THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 179/2003/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 179/2003/QĐ-TTG NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ - BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ TIẾP TỤC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 28 NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |
CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH
CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT BỘ CHÍNH TRỊ - BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ TIẾP TỤC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 179/2003/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)
Mục tiêu của Chương trình, kế hoạch là tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị về Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần xoá đói, giảm nghèo. Thúc đẩy ứng dụng nhanh và có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp; Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng nông, lâm trường và phân định rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích; tăng cường quản lý nhà nước đối với nông, lâm trường.
Yêu cầu của Chương trình, kế hoạch là trên cơ sở quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu và nội dung của Nghị quyết, cụ thể hóa thành các văn bản pháp quy để triển khai thực hiện Nghị quyết một cách đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả.
I. TIẾP TỤC SẮP XẾP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
1. Phân loại, sắp xếp nông, lâm trường theo phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra, gồm:
- Nông, lâm trường làm nhiệm vụ kinh doanh là chủ yếu, thực hiện sản xuất, kinh doanh và hạch toán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
- Nông, lâm trường làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nhưng phải đảm nhận một phần chức năng xã hội và an ninh, quốc phòng (vùng sâu, biên giới, hải đảo).
- Nông, lâm trường làm nhiệm vụ công ích là chủ yếu, hoạt động theo loại hình doanh nghiệp dịch vụ, công ích.
2. Rà soát phương hướng, nhiệm vụ của từng nông, lâm trường quốc doanh để tiếp tục đổi mới hoặc giải thể.
Nông trường:
a/ Nông trường cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả.
Nông trường chuyên canh cây lâu năm có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh: Tập trung thâm canh diện tích vườn cây đã trồng, gắn với đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới (có các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nông trường tham gia cổ phần); chỉ mở rộng diệc tích trồng mới khi có dự án thực sự hiệu quả.
b/ Nông trường cần tiếp tục duy trì nhưng chuyển đổi phương hướng, nhiệm vụ.
- Nông trường chuyên canh mía, dứa, dâu tằm, bông, thuốc lá...; tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp chế biến; chuyển sang sản xuất giống, xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật để phục vụ tại nông trường và thúc đẩy phát triển sản xuất trong vùng.
- Nông trường sản xuất cây lương thực, cây hàng năm khác, chăn nuôi chuyển hẳn sang sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân sản xuất; đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới; đồng thời tổ chức kinh doanh để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
- Nông trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có yêu cầu phục vụ cho định canh, định cư, an ninh quốc phòng chỉ quản lý một số diện tích phù hợp để sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và xây dựng cơ sở chế biến để phục vụ đồng bào trong vùng; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
c/ Thành lập mới nông trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và có yêu cầu phục vụ định canh, định cư, an ninh, quốc phòng. Nông trường chỉ quản lý một diện tích đất phù hợp để sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và xây dựng cơ sở chế biến để phục vụ đồng bào trong vùng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với an ninh, quốc phòng.
d/ Nông trường chuyển loại hình thức sở hữu khác hoặc giải thể:
Nông trường nhiều năm làm ăn thua lỗ hoặc thu nhập chủ yếu từ nguồn thu cho thuê đất, không có yêu cầu giữ lại.
Lâm trường
a/ Lâm trường đang quản lý chủ yếu là rừng sản xuất, đất trồng rừng nguyên liệu cần được tiếp tục đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới, gắn lâm trường (vùng nguyên liệu) với nhà máy chế biến và chuyển sang hoạt động theo cơ chế sản xuất, kinh doanh.
b/ Những lâm trường đang quản lý chủ yếu là đất có rừng tự nhiên và diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu (Ban quản lý).
c/ Lâm trường quản lý diện tích đất lâm nghiệp ít, phân bố xen kẽ với đất nông nghiệp và gần khu dân cư thì thu hẹp diện tích, chuyển thành doanh nghiệp sự nghiệp có thu, làm dịch vụ sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong vùng.
d/ Lâm trường chuyển loại hình sở hữu khác, giải thể.
Lâm trường không cần giữ lại thì giải thể, chính quyền thu lại đất để sử dụng theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty nhà nước hướng dẫn việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường theo hướng sắp xếp, đổi mới nói trên.
