BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 174/QĐ/VP | Hà Nội, ngày 31 tháng 1 năm 1962 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 174/QĐ/VP NGÀY 31 THÁNG 1 NĂM 1962 BAN HÀNH CHẾ ĐỘ PHÒNG, CHỐNG HỎA DƯỚI CÁC TÀU, SÀ LAN CHỞ DẦU
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ theo tình hình và đặc điểm của việc vận tải dầu bằng đường thuỷ;
Để đảm bảo an toàn cho thuyền viên và công nhân vận tải, cho tàu và sà lan, cho việc chuyên chở dầu.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành Chế độ phòng, chống hỏa dưới tàu, sà lan chở dầu.
Điều 2: Chế độ phòng, chống hỏa dưới tàu, sà lan chở dầu có hiệu lực ngay từ khi ban hành.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục đường thủy, Giám đốc các Sở Vận tải, Giám đốc quốc doanh vận tải sông và biền, Giám đốc các cảng, các ông Trưởng Ty Giao thông và các cán bộ các cấp thuộc Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào phạm vi trách nhiệm của mình thi hành quyết định này.
| Dương Bạch Liên (Đã ký) |
CHẾ ĐỘ PHÒNG, CHỐNG HỎA DƯỚI CÁC TÀU, SÀ LAN CHỞ DẦU
Chương 1
TÍNH CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM
- Bản thân tàu, sà lan chở dầu là những kho dầu nổi, lưu động bị lệ thuộc vào thiên tai, vào nhiều nguyên nhân khách quan khác dễ gây ra tai nạn, việc cách ly với chung quanh gặp nhiều trở ngại.
- Ngoài nhiệt độ của không khí, mỗi khi tàu vận động khối lượng dầu bên trong di động làm tăng thêm độ bốc hơi của dầu.
- Khi tàu lấy dầu hoặc bơm dầu lên bờ cũng như khi vận động, hơi dầu theo gió tràn lan ra chung quanh rất dễ bắt lửa.
- Một động tác thiếu ý thức của thủy thủ như quẹt diêm, bật lửa, vứt tàn thuốc, làm va chạm các vật sát vào nhau xẹt ra tia lửa, v.v... cũng gây nên hỏa hoạn được.
Bởi vậy nên đòi hỏi công tác phòng, chống hỏa dưới các phương tiện chuyên chở dầu phải chủ động. Việc phân công trong công tác phòng, chống hỏa phải có kế hoạch tỉ mỉ chi tiết cho từng thủy thủ. Công tác phòng, chống hỏa phải thường xuyên, không được một giây phút sao nhãng. Yêu cầu mỗi thủy thủ trên các phương tiện chuyên chở dầu phải có tinh thần cảnh giác cao độ, chấp hành chế độ nghiêm khắc, động tác phải thành thạo nhanh chóng.
Chương 2
TỔ CHỨC
Điều 1: Tất cả thuyền trưởng, thuyền phó, sà lan trưởng, thủy thủ được huấn luyện về nguyên tắc phòng, chống hỏa, sử dụng các trang bị cứu hỏa, trước khi biên chế xuống làm công tác dưới tàu, sà lan chở dầu.
Điều 2: Căn cứ vào nhân số được biên chế, thuyền trưởng, sà lan trưởng phân công cụ thể cho từng thủy thủ nhiệm vụ, vị trí, phương tiện sử dụng mỗi khi xảy ra hỏa hoạn.
Điều 3: Dưới tàu, sà lan chở dầu, thuyền trưởng, sà lan trưởng phải đảm nhiệm chỉ huy, lãnh đạo công tác phòng chống hỏa.
Điều 4: Chỉ khi thuyền trưởng, sà lan trưởng vì công tác phải vắng mặt, lúc đó mới được giao lại cho thuyền phó. Tàu dầu đang vận động thì thuyền trưởng hoặc người có nhiệm vụ chính thức thay thuyền trưởng phải có mặt trên tàu.
