BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2004/QĐ-BNN | Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH "CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2004-2007"
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 củaThủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2004-2007".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| Q.BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CHƯƠNG TRÌNH
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2004-2007
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2004/QĐ-BNN ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I- MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
- Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào nề nếp, đạt hiệu quả cao.
- Giúp cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong ngành nắm bắt kịp thời, có hệ thống các quy định của pháp luật, trên cơ sở đó không ngừng nâng cao hiểu biết và tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và tăng cường năng lực trong việc thực thi các quy định của pháp luật.
II- YÊU CẦU:
- Các cơ quan thuộc Bộ phải xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của đơn vị mình.
- Hoạt động Phổ biến giáo dục pháp luật của toàn ngành, từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải kịp thời, thường xuyên, liên tục, rộng khắp.
- Lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp, địa bàn phổ biến, giáo dục pháp luật thích hợp, phong phú, có sức thu hút đối với đông đảo quần chúng nhân dân.
- Phải có dự toán kinh phí cho thực hiện Chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm từ nguồn kinh phí của Bộ và của các đơn vị.
- Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải xác định việc tìm hiểu, học tập, thực hiện đúng pháp luật là trách nhiệm của tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi lúc.
III- ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG , HÌNH THỨC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
1- Đối tượng:
- Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan sự nghiệp về nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Trung ương và địa phương.
- Các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2- Nội dung:
- Các Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Các văn bản quy phạm pháp luật chung của Việt Nam và các Điều ước quốc tế (song phương và đa phương) mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
- Những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành.
- Những văn bản có nội dung liên quan đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
3- Hình thức:
3.1- Tổ chức giới thiệu trực tiếp :
- Tổ chức các hội nghị phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ.
- Tổ chức các hội nghị hoặc báo cáo chuyên đề để phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật tới các đối tượng liên quan.
3.2- Đào tạo và tập huấn:
- Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên của ngành, cơ quan, đơn vị để làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Có kế hoạch đào tạo, học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về luật, đặc biệt đối với những người làm công tác pháp chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ.
3.3- Phát hành các tài liệu về pháp luật nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Hàng năm, biên soạn và phát hành cuốn sách bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật mới về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Biên soạn và phát hành sách "Hỏi-Đáp" pháp luật để phổ biến những vấn đề thường gặp trong đời sống hàng ngày có liên quan đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được nhiều người quan tâm.
- Phát hành tờ rơi giới thiệu tên văn bản, đĩa CD, VCD
3.4- Xây dựng tủ sách pháp luật của ngành và từng đơn vị.
3.5- Đưa các văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn lên mạng nội bộ (Intranet) và Internet.
3.6- Phổ biến pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan báo, tạp chí của Bộ và của các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ cần dành trang, chuyên mục về phổ biến giáo dục pháp luật.
3.7- Biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, kiểm tra việc thi hành pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức.
3.8- Các hoạt động khác.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Tăng cường hoạt động của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ theo nội dung, quy chế được duyệt và theo hướng dẫn của Hội đồng Phối hợp giáo dục pháp luật của Chính phủ.
2.Vụ Pháp chế có trách nhiệm:
a/ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm trình lãnh đạo Bộ phê duyệt và tổ chức thực hiện;
b/ Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ xây dựng Tủ sách Pháp luật của ngành;
c/ Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và các cơ quan có thẩm quyền xuất bản các tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;
d/ Phối hợp với Văn phòng Bộ, Trung tâm Tin học của Bộ và các đơn vị có liên quan thu thập và đưa lên mạng Bộ ((Intranet) và Internet các văn bản pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ pháp chế và các đơn vị có liên quan xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo pháp luật cho cán bộ, công chức.
4. Hai Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I và II có kế hoạch đưa vào chương trình giảng dạy pháp luật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các cán bộ, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành.
5. Căn cứ vào dự toán ngân sách được Quốc hội giao hàng năm, Vụ Tài chính trình Bộ bố trí một khoản kinh phí phù hợp để thực hiện chương trình này. Căn cứ vào nguồn kinh phí đã được bố trí, Vụ Tài chính phối hợp với Vụ Pháp chế phân bổ và duyệt dự toán cho các đơn vị thực hiện.
6. Các cơ quan báo chí và thông tin của Bộ phối hợp với các đơn vị chuyên ngành bằng nhiều hình thức, thông tin về pháp luật nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan.
7. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm chủ động lập kế hoạch và tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của Sở, Chi cục; hàng năm báo cáo về Bộ tình hình thực hiện công tác này của ngành ở địa phương mình.
8. Các doanh nghiệp có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động do mình sử dụng.
Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện chương trình này; kịp thời sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.