BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2007/QĐ-BCA(C11) | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH ĐIỀU TRA GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 29/9/2001;
Căn cứ Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 30/2003/QĐ-BCA(C11) ngày 16/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
ĐIỀU TRA, GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 05 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công an)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy trình này quy định trình tự điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ.
Điều 2. Tổ chức công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông
1. Cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ phải nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật và của Bộ Công an về điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông một cách tích cực, nhanh chóng, công minh và khách quan. Nghiêm cấm cán bộ, chiến sỹ lợi dụng nhiệm vụ được giao để sách nhiễu, gây phiền hà hoặc có hành vi tiêu cực khác xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí đủ biên chế và lựa chọn những cán bộ, chiến sỹ có phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; bố trí địa điểm tiếp dân để tiếp nhận tin báo, giải quyết tai nạn giao thông hoặc các khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.
TRÌNH TỰ ĐIỀU TRA, GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 3. Nhận tin và xử lý tin
1. Nhận tin:
Khi nhận được tin báo có vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, cán bộ, chiến sỹ nhận tin phải hỏi rõ và ghi vào sổ nhận tin các thông tin sau:
a) Họ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người báo tin;
b) Thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn (ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, tại km, đường, thuộc thôn (phố), xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương);
c) Phương tiện giao thông có liên quan đến tai nạn (biển số xe, loại xe, màu sơn);
d) Họ tên, địa chỉ của người điều khiển phương tiện giao thông liên quan đến tai nạn;
đ) Họ tên, địa chỉ những người liên quan hoặc người biết vụ tai nạn xảy ra;
e) Thiệt hại ban đầu về người, tài sản (số người chết, bị thương và phương tiện bị phá huỷ hoặc hư hỏng);
g) Những thông tin khác về vụ tai nạn giao thông.
2. Xử lý tin:
Cán bộ, chiến sỹ nhận tin phải báo cáo ngay vụ tai nạn giao thông đường bộ cho lãnh đạo trực chỉ huy đơn vị biết. Lãnh đạo trực chỉ huy đơn vị khi nhận được báo cáo phải xử lý như sau:
a) Tổ chức lực lượng cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, giải tỏa ùn tắc giao thông:
- Trường hợp Cục C26 nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông thì điện cho Phòng Cảnh sát giao thông nơi xảy ra tai nạn để giải quyết;
- Trường hợp PC26 hoặc Đội, Trạm thuộc PC26 nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến giao thông được phân công tuần tra kiểm soát hoặc gần trụ sở cơ quan thì cử cán bộ đến hiện trường giải quyết;
- Trường hợp Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông thuộc địa bàn của mình thì cử cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường giải quyết;
b) Khi nhận được báo cáo hoặc khi Cảnh sát giao thông xác định:
- Vụ tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường (kể cả chết trên đường đi cấp cứu) thì phải báo cáo ngay cho đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thụ lý điều tra theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 768/2006/QĐ-BCA(C11) ngày 20/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an (dưới đây gọi tắt là Quy định 768/2006/QĐ-BCA(C11);
- Vụ tai nạn giao thông không có người chết tại hiện trường thì phải cử ngay cán bộ, chiến sỹ hoặc báo ngay cho đơn vị Cảnh sát giao thông thụ lý điều tra theo quy định tại Điều 7 Quy định 768/2006/QĐ-BCA(C11);
- Trường hợp liên quan đến người nước ngoài, thì thông báo cho Sở Ngoại vụ; liên quan đến người; phương tiện của Quân đội thì thông báo cho Cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền trong Quân đội để biết và phối hợp với lực lượng Cảnh sát thực hiện công tác điều tra ban đầu.
c) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến phương tiện giao thông đường sắt thì giải quyết theo Chương II Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt;
d) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm có liên quan đến hiện trường để phối hợp giải quyết hậu quả vụ tai nạn.
Điều 4. Những việc làm ngay khi đến hiện trường
Cảnh sát giao thông hoặc các lực lượng Cảnh sát khác khi đến nơi xảy ra tai nạn giao thông cần làm ngay những việc sau:
1. Tổ chức cấp cứu người bị nạn:
a) Đánh dấu vị trí người bị nạn trước khi đưa đi cấp cứu;
Trường hợp sử dụng phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông để đưa người bị nạn đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí của phương tiện, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện, tạm giữ giấy tờ của phương tiện và giấy tờ của người điều khiển phương tiện;
b) Đánh dấu vị trí người bị nạn đã chết và che đậy nạn nhân;
Trường hợp người bị nạn đã chết có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự đi lại, thì đánh dấu vị trí người bị nạn rồi đưa vào lề đường che đậy lại.
2. Kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng sự đi lại thì đánh dấu vị trí phương tiện giao thông, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện rồi đưa vào vị trí thích hợp để bảo quản.
3. Tổ chức bảo vệ hiện trường:
a) Khoanh vùng bảo vệ hiện trường, có biện pháp bảo quản tài sản, tư trang của người bị nạn, hàng hóa trên phương tiện liên quan đến tai nạn (khi bảo vệ hiện trường chú ý không làm xáo trộn hiện trường);
b) Quan sát để phát hiện và ghi nhận sơ bộ các dấu vết, đồ vật để lại trên hiện trường, trên các phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông; ghi nhận những thay đổi ở hiện trường trong quá trình tổ chức cấp cứu người bị nạn;
c) Tìm những người biết vụ tai nạn xảy ra; ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, số điện thoại (nếu có) của người biết vụ tai nạn hoặc đề nghị người biết vụ tai nạn giao thông viết bản tường trình phục vụ công tác điều tra;
4. Tổ chức giao thông:
a) Trường hợp hiện trường vụ tai nạn giao thông không ảnh hưởng nhiều đến việc lưu thông của các phương tiện giao thông thì tổ chức hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc;
b) Trường hợp hiện trường vụ tai nạn giao thông gây ùn tắc thì báo cáo lãnh đạo chỉ huy đơn vị của mình, phòng Cảnh sát giao thông nơi xảy ra tai nạn có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng giao thông để giải quyết.
5. Trường hợp người gây tai nạn giao thông bỏ chạy thì vẫn phải thực hiện theo trình tự tại các khoản 1, 2, 3 nêu trên; đồng thời tổ chức truy tìm theo Điều 27 của Quy trình này.
6. Khi bộ phận khám nghiệm đến hiện trường, thì bàn giao lại những công việc đã làm ở hiện trường cho bộ phận khám nghiệm, đồng thời tiếp tục bảo vệ hiện trường và thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 hoặc điểm a, b khoản 3 Điều 7 Quy định 768/2006/QĐ-BCA(C11) cho đến khi khám nghiệm xong.
Điều 5. Khám nghiệm hiện trường
1. Những việc làm trước khi khám nghiệm hiện trường:
a) Tiếp nhận các công việc và nghe báo cáo tình hình vụ tai nạn giao thông của lực lượng bảo vệ hiện trường;
b) Mời những người chứng kiến tham gia khám nghiệm;
c) Quan sát toàn bộ địa điểm xảy ra tai nạn để xác định phạm vi hiện trường, vị trí dấu vết, nạn nhân, phương tiện, nhận định hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn…;
d) Xác định phạm vi khám nghiệm, phương pháp khám nghiệm, xác định điểm chuẩn để định vị vị trí phương tiện, dấu vết… khi tiến hành khám nghiệm và vẽ sơ đồ;
đ) Kiểm tra lại các thiết bị, phương tiện, công cụ phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường.
2. Tiến hành khám nghiệm:
a) Phát hiện, xác định vị trí các dấu vết, vật chứng, nạn nhân, phương tiện để lại trên hiện trường;
b) Đánh dấu vị trí các dấu vết, vật chứng, nạn nhân, phương tiện, sơ bộ ghi nhận các dấu vết liên quan đến tai nạn trên phương tiện;
c) Chụp ảnh (và quay camera nếu có) hiện trường chung, hiện trường từng phần; chụp ảnh dấu vết, vật chứng có liên quan;
Chú ý khi chụp ảnh dấu vết, vật chứng nhất thiết phải đặt thước tỷ lệ;
d) Đo đạc và vẽ sơ đồ hiện trường;
đ) Thu lượm dấu vết, vật chứng, bảo quản và lấy mẫu so sánh (nếu thấy cần thiết) theo đúng quy định của pháp luật.
3. Lập biên bản khám nghiệm hiện trường theo quy định của Luật tố tụng hình sự.
Điều 6. Khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông
1. Tiến hành khám lần lượt từng phương tiện:
a) Các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông phải được khám nghiệm ngay sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường;
b) Xem xét ghi nhận tổng thể bên ngoài, từ trước ra sau, từ phải qua trái, từ trên xuống dưới;
c) Đo kích thước thực tế của phương tiện: chiều rộng, chiều dài, chiều cao;
d) Kiểm tra, xem xét tỉ mỉ vị trí, kích thước, màu sắc, trạng thái,… những dấu vết để lại trên các phương tiện;
đ) Chụp ảnh (và quay camera nếu có) ghi nhận vị trí, kích thước, màu sắc, trạng thái,… những dấu vết để lại trên các phương tiện;
e) Thu lượm dấu vết, vật chứng, bảo quản và lấy mẫu so sánh (nếu thấy cần thiết) theo đúng quy định của pháp luật;
g) Kiểm tra thiết bị an toàn kỹ thuật như: hệ thống phanh, hệ thống điều khiển, lốp, đèn, còi…;
h) Kiểm tra hàng hóa trên xe, loại hàng, tải trọng, cách xếp hàng (nếu xét thấy cần thiết).
