BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1759/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 123/QĐ-TTG NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2010 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ PHỤC VỤ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2020”
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2010 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2010 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 123/QĐ-TTG NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2010 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ PHỤC VỤ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2020”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1759/QĐ-BTP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Thực hiện Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2010 về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 123), Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 123 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội; xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; đồng thời từng bước nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của luật sư trong hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Yêu cầu
- Tổ chức triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 123 trên phạm vi toàn quốc.
- Các hoạt động đề ra phải bảo đảm thời gian, tiến độ và có lộ trình thực hiện đầy đủ.
- Sau từng thời gian thực hiện có sơ kết, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để xây dựng Kế hoạch triển khai tiếp theo.
II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Nâng cao năng lực đào tạo trong nước về luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế
1.1 Thành lập thí điểm tại Học viện tư pháp, Trung tâm đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các nước trên thế giới
Thời gian thực hiện:
Thành lập Trung tâm: 2010-2011
Đưa Trung tâm vào hoạt động: 2011-2020
1.1.1 Xây dựng Đề án thành lập thí điểm Trung tâm đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các nước trên thế giới (sau đây gọi tắt là Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư) và chuẩn bị nội dung đào tạo thí điểm luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế
a) Thành lập Ban soạn thảo xây dựng Đề án và tư vấn nội dung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Thành viên của Ban soạn thảo gồm Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp là Trưởng ban, đại diện Học viện tư pháp là Phó Trưởng ban, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Bộ Tài chính, đại diện Liên đoàn luật sư Việt Nam, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính và một số luật sư, một số chuyên gia pháp luật làm thành viên.
b) Ban soạn thảo Đề án và tư vấn nội dung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế có nhiệm vụ sau đây:
b1) Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư
- Soạn thảo Đề án;
- Tổ chức hội thảo, tọa đàm về nội dung của Đề án;
- Tổ chức lấy ý kiến về nội dung của dự thảo Đề án;
- Tổ chức 01 Đoàn khảo sát nước ngoài tìm hiểu về mô hình của các Trung tâm đào tạo nghề luật sư và cơ hội, khả năng liên kết đào tạo.
b2) Chuẩn bị nội dung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế
- Xây dựng Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế;
- Xây dựng Khung giáo trình, tài liệu đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế;
- Tổ chức hội thảo, Tọa đàm về chương trình khung; khung giáo trình, tài liệu đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế;
- Tổ chức phản biện chương trình khung; khung giáo trình, tài liệu đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tổ chức nghiệm thu chương trình khung; khung giáo trình, tài liệu đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian thực hiện: 2010.
Kết quả cần đạt được:
- Đề án thành lập Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư được xây dựng và trình Bộ trưởng;
- Chương trình khung và Khung giáo trình, tài liệu đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế được xây dựng và trình Bộ trưởng.
1.1.2 Chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế
a) Xây dựng Đề án về cơ sở vật chất để thành lập Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư.
b) Trang bị cơ sở vật chất để thực hiện việc đào tạo cho khoảng 100 học viên về hội nhập kinh tế quốc tế (chuẩn bị phòng học lớn; các phòng học nhỏ (tối đa không quá 20 người) và các trang thiết bị khác cần thiết phục vụ cho việc đào tạo…).
Đơn vị chủ trì: Học viện tư pháp.
Đơn vị phối hợp: Vụ Bổ trợ tư pháp.
Đơn vị tham gia: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế.
Thời gian thực hiện: năm 2010.
Kết quả cần đạt được: Chuẩn bị xong về cơ sở vật chất để phục vụ cho việc đào tạo khoảng 100 học viên.
1.1.3 Xây dựng bộ khung giảng viên tham gia đào tạo
a) Xây dựng bộ khung giảng viên chuyên trách
- Soạn thảo Đề án xây dựng đội ngũ giảng viên, trợ giảng chuyên trách của Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư, trong đó đánh giá đội ngũ giảng viên của Học viện, lộ trình đào tạo đội ngũ giảng viên, trợ giảng chuyên trách;
- Triển khai thực hiện Đề án xây dựng đội ngũ giảng viên, trợ giảng chuyên trách của Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư.
Đơn vị chủ trì: Học viện tư pháp.
Đơn vị phối hợp: Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ.
