ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1769/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 02 tháng 11 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG THỊ XÃ HIỆP HÒA TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2035, TỶ LỆ 1/10.000
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính Phủ quy định một chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 318/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành Quy định quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo số 283/BC-SXD ngày 31/10/2016, UBND huyện Hiệp Hòa tại Tờ trình số 161/TTr-UBND ngày 13/10/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung thị xã Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang đến năm 2035, tỷ lệ 1/10.000 với nội dung sau:
a) Vị trí, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: Nằm ở phía Tây tỉnh Bắc Giang, phạm vi lập quy hoạch chung thị xã Hiệp Hòa bao gồm toàn bộ phạm vi địa giới hành chính huyện Hiệp Hòa; ranh giới nghiên cứu được giới hạn như sau:
- Phía Bắc: Giáp huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên;
- Phía Nam: Giáp huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh;
- Phía Đông: Giáp huyện Tân Yên và huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang;
- Phía Tây: Giáp thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
b) Quy mô:
- Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 20.306 ha, trong đó đất xây dựng đô thị, các khu - cụm công nghiệp và các khu dịch vụ du lịch khoảng 3.000 ha;
- Quy mô dân số đến năm 2025 khoảng 263.000 người; đến năm 2035 khoảng 300.000 người.
2. Tính chất: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, động lực phát triển phía Tây của tỉnh Bắc Giang; là trung tâm công nghiệp, nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, dịch vụ thương mại.
3. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu.
- Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu lấy theo tiêu chuẩn đô thị loại III.
- Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính:
TT | Hạng mục | Dài hạn (đến năm 2035) |
I | Đất xây dựng đô thị | ³ 120-130m2/người |
| - Đất đơn vị ở | 35 ÷ 45m2/người |
| - Đất công trình công cộng | ³ 5m2/người |
| - Đất cây xanh | ³ 5m2/người |
| Đất giao thông (tính đến đường chính khu vực) | ³ 13% |
II | Các chỉ tiêu HTKT |
|
| - Tiêu chuẩn cấp điện |
|
| Tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt | 500w/người |
| Tiêu chuẩn cấp điện công cộng | 35 % chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt |
| - Cấp nước | 120 l/người/ng.đ cấp Chỉ tiêu cấp ³ 90% dân |
| - Thoát nước bẩn, vệ sinh môi trường |
|
| + Thoát nước | ³ 80 % tiêu chuẩn cấp nước |
| + Rác thải | 1kg/người/ngày; Tỷ lệ thu ³90% |
4. Các nguyên tắc và nhiệm vụ lập quy hoạch.
a) Nguyên tắc:
- Kế thừa, khớp nối các dự án, quy hoạch đã được UBND tỉnh, UBND huyện phê duyệt, các dự án dự kiến phát triển mới về kinh tế - xã hội của Huyện và quy hoạch chung toàn khu vực giai đoạn đến năm 2035;
- Xem xét mối liên kết phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Hiệp Hòa trong tương lai với vùng phụ cận;
- Xem xét mối liên kết hạ tầng kỹ thuật giữa khu vực nội thị với khu vực ngoại thị của thị xã Hiệp Hòa trong tương lai.