Điều 5: Thuyền trưởng, thuyền phó, sà lan trưởng phải am hiểu toàn bộ hệ thống dẫn dầu, hệ thống cứu hỏa và biết tường tận cách sử dụng và bảo quản các trAng bị phòng chống hỏa trên tàu, sà lan mình.
Điều 6: Khi có thủy thủ mới được điều động về tàu, sà lan mình, thuyền trưởng, sà lan trưởng phải kiểm tra sự hiểu biết của người đó về nguyên tắc phòng, chống hỏa và huấn luyện cho họ cách sử dụng các trong bị trên tàu, sà lan mình.
Điều 7: Chỉ khi thủy thủ thành thạo cách sử dụng các trang bị cứu hỏa trên tàu, sà lan, thuyền trưởng, sà lan trưởng mới giao nhiệm vụ công tác.
Điều 8: Mỗi thủy thủ dưới tàu, sà lan chở dầu phải thuộc lòng nhiệm vụ được phân công và thành thạo cách sử dụng các trang bị phòng, chống hỏa.
Điều 9: Mỗi khi một thủy thủ vắng mặt phải có người thay thế làm nhiệm vụ.
Điều 10: Bảng phân công phòng, chống hỏa cho từng thủy thủ phải dán và bảo quản tốt ở chỗ thích hợp để mọi người dễ đọc.
Điều 11: Chế độ thường trực phòng, chống hỏa phải thường xuyên liên tục.
Chương 3
THIẾT BỊ PHÒNG CHỐNG HỎA
Điều 12: Tất cả các tàu, sà lan chở dầu phải được trang bị đầy đủ phương tiện phòng chống hỏa bằng khí CO2, bình cứu hỏa bằng bọt, hoặc lựu đạn chữa cháy.
Điều 13: Ngoài các phương tiện trên, tàu, sà lan chở dầu còn phải trang bị các dụng cụ cứu hỏa khác như: Hòm, xô đựng cát, xẻng xúc cát, chăn len dập lửa, v.v...
Điều 14: Các bình chữa cháy phải đặt ở những nơi dễ lấy và thường xuyên được kiểm tra thay thế khi hết hạn.
Điều 15: Thùng đựng cát không được xếp chồng các vật khác lên trên, cát trong thùng phải luôn luôn được khô.
Điều 16: Xẻng xúc cát phải để sẵn bên cạnh thùng cát không được đem dùng vào việc khác.
Điều 17: Vòi rồng của hệ thống chữa cháy bằng bọt hóa học phải dài trên 40 thước. Phải cất trong hòn khô ráo, không được để thủng hoặc đem dùng vào việc khác.
Điều 18: Nắp đậy các hầm chứa dầu phải có thiết bị cách ly bằng đệm cao su để mỗi khi mở tránh va chạm vào mặt boong hoặc các vật khác bằng sắt dễ phát ra tia lửa.
Điều 19: Chìa khóa vặn các cửa nắp hầm bằng sắt phải làm bằng một thứ kim loại khác không phải là sắt, tốt nhất là làm bằng đồng.
Điều 20: Chỗ tiếp nối giáp các ống dẫn dầu phải có dây chuyền bằng kim loại hàn nối từ đầu ống này sang đầu ống kia để đề phòng khi phát sinh ra tĩnh điện.
Điều 21: Phòng ngủ, phòng làm việc, lối đi lại phải gọn gàng, ngoài lối đi chính còn phải có lối thoát khác để đề phòng tai nạn bất trắc.
Điều 22: Tất cả tàu, sà lan chở dầu đều phải có thiết bị hệ thống thu lôi.
Điều 23: ống khói phải có màng lưới để lọc cho tàn lửa không bay ra ngoài được.
Điều 24: Dây điện trên tàu, sà lan đều phải là loại dây đặc biệt (bọc chì), không được dùng dây nhựa trần.
Điều 25: Bóng đèn trên tàu, sà lan đều phải có nắp cho an toàn.