2. Kiểm tra toàn bộ giấy tờ xe và giấy tờ của người điều khiển phương tiện như giấy đăng ký xe (đối chiếu với số khung, số máy), giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với ôtô), giấy phép lái xe, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới.
3. Kết quả khám nghiệm, kiểm tra, đối chiếu phải được ghi rõ ràng, đầy đủ vào biên bản khám nghiệm phương tiện. Những người tham gia khám nghiệm và người điều khiển phương tiện hoặc phụ xe, chủ xe, chủ hàng (nếu có) phải ký vào biên bản.
Điều 7. Khám nghiệm cầu, đường, bến phà liên quan đến vụ tai nạn giao thông
1. Đối với cầu:
a) Đo chiều dài cầu, bề rộng mặt cầu, chiều dài nhịp, số trụ cầu… so với chỉ tiêu kỹ thuật cầu;
b) Mô tả, ghi nhận hệ thống báo hiệu đường bộ như: biển báo, vạch kẻ đường, cọc tiêu,… trên cầu và 2 đầu cầu;
c) Mô tả, ghi nhận vết nứt, vỡ, hư hỏng… trên cầu nơi xảy ra tai nạn;
d) Kiểm tra, xem xét dấu vết do tai nạn để lại trên mặt cầu, thành cầu.
2. Đối với đường, bến phà, cần mô tả ghi nhận:
a) Đặc điểm đoạn đường, mặt đường nơi xảy ra tai nạn như: bằng phẳng hay lên dốc, xuống dốc; thẳng hay cong sang phải, sang trái; tầm nhìn bị che khuất hay không bị che khuất; mặt đường phẳng nhẵn hay "sống trâu", "ổ gà", nứt vỡ, trơn trượt…;
b) Loại mặt đường (bê tông xi măng, bê tông nhựa, đá răm, đất);
c) Hệ thống báo hiệu đường bộ: biển báo, cọc tiêu,vạch kẻ đường…;
d) Một số chỉ tiêu kỹ thuật đường:
- Bề rộng mặt đường (phần mặt đường, làn đường, lề đường);
- Bán kính đường cong, độ siêu cao của đường;
- Độ dốc dọc;
- Tầm nhìn nhỏ nhất theo chiều dọc (nếu có dốc dọc lớn), tầm nhìn theo chiều ngang;
- Chỉ tiêu kỹ thuật thực tế so với thiết kế đường;
đ) Ghi nhận các dấu vết của vụ tai nạn để lại trên đường, bến phà.
3. Việc khám nghiệm cầu, đường, bến phà phải được lập biên bản theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Ghi nhận dấu vết trên thân thể người bị nạn
Tiến hành lập biên bản và phác họa ghi nhận các dấu vết trên thân thể người bị nạn để phục vụ cho công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông.
Điều 9. Báo cho gia đình hoặc cơ quan đơn vị người bị nạn
Trường hợp gia đình hoặc cơ quan, đơn vị người bị nạn chưa biết tin thì đơn vị thụ lý căn cứ giấy tờ tùy thân hoặc biển số xe, giấy phép lái xe… bằng biện pháp nhanh nhất báo tin ngay cho gia đình hoặc cơ quan, đơn vị của người bị nạn biết để đến chăm sóc hoặc giải quyết hậu quả;
Điều 10. Tạm giữ phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan
1. Tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan:
a) Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ;
b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền;
c) Trường hợp tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì phương tiện giao thông bị tạm giữ được xử lý như sau:
- Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện;
- Các trường hợp khác việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chú ý: Khi tạm giữ và trả phương tiện phải có quyết định và biên bản theo quy định của pháp luật.
2. Tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông:
- Việc tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
- Khi tạm giữ người, cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bị tạm giữ.
Điều 11. Dựng lại hiện trường
1. Trong quá trình điều tra vụ tai nạn giao thông nếu có căn cứ xác định hiện trường bị xáo trộn, hiện trường giả hoặc xét thấy cần thiết thì tổ chức dựng lại hiện trường. Khi dựng lại hiện trường nhất thiết phải có người chứng kiến, có thể mời người liên quan cùng tham gia.
2. Nội dung dựng lại hiện trường là phải xác định lại vị trí dấu vết, người bị nạn, phương tiện để lại ở hiện trường, xem xét lại những tình huống, hành vi và những tình tiết khi xảy ra vụ tai nạn giao thông; đo đạc và vẽ lại sơ đồ hiện trường; chụp ảnh để làm cơ sở so sánh đối chiếu.