b) Nhiệm vụ:
- Xác định mối liên hệ vùng, động lực hình thành và các nguồn lực tạo sự phát triển cho thị xã Hiệp Hòa và vùng phụ cận;
- Thu thập các tài liệu, số liệu, các dự án có liên quan và đánh giá thực trạng về điều kiện tự nhiên, hiện trạng về kinh tế - xã hội; dân cư; quỹ đất xây dựng; tình hình xây dựng của khu vực cũng như những tác động phát triển kinh tế - xã hội - hạ tầng kỹ thuật của vùng phụ cận để từ đó đưa ra phương án tổ chức không gian thị xã Hiệp Hòa hợp lý;
- Xác định tính chất, quy mô dân số, quy mô đất đai hợp lý cho toàn khu vực đến năm 2035;
- Xác định ranh giới khu vực nội thị, ngoại thị;
- Quy hoạch kiến trúc cảnh quan, các khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ đô thị, trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh mặt nước, điểm nhấn trong đô thị, đề xuất nguyên tắc và yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho các khu vực trên;
- Xác định hệ thống trung tâm: Hành chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa – thể dục thể thao, y tế; trường học, công viên cây xanh và không gian mở…;
- Xác định tầng cao tối đa, tầng cao tối thiểu của công trình xây dựng thuộc các khu chức năng và toàn đô thị;
- Xác định những khu vực cần giải tỏa, những khu vực cần gìn giữ chỉnh trang, vùng cần bảo vệ, vùng cấm xây dựng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh...;
- Xác định khu vực cách ly, hành lang bảo vệ…;
- Đánh giá môi trường chiến lược.
5. Yêu cầu nội dung lập quy hoạch.
a) Các quan hệ nội ngoại vùng: Huyện Hiệp Hòa nằm tại vị trí có hệ thống giao thông liên kết vùng thuận lợi, đi qua khu vực có các tuyến đường QL37, ĐT288, ĐT295, ĐT296, ĐT297, vì vậy cần xác định mối quan hệ nội ngoại vùng thị xã Hiệp Hòa trong tương lai với các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên và các huyện Tân Yên, Việt Yên của tỉnh Bắc Giang.
b) Cơ sở kinh tế - kỹ thuật tạo động lực phát triển thị xã Hiệp Hòa:
- Hoạt động của trung tâm hành chính thị xã Hiệp Hòa trong tương lai, trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ công - nông nghiệp cho thị xã và vùng lân cận;
- Các khu vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa thể thao...;
- Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, khám chữa bệnh tại thị xã Hiệp Hòa...;
- Duy trì và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao phục vụ nội tỉnh và vùng phụ cận;
c) Cơ cấu sử dụng đất thị xã:
Bao gồm các khu chức năng chính sau:
- Khu trung tâm hành chính, thương mại dịch vụ, văn hoá - thể thao, vui chơi giải trí... cho trung tâm nội thị thị xã Hiệp Hòa và vùng ngoại thị;
- Trường học các cấp;
- Các khu dân cư xây dựng mới (gồm nhà chia lô, biệt thự, khu tái định cư, nhà ở chung cư);
- Khu dân cư hiện trạng cải tạo;
- Bệnh viện, Trung tâm y tế;
- Trung tâm thương mại;
- Chợ đầu mối phân phối và thu mua hàng hóa, sản phẩm;
- Trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, văn phòng đại diện...;
- Khu, Cụm công nghiệp + khu kho vận;
- Khu công viên cây xanh cho khu vực nội thị thị xã Hiệp Hòa và vùng phụ cận;
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình đầu mối;
- Đất dự trữ phát triển đô thị.
d) Định hướng phát triển đô thị:
- Xem xét mở rộng ranh giới hành chính nội thị thị xã Hiệp Hòa vào các xã: Đức Thắng, Hoàng An, Ngọc Sơn, Lương Phong, Danh Thắng, Thường Thắng, Thái Sơn, Hùng Sơn, Bắc Lý, Mai Đình, Châu Minh và Hương Lâm.
