ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 173/2002/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU VỰC DI TÍCH CỔ LOA, HUYỆN ĐÔNG ANH, HÀ NỘI - TỶ LỆ 1.2000
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà nội đến năm 2020.
Căn cứ Quyết định số 322/BX-ĐT ngày 28 tháng 12 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.
Căn cứ Quyết định số 106/2000/QĐ-UB ngày 12/12/2000 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết huyện Đông Anh, Hà Nội, tỷ lệ 1/5000 (Phần quy hoạch sử dụng đất và giao thông);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tại Tờ trình số 14A/TTr-QHKT ngày 30 tháng 8 năm 2002.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu vực di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội - Tỷ lệ 1/2000 do Trung tâm Phát triển vùng SENA lập với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Vị trí, ranh giới và quy mô:
Khu vực lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú và Uy Nỗ huyện Đông Anh, trong đó chủ yếu thuộc địa giới hành chính xã Cổ Loa.
- Phía Bắc giới hạn bởi đường quy hoạch nối khu đô thị 34 (dự kiến) đi khu công nghiệp Đông Anh.
- Phía Đông Bắc được giới hạn bởi đường Cổ Loa – Yên Viên.
- Phía Đông Nam được giới hạn bởi ranh giới khu di tích Cổ Loa.
- Phía Nam và Tây Nam giới hạn bởi đường liên khu vực Cầu Đuống đi thị trấn Đông Anh.
Khu vực quy hoạch có diện tích 830.34 ha, bao gồm toàn bộ khu vực di tích Cổ Loa và các vùng lân cận có liên quan trực tiếp về mặt quy hoạch.
2. Mục tiêu:
1) Bảo tồn, tôn tạo, xây dựng và phát triển khu di tích Cổ Loa xứng đáng với giá trị của di tích phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
2) Bảo tồn, tôn tạo, xây dựng và phát triển khu vực di tích Cổ Loa theo hướng đồng bộ cả giá trị vật thể và phi vật thể.
Trong quy hoạch không chỉ đơn thuần bảo tồn, tôn tạo di tích mà còn giới thiệu quá trình phát triển, tạo điều kiện từng bước hoàn thiện của toàn khu di tích:
- Các công trình bảo tàng (bảo tàng tĩnh) trưng bày một cách hệ thống từ lịch sử văn hoá, khảo cổ…giúp người xem có được cái nhìn tổng thể về khu di tích Cổ Loa, về quá trình dựng nước và giữ nước của cộng đồng người Việt cổ.
- Các trưng bày chuyên đề ngoài trời (bảo tàng mở) gắn liền với các di tích hào, luỹ, đền miếu, làng cổ; với việc tổ chức các hoạt động lễ hội, sinh hoạt truyền thống (như bắn cung, đua thuyền…) gắn liền với các truyền thuyết của di tích, phong tục tập quán của người Việt cổ tạo ra các hướng tiếp cận khác về khu di tích và có thể tạo ra nhiều sản phẩm về du lịch phục vụ được nhiều tầng lớp nhân dân trong các thời gian của năm.
3) Xác định hướng quy hoạch trên cơ sở tôn tạo, bảo tồn di tích, chống lấn chiếm, xuống cấp, đề xuất một giải pháp tổng hoà để đạt được cả 3 tính chất của khu vực (di sản, du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định đời sống dân cư). Trong dó việc bảo tồn, tôn tạo di tích sẽ được ưu tiên hàng đầu và là động lực cho phát triển.
4) Cụ thể hoá Quy hoạch chỉ tiêu huyện Đông Anh – Khu vực Đô thị (Phần Quy hoạch Kiến trúc và Giao thông) đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 106/QĐ-UB ngày 12/12/2000 tại khu vực di tích Cổ Loa.
5) Làm cơ sở cho quản lý xây dựng, cải tạo, chỉnh trang và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xúc tiến nghiên cứu, thực hiện dự án đầu tư trong khu vực.
3. Nội dung quy hoạch chi tiết:
3.1 Định hướng phát triển không gian
3.11 Phân chia các khu chức năng
- Vành đai bảo tồn, vành đai bảo vệ và vành đai điều chỉnh xây dựng được xác định theo quy định theo quy định của Luật Di sản văn hoá đã được Chủ tịch nước ban hành số 09/2001/L-CTN ngày 12/7/2001.
