BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1748/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG VIỆC PHỐI HỢP VỚI UBND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC BỘ, NGÀNH, TẬP ĐOÀN, DOANH NGHIỆP KHI THỰC HIỆN QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư XDCB số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Thông tư hướng dẫn;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát đánh giá đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Sau khi ý kiến của các tỉnh, thành phố và được sự thống nhất bằng Văn bản của Bộ xây dựng và 39 tỉnh, thành phố;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng giao thông,,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế của Bộ Giao thông vận tải trong việc phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, tập đoàn, daonh nghiệp khi thực hiện quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng Bộ, Thanh tra bộ, các Vụ trực thuộc Bộ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, các Cục Quản lý chuyên ngành, Sở Giao thông vận tải, các Chủ đầu tư và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải được giao quản lý các dự án đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng các kết cấu hạ tầng giao thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG VIỆC PHỐI HỢP VỚI UBND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC BỘ, NGÀNH, TẬP ĐOÀN, DOANH NGHIỆP KHI THỰC HIỆN QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1748/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích
Quy chế này được ban hành để Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Bộ, ngành; các Tập đoàn, doanh nghiệp trong việc theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quy định về quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được phê duyệt và đảm bảo hiệu quả khai thác của công trình; đồng thời thực hiện việc quản lý, giám sát chặt chẽ để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục các vấn đề đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình hoặc tránh gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước trong quá trình thực hiện quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông.
Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng và nguyên tắc phối hợp
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này áp dụng cho các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đang đầu tư xây dựng hoặc đang khai thác sử dụng trong phạm vi cả nước (không phân biệt nguồn vốn) bao gồm: các dự án do Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Bộ GTVT) quyết định đầu tư; các dự án do UBND các cấp thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là UBND các cấp tỉnh) quyết định đầu tư; các dự án do các Bộ, ngành (sau đây gọi tắt là Bộ) và các tập đoàn, doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) quyết định đầu tư; trừ các công trình xây dựng đường bộ nằm trong khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất và đường phục vụ lâm nghiệp và đường chuyên dùng khác.
2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan tham mưu và các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ GTVT, các Sở GTVT, các chủ đầu tư và Ban quản lý dự án trực thuộc Bộ GTVT trong việc phối hợp với UBND cấp tỉnh, các Bộ và các doanh nghiệp khi thực hiện quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông.
3. Nguyên tắc phối hợp: công tác phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND cấp tỉnh, các Bộ và các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư xây dựng và sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan liên quan tham gia quản lý đầu tư xây dựng hoặc quản lý khai thác sử dụng.
b) Bảo đảm việc thực hiện đầu tư xây dựng và sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông được quản lý chặt chẽ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
c) Khi một cơ quan có đề nghị phối hợp thì cơ quan được đề nghị triển khai thực hiện kịp thời, đúng nội dung để đạt được hiệu quả phối hợp.
Chương II
PHỐI HỢP TRONG QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ
Điều 3. Phối hợp để đảm bảo sự phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải
1. Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phải đảm bảo phù hợp chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải cả nước, quy hoạch vùng miền, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch, kế hoạch phát triển chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đã được phê duyệt; phải đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên hoàn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn với hệ thống hạ tầng giao thông của vùng, khu vực và của quốc gia.
2. Đối với các dự án chưa có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ GTVT giao cho Vụ Kế hoạch đầu tư thực hiện việc phối hợp để UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp có văn bản gửi Bộ GTVT xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch ngành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
3. Đối với dự án xây dựng công trình giao thông chưa có trong quy hoạch xây dựng thì vị trí, quy mô xây dựng phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản đối với các dự án nhóm A hoặc có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch đối với các dự án nhóm B,C.