Các Bộ, ngành có nông, lâm trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty nhà nước chỉ đạo thực hiện việc rà soát, sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường của ngành, địa phương và xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường của ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
II. ĐỔI MỚI, QUẢN LÝ NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
1. Quản lý, sử dụng đất đai
a/ Quản lý đất đai.
- Tập trung rà soát lại quỹ đất đai, hiện trạng quản lý, sử dụng đất của nông, lâm trường. Căn cứ đề án sắp xếp nông, lâm trường, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch phát triển phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp từng địa bàn, từng vùng sinh thái, địa phương xác định rõ từng loại đất để quản lý sử dụng có hiệu quả. Đây là công việc quan trọng và phức tạp nhất phải được tập trung chỉ đạo, bao gồm:
+ Diện tích đất nông, lâm trường giữ lại để sản xuất, kinh doanh.
+ Diện tích đất giao lại cho chính quyền địa phương quản lý để giao lại cho nông dân quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
+ Diện tích đất bị chính quyền địa phương thu hồi để giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật, gồm: Đất nông, lâm trường sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy hoạch và kém hiệu quả; đất nông, lâm trường bị lẫn chiếm.
+ Diện tích đất tranh chấp phải xử lý theo pháp luật, gồm: Diện tích đất tranh chấp giữa nông, lâm trường với hộ dân cư; diện tích đất tranh chấp giữa nông, lâm trường với các tổ chức khác.
b/ Sử dụng đất đai.
- Diện tích đất nông, lâm trường giữ lại để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh là chính thì chuyển sang thuê đất.
- Diện tích đất nông, lâm trường giữ lại để thực hiện nhiệm vụ công ích thì giao đất theo quy định của pháp luật.
- Đất nông, lâm trường đã cho các tổ chức, hộ gia đình thuê, mượn nếu đang sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch và pháp luật thì tiếp tục sử dụng và phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước theo quy định hiện hành.
c/ Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc rà soát quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai trong các nông, lâm trường quốc doanh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành có nông, lâm trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty nhà nước chỉ đạo và phê duyệt quy hoạch đất đai của từng nông, lâm trường thuộc Bộ, Ngành, địa phương quản lý.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường.
2. Thực hiện các hình thức khoán trong nông, lâm trường quốc doanh.
a/ Tổng kết việc thực hiện giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước (Nghị định số 01/CP ngày 4 tháng 1 năm 1995), và các hình thức khoán trong nông, lâm trường quốc doanh (khoán vườn cây, khoán rừng........).
b/ Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/CP ngày 4 tháng 1 năm 1995 về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước.
c/ Hướng dẫn triển khai thực hiện các hình thức khoán, giao khoán đất nông nghiệp, lâm nghiệp trong các nông, lâm trường.
Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động -Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty nhà nước tiến hành sơ kết và trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các hình thức khoán, giao khoán trong các nông, lâm trường.
III. CÁC CHÍNH SÁCH
1. Về khoa học và công nghệ
a/ Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến các khâu sau thu hoạch, bảo quản sản phẩm của nông, lâm trường.
b/ Khuyến khích việc hợp tác, liên kết giữa các nông, lâm trường với các viện, trường, các trung tâm khoa học - kỹ thuật của Trung ương, của vùng, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương để bảo vệ nguồn gen, chọn lọc, lai tạo và sản xuất các giống cây nông nghiệp, giống cây lâm nghiệp, giống cây chăn nuôi có năng suất, chất lượng cao trong các nông, lâm trường.
c/ Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách cho việc nhập khẩu những nguồn gen quý, giống tốt có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng để sản xuất cung cấp giống tốt cho sản xuất của nông, lâm trường và nông dân trong vùng.
d/ Xây dựng đề án hướng dẫn các nông, lâm trường thực hiện nhiệm vụ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, công nghệ cao, cung cấp dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, thông tin thị trường, giá cả đối với nông dân trong vùng. Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí khuyến nông, khuyến lâm cho nông, lâm trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Tổng công ty nhà nước và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách trên.
2. Về chính sách tài chính
a/ Hướng dẫn các nông, lâm trường chuyển sang hạch toán kinh tế, thực hiện quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh.
b/ Hướng dẫn việc sử dụng tiền thanh lý vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc, tiền trích khấu hao cơ bản, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp được để lại cho nông, lâm trường.
c/ Hướng dẫn, xử lý khó khăn tài chính như các khoản lỗ, nợ quá hạn của các nông, lâm trường.
d/ Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn tín dụng, vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội theo quy hoạch, kế hoạch và vùng dự án tại các nông, lâm trường.