- Vành đai bảo tồn: Đối với thành hào bề rộng trung bình của vành đai bảo tồn rộng 55m; Đối với các di tích kiến trúc, tính từ tường rào trở vào; Đối với các di chỉ khảo cổ để tham quan, nghiên cứu, tính từ giới hạn chứa hiện vật ra ngoài 10m.
- Vành đai bảo vệ: tính từ vành đai bảo tồn ra ngoài 100m.
- Vành đai điều chỉnh xây dựng: trong phạm vi còn lại của ba vòng thành.
Quy hoạch chi tiết khu di tích Cổ Loa được chia thành 3 khu:
- Khu A: gồm vành đai bảo tồn và vành đai bảo vệ có diện tích 453,2ha, được chia thành 3 khu: Khu A1 là vành đai bảo tồn và vành đai bảo vệ thành Ngoại; khu A2 là vành đai bảo tồn và vành đai bảo vệ thành Trung; khu A3 là vành đai bảo tồn và vành đai bảo vệ thành Nội.
- Khu B: vành đai điều chinhr xây dựng, có diện tích 179.18 ha, được chia thành 3 khu: Khu B1 – Khu vực nằm ngoài thành Ngoại; Khu B2 – Khu vực giữa thành Ngoại và thành Trung và khu B3 – Khu vực nằm giữa thành Trung và thành Nội.
- Khu C: các khu vực phát triển khác nằm bên ngoài khu A và B, có diện tích 197.95 ha được chia thành 3 khu: Khu C1 – Khu vườn hoa cây cảnh; Khu C2 – Khu công viên truyền thuyết và khu C3 – Khu công viên đô thị.
TT | Khu vực | Chức năng | Phân bố diện tích theo xã (ha) | |||||
Cổ loa | Việt Hùng | Dục tục | Uy Nỗ | Tổng | Tỷ lệ % | |||
1 | Khu A | Vành đai bảo tồn | 370.41 | 51.03 | 27.58 | 4.19 | 453.21 | 54.58 |
1.1 | A1 | Thành Ngoại |
|
|
|
| 173.98 |
|
1.2 | A2 | Thành Trung |
|
|
|
| 233.93 |
|
1.3 | A3 | Thành Nội |
|
|
|
| 45.30 |
|
2 | Khu B | Vành đai điều chỉnh xây dựng | 159.33 | 10.97 | 7.13 | 1.75 | 179.18 | 21.58 |
2.1 | B1 | Ngoài thành Ngoại |
|
|
|
| 59.39 |
|
2.2 | B2 | Giữa thành Ngoại và thành Trung |
|
|
|
| 23.69 |
|
2.3 | B3 | Giữa thành Trung và thành Nội |
|
|
|
| 96.10 |
|
3 | Khu C | Khu vưc phát triển | 128.73 |
| 69.22 |
| 197.95 | 23.34 |
3.1 | C1 | Vườn hoa |
|
|
|
| 53.42 |
|
3.2 | C2 | Công viên truyền thuyết |
|
|
|
| 74.38 |
|
3.3 | C3 | Công viên đô thị |
|
|
|
| 30.65 |
|
3.4 | GT Đô thị | Giao thông đô thị |
|
|
|
| 39.50 |
|
| Tộng cộng |
| 658.47 | 62.0 | 103.93 | 5.94 | 830.34 | 100.00 |
| Tỷ lệ |
| 79.30 | 7.47 | 12.52 | 0.72 | 100.00 |
|
3.1.2 Tổ chức không gian, cảnh quan.
a) Quy hoạch khu di tích Cổ Loa có hai trục không gian kiến trúc cảnh quan chính, đó là:
- Trục không gian kiến trúc cảnh quan theo hướng Đông Bắc – Tây Nam nối khu công viên di tích Cổ Loa với khu vực Hồ Tây, liên kết các khu đô thị cũ và mới ở hai bên sông Hồng.
- Trục không gian kiến trúc cảnh quan theo hướng Bắc –Nam. Đây là trục không gian đi qua trung tâm của thành Nội - trục không gian chính của toàn bộ khu vực di tích thành Cổ Loa.