4. Bộ GTVT thực hiện kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước; có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, UBND cấp tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng ODA; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng ODA trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Điều 4. Phối hợp trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng
1. Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch đầu tư tham mưu để UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp phối hợp trong việc thực hiện gửi thông tin dự án về Bộ GTVT để theo dõi phục vụ công tác quản lý, theo dõi các dự án xây dựng giao thông; tham mưu trả lời, có ý kiến với UBND cấp tỉnh, Bộ, doanh nghiệp để đảm bảo các dự án phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được phê duyệt.
2. Đối với các dự án Bộ GTVT quyết định đầu tư, các cơ quan chuẩn bị dự án có trách nhiệm cung cấp thông tin về dự án đầu tư gửi UBND cấp tỉnh có dự án đi qua, đồng thời gửi các Bộ có liên quan đến quá trình thực hiện dự án để phối hợp theo dõi và tham gia ý kiến với Bộ GTVT nếu cần thiết. Trong trường hợp có ý kiến tham gia của địa phương hoặc các Bộ liên quan, Vụ Kế hoạch đầu tư có nhiệm vụ tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc chức năng, thẩm quyền của Bộ.
Điều 5. Đảm bảo sự phù hợp của quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng
1. Bộ GTVT kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
2. Bộ GTVT giao cho Vụ Khoa học công nghệ chủ trì thực hiện:
a) Tổng hợp, theo dõi và tham mưu cho Bộ GTVT có ý kiến với UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp về sự phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và trả lời các ý kiến của UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp khi phát hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chưa phù hợp với thực tiễn hoặc có vi phạm về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (nếu có).
b) Tham mưu để UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp phối hợp trong việc gửi Bộ GTVT về khung tiêu chuẩn, phương án công nghệ, bản vẽ thiết kế điển hình của dự án… đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới hoặc áp dụng vật liệu mới, công nghệ mới lần đầu tiên trong xây dựng công trình giao thông ở Việt Nam (thực hiện theo Quyết định số 30/2006/QĐ-BGTVT ngày 10/8/2006 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc áp dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng công trình giao thông ở Việt Nam).
Chương III
PHỐI HỢP TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN ĐẦU TƯ
Điều 6. Phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án do Bộ GTVT quản lý
1. Đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (sau đây gọi tắt là GPMB) được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 33, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với hình thức là dự án thành phần GPMB được tách ra từ dự án đầu tư để giao cho địa phương tổ chức thực hiện độc lập (trừ trường hợp quy định khác được nêu cụ thể trong quyết định đầu tư dự án).
2. Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch đầu tư tham mưu chỉ đạo chủ đầu tư dự án thống nhất với UBND cấp tỉnh để xác định chủ đầu tư dự án thành phần GPMB (là Tổ chức phát triển quỹ đất địa phương, Sở GTVT hoặc tổ chức khác do UBND cấp tỉnh quyết định) để đưa vào nội dung của dự án thành phần GPMB.
3. Ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được chấp thuận, chủ trương đầu tư dự án có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư dự án thành phần GPMB đã được xác định theo Khoản 2 Điều này và các đơn vị có liên quan tiến hành công tác điều tra, khảo sát và đo đạc lập bản đồ địa chính khu vực lập dự án để làm cơ sở xác định phạm vi cần GPMB và lập phương án tổng thể GPMB trong bước lập dự án; đồng thời phối hợp với UBND cấp xã trong trách nhiệm phổ biến kế hoạch khảo sát, đo đạc để người sử dụng đất trong khu vực dự án tạo điều kiện thực hiện công tác khảo sát, đo đạc của chủ đầu tư dự án.
4. Trong quá trình lập phương án tổng thể GPMB, chủ đầu tư dự án căn cứ phạm vi GPMB đã xác định để phối hợp với địa phương trong việc dự kiến khối lượng, khái toán kinh phí GPMB; đồng thời phối hợp để triển khai ngay các thủ tục thông báo thu hồi đất theo quy định.
