BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 180/1999/QĐ-BNN-TCCB | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN"XÂY DỰNG CÁC KHU BẢO TỒN NHẰM BẢO VỆ NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN TRÊN CƠ SỞ ỨNG DỤNG QUAN ĐIỂM SINH THÁI CẢNH QUAN" - VIE/95/G31, 031
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 73/CP, ngày 01/11/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ công văn số 1213/CP-QHQT ngày 17/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt và thực hiện dự án PARC - VIE/95/ G31, 031;
Căn cứ Quyết định số 1534/QĐ-BNN-TCCB, ngày 4/5/1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thành lập Ban điều hành Trung ương dự án PARC - VIE/95/ G31, 031;
Căn cứ Quyết định số 444/NN-TCCB/QĐ, ngày 25/3/1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao cho Cục Kiểm lâm quản lý và thực hiện dự án PARC - VIE/95/ G31, 031;
Xét đề nghị của các ông: Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm và Giám đốc dự án PARC-VIE/95/G31, 031,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức thực hiện Dự án "Xây dựng các khu bảo tồn nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở ứng dụng quan điểm sinh thái cảnh quan" - VIE/95/G31, 031.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành .
Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Vụ trưởng các Vụ, Cục có liên quan, Giám đốc Dự án VIE/95/G31, 031, các thành viên Ban điều hành dự án và Ban quản lý dự án ở Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN"XÂY DỰNG CÁC KHU BẢO TỒN NHẰM BẢO VỆ NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN TRÊN CƠ SỞ ỨNG DỤNG QUAN ĐIỂM SINH THÁI CẢNH QUAN" VIE/95/G31, 031
(Ban hành theo Quyết định số 180/1999/QĐ-BNN-TCCB, ngày 28/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1- Những căn cứ để xây dựng quy chế
Quy chế tổ chức thực hiện Dự án " "Xây dựng các khu bảo tồn nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở ứng dụng quan điểm sinh thái cảnh quan" VIE/95/G31, 031 (sau đây được viết tắt là dự án PARC) được xây dựng trên cơ sở các văn bản sau đây:
- Văn bản của Chính phủ số 1213/CP-QHQT ngày 17/10/1998 phê duyệt và thực hiện Dự án VIE/95/G31, 031;
- Văn kiện dự án VIE/95/G31, 031 ký ngày 20/11/1998 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UNDP;
- Quyết định áp dụng "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam" (NEX) ngày 4 tháng 2 năm 1999 ký giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thay mặt Chính phủ) và UNDP;
- Thư thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng dịch vụ dự án của Liên Hợp Quốc (UNOPS) về sự tham gia của UNOPS trong việc thực hiện dự án VIE/95/G31, 031 ký ngày 17 tháng 3 năm 1999;
- Quyết định số 1534/QĐ-BNN-TCCB1 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Ban Điều hành Trung ương Dự án PARC -VIE/95/G31, 031 ký ngày 4 tháng 5 năm 1999;
- Quyết định số 444 NN-TCCB/QĐ ngày 25/3/1997 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao Cục Kiểm lâm quản lý và thực hiện dự án VIE/91/G31, 031;
- Quyết định số 4488 QĐ/BNN-TCCB ngày 14/12/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cử Giám đốc dự án VIE/95/G31, 031;
Điều 2. Tổ chức điều hành dự án
Dự án PARC được tổ chức điều hành thống nhất từ Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến địa phương trong vùng dự án (tỉnh, huyện, xã) theo hướng phân cấp quản lý dự án cho cấp địa phương, đặc biệt trong quản lý tài chính, trang thiết bị, nhân sự và các hoạt động hiện trường.
Chương 2:
TỔ CHỨC QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ QUẢN LÝ DỰ ÁN
Điều 3. Tổ chức cấp Trung ương
1. Ban Điều hành dự án Trung ương được thành lập theo Văn kiện dự án và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Ban Điều hành Trung ương Dự án PARC -VIE/95/G31, 031 (sau đây gọi là Ban Điều hành dự án Trung ương) do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban. Các thành viên của Ban gồm các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ba tỉnh thực hiện dự án: Đắk Lắk, Bắc Kạn, Tuyên Quang, đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cục, vụ liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Ban Quản lý dự án Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Điều hành dự án Trung ương do Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Giám đốc dự án làm Trưởng ban và có các cán bộ nghiệp vụ. Ban quản lý dự án Trung ương có Văn phòng dự án đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, được mở tài khoản theo quy định và dùng dấu của Cục Kiểm lâm để giao dịch.