3. Kết thúc việc dựng lại hiện trường phải lập biên bản, những người tham gia dựng lại hiện trường ký, ghi rõ họ, tên vào biên bản.
Điều 12. Ghi lời khai
1. Ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan:
Nội dung lời khai phải làm rõ vị trí của phương tiện giao thông trên mặt đường, hướng chuyển động, tốc độ, các thao tác kỹ thuật, những nhận biết trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn… Nếu phát hiện người điều khiển phương tiện khai chưa đúng, mâu thuẫn với dấu vết ở hiện trường, ở phương tiện, mâu thuẫn với lời khai của người bị nạn, người làm chứng… thì phải kiểm tra, xác minh, nghiên cứu đặt câu hỏi cho phù hợp để làm rõ sự thật về vụ tai nạn giao thông.
2. Ghi lời khai của người bị nạn và người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông:
a) Trường hợp người bị thương nặng thì chỉ lấy lời khai khi được cán bộ y tế điều trị và người đó đồng ý; cần đặt câu hỏi ngắn gọn;
Nếu người đó có thể tử vong thì phải lấy sinh cung ngay. Trường hợp người bị nạn không thể nói được thì phải lập biên bản về việc đó và có xác nhận của cán bộ y tế điều trị;
b) Nội dung lời khai của người có liên quan phải đảm bảo khách quan, tỉ mỉ phản ánh tình hình trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn giao thông. Sau cùng phải hỏi họ nhận thức về vụ tai nạn giao thông đã xảy ra như thế nào.
3. Ghi lời khai của những người làm chứng:
a) Trường hợp có nhiều người làm chứng thì lấy lời khai của từng người;
Nội dung lời khai phải thể hiện được:
- Ví trí của người làm chứng (hướng nhìn, tầm nhìn xa, khoảng cách giữa người làm chứng đến nơi xảy ra tai nạn), họ có chú ý đến sự việc hay không, do đâu mà họ biết về vụ tai nạn;
- Hướng chuyển động của các bên liên quan đến tai nạn (người và phương tiện);
- Phần đường và tốc độ, thao tác xử lý của người điều khiển phương tiện trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, những tiếng động do va chạm giữa các phương tiện;
- Phản ứng của những người có liên quan trước khi xảy ra tai nạn;
- Vị trí của các phương tiện, người, đồ vật sau khi xảy ra tai nạn, vị trí đó có bị thay đổi không, nếu có thay đổi, xê dịch thì ai làm điều đó, vì sao;
- Trạng thái tâm lý của người gây tai nạn biểu hiện ra bên ngoài (ảnh hưởng của chất kích thích rượu, bia…);
- Các vấn đề khác có liên quan đến vụ tai nạn mà họ biết, còn ai biết về vụ tai nạn xảy ra.
- Tổ chức cho người làm chứng thực nghiệm xác định tính khách quan, xác thực về lời khai (nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của người làm chứng).
b) Cảnh sát giao thông có thể đến nơi ở, nơi làm việc của người làm chứng để lấy lời khai. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi khi ghi lời khai phải mời cha, mẹ, người đại diện hợp pháp hoặc thầy, cô giáo của người đó tham dự và ký tên vào biên bản.
4. Việc ghi lời khai của người liên quan và người làm chứng trong vụ tai nạn giao thông phải được lập biên bản theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 13. Giám định chuyên môn
- Việc trưng cầu giám định thương tật người bị nạn và giám định chuyên môn kỷ thuật phương tiện, đường, cầu, phà, đơn vị Cảnh sát giao thông thụ lý có công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra cùng cấp ra quyết định.
- Trường hợp người bị nạn từ chối việc giám định thương tật thì phải lập biên bản ghi rõ lý do từ chối, có xác nhận của họ hoặc người làm chứng.
Điều 14. Sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật của người bị nạn
Sau khi thu thập đầy đủ giấy chứng thương của bệnh viện, đơn vị thụ lý vụ tai nạn giao thông đối chiếu với Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật của người bị nạn. Kết quả sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật là căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hoặc quyết định xử lý hành chính.
Điều 15. Xem xét kết quả điều tra và quyết định việc giải quyết vụ tai nạn giao thông
1. Cán bộ thụ lý điều tra vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiên cứu hồ sơ tài liệu hoạt động điều tra ban đầu để viết báo cáo kết quả điều tra và đề xuất việc giải quyết vụ tai nạn với chỉ huy trực tiếp của mình.
