THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1758/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính như sau:
1. Tầm nhìn:
Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững; bảo đảm an ninh, quốc phòng; vùng Thủ đô có trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước.
2. Mục tiêu:
- Phát triển Thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh trên cơ sở có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết về các động lực, cơ hội phát triển, mối quan hệ cung cầu cũng như trách nhiệm giải quyết các khó khăn và thách thức trong Vùng theo hướng hài hòa và bền vững.
- Xác định mô hình phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng địa - kinh tế, phân bố lực lượng sản xuất một cách hợp lý và phát huy tối đa tiềm năng của Thủ đô và các địa phương trong vùng.
- Xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa - xã hội.
- Phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, thịnh vượng và có môi trường bền vững.
- Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch ngành.
- Là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý và đề xuất cơ chế chính sách quản lý vùng.
3. Điều chỉnh phạm vi, ranh giới vùng:
Quy mô, phạm vi nghiên cứu sẽ bao gồm Thủ đô Hà Nội và 09 tỉnh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Duơng, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (Mở rộng thêm 03 tỉnh là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang so với Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2008) có tổng diện tích 24.314,7 km2 với dân số hiện trạng toàn vùng năm 2010 vào khoảng 17 triệu người.
4. Các yêu cầu nội dung nghiên cứu điều chỉnh:
a) Đánh giá thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội:
- Đánh giá việc quy hoạch xây dựng tại các tỉnh, thành phố trong vùng liên quan đến quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội được duyệt (Đối với đô thị hạt nhân, các hệ thống đô thị, các khu vực phụ cận, các vùng động lực phát triển kinh tế xã hội, các đô thị trung tâm tỉnh lỵ, hệ thống hạ tầng xã hội: Y tế, văn hóa thể thao du lịch, giáo dục đào tạo, dịch vụ thương mại).
- Đánh giá thực trạng sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội được duyệt và các quy hoạch xây dựng được duyệt có liên quan tại các tỉnh, thành phố trong vùng.
- Đánh giá việc thực hiện quy hoạch các vùng công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, vùng công nghiệp trọng điểm.
- Đánh giá việc thực hiện tổ chức các không gian du lịch vùng như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lễ hội và phát triển hệ thống dịch vụ du lịch.
- Đánh giá tình hình phát triển hệ thống giao thông vùng và các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật khác như phòng chống lũ, nền xây dựng, cấp điện, cấp nước, thoát nước mặt, thoát nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn và quản lý nghĩa trang.
- Đánh giá sự biến đổi môi trường mang tính chiến lược về ô nhiễm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội do quá trình phát triển đô thị - nông thôn trong vùng.
- Đánh giá công tác quản lý theo quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã được duyệt.
b) Dự báo phát triển:
- Dự báo tăng trưởng về kinh tế, xã hội, dân số, lao động và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đất đai.
- Dự báo khả năng và quá trình đô thị hóa; các hình thái phát triển theo khả năng đô thị hóa của vùng.
- Dự báo quy mô dân số đô thị, nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và chiến lược phân bố dân cư của quốc gia cho các giai đoạn ngắn và dài hạn.
- Dự báo sự thay đổi môi trường tự nhiên do sự tác động của phát triển kinh tế - xã hội.
c) Điều chỉnh định hướng quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050:
- Định hướng quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan:
+ Đề xuất mô hình liên kết phát triển giữa các đô thị trong cấu trúc quy hoạch vùng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, các định hướng tại các văn kiện của Đại hội Đảng, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trong vùng.
+ Đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trục công nghiệp dịch vụ đường 18; trục kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các khu vực mở rộng và phát triển du lịch, đô thị mới gắn kết đào tạo ở phía Tây, các vùng kinh tế du lịch gắn núi, sông…, trục giao thông kinh tế như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn.... Lựa chọn các trung tâm, các trục chủ đạo, hành lang, vành đai phát triển kinh tế vùng. Điều chỉnh tính chất trung tâm cấp vùng của các thành phố trong vùng Thủ đô.
+ Đề xuất điều chỉnh vùng công nghiệp đô thị hạt nhân trung tâm, các vùng công nghiệp đối trọng, vùng công nghiệp gắn tuyến trục đô thị hóa mạnh của vùng về phía Đông hướng cảng Hải Phòng với các ngành công nghiệp chế tác, chế biến lương thực thực phẩm, vật liệu cao cấp, công nghiệp nhẹ, dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Phân tích đề xuất điều chỉnh vùng trọng điểm công nghiệp, khu vực công nghệ cao, công nghiệp thủy điện, phát triển các vùng làng nghề truyền thống gắn kết tiểu thủ công nghiệp.
+ Định hướng liên kết mạng lưới các đô thị cấp vùng, tỉnh..., xem xét vị thế các đô thị lớn - các đô thị đối trọng trong vùng mở rộng như Hải Dương, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên..., vấn đề mở rộng quy mô của nhiều đô thị trong vùng, những đô thị lớn đang dần hình thành trong vùng, vấn đề chuyển dịch dân cư mới nội - ngoại vùng và đề xuất hướng giảm tải hiệu quả cho Thủ đô Hà Nội. Định hướng phân loại, cấp đô thị và định hướng nâng cấp các đô thị trong vùng trong giai đoạn quy hoạch.
