ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2013/QĐ-UBND | Quảng Nam, ngày 03 tháng 07 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH MỨC THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/09/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ;
Theo đề nghị của Liên Sở Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình 369 /TTr-LS TC-NN ngày 26/6/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Mức thu thủy lợi phí: Tính từ công trình đầu mối của công trình thủy lợi đến vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước ở các địa phương và được áp dụng từ ngày Nghị định 67/2012/NĐ-CP có hiệu lực,
a) Đối với đất trồng lúa:
- Trường hợp tưới, tiêu chủ động:
ĐVT: đồng/ha/vụ
TT | Biện pháp công trình | Mức thủy lợi phí | |
Các huyện miền núi | Các huyện đồng bằng | ||
1 | Tưới, tiêu bằng động lực (bơm điện). | 1.811.000 | 1.409.000 |
2 | Tưới, tiêu bằng trọng lực (hồ chứa, đập dâng, ao nước nhỉ...). | 1.267.000 | 986.000 |
3 | Tưới tự chảy kết hợp bơm điện hỗ trợ. | 1.539.000 | 1.197.000 |
Các huyện miền núi gồm: Tiên Phước, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn.
- Trường hợp, tưới, tiêu chủ động một phần (hộ dùng nước phải bơm tát trên 1/3 số lần tưới trong 01 vụ sản xuất), thì thu bằng 60% mức thu tưới, tiêu chủ động.
- Trường hợp cấp nước tạo nguồn và sử dụng nước tạo nguồn để tưới, tiêu thì mức thu được thực hiện theo nguyên tắc: một diện tích, một biện pháp tưới tiêu và một mức thu. Đảm bảo tổng mức thu trên một đơn vị diện tích của đơn vị tạo nguồn và đơn vị sử dụng nước tạo nguồn bằng mức thu tương ứng với biện pháp tưới, cụ thể như sau:
+ Đơn vị sử dụng nước tạo nguồn bằng biện pháp trọng lực thì thu bằng 60%, đơn vị cấp nước tạo nguồn thu 40% mức phí tại biểu trên,
+ Đơn vị sử dụng nước tạo nguồn bằng biện pháp động lực thì thu bằng 90%, đơn vị cấp nước tạo nguồn thu 10% mức phí tại biểu trên ,
+ Đối với trường hợp đơn vị quản lý thủy nông cấp nước tưới để thau chua rửa mặn, xổ phèn thì mức thu theo thỏa thuận giữa hai bên cấp nước và đơn vị yêu cầu nhưng không vượt quá 10% mức thu theo từng biện pháp công trình, được UBND cấp huyện thống nhất, kinh phí này được thanh toán theo hợp đồng kinh tế giữa bên cấp nước và bên sử dụng nước tạo nguồn từ nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí đã được ngân sách cấp hàng năm,
Những trường hợp sau đây gọi là tạo nguồn:
+ Dùng biện pháp công trình hồ chứa, đập dâng (kể cả đập ngăn mặn) chặn trên các sông, suối tạo nguồn nước để cấp nước trực tiếp đến công trình đầu mối thuộc hệ thống công trình thủy lợi của đơn vị quản lý thủy nông khác sử dụng.
+ Dùng biện pháp động lực lấy nước từ sông, suối chuyển đến công trình đầu mối thuộc hệ thống công trình thủy lợi do đơn vị quản lý thủy nông khác sử dụng.
+ Cấp nước từ kênh tưới đổ trực tiếp vào công trình đầu mối thuộc hệ thống công trình thủy lợi của đơn vị quản lý thủy nông khác sử dụng. Đối với nước hồi quy từ công trình thủy lợi này đổ vào đầu mối công trình thủy lợi khác để tưới tiêu, tùy tình hình cụ thể các bên sẽ thỏa thuận để xác định việc cấp nước và sử dụng nước tạo nguồn, trong trường hợp chưa có sự thống nhất, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND cấp huyện sẽ căn cứ vào hiện trạng để quyết định.
Những trường hợp sau đây gọi là sử dụng nước tạo nguồn:
+ Dùng biện pháp động lực lấy nước trực tiếp từ trong lòng hồ chứa, thượng lưu của các đập dâng của đơn vị quản lý thủy nông khác để tưới tiêu (Các công trình sử dụng nước tạo nguồn từ đập dâng được xác định theo thực tế, có sự thống nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
+ Dùng biện pháp động lực hoặc trọng lực (trừ kênh dẫn) lấy nước từ kênh tưới của đơn vị quản lý thủy nông khác để tưới, tiêu.
- Trường hợp lợi dụng thủy triều để tưới tiêu thì thu bằng 70% mức phí tưới tiêu bằng trọng lực.
- Trường hợp phải tạo nguồn từ bậc 2 trở lên đối với các công trình được xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức thu thủy lợi phí được tăng thêm 20% so với mức phí tại biểu trên.
b) Đối với diện tích gieo mạ, trồng rau, trồng màu, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, trồng cây lâm nghiệp thì mức thu thủy lợi phí bằng 40% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa.
c) Mức thu thủy lợi phí áp dụng đối với đất sản xuất muối tính bằng 2% giá trị muối thành phẩm.