đ/ Hướng dẫn bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thuỷ lợi, trường học, bệnh xá..... của các nông, lâm trường đã được xây dựng trước đây cho các địa phương quản lý và việc xử lý các nguồn vốn đã đầu tư khi bàn giao.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng công ty nhà nước và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, thực hiện các nội dung trên.
e/ Xây dựng cơ chế và chính sách đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội đối với các nông, lâm trường ở vùng đặc biệt khó khăn do yêu cầu an ninh, quốc phòng, làm nhiệm vụ công ích.
f/ Xây dựng cơ chế chính sách đối với các nông, lâm trường còn được giao quản lý rừng tự nhiên và đối với Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được Nhà nước giao rừng sản xuất (bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng trồng và đất trống).
g/ Xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ những nông, lâm trường có nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải đảm nhận một phần chức năng xã hội và an ninh, quốc phòng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng công ty nhà nước và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ nêu trên.
h/ Thực hiện cổ phần hoá các nhà máy, cơ sở chế biến, tiến hành thí điểm cổ phần hoá vườn cây, rừng trồng gắn với cổ phần hoá doanh nghiệp chế biến, xây dựng cơ chế, chính sách đối với người sản xuất cung cấp nguyên liệu được mua cổ phẩn ưu đãi như công nhân trong cơ sở chế biến; hướng dẫn các nông, lâm trường được chuyển sang hoạt động công ích.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc cổ phẩn hoá các nhà máy, cơ sở chế biến và chính sách cổ phần hoá vườn cây, rừng trồng.
i/ Rà soát lại định mức kinh tế, kỹ thuật về trồng, khoanh nuôi, bảo vệ tái sinh rừng và kiến nghị điều chỉnh những định mức không còn phù hợp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn nội dung này.
3. Về chính sách đối với người lao động
a/ Xây dựng cơ chế, chính sách bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công nhân viên đang làm việc ở nông, lâm trường không hưởng lương do nông, lâm trường trả, nhưng có thu nhập từ kết quả sản xuất do nhận khoán đất, nhận khoán rừng, vườn cây, đàn gia súc của nông, lâm trường.
b/ Xây dựng cơ chế và chính sách về sắp xếp ngạch bậc lương đối với cán bộ, công nhân viên không nhận lương từ nông, lâm trường nhưng đang nhận khoán đất, vườn cây, rừng trồng của nông, lâm trường khi nghỉ hưu hoặc thôi việc.
c/ Xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện đối với lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại nông, lâm trường.
d/ Xây dựng đề án và cơ chế, chính sách đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho các nông, lâm trường, đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ thành nông, lâm trường viên.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện các nội dung nêu trên.
đ/ Hướng dẫn việc giải quyết đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cán bộ, công nhân viên, nông, lâm trường cư trú hợp pháp trên địa bàn chưa được cấp đất ở; hướng dẫn giải quyết đất sản xuất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cán bộ, công nhân viên không còn làm việc ở nông, lâm trường, đối với những nông, lâm trường đã giải thể hoặc trong quá trình sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường phải giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn chỉ đạo thực hiện.
e/ Xác định chỉ tiêu biên chế cho các nông, lâm trường theo chức năng, nhiệm vụ và quy mô sản xuất, kinh doanh; xác định biên chế cho các nông, lâm trường chuyển sang các đơn vị sự nghiệp có thu (các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ).
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện.
Những nội dung trên đây được cụ thể hoá thành công việc nêu trong phụ lục kèm theo Chương trình kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX.
IV. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Tổ chức quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị trong toàn quốc và phổ biến Chương trình, kế hoạch của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh. Hướng dẫn các ngành các cấp xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Nghị quyết này.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty nhà nước xây dựng đề án phân loại, sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Thành lập tổ chức tương xứng để làm nhiệm vụ tham mưu, phối hợp, xây dựng cơ chế chính sách và giúp Chính phủ chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết này.
4. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc lành mạnh hoá tài chính, giải quyết nợ không thanh toán được và ngăn ngừa tái phát; giải quyết tốt số lao động dôi dư của nông lâm trường.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình, kế hoạch này.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tổng công ty, công ty, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào kế hoạch của Chính phủ cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch của cơ quan, địa phương mình.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.