Điều 4. Tổ chức cấp địa phương
1. Ban Điều hành dự án cấp tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Kạn và Đắk Lắk do Phó Chủ tich UBND tỉnh làm Trưởng ban. Thành viên của Ban gồm đại diện các ban, ngành liên quan của tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các huyện vùng dự án, Giám đốc vườn quốc gia và Giám đốc các lâm trường có địa bàn nằm trong vùng dự án. Ban Điều hành dự án tỉnh do UBND tỉnh quyết định thành lập.
2. Ban Quản lý dự án cơ sở Ba Bể, Yok Đon và Na Hang,
- Ban Quản lý dự án cơ sở là cấp trực tiếp tiếp nhận và thực thi dự án cùng với cấp huyện, xã. Ban Quản lý dự án cơ sở do UBND tỉnh quyết định thành lập.
- Ban Quản lý dự án cơ sở Ba Bể và Yok Don do Giám đốc vườn quốc gia làm Trưởng ban. Thành viên của Ban gồm đại diện của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cán bộ nghiệp vụ của Văn phòng dự án cơ sở đặt tại các Vườn quốc gia Ba Bể và Yok Đon. Ban Quản lý dự án cơ sở Ba Bể và Yok Đon được mở tài khoản theo quy định và dùng con dấu của Vườn quốc gia để giao dịch.
- Ban quản lý dự án cơ sở Na Hang do lãnh đạo UBND huyện Na Hang làm trưởng ban, các thành viên khác gồm Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang làm phó ban thường trực và các cán bộ nghiệp vụ. Văn phòng của Ban quản lý dự án đặt tại Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang. Ban Quản lý dự án cơ sở Na Hang được mở tài khoản theo quy định và dùng con dấu của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang để giao dịch.
3. Tổ công tác xã. Các xã trong vùng dự án thành lập các tổ công tác xã. Tổ công tác xã phối hợp với Ban Quản lý dự án cơ sở và trực tiếp thực hiện các hoạt động tại hiện trường. Tổ công tác xã do lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã làm tổ trưởng, các thành viên gồm đại diện các thôn bản tham gia dự án và các ban ngành có liên quan ở cấp xã: kiểm lâm, khuyến nông, khuyến lâm, địa chính... Tổ công tác xã do UBND huyện quyết định thành lập và dùng dấu của UBND xã để giao dịch.
Điều 5. Chức năng nhiệm vụ của các Ban Điều hành và Quản lý dự án
1. Ban Điều hành dự án Trung ương:
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng Ban Điều hành dự án Trung ương. Ban Điều hành dự án Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều hành và chỉ đạo dự án. Ban Điều hành dự án Trung ương có nhiệm vụ cụ thể sau:
- Kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của dự án, các nguồn vốn viện trợ, vốn đối ứng trong nước và phân bổ các nguồn vốn dự án thông qua Ban Quản lý dự án Trung ương theo đúng Văn kiện dự án, Thư thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan dịch vụ dự án của Liên Hợp Quốc (UNOPS);
- Phê duyệt kế hoạch dự án tổng thể và hàng năm do Ban Quản lý dự án Trung ương phối hợp các bên liên quan xây dựng;
- Hướng dẫn việc thực hiện các chính sách và quy định của Nhà nước, của ngành và của cơ quan tài trợ áp dụng vào điều kiện đặc thù của dự án.