2. Mức thu tiền nước.
TT | Các đối tượng dùng nước | Đơn vị | Thu theo các biện pháp công trình | |
Bơm điện | Hồ đập, kênh cống | |||
1 | - Cấp nước dùng sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp | đồng/m3 | 1.800 | 900 |
2 | - Cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt, chăn nuôi | đồng/m3 | 1.320 | 900 |
3 | - Cấp nước tưới các cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa và cây dược liệu | đồng/m3 | 1.020 | 840 |
4 | - Cấp nước để nuôi trồng thủy sản | đồng/m3 | 840 | 600 |
đồng/m2 mặt thoáng/năm | 250 | |||
5 | - Nuôi trồng thủy sản tại công trình hồ chứa thủy lợi; - Nuôi cá bè | % Giá trị sản lượng | 8% | |
6 | Vận tải qua âu thuyền, cống của hệ thống thủy lợi: |
|
| |
| - Thuyền, sà lan | đồng/tấn/lượt | 7.200 | |
| - Các loại bè | đồng/m2/lượt | 1.800 | |
7 | Sử dụng nước từ công trình thủy lợi để phát điện | % giá trị sản lượng điện thương phẩm | 12% | |
8 | Sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí (kể cả kinh doanh sân gôn, casino, nhà hàng) | Tổng giá trị doanh thu | 12% |
- Giá điện thương phẩm là giá bán điện bình quân do Bộ Tài chính công bố theo từng thời kỳ.
- Giá tính thuế tài nguyên nước được tính trên cơ sở mức thu qui định tại điểm 1 và 2, khoản 2 biểu trên.
- Trường hợp lấy nước theo khối lượng thì mức tiền nước được tính từ vị trí nhận nước của tổ chức, cá nhân sử dụng nước.
- Trường hợp cấp nước để nuôi trồng thủy sản lợi dụng thủy triều được tính bằng 50% mức quy định tại điểm 4 biểu trên.
- Trường hợp cấp nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu nếu không tính được theo mét khối (m3) thì thu theo diện tích (ha), mức thu bằng 80% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa cho một năm.
3. Mức thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng (phí dịch vụ lấy nước):
Phí dịch vụ thủy lợi nội đồng (phí dịch vụ lấy nước) là khoản tiền tổ chức, cá nhân sử dụng nước phải trả cho tổ chức hợp tác dùng nước để chi trả cho công tác quản lý, bảo vệ công trình; nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh nội đồng từ sau cống đầu kênh đến mặt ruộng…
a) Khái niệm về cống đầu kênh và hệ thống kênh nội đồng.
- Cống đầu kênh là công trình cấp nước tưới cho một diện tích hưởng lợi nhất định thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị cấp nước đầu mối.
- Hệ thống kênh nội đồng là những tuyến kênh dẫn nước từ sau cống đầu kênh, phân phối nước trực tiếp, hoặc gián tiếp qua kênh cấp dưới để tưới đến mặt ruộng. Quy mô diện tích tưới để xác định cống đầu kênh và kênh nội đồng được quy định đối với huyện đồng bằng từ 30 ha trở xuống; đối với huyện miền núi từ 10 ha trở xuống.
b) Mức thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng: Tùy theo quy mô hệ thống kênh nội đồng, tổ chức hợp tác dùng nước tổ chức thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước và được UBND cấp huyện thống nhất bằng văn bản, với mức thu như sau:
- Các huyện miền núi: Mức tối đa 300.000 đồng/ha/vụ.
- Các huyện đồng bằng: Mức tối đa 500.000 đồng/ha/vụ.
Trong trường hợp đặc biệt, đối với những khu vực cuối kênh khó tưới, yêu cầu dẫn nước cao, hoặc số lượng kênh mương nội đồng nhiều, để đảm bảo kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng kênh mương, tùy từng địa bàn, hoặc công trình thủy lợi, UBND huyện có thể quyết định nâng mức thu phí nội đồng nhưng không vượt quá 1,5 lần theo quy định trên.
Các cá nhân, tổ chức sử dụng nước tưới từ công trình thủy lợi có nghĩa vụ phải thanh toán phí dịch vụ thủy lợi nội đồng cho tổ chức hợp tác dùng nước theo quy định này.
c) Trường hợp quản lý kênh mương có diện tích vượt mức qui định: Đối với các tổ chức hợp tác dùng nước quản lý hệ thống kênh nội đồng do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi phân cấp, quản lý, nếu có quy mô diện tích phục vụ lớn hơn mức quy định (lớn hơn 30 ha đối với huyện đồng bằng và lớn hơn 10 ha đối với huyện miền núi), thì được chi trả một phần kinh phí từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước cho Công ty hằng năm. Tỷ lệ và mức chi trả cụ thể theo thỏa thuận giữa Công ty và tổ chức hợp tác dùng nước trên cơ sở khối lượng, nội dung công việc thực hiện và diện tích thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Điều 2. Chính sách miễn thu thủy lợi phí.