2. Chỉ huy đơn vị sau khi nghe báo cáo và đề xuất của cán bộ thụ lý điều tra, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ… vụ tai nạn, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì xử lý theo các quy định tại Điều 16 Quy trình này, nếu thấy không có dấu hiệu tội phạm thì tiếp tục điều tra củng cố tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo các quy định tại Điều 17 Quy trình này.
Điều 16. Khởi tố vụ án và chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền
1. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, qua điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông, xác định có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, thì Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khẩn trương củng cố tài liệu, hồ sơ và chuyển cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố. Khi chuyển hồ sơ và vật chứng (nếu có) của vụ án, phải lập biên bản bàn giao theo quy định; Cảnh sát giao thông phải sao toàn bộ hồ sơ lưu để theo dõi, thống kê phục vụ chế độ thông tin báo cáo theo quy định của Bộ Công an.
2. Cảnh sát giao thông cấp huyện, qua điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông, xác định có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện, thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra tai nạn ra quyết định khởi tố vụ án và tiến hành điều tra theo thẩm quyền.
3. Qua điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không có người chết, xác định không có dấu hiệu tội phạm thì Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt ra quyết định không khởi tố vụ án hoặc Cảnh sát giao thông cấp huyện đề nghị Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện ra quyết định không khởi tố vụ án để xử lý hành chính theo Điều 17 Quy trình này.
Điều 17. Xử lý hành chính vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông
1. Mời các bên liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ đến trụ sở đơn vị để thông báo kết quả điều tra, kết luận nguyên nhân của vụ tai nạn và xác định lỗi của những người có liên quan trong vụ tai nạn, hình thức giải quyết. Cho các bên liên quan phát biểu ý kiến của họ. Mọi ý kiến đều được ghi vào biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông và có chữ ký của các bên liên quan đến tai nạn giao thông.
2. Lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định hoặc đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Sau khi cá nhân bị xử phạt thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cán bộ thụ lý lập biên bản trả lại phương tiện giao thông (nếu phương tiện còn đang bị tạm giữ), đồ vật và các giấy tờ đã tạm giữ cho người bị xử phạt; thu biên lai tiền phạt ghim vào góc bên trái quyết định xử phạt, lưu trong hồ sơ vụ tai nạn giao thông.
4. Giải quyết việc khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại giữa các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông khi các bên có yêu cầu đòi bồi thường:
- Trường hợp các bên liên quan tự thương lượng thỏa thuận khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì phải có bản cam kết thống nhất thỏa thuận về mức và hình thức bồi thường thiệt hại giữa các bên; ký và ghi rõ họ, tên những người liên quan. Thỏa thuận bồi thường thiệt hại là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét ra quyết định xử lý hành chính;
- Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông không tự thỏa thuận thương lượng được với nhau thì Cảnh sát giao thông có trách nhiệm hướng dẫn các bên liên hệ với Tòa án để giải quyết theo thủ tục dân sự.
Điều 18. Hồ sơ và sắp xếp hồ sơ vụ tai nạn, vụ va chạm giao thông đường bộ
1. Hồ sơ xử lý vi phạm hành chính (ký hiệu XL)
Sắp xếp theo nhóm tài liệu và trong từng nhóm sắp xếp theo thời gian, trình tự như sau:
- Quyết định không khởi tố vụ án hành sự, quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và các quyết định khác (nếu có);
- Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh, báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường;
- Biên bản khám nghiệm phương tiện, biên bản tạm giữ phương tiện, biên bản ghi nhận tình trạng phương tiện bị tạm giữ, biên bản giao trả phương tiện; các giấy tờ của phương tiện, giấy tờ của người điều khiển phương tiện và hàng hóa trên phương tiện (nếu có);
- Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn (nếu có);
- Biên bản ghi lời khai những người có liên quan trong vụ tai nạn gồm: biên bản ghi lời khai người điều khiển phương tiện, biên bản ghi lời khai người bị nạn, biên bản ghi lời khai người có liên quan khác đến vụ tai nạn giao thông, biên bản ghi lời khai người chứng kiến, người biết việc;
(Nếu có nhiều người và mỗi người lại có nhiều biên bản thì sắp xếp theo từng người và theo thời gian)
- Tài liệu chứng minh thiệt hại về người và tài sản và các tài liệu khác có liên quan (nếu có);
- Các tài liệu về thỏa thuận bồi thường thiệt hại;
- Biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông (nếu có);
- Bản kết luận nguyên nhân vụ tai nạn;
- Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên lai thu tiền phạt;
- Bản thống kê tài liệu có trong hồ sơ.
Chú ý: mỗi vụ tai nạn có thể đóng một hồ sơ hoặc nhiều vụ vào một hồ sơ loại ba trăm trang.