- Xây dựng một số tuyến đường trục nối nội thị thị xã Hiệp Hòa với các vùng dự kiến mở rộng và với các tuyến đường giao thông quốc gia và khu công nghiệp, kho vận, dịch vụ, chợ đầu mối…;
- Lựa chọn vị trí trang trọng, cảnh quan đẹp, giao thông thuận tiện để bố trí trung tâm văn hóa thể thao và công trình dịch vụ thương mại và công trình hành chính;
- Lựa chọn các khu vực thích hợp để xây dựng các khu dân cư mới, nhà trẻ mẫu giáo, trường học, chợ, bệnh viện, trạm y tế...;
- Khai thác vùng đất phù hợp để bố trí công viên cây xanh gắn với mặt nước vừa đảm bảo thoát nước, vừa tạo môi trường cảnh quan, đồng thời là khu vui chơi giải trí cho dân đô thị và vùng phụ cận;
- Khu vực dân cư hiện trạng cơ bản giữ nguyên, nhưng có đề xuất hướng cải tạo để nâng cao chất lượng môi trường ở;
- Khu vực nội thị đề xuất giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật hợp lý, đồng bộ, hiện đại;
- Thiết kế một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh có khả năng đáp ứng tốt hoạt động của nội thị thị xã Hiệp Hòa và vùng mở rộng trong lâu dài và thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế, đảm bảo gắn kết hài hoà giữa khu dân cư hiện trạng với khu vực xây dựng mới và vùng dân cư nông thôn khác;
- Tổ chức hệ thống giao thông thị xã Hiệp Hòa và vùng mở rộng đảm bảo an toàn cho sự hoạt động trong lâu dài.
e) Thiết kế đô thị:
- Nghiên cứu xác định các vùng kiến trúc cảnh quan chính trong đô thị; đề xuất tổ chức không gian kiến trúc phù hợp với cảnh quan của đô thị, các tuyến phố chính, các trục không gian chính, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn trong đô thị;
- Nghiên cứu xác định tầng cao tối đa, tầng cao tối thiểu của công trình xây dựng thuộc các khu chức năng và toàn đô thị.
f) Đề xuất định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
- Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đô thị, vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông; tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe; xác định chỉ giới đường đỏ và hệ thống hào, tuynel kỹ thuật;
- Xác định nhu cầu và nguồn cung cấp nước, cung cấp điện; tổng lượng nước thải, rác thải; vị trí, quy mô, công suất các công trình đầu mối và mạng lưới truyền tải, phân phối của hệ thống cấp nước, cấp điện và chiếu sáng đô thị, thoát nước; vị trí, quy mô các công trình xử lý chất thải rắn, nghĩa trang, thông tin liên lạc.
g) Đánh giá môi trường chiến lược: Lập đánh giá tác động môi trường chiến lược và đề xuất giải pháp quản lý giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
6. Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện: Đề xuất lộ trình, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.
7. Quy định quản lý phát triển theo đồ án quy hoạch.
- Xác định các chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất; chiều cao tối đa, tối thiểu của công trình trong từng khu chức năng đô thị; định hướng kiểm soát không gian, kiến trúc các khu vực trong đô thị;
- Chỉ giới đường đỏ của các tuyến phố chính, cốt xây dựng khống chế của đô thị; Khu vực cấm xây dựng; phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật; biện pháp bảo vệ môi trường; Khu vực bảo tồn, tôn tạo công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, địa hình cảnh quan trong đô thị.
8. Hồ sơ sản phẩm: Tuân thủ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về Lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng Quy định về hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù; Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị; Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
9. Tổ chức thực hiện, kế hoạch thực hiện.
a) Tổ chức thực hiện.
- Cơ quan phê duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang
- Cơ quan xin ý kiến: Bộ Xây dựng
- Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng Bắc Giang
- Cơ quan chủ đầu tư: UBND huyện Hiệp Hòa.
b) Kế hoạch thực hiện: Thời gian hoàn thành hồ sơ tối đa là: 09 tháng, kể từ ngày có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch được duyệt.
c) Kinh phí thực hiện.
- Tổng kinh phí khoảng: 4.939.386.000 đồng
(Bốn tỷ, chín trăm ba mươi chín triệu, ba trăm tám mươi sáu nghìn đồng)
- Nguồn vốn: Vốn ngân sách nhà nước.
10. Các nội dung khác: Theo Báo cáo thẩm định số 283/BC-SXD ngày 31/10/2016 và hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch đã thẩm định.
Điều 2. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa và các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.