2. Ban Quản lý dự án Trung ương
Ban Quản lý dự án Trung ương có nhiệm vụ quản lý và thực hiện kế hoạch dự án đã được Ban Điều hành dự án Trung ương phê duyệt và hướng dẫn Ban Quản lý dự án cơ sở thực hiện kế hoạch. Ban Quản lý dự án Trung ương có các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Phối hợp với các bên liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể, hàng năm và hàng quý theo quy định đã ghi trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam" và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự toán chi tiêu ngân sách hàng năm trình Ban Điều hành dự án Trung ương xem xét và phê duyệt;
- Báo cáo định kỳ theo quy định đã ghi trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam" và theo quy chế quản lý dự án ODA đã ban hành;
- Thường trực giúp việc Ban Điều hành dự án Trung ương;
- Phối hợp với UNDP, UNOPS và các tổ chức thực hiện hợp đồng phụ quốc tế trong việc tuyển chọn và quản lý chương trình hoạt động của các chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức đào tạo (theo phân cấp), mua sắm trang thiết bị theo đúng hướng dẫn đã ghi trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam";
- Hướng dẫn thực hiện các quy định trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam" và những quy định có liên quan khác của Nhà nước tới các cấp tỉnh, huyện;
-Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý dự án cơ sở tổ chức thực hiện dự án có hiệu quả;
- Chuẩn bị nội dung các cuộc họp Ban Điều hành dự án Trung ương;
- Tổng hợp và báo cáo định kỳ, quyết toán với UNDP theo quy định;
- Phối hợp với UNDP và UNOPS và các cơ quan chức năng Nhà nước tổ chức đánh giá, kiểm tra, kiểm toán về hoạt động của dự án theo quy định trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam".
3. Ban Điều hành dự án cấp tỉnh
Ban Điều hành dự án cấp tỉnh có trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Điều hành dự án Trung ương về việc thực hiện các mục tiêu, nội dung và kế hoạch hoạt động của dự án tại địa phương. Ban Điều hành dự án tỉnh có nhiệm vụ sau:
- Chỉ đạo các ban ngành trong tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện trong vùng dự án thực thi các hoạt động của dự án trên địa bàn;
- Điều phối các nguồn vốn và hoạt động trên địa bàn dự án bảo đảm đúng mục đích và có hiệu quả;
- Phê duyệt kế hoạch tổng thể và hàng năm do Ban quản lý dự án cơ sở xây dựng để trình Ban Quản lý dự án Trung ương tổng hợp trình Ban Điều hành dự án Trung ương phê duyệt;
- Kiểm tra đánh giá các hoạt động của Ban Quản lý dự án cơ sở về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của dự án;
- Phê duyệt quy chế hoạt động của dự án tại cơ sở.
4. Ban Quản lý dự án cơ sở
Ban quản lý dự án cơ sở có trách nhiệm về tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án trên địa bàn theo đúng các nội dung đã ghi trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam" và các quy định có liên quan khác của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư, quản lý tài chính...Cụ thể Ban quản lý dự án cơ sở có các nhiệm vụ sau:
- Cùng với bên thực hiện hợp đồng phụ quốc tế xây dựng kế hoạch hoạt động và ngân sách hàng năm trình Ban Điều hành dự án tỉnh xem xét trước khi trình Ban Điều hành dự án Trung ương phê duyệt;
- Tổ chức thực hiện dự án theo mục tiêu và kế hoạch được duyệt, bảo đảm sử dụng kinh phí của dự án đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả;
- Sắp xếp, tổ chức và tạo điều kiện cho các chuyên gia dự án trong và ngoài nước hoạt động đúng mục tiêu của dự án;
- Thường trực giúp việc cho Ban Điều hành dự án tỉnh, báo cáo định kỳ cho Ban Điều hành dự án tỉnh và Ban Quản lý dự án Trung ương theo quy định;
- Hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước và các quy định ghi trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam" tới các cấp huyện và xã;
- Trình duyệt thiết kế dự toán và đấu thầu xây lắp công trình xây dựng cơ bản theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phù hợp với quy chế của Nhà nước và UNDP;
- Tổ chức hội nghị và tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã theo phân cấp;
- Tổ chức nghiệm thu các công trình xây dựng cơ bản và các hoạt động khác (quy hoạch sử dụng đất, giao đất lâm nghiệp, phổ cập...) của dự án theo quy định;
- Báo cáo tài chính theo định kỳ cho Ban Quản lý dự án Trung ương và Ban Điều hành dự án cấp tỉnh;
- Tổ chức kiểm tra đánh giá, kiểm toán các hoạt động dự án về mọi mặt;
- Đề xuất những người có đủ điều kiện tham gia vào các hoạt động dự án phù hợp với văn bản hướng dẫn.