2. Hồ sơ vụ án hình sự
Đơn vị Cảnh sát giao thông được điều tra ban đầu các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm theo Điều 23 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và Quyết định 768/2006/QĐ-BCA(C11) của Bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy, hồ sơ ban đầu trong điều tra các vụ tai nạn giao thông của Cảnh sát giao thông là hồ sơ khởi tố vụ án hình sự.
Hồ sơ ban đầu khởi tố vụ án hình sự bao gồm:
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự và các quyết định khác (nếu có);
- Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh, báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường;
- Biên bản khám nghiệm phương tiện, biên bản tạm giữ phương tiện, biên bản ghi nhận tình trạng phương tiện bị tạm giữ; các giấy tờ của người điều khiển phương tiện và hàng hóa trên phương tiện (nếu có);
- Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn (nếu có);
- Biên bản ghi lời khai những người có liên quan trong vụ tai nạn gồm: biên bản ghi lời khai người điều khiển phương tiện, biên bản ghi lời khai người bị nạn, biên bản ghi lời khai người có liên quan khác đến vụ tai nạn giao thông, biên bản ghi lời khai người làm chứng, người biết việc;
(Nếu có nhiều người và mỗi người lại có nhiều biên bản thì sắp xếp theo từng người và theo từng thời gian)
- Tài liệu chứng minh thiệt hại về người và tài sản, các tài liệu khác có liên quan (nếu có);
- Biên bản bàn giao hồ sơ.
Điều 19. Kết thúc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông
Sau khi hoàn thành công tác điều tra và giải quyết tai nạn giao thông, đơn vị thụ lý điều tra phải hoàn chỉnh hồ sơ, kết thúc việc điều tra; thực hiện thống kê, báo cáo tai nạn giao thông theo Điều 22 của Quy trình này; tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm việc điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông.
Điều 20. Hồ sơ sao cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm
Trường hợp các bên liên quan đến tai nạn giao thông tham gia bảo hiểm, những tài liệu cần thiết cung cấp cho doanh nghiệp Bảo hiểm gồm:
- Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh;
- Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn;
- Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông.
Điều 21. Mở sổ theo dõi tai nạn giao thông và đăng ký lưu hồ sơ vụ tai nạn giao thông
1. Các đơn vị Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông phải mở ba sổ: sổ nhận tin báo về tai nạn hoặc va chạm giao thông; sổ thụ lý các vụ tai nạn giao thông; sổ thụ lý các vụ va chạm giao thông để theo dõi công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông, va chạm giao thông của đơn vị mình.
2. Ba loại sổ trên và hồ sơ các vụ tai nạn giao thông phải được đăng ký lưu giữ, bảo quản, khai thác theo đúng quy định của chế độ hồ sơ.
Điều 22. Thống kê, báo cáo tai nạn giao thông
1. Khi xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Phòng Cảnh sát giao thông phải báo cáo bằng fax hoặc điện thoại về trực ban Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt để báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát.
2. Tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở địa bàn phụ trách, sau khi kết thúc điều tra, giải quyết, đơn vị Cảnh sát giao thông phải báo cáo theo mẫu báo cáo vụ tai nạn giao thông đường bộ số 45/GT ban hành kèm theo Quyết định số 1093/QĐ-BCA(C11) ngày 06 tháng 12 năm 2000 của Bộ Công an và gửi bản chính về Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.
3. Tiến hành nhập nội dung thông tin vụ tai nạn giao thông đường bộ theo mẫu báo cáo số 45/GT để xây dựng cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ phục vụ việc thống kê, phân tích và đề ra các giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông.
4. Định kỳ tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm, Công an cấp huyện; Phòng Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt phải báo cáo tình hình, nguyên nhân, kết quả điều tra, giải quyết và thống kê các vụ tai nạn giao thông lên cấp trên một cấp theo đúng quy định.
MỘT SỐ TÌNH HUỐNG CỤ THỂ CẦN CHÚ Ý TRONG ĐIỀU TRA, GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 23. Trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến người và phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài
1. Khi xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan đến người và phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài, thì thực hiện theo Chương II Quy trình này, đồng thời áp dụng Thông tư liên bộ số 01/TTLB ngày 08/9/1988 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra hoặc áp dụng theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
2. Đồng thời với việc tổ chức khám nghiệm hiện trường, các hoạt động ban đầu của cơ quan công an phải nhằm vào việc xác định tư cách pháp lý của người nước ngoài, quy chế pháp lý của phương tiện gây tai nạn, người bị nạn và tổn thất về tài sản… Cơ quan Công an có quyền yêu cầu người gây tai nạn phải xuất trình các giấy tờ tùy thân cần thiết, tiến hành lập biên bản hiện trường và yêu cầu họ ký, trường hợp họ không ký thì ghi vào biên bản.