5. Bộ GTVT giao Cục QLXD& Chất lượng CTGT, chủ đầu tư dự án phối hợp để UBND cấp tỉnh chỉ đạo các Ban, ngành liên quan và UBND các cấp trực thuộc trong việc tạo quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để thực hiện việc tái định cư cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trường hợp nếu địa phương chưa đủ điều kiện để tạo quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, ngay sau khi phương án tổng thể GPMB được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp để UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét quyết định kịp thời về hình thức, mức hỗ trợ đóng góp vốn từ dự án cho công tác xây dựng khu tái định cư làm cơ sở để xem xét quyết định việc ứng vốn để triển khai xây dựng khu tái định cư nhằm đảm bảo tiến độ GPMB dự án.
6. Trường hợp địa phương tổ chức thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Hội đồng GPMB) cho dự án, chủ đầu tư dự án thành phần GPMB sẽ là thành viên của Hội đồng thay thế cho thành phần của chủ đầu tư dự án và có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của chủ đầu tư dự án trong việc giúp Hội đồng GPMB lập, hoàn chỉnh phương án cụ thể GPMB và tổ chức triển khai thực hiện phương án GPMB theo quy định.
7. Chủ đầu tư dự án và chủ đầu tư dự án thành phần GPMB phối hợp chặt chẽ trong quá trình theo dõi tình hình thực hiện vốn đầu tư của dự án thành phần GPMB; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xem xét, xử lý đối với trường hợp chi phí GPMB phát sinh vượt phần kinh phí đã ghi trong tổng mức đầu tư dự án.
8. Về phối hợp thực hiện các thủ tục quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư dự án thành phần GPMB:
a) Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư dự án thành phần GPMB lập và gửi kế hoạch sử dụng vốn cho công tác GPMB của dự án để báo cáo Bộ GTVT.
b) Căn cứ chi tiêu dự toán vốn đầu tư hàng năm, Bộ GTVT có trách nhiệm phân bổ vốn và giao dự toán vốn đầu tư cho dự án thành phần GPMB gửi UBND cấp tỉnh, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước để chuyển nguồn vốn cho dự án thành phần GPMB về Kho bạc cấp tỉnh (hoặc cấp huyện) theo dõi và làm căn cứ kiểm soát, thanh toán vốn GPMB.
c) Chủ đầu từ dự án thành phần GPMB có trách nhiệm trực tiếp quản lý, thanh toán, quyết toán vốn GPMB theo quy định; Giao Vụ tài chính tham mưu cho Bộ trong chỉ đạo chủ đầu tư dự án thực hiện trách nhiệm tổng hợp kết quả quyết toán vốn GPMB do chủ đầu tư dự án thành phần GPMB thực hiện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và quyết toán toàn bộ dự án.
9. Đối với các dự án đầu tư xây dựng giao thông do Bộ GTVT quyết định đầu tư phải chịu sự giám sát của UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện đảm bảo đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, đảm bảo môi trường; Bộ GTVT giao Cục QLXD& Chất lượng CTGT tham mưu trong việc phối hợp để UBND các cấp tỉnh có ý kiến hoặc giải quyết kịp thời các vấn đề về GPMB; Giao chủ đầu tư dự án phối hợp để chủ đầu tư dự án thành phần GPMB cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện dự án thành phần GPMB theo định kỳ hàng tháng, quý để theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện.
Điều 7. Phối hợp trong theo dõi, giám sát thủ tục đầu tư, quản lý xây dựng các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
1. Bộ GTVT có trách nhiệm:
a) Phối hợp với UBND cấp tỉnh, các Bộ, doanh nghiệp kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và yêu cầu xử lý khi phát hiện các vi phạm nêu trên theo nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ GTVT.
b) Trên cơ sở thông tin về các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do UBND cấp tỉnh cung cấp, hàng năm xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra gửi UBND câp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp để triển khai thực hiện.
c) Có ý kiến hoặc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ GTVT khi có yêu cầu của UBND cấp tỉnh, Bộ, doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án.
d) Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý, Bộ GTVT giao cho các chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về dự án chuẩn bị triển khai và đang triển khai tại địa phương (tên dự án, quy mô công trình, nguồn vốn và tổng mức đầu tư; Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án; Danh sách nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp; Phạm vi thi công gói thầu, dự án; Thời gian khởi công, hoàn thành; Địa chỉ, điện thoại liên hệ của các đơn vị tham gia dự án) đến Hội đồng nhân dân, UBND các cấp thuộc tỉnh có dự án xây dựng trên địa bàn.