Thời gian thực hiện: năm 2010 – 2015.
Kết quả cần đạt được: Đội ngũ giảng viên, trợ giảng chuyên trách được xây dựng.
b) Xây dựng bộ khung giảng viên kiêm nhiệm
- Tìm kiếm, thu hút các luật sư, chuyên gia pháp luật nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế tham gia đào tạo đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế;
- Thỏa thuận với các giảng viên kiêm nhiệm về việc tham gia đào tạo tại Trung tâm.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
Đơn vị phối hợp: Học viện tư pháp.
Thời gian thực hiện: cả năm 2010 và quý I, II năm 2011.
Kết quả cần đạt được: Xây dựng khung giảng viên kiêm nhiệm.
1.1.4 Tìm kiếm, thu hút các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các nước trên thế giới tham gia liên kết đào tạo
a) Tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm đối tác nước ngoài để liên kết đào tạo; tìm kiếm các chương trình, hoạt động tài trợ cho việc đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế.
Đơn vị phối hợp: Học viện Tư pháp, Vụ Bổ trợ tư pháp.
Thời gian thực hiện: 2010 – 2020.
b) Thiết lập quan hệ với các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các nước trên thế giới
- Thông qua các tổ chức hành nghề luật sư, các cơ quan, tổ chức có liên quan tìm kiếm các cơ sở đào tạo nghề luật sư có uy tín trên thế giới;
- Tiến hành khảo sát một số cơ sở đào tạo nghề luật sư của các nước để đánh giá về cơ hội, năng lực và khả năng hợp tác trong liên kết đào tạo nghề luật sư.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
Đơn vị phối hợp: Học viện Tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế.
Thời gian thực hiện: 2010 – 2015.
Kết quả cần đạt được: xác định các cơ sở đào tạo, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư có thể trở thành đối tác liên kết đào tạo.
1.1.5 Ra mắt và đưa Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư vào hoạt động
a) Ra mắt Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư.
b) Xây dựng Hợp đồng liên kết với các cơ sở đào tạo nghề.
c) Tổ chức chiêu sinh khóa đầu tiên đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
d) Tổ chức đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
Đơn vị chủ trì: Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư.
Đơn vị phối hợp: Vụ Bổ trợ tư pháp, Học viện Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ.
Thời gian thực hiện: năm 2011.
Kết quả cần đạt được: Đưa Trung tâm thí điểm liên kết đào tạo luật sư vào hoạt động.
1.2 Hướng dẫn việc thành lập các Trung tâm liên kết đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế của Liên đoàn luật sư Việt Nam và các tổ chức hành nghề luật sư có đủ năng lực
1.2.1 Xây dựng Thông tư liên tịch với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc thành lập Trung tâm đào tạo luật sư hội nhập kinh tế quốc tế liên kết với cơ sở đào tạo và các tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư trên thế giới (sau đây gọi tắt là Trung tâm liên kết đào tạo luật sư)
a) Thành lập Ban soạn thảo Thông tư gồm đại diện Vụ Bổ trợ tư pháp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diệm Bộ Tài chính, đại diện Liên đoàn luật sư Việt Nam, Học viện tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính và một số cá nhân, tổ chức có liên quan.
b) Ban soạn thảo Thông tư có nhiệm vụ:
- Xây dựng Thông tư;
- Tổ chức tọa đàm, hội thảo về nội dung của Thông tư;
- Tổ chức khảo sát trong nước để đánh giá năng lực của các tổ chức hành nghề luật sư, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế;
- Tổ chức các Đoàn khảo sát nước ngoài tìm hiểu việc hợp tác trong đào tạo luật sư;
- Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: 2012-2013.
Kết quả cần đạt được: Thông tư liên tịch với Bộ Giáo dục và Đào tạo được xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền.