- Người có thân phận ngoại giao là những đối tượng được quy định trong Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ giành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, ban hành theo Lệnh số 25L/CTN ngày 07/9/1993 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Trường hợp người điều khiển phương tiện gây tai nạn là người nước ngoài có thân phận ngoại giao thì việc kiểm tra xe, chụp ảnh các giấy tờ tùy thân, việc tiếp nhận lời khai của họ với tư cách là nhân chứng chỉ được tiến hành với sự đồng ý bằng văn bản của người đó. Nếu những yêu cầu nói trên bị từ chối thì phải ghi rõ vào biên bản;
- Việc lấy lời khai người nước ngoài được tiến hành theo các thủ tục thông thường tại trụ sở cơ quan Công an. Người nước ngoài có thể tự chọn phiên dịch. Cơ quan Công an có thể mời người phiên dịch, ghi âm lời khai. Trong trường hợp viên chức ngoại giao hoặc lãnh sự chấp thuận làm nhân chứng thì việc tiếp nhận bản khai hoặc lấy lời khai của họ có thể được tiến hành tại nơi thuận tiện cho họ và họ đồng ý;
- Đối với người nước ngoài không có thân phân ngoại giao (chuyên gia, các nhà kinh doanh, học sinh, thực tập sinh, khách du lịch tại Việt Nam…) có liên quan đến vụ tai nạn giao thông thì việc điều tra giải quyết như đối với công dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi xét thấy cần thiết phải tạm giữ thì phải báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh để trao đổi với cơ quan ngoại vụ thống nhất giải quyết;
- Những khó khăn trở ngại trong quá trình điều tra vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến cá nhân thuộc cơ quan đại diện nước ngoài đều được giải quyết theo cách:Công an, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh thống nhất chỉ đạo biện pháp giải quyết, đồng thời báo cáo lên cấp trên của mình (Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao) để xin ý kiến giải quyết tiếp.
Điều 24. Tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước
1. Trường hợp cán bộ cao cấp không trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông:
Phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đang hành trình trên đường giao thông xảy ra tai nạn giao thông, phải thực hiện ngay các biện pháp cấp bách theo Điều 4 Quy trình này, đồng thời lập biên bản, ghi giấy đăng ký xe, biển kiểm soát, giấy phép lái xe, họ, tên, người điều khiển phương tiện; đánh dấu vị trí, chụp ảnh hiện trường; yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi. Sau đó tổ chức khám nghiệm hiện trường, tiến hành những việc cần thiết khác để hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định và báo cáo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho chủ trương giải quyết tiếp.
2. Trường hợp cán bộ cao cấp trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông:
a) Nếu cán bộ cao cấp bị thương thì tìm mọi biện pháp hữu hiệu nhất để cấp cứu; nếu chết thì tổ chức bảo vệ hiện trường đồng thời báo cáo Công an cấp tỉnh và Bộ Công an theo quy định.
b) Phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp vẫn hoạt động được thì cùng với các biện pháp cấp bách, phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, phác họa các dấu vết ở hiện trường vào sơ đồ, mô tả, chụp ảnh hoặc quay camera các dấu vết ở phương tiện do vụ tai nạn giao thông gây ra và đề nghị cán bộ đó ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho xe đi;
Trường hợp xe không lưu hành được thì sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp nêu trên, cần tạo điều kiện giải quyết cho cán bộ đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu và định thời gian cán bộ đó có mặt tại trụ sở để giải quyết.
3. Tổ chức điều tra, giải quyết theo Chương II Quy trình này.
Điều 25. Tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người, phương tiện của Quân đội
1. Đối với vụ va chạm giao thông đường bộ có liên quan đến người, phương tiện của Quân đội thì lực lượng Cảnh sát giao thông thụ lý giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền của Quân đội biết.
2. Đối với những vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người, phương tiện của Quân đội phải qua công tác điều tra mới xác định được tính chất, mức độ thiệt hại thì giải quyết như sau:
a) Lực lượng Cảnh sát (Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát giao thông) thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu, công việc tại hiện trường, cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, lấy lời khai những người có liên quan… Đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra hình sự Quân đội có thẩm quyền để phối hợp thực hiện các công tác điều tra ban đầu. Sau đó lực lượng Cảnh sát bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu, phương tiện, vật chứng… có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ cho Cơ quan điều tra hình sự Quân đội để giải quyết. Trường hợp tuy đã được thông báo nhưng Cơ quan điều tra hình sự Quân đội chưa đến thì lực lượng Cảnh sát vẫn tiến hành công tác điều tra ban đầu cho đến khi Cơ quan điều tra hình sự Quân đội đến phối hợp và tiếp nhận.
b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan điều tra hình sự Quân đội điều tra, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho đơn vị Cảnh sát đã giải quyết ban đầu để phục vụ công tác thống kê, báo cáo. Nếu hành vi gây tai nạn giao thông đường bộ không cấu thành tội phạm thì Cơ quan điều tra hình sự Quân đội phải chuyển toàn hồ sơ, tài liệu, vật chứng, phương tiện (trừ phương tiện của Quân đội)… có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ cho đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền để xử lý theo thủ tục hành chính.