e) Bộ GTVT thực hiện trao đổi thông tin với UBND cấp tỉnh, các Bộ, doanh nghiệp về các nhà thầu chuyên ngành giao thông, đặc biệt thông tin về các nhà thầu yếu kém năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công và các nhà thầu vi phạm các quy định về đấu thầu, chất lượng, tiến độ ở các dự án để phổ biến đến các chủ đầu tư xem xét trong quá trình đấu thầu các dự án xây dựng giao thông.
2. Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch đầu tư và Cục QLXD & Chất lượng CTGT theo từng chức năng nhiệm vụ của mình tham mưu cho Bộ GTVT.
a) Phối hợp để UBND các cấp tỉnh đảm bảo cung cấp cho Bộ GTVT các thông tin chủ yếu về các dự án xay dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh do UBND các cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp quyết định đầu tư (tên dự án, quy mô công trình, nguồn vốn và tổng mức đầu tư; Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án; Danh sách nhà thầu Tư vấn, nhà thầu xây lắp; Phạm vi thi công gói thầu, dự án; Thời gian khởi công, hoàn thành; Địa chỉ, điện thoại liên hệ của các đơn vị tham gia dự án) riêng các dự án xây dựng giao thông nông thôn yêu cầu nội dung cung cấp thông tin tổng hợp về quy mô, số lượng và kinh phí thực hiện.
b) Đề nghị UBND các cấp tỉnh phối hợp trong hướng dẫn, tổ chức hoặc lựa chọn tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện việc giám định chất lượng, giám định sự cố công trình; hướng dẫn lập, quản lý chi phí xây dựng và kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn do địa phương quản lý.
c) Phối hợp chặt chẽ thường xuyên để UBND các cấp tỉnh kịp thời thông báo cho Bộ GTVT khi phát hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT hoặc các Bộ, doanh nghiệp quyết định đầu tư vi phạm các thủ tục đầu tư, quản lý xây dựng để phối hợp xử lý.
d) Giải quyết các kiến nghị của UBND các cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án do mình quyết định đầu tư về những vấn đề liên quan đến chuyên ngành giao thông để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư; Phối hợp hướng dẫn trong công tác quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông (đấu thầu, thẩm định phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế, giám định đánh giá chất lượng công trình…) và công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác.
3. Các Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:
a) Tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ đối với công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; kịp thời báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT kết quả theo dõi, giám sát các dự án xây dựng giao thông trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là đối với những vi phạm các quy định về quản lý đầu tư để ngăn chặn và xử lý kịp thời các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của nhà nước, làm ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình, an toàn giao thông, môi trường và xâm hại đến lợi ích của cộng đồng.
b) Đề xuất với Bộ GTVT thực hiện công tác kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Đối với những công trình quan trọng, trọng điểm khi có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng, Bộ GTVT cùng trao đổi với UBND cấp tỉnh, thành phố có dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, thành lập Ban chỉ đạo để phối hợp thực hiện.
Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, Sở Giao thông vận tải phối hợp với chủ đầu tư dự án kiểm tra và hàng tháng có báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Điều 8. Phối hợp trong theo dõi, giám sát, quản lý tiến độ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
1. Đối với các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư:
a) Bộ GTVT giao chủ đầu tư dự án cung cấp tiến độ tổng thể của gói thầu, dự án (ngay khi chủ đầu tư phê duyệt tiến độ) cho UBND cấp tỉnh nơi có công trình đi qua để theo dõi, giám sát.
b) Trên cơ sở tiến độ gói thầu, dự án do chủ đầu tư cung cấp, đề nghị UBND cấp tỉnh giao Sở GTVT theo dõi, giám sát việc thực hiện tiến độ của nhà thầu và chủ đầu tư. Khi phát hiện chủ đầu tư không thực hiện việc cung cấp tiến độ tổng thể của gói thầu, dự án hoặc có biểu hiện chậm trễ về tiến độ, yêu cầu Sở GTVT có thông tin ngay cho Bộ GTVT để chỉ đạo thực hiện.
c) Khi Lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra hiện trường, mời UBND tỉnh cử lãnh đạo cùng tham gia đoàn kiểm tra; các chủ đầu tư, ban QLDA khi tổ chức kiểm tra hiện trường, mời Sở GTVT thành viên tham gia để phản ánh, giải quyết những vấn đề tồn tại trên công trường.