+ Bổ sung các đô thị chuyên ngành gắn với các trung tâm đào tạo, công nghệ cao (Hòa Lạc, Yên Bình), công nghiệp (như Phố Nối, Đồng Văn...), du lịch (như Sơn Tây, Thanh Thủy, Sao Đỏ - Chí Linh, Tam Đảo, Lương Sơn, Quan Sơn, hồ Núi Cốc...), dịch vụ thương mại, phát triển nhà ở (như Mê Linh, Văn Giang, Từ Sơn...).
+ Điều chỉnh định hướng bảo tồn các đặc trưng địa lý, văn hóa, lịch sử vùng kết hợp không gian du lịch vùng. Đánh giá hệ thống các giá trị di sản cấp quốc gia và di sản đã được UNESCO công nhận về văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị - nông thôn... trong toàn vùng; xác định các phạm vi và các giải pháp bảo tồn, tôn tạo các giá trị đặc trưng... bổ sung đề xuất cho các địa bàn mới. Lựa chọn một số dự án trọng điểm và tại các địa phương, khai thác du lịch có cấp độ quốc gia và quốc tế: Du lịch Ba Vì - Hương Sơn - Tam Chúc, Tam Đảo - Tây Thiên, Chí Linh - Sao Đỏ - Phố Hiến, hồ Khuôn Thần - Cấm Sơn..., bổ sung quy hoạch định hướng các vùng lịch sử lớn như vùng ATK, vùng du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật Tích - Bắc Ninh, vùng du lịch đất tổ Đền Hùng...
+ Điều chỉnh và bổ sung mạng lưới các không gian tự nhiên toàn vùng: Liên kết mở rộng vùng vành đai xanh từ Thủ đô ra toàn vùng, phân bổ, bảo tồn các đặc trưng vùng cảnh quan nông nghiệp đồng bằng sông Hồng, vùng trung du, rừng quốc gia, hệ thống sông hồ... gắn với các chiến lược về cảnh quan, môi trường đối với Thủ đô và vùng Thủ đô trong quá trình đô thị hóa.
+ Định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan tại các đô thị và kiến trúc ở các vùng ngoại thành, các khu vực phát triển cụm điểm dân cư nông thôn.
- Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội:
+ Hệ thống giao thông vùng:
. Xác định hệ thống khung giao thông đồng bộ, phát triển kết nối mạng lưới giao thông của vùng và mạng lưới giao thông của quốc gia gắn với mạng lưới đường bộ liên tỉnh, liên huyện.
. Đảm bảo tính thống nhất về vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy gắn kết trong toàn vùng.
. Đề xuất hoàn chỉnh mạng lưới giao thông công cộng nội vùng bao gồm đường sắt đô thị, xe buýt nhanh kết nối giữa các đô thị với đô thị trung tâm.
. Đề xuất hệ thống sân bay quốc tế, sân bay nội vùng, nghiên cứu sân bay quốc tế dự phòng thứ 2 trong vùng.
. Đề xuất cải tạo nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn hiện có, nâng cấp một số tuyến quan trọng, từng bước đưa vào cấp theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.
+ Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng:
. Xây dựng tiêu chí xác định các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, xác định quy mô, chức năng và vị trí; xác định trách nhiệm chia sẻ, quản lý và nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng.
. Giải pháp bảo vệ những khu vực tự nhiên rừng đầu nguồn, các lưu vực sông, đê điều... để phòng chống nguy cơ thiên tai, bảo toàn tài nguyên, nguồn nước, đất đai, bảo vệ các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng của quốc gia như sân bay, nhà máy thủy điện, cấp nước, rác thải, nghĩa trang, nhà máy xử lý nước thải tập trung... có nghiên cứu đến yếu tố ứng phó biến đổi khí hậu.
. Điều chỉnh chiến lược cấp nước, năng lượng, các dự án địa điểm nghĩa trang, nghiên cứu xác định nghĩa trang “Mai Dịch II”; khu vực xử lý chất thải rắn cấp vùng ở Sóc Sơn, Lương Sơn - Hòa Bình... phù hợp cho vùng.
+ Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội:
. Xây dựng tiêu chí xác định các công trình hạ tầng xã hội cấp vùng, xác định quy mô, chức năng và vị trí; xác định trách nhiệm chia sẻ, quản lý và nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng xã hội cấp vùng.
. Đánh giá giải pháp đảm bảo phát triển quỹ nhà ở, quỹ đất ở phù hợp với định hướng phát triển nhà ở toàn quốc, quan tâm tới các nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp.
. Nghiên cứu tổ chức các trung tâm đào tạo của vùng, vùng Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Xác định vị trí các trường đào tạo công nghệ cao bao gồm các ngành như vật liệu mới, công nghệ thông tin, tự động hóa, sinh học, đào tạo dịch vụ có trình độ quốc tế.