5. Tổ công tác xã
Tổ công tác xã là đơn vị tham gia xây dựng kế hoạch, thực hiện và giám sát các hoạt động phát triển cộng đồng của dự án tại các xã trong vùng dư án. Tổ công tác gồm các thành viên liên quan trực tiếp đến việc thực hiện dự án, chú ý có các thành phần phụ nữ, nông dân và người dân tộc thiểu số. Tổ công tác xã có nhiệm vụ sau:
- Phối hợp với Ban Quản lý dự án cơ sở, tổ chức thực hiện hợp đồng phụ quốc tế, Uỷ ban nhân dân xã, các ban, ngành của xã và các cộng đồng thôn bản, những hộ doanh nghiệp nhỏ trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của dự án tại cấp xã;
- Chịu trách nhiệm về việc thực thi các hoạt động của dự án tại cấp xã theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt và bảo đảm sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả;
- Theo dõi việc thực hiện các cam kết (trồng, bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên) của những người được hưởng lợi từ dự án;
- Thực hiện chế độ báo báo theo quy định của dự án;
- Cung cấp những văn bản xác minh cho các tổ chức tín dụng;
- Nắm bắt tình hình tranh chấp đất đai trong địa bàn, báo cáo với cơ quan chức năng giải quyết;
- Theo dõi và đánh giá các hoạt động dự án;
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình của dự án trên địa bàn xã;
- Đề xuất những người có đủ điều kiện tham gia vào các hoạt động dự án phù hợp với văn bản hướng dẫn.
Chương 3:
MỐI QUAN HỆ LÀM VIỆC VÀ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỘI HỌP VÀ BÁO CÁO
Điều 6. Mối quan hệ làm việc
Ban Điều hành dự án Trung ương làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Các thành viên của Ban có trách nhiệm giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Ban Quản lý dự án Trung ương thực hiện đầy đủ các quy định đã ghi trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam" và các quy chế có liên quan khác của Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ban Điều hành dự án cấp tỉnh cụ thể hoá những quyết định của Ban Điều hành dự án Trung ương vào tình hình cụ thể của địa phương.
Ban Quản lý dự án cơ sở chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ quản lý dự án của Ban Quản lý dự án Trung ương và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo hệ thống mẫu biểu thống nhất.
Các tổ công tác xã chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ quản lý dự án của Ban Quản lý dự án cơ sở. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo hệ thống mẫu biểu thống nhất.
Điều 7. Chế độ hội họp
7.1. Họp thường kỳ
Ban Điều hành dự án Trung ương và cấp tỉnh tổ chức họp thường kỳ mỗi năm 2 lần vào đầu năm và cuối năm. Nội dung họp gồm: kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hoạt động, điều chỉnh, thông qua kế hoạch và ngân sách hàng năm.
Ban Quản lý dự án Trung ương, cơ sở, tổ công tác xã họp định kỳ hàng tháng để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hoạt động trong tháng và triển khai kế hoạch hoạt động tháng sau.
Ngoài các thành viên chính thức có thể mời thêm đại diện các cơ quan/tổ chức có liên quan trong và ngoài nước tham dự các cuộc họp của Ban Điều hành dự án Trung ương, tỉnh và của Ban Quản lý dự án Trung ương, cơ sở.
7.2. Họp bất thường
Trong trường hợp cần thiết phải giải quyết những vấn đề đột xuất, Trưởng Ban Điều hành dự án Trung ương và cấp tỉnh có thể triệu tập họp bất thường toàn thể hoặc một số uỷ viên để giải quyết kịp thời công việc.