2. Đối với các dự án do UBND các cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp quyết định đầu tư:
a) Đề nghị UBND các cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp cung cấp tiến độ tổng thể của gói thầu, dự án do Bộ GTVT để theo dõi, giám sát.
b) Bộ GTVT giao Cục QLXD &CL CTGT là cơ quan tham mưu cho Bộ trong việc giám sát tiến độ tổng thể các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và là đầu mối làm việc với các cơ quan chuyên môn quản lý dự án của UBND tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp quết định đầu tư.
3. Phối hợp trong việc chỉ đạo thúc đẩy tiến độ dự án:
Khi nhận được thông tin về việc chậm trễ tiến độ ở gói thầu, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp thực hiện:
a) Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư có biện pháp thúc đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư: Trường hợp cần thiết Bộ GTVT sẽ có văn bản thỏa thuận đề nghị UBND tỉnh phối hợp tham gia chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tuân thủ các quy định, điều kiện trong hợp đồng để thúc đẩy nhanh tiến độ dự án.
b) Bộ GTVT có thông báo bằng văn bản về việc chậm tiến độ đối với dự án do UBND các cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp quyết định đầu tư; đồng thời phối hợp với người quyết định đầu tư có biện pháp đẩy nhanh tiến độ dự án. Trường hợp cần thiết, Bộ GTVT sẽ xem xét quyết định việc thành lập đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện dự án theo chức năng thẩm quyền quy định.
Bộ GTVT phối hợp với UBND cấp tỉnh lập danh sách nhà thầu chậm tiến độ để theo dõi như đã quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 của quy chế này để thông tin trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT.
Điều 9. Phối hợp trong theo dõi, giám sát, quản lý chất lượng các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
1. Đối với dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư:
a) Bộ GTVT giao chủ đầu tư (Ban QLDA) cung cấp cho UBND cấp tỉnh nơi có công trình đi qua các thông tin về yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của hạng mục, công trình thuộc dự án để UBND cấp tỉnh phối hợp theo dõi, giám sát.
b) Trên cơ sở thông tin về yêu cầu kỹ thuật, chất lượng các hạng mục, công trình thuộc dự án do chủ đầu tư cung cấp, đề nghị UBND tỉnh giao Sở GTVT giám sát việc đảm bảo chất lượng thi công của nhà thầu và chủ đầu tư. Khi phát hiện có biểu hiện vi phạm chất lượng như: Vật liệu, vật tư sử dụng không đạt yêu cầu chất lượng, thi công không đúng thiết kế được duyệt, không đúng quy trình công nghệ hoặc phát hiện các sai sót, khuyết tật, hư hỏng trong thi công chưa được khắc phục, xử lý… thì có thông tin cho Bộ GTVT để chỉ đạo xử lý kịp thời.
2. Đối với các dự án do UBND các cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp quyết định đầu tư:
a) Đề nghị UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp cung cấp thông tin cơ bản về yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của hạng mục, công trình quan trọng có yêu cầu kỹ thuật phức tạp cho Bộ GTVT để theo dõi, giám sát.
b) Bộ GTVT giao Cục QLXD và CL CTGT là cơ quan tham mưu cho Bộ trong việc theo dõi, giám sát tiến độ, chất lượng các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là đầu mối làm việc với các cơ quan chuyên môn quản lý dự án của UBND các cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp quyết định đầu tư.