Điều 26: Trừ vỏ thân tàu ra, các dụng cụ khác bằng sắt trên tàu, sà lan mỗi khi di chuyển phải bọc nhựa, cao su...
Điều 27: Dây cáp buộc tàu cũng phải là một loại dây đặc biệt có bọc nhựa, cao su. Trường hợp không có, mỗi khi dùng dây cáp thường thì chỗ cọ sát với thân tàu phải lót vải bạt có bôi mỡ.
Chương 4
ĐỀ PHÒNG HỎA HOẠN
Điều 28: Chỉ được dùng tàu chạy bằng máy nổ đốt dầu, để kéo sà lan chở dầu, không được dùng tàu đốt than, chạy máy hơi nước.
Điều 29: Sà lan chở dầu phải được kéo cách xa tàu kéo với cự ly trên 50 thước. Dây buộc phải dễ tháo, mở.
Điều 30: Việc đun nấu trên tàu, sà lan chở dầu nhất thiết phải dùng bếp điện, không được dùng than củi. Cần có accus (hòm chứa điện) để có ánh sáng ban đêm trong trường hợp mô tơ bị hỏng trong lúc tàu, sà lan đang chạy.
Điều 31: Dây điện trên tàu, sà lan đều không được tự ý chắp nối.
Điều 32: Mỗi khi phải dùng đến hàn điện, hàn xì trên tàu, sà lan chở dầu trong việc sửa chữa thiết bị phải qua một thời gian xả hơi và phải dùng máy thổi hết hơi dầu.
Điều 33: Đầu dây thu lôi không được sơn kín, phải để trần và luôn được lau chùi sạch.
Điều 34: Khi tàu đậu bến, lúc lấy dầu hoặc bơm dầu lên, nhất thiết phải cắm dây thu lôi xuống đất.
Điều 35: Màng lưới bọc các ống thoát hơi dầu phải luôn luôn được thoáng, không được để rỉ, tắc.
Điều 36: Tuyệt đối cấm không được đi giầy đinh, giầy dép đóng cá sắt trên các tàu, sà lan chở dầu.
Điều 37: Không được mang diêm, bật lửa và các thứ khác như thìa khóa bằng sắt trong người khi không cần dùng tới.
Điều 38: Dưới tàu, sà lan chở dầu phải quy định chỗ hút thuốc riêng biệt, kín đáo, không được chỗ nào cũng hút thuốc dùng lửa.
Điều 39: Tàu, sà lan chở dầu phải đậu ở bến riêng, cách xa thuyền bè khác và xóm nhà trên bờ ít nhất là 100 thước.
Điều 40: Mỗi khi lấy dầu hoặc bơm dầu, miệng hầm và vòi phải có đện che kín không để hơi dầu bay tỏa tràn lan. Phải có người thường trực ở hệ thống cứu hỏa và miệng hầm.
Điều 41: Phải đặt người cảnh giới để ngăn chặn các tàu khác chạy ngang qua với tốc độ lớn, gây nên sự chòng chành cho tàu mình khi lấy hoặc bơm dầu lên.
Điều 42: Dung lượng dầu chuyên chở không được quá 98% dung tích chứa của tàu sà lan.
Điều 43: Mặt boong tàu, sà lan phải được thường xuyên tưới nước khi trời nắng để tránh tăng nhiệt độ.
Điều 44: Các bình cứu hỏa có thể tưới nước để luôn giữ nhiệt độ dưới 30 độ.
Điều 45: Khi vận động cũng như khi đậu bến, ban ngày phải treo cờ chữ B, ban đêm phải đốt đèn đỏ để các tàu bè khác biết tránh xa.
Điều 46: Phải tuyệt đối giữ bí mật, không để lộ cho người lạ biết giờ giấc đi lại của tàu, sà lan mình.
Chương 5
CỨU HỎA
Điều 47: Mỗi khi phát hiện có hỏa hoạn, bất cứ ai làm nhiệm vụ gì đều có quyền được phát tín hiệu báo động.