1.2.2 Xây dựng Chương trình, giáo trình, tài liệu chuẩn quốc gia về đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế áp dụng thống nhất cho các Trung tâm đào tạo liên kết được thành lập theo Đề án 123
a) Thành lập Ban soạn thảo Chương trình, giáo trình, tài liệu chuẩn quốc gia về đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Thành viên của Ban soạn thảo gồm đại diện lãnh đạo Vụ Bổ trợ tư pháp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Liên đoàn luật sư, đại diện Học viện tư pháp, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và một số chuyên gia pháp luật.
b) Ban soạn thảo Chương trình, giáo trình, tài liệu chuẩn quốc gia về đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế có nhiệm vụ:
- Xây dựng Chương trình, giáo trình, tài liệu chuẩn quốc gia về đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế;
- Tổ chức hội thảo, Tọa đàm về chương trình, giáo trình, tài liệu chuẩn quốc gia về đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế;
- Tổ chức phản biện chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế;
- Tổ chức nghiệm thu chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian thực hiện: 2012-2015.
Kết quả cần đạt được: Chương trình, giáo trình, tài liệu chuẩn quốc gia về đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế được xây dựng và trình Bộ trưởng.
1.3 Kiểm tra, đánh giá việc đào tạo tại các Trung tâm liên kết đào tạo
Tổ chức kiểm tra việc đào tạo, định kỳ đánh giá chất lượng đào tạo tại các Trung tâm liên kết đào tạo luật sư.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp
Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật quốc tế, Học viện tư pháp và các tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện 2011-2020.
2. Đẩy mạnh việc gửi luật sư đi đào tạo ở nước ngoài theo Đề án đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010 được ban hành kèm theo Quyết định 544/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Đề án 544)
2.1 Sửa đổi Đề án 544 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
2.1.1 Tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Đề án 544
- Xây dựng Báo cáo 02 năm thực hiện Đề án 544;
- Tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Đề án 544.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính.
Thời gian thực hiện: Tháng 7-8/2010.
Kết quả cần đạt được: Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 544 được tổ chức.
2.2.2 Sửa đổi Đề án 544
a) Thành lập Ban soạn thảo sửa đổi Đề án 544. Thành viên của Ban soạn thảo gồm Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp là Tổ trưởng, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện tư pháp, đại diện Liên đoàn luật sư Việt Nam và một số tổ chức hành nghề luật sư.
b) Ban soạn thảo có nhiệm vụ:
- Sửa đổi Đề án 544;
- Tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về nội dung sửa đổi;
- Tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản nội dung sửa đổi;
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sửa đổi Đề án 544.
Thời gian thực hiện: Quý 3, 4 /2010.
Kết quả cần đạt được: trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định sửa đổi Đề án 544.
2.2 Tiếp tục tuyển chọn học viên và gửi đi đào tạo nước ngoài
a) Tiếp tục đàm phán, ký kết hợp đồng với các cơ sở đào tạo nước ngoài để gửi học viên ra nước ngoài đào tạo.
b) Thông báo tuyển sinh.
c) Tổ chức tuyển chọn.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: năm 2010-2015.
3. Tuyên truyền về nội dung của Đề án và vị trí, vai trò của luật sư trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế
a) Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền về vị trí, vai trò của luật sư trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hướng dẫn về kỹ năng, phương pháp, nghiệp vụ tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật.
Đơn vị phối hợp: Vụ Bổ trợ tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: 2010-2020.
b) Xây dựng nội dung, phát hành các ấn phẩm, tài liệu có liên quan đến luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức các diễn đàn phù hợp (hội thảo, tọa đàm…) để tăng cường mối liên kết giữa luật sư với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật.
Đơn vị phối hợp: Vụ Bổ trợ tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: 2010-2020.
Kết quả cần đạt được: Nhận thức của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của luật sư trước yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế được nâng cao.
4. Tạo nguồn phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế
4.1. Xây dựng chính sách
a) Xây dựng chính sách thu hút công dân Việt Nam có Chứng chỉ hành nghề luật sư của nước ngoài trở thành luật sư Việt Nam;
b) Xây dựng chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài là luật sư tham gia vào các hoạt động tư vấn, tranh tụng thương mại quốc tế của Việt Nam.
c) Xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề luật sư cho những cử nhân tài năng.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp
Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ pháp luật quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế và tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: năm 2011- 2015.
4.2. Thí điểm việc đào tạo liên thông trở thành luật sư đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế cho các sinh viên luật xuất sắc.
a) Lựa chọn các sinh viên ưu tú để xây dựng lớp cử nhân tài năng và thí điểm việc đào tạo bằng tiếng Anh, kết hợp với việc gửi đi thực tập tại các cơ sở hành nghề luật sư chuyên về thương mại, thương mại quốc tế ở trong và ngoài nước.
b) Sau khi tốt nghiệp đại học, những sinh viên này được chuyển tiếp sang đào tạo tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.
Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện tư pháp.
Đơn vị phối hợp: Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ và cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: năm 2011-2020.
Kết quả đạt được: Chương trình đào tạo liên thông được xây dựng và thực hiện.
5. Xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
5.1 Hàng năm, đánh giá, phân loại, công bố tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam có xu hướng phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại
a) Xây dựng Hệ tiêu chí để đánh giá phân loại các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại.
b) Tổ chức đánh giá, phân loại các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại.
c) Công bố danh sách các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
Đơn vị phối hợp: Học viện Tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: năm 2011-2020.
Kết quả đạt được: danh sách tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam có xu hướng phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại được công bố.
5.2 Xây dựng kế hoạch, định hướng cho việc phát triển các tổ chức hành nghề luật sư quy mô nhỏ và vừa thành các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế
a) Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
b) Đơn vị phối hợp: Học viện Tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: năm 2012-2015.
5.3. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các luật sư được đào tạo theo Đề án vào làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế tại các tổ chức hành nghề luật sư
a) Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
b) Đơn vị phối hợp: Học viện Tư pháp, trường Đại học luật Hà Nội, Vụ Tổ chức cán bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: năm 2011-2020.
d) Kết quả cần đạt được: cơ chế, chính sách thu hút các luật sư được đào tạo theo Đề án vào làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế được xây dựng.
5.4. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam cung cấp dịch vụ qua biên giới
a) Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
b) Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch, tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: 2010 – 2015.
6. Sử dụng đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế
6.1. Rà soát các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến luật sư, hành nghề luật sư, nhất là các quy định tạo môi trường pháp lý cho việc phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật, chính sách, cơ chế tạo điều kiện thúc đẩy việc hình thành luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế
a) Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
b) Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Vụ Hình sự - Hành chính, Vụ Hợp tác quốc tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: 2010 – 2015.
d) Kết quả cần đạt được: Văn bản đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư.
6.2. Xây dựng cơ chế sử dụng đội ngũ luật sư được đào tạo.
a) Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp
b) Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ pháp luật quốc tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: 2010 – 2012.
6.3. Thành lập Câu lạc bộ luật sư, chuyên gia pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
a) Xây dựng Đề án thành lập Câu lạc bộ.
b) Xây dựng Chương trình hành động của Câu lạc bộ.
c) Xây dựng Điều lệ Câu lạc bộ.
d) Tổ chức ra mắt Câu lạc bộ.
Đơn vị thực hiện: Vụ Bổ trợ tư pháp phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: 2010.
Kết quả cần đạt được: Câu lạc bộ luật sư, chuyên gia pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế được thành lập.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện Đề án
a) Xây dựng Công văn đôn đốc Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Đề án.
b) Theo dõi việc triển khai các nhiệm vụ của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định tại Đề án 123.
c) Đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Đề án 123 để phục vụ cho công tác sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án.
Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị có liên quan.
Thời gian thực hiện 2010-2020.
2. Phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch
Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Kế hoạch này.
3. Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án
a) Đơn vị chủ trì: Vụ Bổ trợ tư pháp.
b) Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính.
c) Thời gian thực hiện: 2010 – 2020.
4. Kinh phí thực hiện Kế hoạch
4.1. Các đơn vị căn cứ vào Kế hoạch này có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định trong Đề án 123.
4.2. Trên cơ sở Kế hoạch này, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các công việc cụ thể gửi Vụ Kế hoạch – Tài chính để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, đề nghị Bộ Tài chính thẩm định trình cấp có thẩm quyền giao dự toán cho đơn vị thực hiện. Đối với các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch từ năm 2011 trở đi, các đơn vị chủ trì lập dự toán kinh phí gửi về Vụ Kế hoạch – Tài chính trong tháng 6 của năm trước để tổng hợp vào dự toán ngân sách chung toàn ngành hàng năm.
4.3. Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
5. Theo dõi việc thực hiện Kế hoạch
5.1 Vụ Bổ trợ tư pháp là đơn vị thường trực giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này.
5.2 Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị gửi văn bản phản ánh về Vụ Bổ trợ tư pháp để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.