3. Phối hợp trong việc chỉ đạo đảm bảo chất lượng dự án:
Khi nhận được thông báo về việc vi phạm chất lượng thi công ở gói thầu, dự án, bộ GTVT đề nghị UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp phối hợp thực hiện:
a) Đối với dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư, Sở GTVT địa phương làm Chủ đầu tư: Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư có biện pháp khắc phục xử lý. Trường hợp cần thiết Bộ GTVT sẽ có văn bản thỏa thuận đề nghị UBND tỉnh phối hợp tham gia chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tuân thủ các quy định, điều kiện trong hợp đồng để xử lý, khắc phục đảm bảo chất lượng.
b) Bộ GTVT có thông báo bằng văn bản về việc vi phạm chất lượng đối với dự án do UBND các cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp quyết định đầu tư; đồng thời phối hợp với người quyết định đầu tư có biện pháp khắc phục xử lý. Trường hợp chủ đầu tư không xử lý khắc phục hoặc khắc phục không đạt yêu cầu, Bộ GTVT sẽ xem xét quyết định việc thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện dự án theo chức năng thẩm quyền quy định.
c) Đề nghị UBND cấp tỉnh phối hợp với Bộ GTVT kiểm tra sự tuân thủ quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn của các tổ chức, cá nhân; xử lý các vi phạm về chất lượng và giám sát việc khắc phục vi phạm chất lượng theo quy định của pháp luật.
d) Bộ GTVT sẽ phối hợp để tháo gỡ các vướng mắc có liên quan đến cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn… trong phạm vi quản lý của Bộ; đồng thời phối hợp với chủ dự án để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc có liên quan vượt quá thẩm quyền của Bộ (nếu có).
Điều 10. Trách nhiệm trong phối hợp xử lý sự cố công trình xây dựng
Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông nếu xảy ra sự cố thì Chủ đầu tư công trình đồng thời với việc gửi báo cáo sự cố công trình cho các cơ quan theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ, phải gửi báo cáo sự cố về Bộ GTVT để phối hợp khắc phục sự cố.
1. Đối với dự án UBND các cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp quyết định đầu tư:
a) Đề nghị UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc khẩn trương khắc phục sự cố để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện, đảm bảo giao thông thông suốt.
b) Bộ GTVT có trách nhiệm cử các cơ quan chuyên môn, chuyên gia có kinh nghiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp xác định nguyên nhân sự cố công trình khi có yêu cầu.
2. Đối với dự án Bộ GTVT quyết định đầu tư:
a) Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 35, 36 Nghị định 209/2004/NĐ – CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ, kịp thời xử lý, báo cáo, thu dọn và khắc phục sự cố theo quy định.
b) Đề nghị UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, cùng với cơ quan chức năng của Bộ GTVT theo dõi, giám sát chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết sự cố theo quy định.
Chương IV
PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ SỬ DỤNG VÀ BẢO TRÌ
Điều 11. Phối hợp trong bảo trì công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
Thực hiện theo Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về Bảo trì công trình xây dựng, Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ GTVT quy định về quản lý và bảo trì đường bộ.
1. Bộ GTVT giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông là đầu mối tham mưu, các Tổng cục, Cục Quản lý chuyên ngành thực hiện và phối hợp để UBND cấp tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp (chủ sở hữu công trình kết cấu hạ tầng giao thông) có báo cáo hàng năm về Bộ GTVT việc thực hiện bảo trì công trình và sự an toàn của công trình đối với công trình từ cấp II trở lên và các công trình khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Bộ GTVT phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra việc tuân thủ quy định bảo trì công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn (bao gồm cả các công trình do UBND tỉnh quản lý) theo các chế độ kiểm tra như sau:
a) Kiểm tra xác suất đối với tất cả các công trình;
b) Kiểm tra định kỳ tối thiểu 5 năm 1 lần đối với công trình từ cấp II trở lên và công trình khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Bộ GTVT giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì tham mưu thực hiện:
a) Hướng dẫn Tổng cục, các Cục Quản lý chuyên ngành thực hiện bảo trì đối với công trình kết cấu hạ tầng giao thông.