Điều 8. Chế độ báo cáo, đánh giá
Ban Quản lý dự án Trung ương thực hiện chế độ báo cáo sau:
- Chế độ báo cáo đã ghi trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam";
- Chế độ báo cáo theo Điều 28, Quy chế quản lý sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định 87/CP, ngày 05/8/1997.
- Chế độ báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại Số 22 1999/TT/BTC, ngày 26/2/1999 của Bộ Tài chính.
Ban Quản lý dự án cơ sở cũng thực hiện chế độ báo cáo tương tự như đã nêu ở trên áp dụng cho địa bàn do Ban Quản lý dự án cơ sở phụ trách.
Chương 4:
CÔNG TÁC QUẢN LÝ KẾ HOẠCH
Điều 9. Lập kế hoạch
Nội dung và trình tự xây dựng và phê duyệt kế hoạch năm của dự án như sau:
9.1. Xây dựng kế hoạch năm
Việc xây dựng kế hoạch phải thực hiện trên các cơ sở sau:
- Văn kiện dự án, Thư thoả thuận, Hợp đồng phụ và các văn bản điều chỉnh các văn kiện nói trên;
- Kế hoạch phải thể hiện được tất cả các nguồn vốn: viện trợ, đối ứng trong nước;
- Kế hoạch phải thể hiện cơ cấu vốn: nhân sự, đào tạo, xây lắp, thiết bị...
- Những công trình, hạng mục xây dựng cơ bản hoặc có tính chất xây dựng đưa vào năm kế hoạch để triển khai phải có thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp của Nhà nước và phù hợp với hướng dẫn trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam".
9.2. Nội dung và tiến độ lập kế hoạch
Căn cứ vào nội dung hợp đồng phụ, Ban Quản lý dự án cơ sở cùng với công ty/ tổ chức quốc tế thực hiện hợp đồng phụ xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm rồi trình Ban Điều hành dự án tỉnh xét duyệt trước khi gửi về Ban Quản lý dự án Trung ương tổng hợp, cân đối.
Ban Quản lý dự án Trung ương thống nhất với UNDP và UNOPS về kế hoạch năm rồi trình Ban Điều hành dự án Trung ương phê duyệt vào tháng 11-12 hàng năm.
Dự toán chi tiêu được xây dựng dựa trên kế hoạch hoạt động và định mức cho từng loại công việc đã được tổ chức tài trợ và phía Việt Nam phê duyệt.
Chương 5:
CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
Công tác quản lý tài chính của dự án thực hiện theo những căn cứ sau:
- Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam;
- Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại Số 22 1999/TT/BTC, ngày 26/2/1999 của Bộ Tài chính;
- Thông tư liên Bộ hướng dẫn cơ chế quản lý vốn đối ứng cho các chương trình dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Số 06/1998/TTLT-BKH-BTC , ngày 14/08/1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư , Bộ Tài chính.
Điều 10. Phân cấp chi tiêu trong dự án
10.1. Ban Quản lý dự án Trung ương
a) Chi phí từ nguồn vốn đối ứng trong nước theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Chi phí từ nguồn kinh phí viện trợ theo đúng các quy định trong “Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam” cho các hạng mục sau:
- Chi phí cho các chuyến đi công tác của cán bộ dự án;
- Chi phí trả lương cho các cán bộ tại Văn phòng dự án Trung ương không nhận lương từ ngân sách nhà nước;
- Mua sắm thiết bị trong nước cho văn phòng dự án tại trung ương và cơ sở theo phương thức ba báo giá (nếu giá trị thiết bị dưới 30.000 US$) hoặc đấu thầu (nếu giá trị thiết bị bằng hoặc trên 30.000 US$);
- Chi phí hoạt động tại Văn phòng dự án Trung ương;
- Chi phí báo cáo;
- Các chi phí nhỏ khác tại Văn phòng Trung ương;
- Chi hội thảo, tập huấn, hội nghị, đào tạo cấp Trung ương;
- Chi phí các đoàn đánh giá độc lập;
10.2. Ban Quản lý dự án cơ sở
a) Chi phí vốn đối ứng trong nước theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Đối với nguồn kinh phí viện trợ, Ban Quản lý dự án cơ sở thống nhất với Ban Quản lý dự án Trung ương và tổ chức thực hiện hợp đồng phụ quốc tế (tại Ba Bể và Na Hang với Công ty Scott Wilson, tại Yok Đon với Công ty GTZ/WWF) về những chi tiêu phục vụ hoạt động của dự án tại cơ sở.