Điều 48: Khi có tín hiệu báo động, thủy thủ phải nhanh chóng có mặt ở vị trí đã phân công để làm nhiệm vụ cứu hỏa.
Điều 49: Thuyền trưởng phải kịp thời nhận xét tình hình để có thể điều động tàu, sà lan tránh những tổn thất nặng nề.
Điều 50: Tất cả thủy thủ trên tàu, sà lan phải thống nhất dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng, sà lan trưởng, ngoan cường dũng cảm cứu tai nạn.
Chương 6
CHẾ ĐỘ THỰC HÀNH KIỂM TRA
Điều 51: Thuyền trưởng, sà lan trưởng, thuyền phó luôn kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở thủy thủ về nhiệm vụ phân công và kỹ thuật sử dụng các trang bị phòng, chống hỏa.
Điều 52: Mỗi tháng ít nhất là một lần thuyền trưởng, sà lan trưởng báo động thực tập cứu hỏa để luyện cho thủy thủ động tác nhanh nhẹn khẩn trương và chính xác, để kiểm tra sự hiểu biết của mỗi thuyền viên về cách sử dụng, bảo quản các phương tiện chữa cháy, và để kiểm tra sự hoạt động của các hệ thống dẫn dầu và chữa cháy.
Điều 53: Mỗi tháng ít nhất một lần, bộ phận bảo hộ lao động của xí nghiệp phải kiểm tra các tàu, sà lan chở dầu về trang bị và công tác phòng, chống hỏa.
Điều 54: Mỗi lần trước khi chạy, lấy hoặc bơm dầu lên, thuyền trưởng, sà lan trưởng phải trực tiếp kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn.
Điều 55: Khi có người lạ mặt xuống tàu, sà lan, ngay từ khi mới tới, trước nhất kiểm tra thử lại các vật dùng dễ gây nên hỏa hoạn như diêm, bật lửa, thìa khóa... và phải nói cho họ biết những điều cần thiết về phòng hỏa trên tàu.
Điều 56: Trước khi cho dầu hoặc thùng phuy dầu xuống tàu, sà lan chở dầu và trước khi tàu hoặc sà lan rời bến, phải kiểm tra các phương tiện chữa cháy có tốt không. Nếu không tốt thì không được tiến hành xuống dầu, không được rời bến.
Thuyền trưởng, sà lan trưởng cùng với đội trưởng đội chữa cháy làm nhiệm vụ kiểm tra này.
Điều 57: Trên tàu hoặc sà lan, phải có một quyển sổ kiểm tra, phòng cháy. Mỗi lần, người đội trưởng chữa cháy của cảng xuống kiểm tra phòng cháy, có nhận xét điểm gì thì ghi vào sổ này. Sổ này có ghi đủ phương tiện chữa cháy trên tàu hoặc trên sà lan.
Bảng chế độ phòng, chữa cháy phải treo tại phòng thuyền trưởng. Phải có bảng ghi rõ trách nhiệm của từng người (từ thuyền trưởng đến các thủy thủ) phải làm gì khi có cháy.
Chương 7
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 58: Thuyền trưởng, sà lan trưởng là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác phòng, chống hỏa của tàu, sà lan mình.
Điều 59: Thuyền trưởng tàu, sà lan trưởng là người quyết định các biện pháp cứu chữa khi xảy ra tai nạn.
Điều 60: Thủy thủ dưới tàu phải chấp hành chế độ nội quy về phòng, chống hỏa thật nghiêm khắc.
Điều 61: Những người làm công tác dưới tàu, sà lan chở dầu vi phạm vào thể lệ nội quy phòng, chống hỏa sẽ tùy theo nặng nhẹ mà phê bình, cảnh cáo hoặc đuổi ra khỏi xí nghiệp và truy tố trước pháp luật.
Điều 62: Ngoài thủy thủ ra, bất luận ai xuống dưới tàu, sà lan chở dầu làm công tác gì đều phải tuân theo nội quy của tàu và mệnh lệnh của thuyền trưởng.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.