b) Hướng dẫn Tổng cục, các Cục Quản lý chuyên ngành tổ chức kiểm ta việc thực hiện bảo trì công trình và đánh giá sự an toàn công trình kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm, quyết định áp dụng biện pháp an toàn nếu cần thiết và yêu cầu thực hiện quan trắc công trình theo quy định. Xử lý vi phạm đối với công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng, xử lý vi phạm khi chủ sở hữu công trình không tuân thủ theo quy định về bảo trì công trình kết cấu hạ tầng giao thông.
c) Phối hợp với Tổng cục, các Cục Quản lý chuyên ngành trả lời UBND cấp tỉnh và tổ chức liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác.
Điều 12. Phối hợp trong quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
1. Việc phối hợp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ- CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được hướng dẫn tại Thông tư số 39/2011/TT- BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ GTVT. Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
a) Phối hợp để các Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác quản lý, bảo vệ hệ thống đường địa phương (đường tỉnh, đường huyện, đường xã) và quốc lộ được ủy thác quản lý về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT.
b) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đề xuất để Bộ có ý kiến với UBND tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp (chủ sở hữu công trình) khi phát hiện những vấn đề chưa phù hợp quy định.
c) Phối hợp để UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT thường xuyên giám sát, kịp thời phản ánh về Bộ GTVT khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các công trình đang khai thác do Bộ GTVT quản lý nằm trên địa bàn tỉnh.
2. Việc phối hợp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt thực hiện theo quy định tại Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 ngày 14/6/2005 và Nghị định số 109/2006/NĐ- CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19/01/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP. Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam:
a) Chỉ đạo các tổ chức quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm kiểm tra, sửa chữa, bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt hoạt động thông suốt, an toàn;
b) Phối hợp để UBND các cấp nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo về kết cấu hạ tầng đường sắt; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt và an toàn giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn; phổ biến tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, kịp thời thông báo đến cơ quan có thẩm quyền hoặc tham gia ứng cứu khi công trình đường sắt bị hư hỏng để bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sắt.
3. Việc phối hợp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15/6/2004. Bộ GTVT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:
a) Chỉ đạo các tổ chức quản lý khai thác đường thủy nội địa có trách nhiệm kiểm tra, sửa chữa, bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa để bảo đảm giao thông vận tải đường thủy nội địa hoạt động thông suốt, an toàn.
b) Phối hợp để UBND các cấp nơi có đường thủy nội địa đi qua thực hiện tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; chống lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương; tổ chức cứu nạn, giải quyết hậu quả các vụ tai nạn trên đường thủy nội địa trong phạm vi địa phương.
4. Việc phối hợp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Hàng hải số 40/2005/QH11 ngày 14/6/2005, Nghị định số 21/2012/NĐ- CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ quy định về đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải và quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.
Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tham mưu trong việc phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, các Bộ, doanh nghiệp liên quan trong quá trình thực hiện quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải.
5. Việc phối hợp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông hàng không thực hiện theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm tham mưu trong việc phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, các Bộ, doanh nghiệp liên quan trong quá trình thực hiện quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông hàng không.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Cơ quan đầu mối phối hợp thực hiện
Bộ GTVT giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT là cơ quan đầu mối (đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đang triển khai) và Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông là cơ quan đầu mối tham mưu ( đối với công trình kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác) phối hợp với các cơ quan đầu mối của UBND tỉnh, các Bộ và doanh nghiệp triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ quan tham mưu thuộc Bộ, các Tổng cục, Cục Quản lý chuyên ngành, Sở GTVT, các Chủ đầu tư và các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT được giao quản lý các dự án đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng các kết cấu hạ tầng giao thông ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng; quản lý bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, quy định của pháp luật về giao thông vận tải và quy định pháp luật liên quan khác phải thực hiện Quy chế này trong suốt quá trình quản lý, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
2. Định kỳ hàng năm Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời có văn bản gửi về Bộ GTVT để xem xét, hướng dẫn, chỉnh sửa hoặc bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.