dân vào năm 2030.
- Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP từ năm 2020 trở đi. Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.
- Giai đoạn từ nay đến 2020 và tầm nhìn 2030: Xây dựng 3-5 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế.
C. NỘI DUNG THỰC HIỆN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030
I. Giai đoạn từ nay đến năm 2020
1. Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, xây dựng nông thôn mới
Nghiên cứu, thành lập bản đồ thổ nhưỡng nông, lâm nghiệp toàn tỉnh để phục vụ công tác quy hoạch, phát triển ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật chọn tạo các giống cây trồng nông nghiệp, công nghiệp, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện vùng cao, vùng lòng hồ, vùng bán ngập nước của hồ thủy điện Lai Châu, thủy điện Sơn La.
Phục tráng và phát triển một số giống lúa địa phương như Khẩu Ký, Nếp Tan và Tẻ Râu hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật mới để cải tạo và phát triển bền vững các vùng chè và trong khai thác, bảo quản mủ cao su, biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây cao su.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng các mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp để gia tăng số lượng, chất lượng đàn gia súc. Nghiên cứu, xây dựng các vùng sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc.
Điều tra đánh giá tài nguyên dược liệu của tỉnh, xác định một số loài dược liệu quý để phục hồi và phát triển hình thành nghề mới cho đồng bào dân tộc ở một số vùng. Xây dựng các mô hình phát triển các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ nhằm bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
2. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Điều tra, đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp và hỗ trợ một số doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, chú ý đến doanh nghiệp hoạt động khai thác chế biến khoáng sản và chế biến nông, lâm sản.
Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập và thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ, tham gia các hội chợ công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm chuyên gia trong quá trình đổi mới, chuyển giao công nghệ.
Hỗ trợ các làng nghề ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ để phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương.
3. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch
Nghiên cứu thực trạng các thị trường xuất nhập khẩu và xây dựng đề án nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm hàng hóa và các giải pháp đa dạng hóa các loại hình phụ trợ liên quan đến quá trình phân phối hàng hóa.
Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa tiêu biểu, các sản phẩm du lịch truyền thống có giá trị của các dân tộc Lai Châu và nâng cao giải pháp quảng bá thương hiệu du lịch Lai Châu.
Đổi mới và phát triển công nghệ trong dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cũng như tầng tốc độ lưu chuyển vốn trong nền kinh tế.
Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống có giá trị của các dân tộc thiểu số Lai Châu, đồng thời xác định các tuyến, điểm du lịch của tỉnh nằm trong sự phát triển du lịch chung của toàn vùng.
4. Lĩnh vực ứng dụng công nghệ tiên tiến
Đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử Lai Châu từ tỉnh tới cơ sở.
Đẩy mạnh ứng dụng các dạng năng lượng mới cho nhân dân ở các vùng sâu vùng xa không có lưới điện quốc gia.
Ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến trong giám sát, phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở những vùng có nguy cơ sạt lở.
Tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ hiện đại phục vụ công nghiệp sản xuất chè, cao su, cá nước lạnh và chế biến khoáng sản.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sau thu hoạch và bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội.
5. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến trong công tác điều tra, đánh giá hàm lượng và trữ lượng tài nguyên khoáng sản để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.
Ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ công tác quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác các mỏ đất hiếm trên địa bàn tỉnh.
Điều tra đánh giá sự đa dạng sinh học của các khu rừng, tìm kiếm các gen quý hiếm nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nghiên cứu những tác động và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh Lai Châu và tăng cường các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ứng dụng các công nghệ tiến bộ trong việc xử lý các vấn đề rác thải y tế, rác thải sinh hoạt và rác thải đô thị nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến sức khỏe người dân, môi trường.
6. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
Nghiên cứu các quan điểm lý luận và thực tiễn của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ mới, vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo vào thực tiễn của tỉnh Lai Châu.
Nghiên cứu và đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội như: Xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền đạo trái pháp luật; âm mưu diễn biến hòa bình; tệ nạn ma túy và buôn bán người qua biên giới cùng một số vấn đề xã hội mới phát sinh.
Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến củng cố và xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng; công tác dân vận vùng đồng bào các dân tộc.
Nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
7. Lĩnh vực y dược
Nghiên cứu các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú ý các loại dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới phát sinh.
Ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị bệnh tại Lai Châu; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Nghiên cứu, sưu tầm các bài thuốc giá trị trong đồng bào dân tộc và ứng dụng rộng rãi trong khám chữa bệnh cho nhân dân, kết hợp phát triển hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền.
Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình trồng bảo tồn và phát triển một số dược liệu có giá trị kinh tế ở một số vùng trong tỉnh.
8. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Nghiên cứu giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ KH&CN của địa phương; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, luân chuyển và nâng cao chất lượng giáo viên.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Thu hút, trọng dụng cán bộ KH&CN và chuyên gia giỏi làm việc tại tỉnh Lai Châu.
Triển khai các giải pháp khoa học, các tiến bộ kỹ thuật góp phần cải tiến phương pháp dạy và học tập. Nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và trường Phổ thông Trung học.
9. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh
Nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền giáo dục về an ninh chính trị và phương pháp xử lý điểm nóng dùng cho cán bộ cơ sở tại vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu.
Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phòng ngừa tệ nạn ma túy và buôn bán người qua biên giới trên địa bàn tỉnh; các giải pháp phòng chống gia tăng tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên, tội phạm công nghệ cao.
Nghiên cứu nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Nghiên cứu các giải pháp phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào dân tộc, bảo vệ chủ quyền biên giới, đảm bảo an ninh nông thôn, chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
II. Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh- tầm nhìn đến năm 2030
Sau năm 2020, sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, trong đó khoa học và công nghệ của tỉnh hướng tới mục tiêu đạt mức trung bình trong các tỉnh miền núi phía Bắc; tập trung phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ, tiếp tục đào tạo nhân lực KH&CN trình độ cao, đủ sức hội nhập với các xu hướng phát triển KH&CN trên toàn quốc và thế giới. Năng lực KH&CN Lai Châu có khả năng ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ mới, hiện đại, góp phần đưa sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp cận đến một nền kinh tế tri thức, tạo lập cơ sở thực tiễn để phát triển bền vững.
D. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
I. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về khoa học và công nghệ
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định việc phát huy và phát triển khoa học - công nghệ là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền; là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng cấp, từng địa phương.
II. Tăng cường cơ sở vật chất cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khoa học - công nghệ, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ khoa học, kỹ thuật bao gồm: Các dịch vụ môi giới, chuyển giao, tư vấn đánh giá và định giá công nghệ và các lĩnh vực đo lường chất lượng, đăng kiểm các phương tiện vận tải cơ giới...
Củng cố và nâng cấp các trung tâm, đơn vị sự nghiệp KH&CN hiện có như: Trung tâm ứng dụng và Chuyển giao công nghệ; Trung tâm Tin học và Thông tin khoa học - công nghệ; Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp của tỉnh; Trung tâm Thủy sản; Trung tâm Khuyến công và các Trung tâm đào tạo nghề của tính.
Phát triển một số tổ chức khoa học và công nghệ đủ năng lực chuyên môn trong việc hiệu chuẩn, đánh giá sự phù hợp, thử nghiệm sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, định giá, giám định công nghệ để đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bản tỉnh.
Rà soát, đánh giá đúng thực trạng các phòng thí nghiệm, thực hành của các cơ sở giáo dục - đào tạo để có kế hoạch đầu tư nâng cấp, khắc phục tình trạng “học chay, dạy chay”
III. Đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học - công nghệ.
1. Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động khoa học - công nghệ
Tiến hành thống kê khoa học - công nghệ đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý, dự báo, quy hoạch, chính sách phát triển, sản xuất kinh doanh để tăng cường các biện pháp quản lý và không ngừng nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu đối với sản phẩm lợi thế của tỉnh.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội đồng khoa học - công nghệ của tỉnh, ngành và huyện, thị để có phương thức hoạt động và cơ cấu hợp lý.
Đảm bảo mức đầu tư cho khoa học và công nghệ không thấp hơn mức quy định hàng năm của Chính phủ. Đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, bám sát kế hoạch và định hướng ưu tiên; chú ý đầu tư một số ngành, lĩnh vực, địa bàn và sản phẩm có lợi thế của tỉnh.
Huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho khoa học - công nghệ và nâng cao hiệu quả liên kế giữa “Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông”.
Đẩy mạnh cơ chế giao nhiệm vụ, cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học - công nghệ cuối cùng. Áp dụng cơ chế linh hoạt trong cấp phát tài chính để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Thực hiện rộng rãi cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học - công nghệ công lập theo quy định. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu của các Bộ, ngành trong khu vực như: Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc và trường Đại học Tây Bắc...
2. Đổi mới tổ chức khoa học và công nghệ
Đánh giá thực trạng hoạt động khoa học - công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ, trường giáo dục đào tạo nghề, các tổ chức sự nghiệp và các sở, ngành từ đó có kế hoạch củng cố, kiện toàn cả về đội ngũ cán bộ làm khoa học và đầu tư trang thiết bị.
Khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ. Từng bước chuyển mô hình các Trung tâm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành doanh nghiệp khoa học - công nghệ.