1. Phạm vi miễn thu thủy lợi phí:
Phạm vi thực hiện miễn thu thủy lợi phí được tính từ vị trí cống đầu kênh đến công trình đầu mối của công trình thủy lợi.
2. Đối tượng miễn thủy lợi phí theo qui định tại điểm 4, Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ, như sau:
a) Miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.
Diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm bao gồm đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm.
b) Miễn thủy lợi phí đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo.
Việc xác định hộ nghèo được căn cứ vào hộ chuẩn nghèo ban hành theo quy định hiện hành của Nhà nước.
c) Miễn thủy lợi phí đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:
- Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh (hoặc các công ty nông nghiệp chuyển đổi từ nông trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Việc giao khoán đất của hợp tác xã và nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ.
- Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Các trường hợp không thuộc đối tượng miễn thủy lợi phí nêu trên, phải nộp thủy lợi phí theo quy định của Quyết định này.
4. Mức miễn thu thủy lợi phí, tiền nước: Được tính theo mức thu quy định tại khoản 1, Điều 1 và các điểm 3, 4, khoản 2, Điều 1 của Quyết định này.
5. Các tổ chức được ngân sách nhà nước cấp bù kinh phí do thực hiện miễn thủy lợi phí:
Các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, có nhiệm vụ cấp nước tưới, tiêu cho diện tích được miễn thủy lợi phí sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù kinh phí do thực hiện miễn thủy lợi phí, bao gồm:
a) Các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; công ty cổ phần và các doanh nghiệp tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
b) Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
c) Các tổ chức hợp tác dùng nước, bao gồm: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh tổng hợp hoạt động theo Luật Hợp tác xã; các tổ hợp tác được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc đồng ý thành lập, hoặc có giấy phép đăng ký kinh doanh, hoặc được đại hội xã viên thông qua quy chế, điều lệ hoạt động.
d) Các tổ chức khác được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý và khai thác công trình thủy lợi.
Từ vụ Đông Xuân 2014-2015 trở đi chỉ thực hiện cấp bù thủy lợi phí đối với các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi quy định tại các tiết a, b, c nêu trên.
Điều 3. Tổ chức thực hiện.
1. Đơn vị quản lý thủy nông:
a) Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo năng lực quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi quy định tại Thông tư số 40/TT-BNN ngày 27/5/2011 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về quy định năng lực tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
b) Thực hiện việc thu, chi theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí có hiệu quả.
c) Chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và quản lý tài chính ở đơn vị.
2. UBND các huyện, thành phố:
a) Chỉ đạo các địa phương thành lập, cũng cố kiện toàn tổ chức thủy nông cơ sở; quy định mức thu phí nội đồng bảo đảm cho tổ chức thủy nông cơ sở hoạt động có hiệu quả và bền vững.
b) Thực hiện ký hợp đồng đặt hàng với các tổ chức hợp tác dùng nước; tổ chức kiểm tra, thanh tra thường xuyên tình hình thực hiện hợp đồng tưới tiêu và thu chi thủy lợi phí của các đơn vị quản lý thủy nông ở địa phương.
c) Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thủy nông trên địa bàn lập sổ bộ diện tích khu tưới các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý (có xác nhận của UBND cấp huyện).
d) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp diện tích đất tưới, tiêu được miễn thu thủy lợi phí và dự toán kinh phí ngân sách Nhà nước cấp bù của các đơn vị quản lý thủy nông do cấp huyện quản lý trước tháng 10 hằng năm, báo cáo Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
e) Trước tháng 12 hằng năm, sau khi kết thúc các vụ sản xuất, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính - Kế hoạch quyết toán diện tích thực tế tưới, tiêu, tình hình thu, chi thủy lợi phí; báo cáo kết quả thu phí nội đồng của các đơn vị quản lý thủy nông do cấp huyện quản lý, gởi về Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:
a) Căn cứ các quy định hiện hành và điều kiện thực tế, ban hành hướng dẫn chi tiết các điều khoản của Quyết định này để các địa phương, đơn vị quản lý thủy nông thực hiện.
b) Phối hợp với Sở Tài chính rà soát, thẩm tra trình UBND tỉnh phê duyệt diện tích miễn thu thủy lợi phí hằng năm trên địa bàn tỉnh.
c) Hướng dẫn UBND cấp huyện, xã thành lập, củng cố tổ chức hợp tác dùng nước trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài chính chủ trì:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra, tổng hợp dự toán cấp bù miễn thu thủy lợi phí của các huyện, thành phố và Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam trình UBND tỉnh phê duyệt.
b) Ban hành hướng dẫn lập dự toán, cấp phát, thanh quyết toán kinh phí cấp bù miễn thu thủy lợi phí cho các huyện, thành phố và Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 08/2011/QĐ-UB ngày 04/05/2011 của UBND tỉnh về Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 5. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam, các đơn vị quản lý thủy nông, các tổ chức, cá nhân và thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.