Các quy định chi tiêu được thực hiện theo "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam" và phù hợp với quy định có liên quan của Nhà nước.
Điều 11. Hướng dẫn mua sắm hàng hoá trong nước
Thực hiện theo "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam". Đối với những nội dung không có trong Sổ tay thì áp dụng những quy định hiện hành có liên quan của Nhà nước. Việc mua sắm được thực hiện trên cơ sở ý kiến của Ban Quản lý dự án Trung ương/cơ sở.
Mua sắm thiết bị có tổng giá trị nhỏ hơn 30.000 đô la Mỹ được thực hiện trên cơ sở báo giá của tối thiểu ba hãng cung cấp thiết bị. Các tiêu chí để chọn lựa gồm: tính năng kỹ thuật, giá cả, điều khoản bảo hành, thời hạn cung cấp, yêu cầu về thanh toán, tư cách pháp nhân của hãng cung cấp thiết bị.
Mua sắm thiết bị có tổng giá trị bằng hoặc lớn hơn 30.000 đô la Mỹ phải theo thủ tục đấu thầu cạnh tranh để chọn hãng cung cấp thiết bị theo quy định nêu trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam".
Điều 12. Chế độ thanh, quyết toán và kiểm tra
12.1. Chế độ kiểm tra
- Định kỳ, đột xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch và công tác tài chính của dự án;
- Định kỳ, đột xuất Ban Quản lý dự án Trung ương tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch và công tác tài chính của Ban Quản lý dự án cơ sở;
- Định kỳ, đột xuất Ban Quản lý dự án cơ sở tiến hành kiểm tra các công trình dự án triển khai trên địa bàn xã trong vùng dự án.
12.2. Chế độ thanh, quyết toán
Chế độ thanh, quyết toán của dự án thực hiện theo "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam" và Thông tư hướng dẫn Số 22 1999/TT/BTC, ngày 26/2/1999 của Bộ Tài chính;
Đối với nguồn kinh phí viện trợ thì áp dụng hai hệ thống thanh toán:
a) Hệ thống tạm ứng hàng quý: Văn phòng dự án Trung ương thực hiện trả tiền cho người được hưởng trên cơ sở hoá đơn/chứng từ hợp lệ từ khoản tạm ứng do Văn phòng UNDP chuyển vào tài khoản dự án. Việc thanh toán được thực hiện theo quy định trong "Sổ tay quốc gia điều hành dự án cho Việt Nam”;
b) Hệ thống thanh toán trực tiếp: Văn phòng UNDP thực hiện trả tiền trực tiếp cho người được hưởng theo yêu cầu của Giám đốc dự án.
Tuy nhiên, kinh phí viện trợ cho các hoạt động tại các vùng dự án: Ba Bể, Na Hang và Yok Đon là do các tổ chức thực hiện hợp đồng phụ quốc tế quản lý nên Ban Quản lý dự án cơ sở cần phối hợp với các tổ chức nói trên xây dựng quy chế thanh, quyết toán phù hợp với những quy định ghi trong Sổ tay quốc gia điều hành dự án và các quy định có liên quan của Nhà nước.
Điều 13. Kinh phí hoạt động của Ban Điều hành dự án Trung ương và cấp tỉnh, Ban Quản lý dự án Trung ương và cơ sở lấy từ các nguồn sau:
- Một phần từ kinh phí đối ứng trong nước;
- Một phần từ kinh phí dự án (kinh phí viện trợ);
- Một phần từ các hợp đồng phụ (sau khi đã thống nhất với các tổ chức thực hiện hợp đồng phụ quốc tế).
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 15. Bản quy chế này ban hành làm cơ sở cho việc thực hiện dự án "Xây dựng các khu bảo tồn nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở ứng dụng quan điểm sinh thái cảnh quan" VIE/95/G31, 031. Trong qua trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.