Điều 26. Tai nạn liên quan đến các phương tiện giao thông được quyền ưu tiên
Phương tiện giao thông được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp xảy ra tai nạn mà người điều khiển phương tiện không bị thương, phương tiện vẫn tiếp tục hoạt động được thì lập biên bản tạm giữ các giấy tờ có liên quan, ghi lại biển số phương tiện, họ, tên, đơn vị công tác của người điều khiển phương tiện; đánh dấu vị trí của phương tiện giao thông, sơ bộ ghi nhận và chụp ảnh các dấu vết trên phương tiện rồi cho họ tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Sau đó tiến hành điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định tại Chương II Quy trình này.
Điều 27. Trường hợp người gây tai nạn giao thông bỏ chạy
Khi xảy ra vụ tai nạn giao thông thuộc thẩm quyền điều tra của lực lượng Cảnh sát giao thông (tai nạn không có người chết) mà người gây tai nạn điều khiển phương tiện giao thông bỏ chạy thì Cảnh sát giao thông:
1. Khẩn trương có mặt tại hiện trường, tiến hành nắm tình hình, loại xe, màu sơn, biển số xe…
2. Tổ chức truy tìm người, phương tiện gây tai nạn, đồng thời thông báo cho các Đội, Trạm Cảnh sát giao thông trên tuyến phối hợp truy bắt.
3. Tổ chức điều tra, giải quyết theo quy định tại Chương II Quy trình này.
Điều 28. Tai nạn cháy, nổ phương tiện giao thông đường bộ
Khi các phương tiện giao thông bị cháy, nổ thì Cảnh sát giao thông phải thông báo ngay cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến giải quyết. Cảnh sát giao thông có trách nhiệm phối hợp và giữ gìn trật tự giao thông ở khu vực hiện trường tai nạn.
Điều 29. Tai nạn giao thông liên quan trực tiếp đến phương tiện giao thông chở hóa chất độc hại
Khi xảy ra vụ tai nạn giao thông mà phương tiện tham gia giao thông vận chuyển chất độc hại thì Cảnh sát giao thông phải tiến hành phong tỏa nơi xảy ra tai nạn trong một khu vực cần thiết và đặt các biển báo hiệu, cấm người và các phương tiện đi vào. Đồng thời báo cáo ngay Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và cơ quan hữu quan phối hợp giải quyết.
Điều 30. Những vụ tai nạn giao thông dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng
1. Trường hợp vụ tai nạn giao thông có thân nhân của người bị nạn hoặc những phần tử quá khích đòi yêu sách, hành hung người gây tai nạn, ngăn đường làm cản trở giao thông ở mức độ chưa nghiêm trọng thì chủ động giải thích, phân hóa đối tượng, giải tỏa đám đông không để xảy ra phức tạp.
2. Trường hợp xảy ra các hành vi gây rối nghiêm trọng thì phải tìm mọi cách báo cáo lãnh đạo Công an, đề nghị chính quyền và các lực lượng khác của địa phương tăng cường hỗ trợ; đồng thời bảo vệ hiện trường, phương tiện và người điều khiển phương tiện; bảo toàn lực lượng và tiếp tục nắm tình hình phục vụ cho công tác giải quyết.
3. Tổ chức điều tra, giải quyết theo quy định tại Chương II Quy trình này.
Điều 31. Trường hợp người bị nạn từ chối, không đi cấp cứu
1. Trường hợp phương tiện và cơ quan Y tế (115) đến tổ chức đưa người bị nạn đi cấp cứu thì người chủ trì khám nghiệm phải lập biên bản ghi nhận việc người bị nạn từ chối đi cấp cứu, có sự xác nhận của nhân viên y tế, nhân chứng (nếu có).
2. Trường hợp chỉ có cán bộ chủ trì khám nghiệm thì phải lập biên bản ghi nhận việc người bị nạn từ chối đi cấp cứu, có sự xác nhận của nhân chứng.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32. Quy trình này thay thế Quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 30/2003/QĐ-BCA(C11) ngày 16 tháng 01 năm 2003 của Bộ Công an.
Điều 33. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quy trình này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.