BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 182/QĐ-LĐTBXH | Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội ngày 23 tháng 11 năm 2012 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
Căn cứ vào Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
(Ban hành kèm theo Quyết định số 182/QĐ-LĐTBXH ngày 23 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
Thực hiện trách nhiệm được giao tại Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với các nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tổ chức lấy ý kiến về các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm các mục đích sau:
a) Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
b) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
2. Yêu cầu
Việc tổ chức lấy ý kiến về các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các đơn vị thuộc Bộ cần đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thực hiện với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
b) Việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm;
c) Ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được tập hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và là cơ sở để góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
d) Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình biết tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
đ) Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo các đơn vị trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
e) Việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên và tập trung chỉ đạo của các đơn vị thuộc Bộ.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG LẤY Ý KIẾN
1. Nội dung lấy ý kiến
Nội dung lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bao gồm:
a) Lấy ý kiến về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp;
b) Các đơn vị thuộc Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình tổ chức lấy ý kiến về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình, của Bộ, ngành mình và những vấn đề mà đơn vị quan tâm;
2. Hình thức lấy ý kiến
2.1. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đăng tải toàn văn trên Trang thông tin điện tử của Bộ để cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.
2.2. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được lấy ý kiến thông qua các hình thức sau đây:
a) Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm tại mục III Kế hoạch này;
b) Thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm;
c) Thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ;
d) Các hình thức phù hợp khác.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Pháp chế có trách nhiệm:
- Tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong toàn ngành, trong Bộ.
- Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, của ngành.
- Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, của ngành.
- Xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trình Bộ và gửi Bộ Tư pháp trước ngày 10/3/2012.
2. Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm:
- Tổ chức các cuộc họp trong đơn vị để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
- Lập Báo cáo tổng hợp các ý kiến của đơn vị mình (theo mẫu đính kèm) về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gửi Vụ Pháp chế tổng hợp chung vào Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của Bộ. Thời hạn hoàn thành Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các đơn vị: trước ngày 25/02/2013.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước được thông báo trong dự toán chi thường xuyên năm 2013 của các đơn vị và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Vụ Pháp chế có trách nhiệm lập dự toán kinh phí về việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Bộ gửi về Vụ Kế hoạch - Tài chính bố trí kinh phí để triển khai, thực hiện.
PHỤ LỤC
ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO TỔNG HỢP CÁC Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO HIẾN PHÁP NĂM 1992 CỦA ĐƠN VỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 182/QĐ-LĐTBXH ngày 23 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
1. Đánh giá chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Nhận xét chung về ưu điểm, nhược điểm của toàn bộ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi gồm:
- Nội dung Dự thảo đã đảm bảo cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cụ thể:
+ Dự thảo Hiến pháp đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
+ Dự thảo Hiến pháp đã thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; tổ chức tinh gọn và hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ.
+ Dự thảo Hiến pháp đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
+ Dự thảo Hiến pháp đã đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
- Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Hiến pháp đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992.
- Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã đảm bảo là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.
2. Ý kiến cụ thể về nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
2.1. Về các quy định cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
a) Tham gia ý kiến vào toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, gồm: Lời nói đầu; chương: chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân; Chính quyền địa phương; Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Trong mỗi quy định cụ thể cần đánh giá về phạm vi, ưu điểm, hạn chế của từng nội dung được sửa đổi; những nội dung tán thành, không tán thành và lý do của việc tán thành hoặc không tán thành; những nội dung cần sửa đổi, đề xuất nội dung sửa đổi cụ thể và lý do của việc sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
b) Tham gia ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý của Bộ và lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách.
2.2. Về kỹ thuật lập hiến
- Về bố cục và kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản của Dự thảo Hiến pháp.
- Về ngôn ngữ diễn đạt và kỹ thuật xây dựng của các quy định của Dự thảo Hiến pháp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.