IV. Nâng cao hiệu quả sử dụng, huy động vốn đầu tư cho KH&CN
Hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau và trích tối thiểu 0,2 - 0,5% phần thu ngân sách địa phương được hưởng hàng năm cho Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh để thực hiện cơ chế, chính sách phát triển KH&CN trên địa bàn nhằm đổi mới công nghệ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, quản lý, kinh doanh,...
Đa dạng hóa nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động khoa học để tăng nhanh nguồn vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ. Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học, tập trung cho công tác nghiên cứu triển khai và dịch vụ khoa học.
Tập trung khai thác nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển tiềm lực KH&CN nhất là kinh phí từ các chương trình, dự án KH&CN trọng điểm Nhà nước, ưu tiên các dự án xây dựng tiềm lực KH&CN, các nhiệm vụ ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật.
V. Xây dựng và phát triển thị trường công nghệ ở địa phương
Tận dụng tối đa những lợi ích từ những chính sách do Nhà nước (Trung ương) ban hành về phát triển thị trường công nghệ. Tranh thủ các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ quốc gia. Tổ chức chợ công nghệ và thiết bị với quy mô, tần suất 3 năm một lần. Xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động trao đổi công nghệ trên địa bàn tỉnh, các hoạt động hỗ trợ “hậu Techmart”. Tăng cường năng lực cung cấp thông tin về công nghệ và thiết bị đến với doanh nghiệp, hỗ trợ các dịch vụ chuyển giao công nghệ, đánh giá và thẩm định công nghệ cho doanh nghiệp.
VI. Liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN
Mở rộng hợp tác với các tổ chức KH&CN của Trung ương, các Viện nghiên cứu hàng đầu trong cả nước. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các chuyên gia khoa học và công nghệ tiếp cận với thực tiễn sản xuất và đời sống của tỉnh để phát hiện, xác định các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đặt ra cho KH&CN của tỉnh Lai Châu. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác KH&CN với bên ngoài nhằm tranh thủ thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế phát triển KH&CN Lai Châu, học hỏi những kinh nghiệm có ích và từng bước mở rộng sự tham gia của KH&CN Lai Châu vào giải quyết các vấn đề chung.
D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Thời gian, kinh phí thực hiện kế hoạch.
Để thực hiện các nội dung và giải pháp của kế hoạch, tổng kinh phí trong cả giai đoạn từ nay đến 2020 cần khoảng 226 tỉ đồng, bình quân mỗi năm trong giai đoạn cần 24 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư phát triển và SNKH); được phân chia như sau:
1. Giai đoạn 2013 - 2015:124,5 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn thực hiện các dự án xây dựng các trụ sở làm việc: 9 tỷ đồng.
- Vốn thực hiện các dự án tăng cường tiềm lực KH&CN: 72 tỷ đồng.
- Vốn thực hiện các đề tài, dự án KH&CN: 33,5 tỷ đồng
- Vốn hỗ trợ từ các Chương trình, đề tài, dự án của Trung ương: 8 tỷ đồng.
- Vốn huy động từ các nguồn khác: 2 tỷ đồng.
2. Giai đoạn 2016 - 2020:101,5 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn thực hiện các đề tài, dự án KH&CN: 89 tỷ đồng.
- Vốn hỗ trợ từ các Chương trình, đề tài, dự án của Trung ương: 10 tỷ đồng.
- Vốn huy động từ các nguồn khác: 2,5 tỷ đồng,
II. Phân công các đơn vị thực hiện
1. Sở Khoa học và Công nghệ
Làm đầu mối, chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của Kế hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương đưa kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ vào kế hoạch hàng năm của địa phương, đơn vị. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển khoa học và công nghệ, đảm bảo kinh phí đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ; đặc biệt chú trọng kinh phí cho tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ ở các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.
3. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xác định tỷ lệ ngân sách hàng năm chi cho khoa học và công nghệ, đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính và chế độ quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
4. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đề xuất tổ chức bộ máy quản lý khoa học và công nghệ cấp tỉnh và huyện, thị xã cho phù hợp với việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ và xây dựng, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh từ nay đến năm 2020.
5. Sở Công thương
Hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tổ chức thực hiện nội dung KH&CN phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và phát triển thị trường. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép các Chương trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh thuộc lĩnh vực theo dõi, quản lý để chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức kinh tế ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
7. Các sở, ban, ngành khác và các huyện, thị xã
Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan trong việc xây dựng, tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo Kế hoạch.
Cụ thể hóa các văn bản quy phạm, các chủ trương, chính sách về phát triển khoa học - công nghệ của Trung ương và của tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch của ngành, đơn vị để triển khai thực hiện; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Khoa học và Công nghệ) để tổng hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.