. Nghiên cứu định hướng các trung tâm y tế, điều dưỡng chất lượng cao, các trung tâm thương mại, hội chợ, triển lãm, các trung tâm văn hóa giải trí lớn, các trung tâm thể thao tầm cỡ quốc tế đặc trưng cho vùng Thủ đô để đáp ứng nhu cầu nhân dân cũng như bố trí các sự kiện quốc tế như ASIAD, hoặc Olympic trong tương lai.
. Đề xuất có tính khả thi đối với việc chia sẻ hạ tầng xã hội tại các tỉnh để phát triển các khu vực đại học, các dịch vụ y tế, nhằm giảm tải cho Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu cơ chế phát triển đối với các trung tâm mới về giáo dục và y tế đã và đang hình thành như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên; hình thành 05 tổ hợp y tế cấp vùng tại Thủ đô Hà Nội mở rộng, đề xuất định hướng mới và rà soát quy mô, tính chất các trung tâm giáo dục vùng: Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định, các trung tâm y tế vùng: Hải Dương, Vĩnh Yên, Phủ Lý.
- Định hướng cơ cấu và kế hoạch sử dụng đất:
+ Định hướng cơ cấu và kế hoạch sử dụng đất toàn vùng và từng địa phương trên cơ sở phát triển mạng lưới đô thị cân đối, hài hòa trên toàn vùng nhằm sử dụng đất đai tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình đô thị hóa.
+ Khoanh vùng bảo vệ các khu vực như khu vực an ninh - quốc phòng, vườn quốc gia, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, cảnh quan thiên nhiên có giá trị.
+ Có giải pháp hợp lý đối với việc phát triển đô thị tại các vùng tiềm năng khai thác khoáng sản đảm bảo diện tích đất nông nghiệp.
- Đánh giá môi trường chiến lược:
+ Xây dựng tiêu chí, đánh giá sự phù hợp của các quan điểm, mục tiêu của quy hoạch vùng với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường; đánh giá tác động môi trường chính khi triển khai quy hoạch. Đề xuất điều chỉnh nội dung sử dụng đất, phương án phát triển không gian, phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường.
+ Rà soát các quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường các lưu vực sông như: Sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ, sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình... các rừng quốc gia, phòng hộ, rừng trồng, các nguồn tài nguyên khoáng sản lớn.
+ Rà soát và nghiên cứu kiểm soát ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp, chế xuất, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trong vùng. Giải quyết và đề xuất các giải pháp kiểm soát ô nhiễm giao thông.
+ Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng Thủ đô Hà Nội, đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với vấn đề này.
- An ninh quốc phòng:
+ Xác định những định hướng phát triển hạ tầng và kinh tế xã hội có liên quan đến bảo đảm an ninh quốc phòng.
+ Đề xuất việc mở rộng diện tích chuyên dụng đến an ninh quốc phòng, (xác định vị trí, các điểm cao...).
+ Xác định các công trình sử dụng kết hợp giữa dân sự và an ninh quốc phòng.
- Tài chính, nguồn lực đầu tư:
+ Đề xuất các chương trình ưu tiên, dự án phát triển phù hợp với định hướng phát triển chiến lược vùng Thủ đô Hà Nội.
+ Đề xuất việc huy động nguồn lực, thực hiện theo các giai đoạn có trọng điểm và hiệu quả, có tính khả thi cao.
+ Đề xuất các cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, nguồn nhân lực phục vụ phát triển ở các khu vực hoặc toàn vùng.
- Mô hình quản lý vùng: Tham khảo kinh nghiệm trong nước và nước ngoài, đặc thù về kinh tế chính trị và văn hóa, đề xuất mô hình quản lý vùng có tính khả thi cao (về hành chính, thể chế, quản lý đầu tư, cơ chế điều hành) và phù hợp với vùng Thủ đô Hà Nội.
- Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch:
+ Theo quy định hiện hành của Luật xây dựng, làm cơ sở để quản lý, thực hiện theo đồ án được phê duyệt.
+ Quy định quản lý về kiến trúc cảnh quan đô thị và nông thôn.
5. Yêu cầu về hồ sơ sản phẩm:
Thành phần hồ sơ và nội dung đồ án thực hiện theo Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng.
6. Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Bộ Xây dựng.
- Cơ quan thẩm định - trình duyệt: Bộ Xây dựng.
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng sau khi Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt.
Bộ Xây dựng thuê tổ chức tư vấn, chuyên gia quốc tế tham gia nghiên cứu trong quá trình lập và phản biện Đồ án quy hoạch xây dựng vùng; tổ chức làm việc, khảo sát, học tập tại một số quốc gia có điều kiện tương tự.
Điều 2. Giao Bộ Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình chỉ đạo việc lập, thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đảm bảo chất lượng và tiến độ.
- Tổng hợp, lồng ghép các nội dung tham gia nghiên cứu các Bộ, ngành liên quan và địa phương trong vùng trong quá trình lập, thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.
- Bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các hoạt động khác có liên quan.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quốc phòng; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.