Phục hồi một số đoạn hào nước, gắn liền với vòng thành, kết hợp với việc phục hồi có trọng điểm một số cửa thành.
b) Hệ thống cây xanh cảnh quan trong khu vực quy hoạch gồm: Cây xanh cảnh quan trong các di tích; Vườn dạo trong các cụm dân cư; Công viên rừng (gắn liền với dãy gò phía Bắc và ven sông Hoàng); Công viên nghỉ ngơi giải trí nằm bên ngoài vành đai bảo tồn, bảo vệ; Vườn, trang trại và Cây xanh cách ly dọc theo các tuyến đường đô thị và đường sắt.
Toàn bộ hệ thống cây xanh được liên kết với nhau, được tổ chức kết hợp với hệ thống mặt nước, công trình kiến trúc tạo thành một tổng thể kiến trúc cảnh quan thống nhất trong khu vực quy hoạch.
c) Xây dựng hệ thống tượng đài, các công trình kiến trúc nhỏ gắn liền với các truyền thuyết, các hoạt động văn hoá lễ hội truyền thống.
d) Các công trình trong khu vực quy hoạch được khống chế về chiều cao xây dựng (không xây dựng các công trình có chiều cao quá 3 tầng, chiều cao tầng trung bình 1.5-2 tầng) mật độ xây dựng thấp (25-30%). Hình thức kiến trúc của các công trình (cải tạo và xây dựng mới) phải phù hợp với cảnh quan chung của toàn bộ khu vực di tích.
3.2 Cơ cấu phân khu chức năng sử dụng đất
BẢNG TỔNG HỢP CƠ CẤU SỬ DỤNG ĐẤT TRONG KHU VỰC QUY HOẠCH
TT | Loại đất | Diện tích (ha) | Tỉ lệ chiếm đất (%) | Ghi chú |
1 | Đất công cộng dịch vụ | 5.57 | 0.69 |
|
1.1 | Đất trường học | 4.44 |
|
|
1.2 | Đất công cộng dịch vụ khác | 1.31 |
| không kể sân TDTT 1 ha bố trí trong khu cây xanh |
2 | Đất ở | 103.49 | 12.46 |
|
2.1 | Đất ở bảo tồn tôn tạo | 9.47 | 1.44 |
|
2.2 | Đất ở hiện ở | 82.08 | 9.89 |
|
2.3 | Đất ở Xây dựng mới (dành để di dân) | 11.94 | 1.44 | khoảng 300 hộ
|
3 | Đất di tích lịch sử | 85.25 | 10.27 |
|
3.1 | Di tích và phế tích luỹ thành | 21.58 | 2.60 |
|
3.2 | Hào nước | 49.24 | 5.93 |
|
3.3 | Đình chùa | 7.03 | 0.85 |
|
3.4 | Giếng ngọc và vườn Thượng uyển | 5.49 | 0.66 |
|
3.5 | Điếm, mộ Mỵ Châu | 0.82 | 0.10 |
|
3.6 | Khu vực khảo cổ | 1.09 | 0.13 |
|
4 | Mặt nước | 42.33 | 5.10 |
|
4.1 | Hồ đầm | 32.59 | 3.92 |
|
4.2 | Sông Hoàng | 9.74 | 1.17 |
|
5 | Cây xanh | 488.00 | 58.77 |
|
5.1 | Cây xanh, công viên, vườn, trang trại | 327.55 | 39.45 |
|
| Cây xanh cảnh quan, vườn dạo, công viên | 158.03 |
|
|
| Cây xanh vườn, trang trại | 169.52 |
|
|
5.2 | Cây xanh, nghĩa địa, nghĩa trang | 7.75 | 0.93 |
|
5.3 | Cây xanh khu công viên truyền thuyết | 69.93 | 8.42 |
|
5.4 | Cây xanh khu vườn hoa, cây cảnh | 53.42 | 6.43 |
|
5.5 | Cây xanh công viên đô thị | 29.35 | .3.53 |
|
6 | Đất giao thông | 105.52 | 12.71 | không kể 8 ha bãi đỗ xe trong khu vực cây xanh |
6.1 | Giao thông đô thị | 39.50 | 4.76 |
|
6.2 | Giao thông phân chia các ô đất | 19.08 | 2.30 |
|
6.3 | Giao thông trong nội bộ ô đất | 41.71 | 5.02 |
|
6.4 | Giao thông đường sắt (kể cả hành lang cách ly) | 5.23 | 0.63 |
|
| Tổng cộng | 830.34 | 100.00 |
|
3.3 Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển các khu di tích.
Bảo tồn, tôn tạo khu vực di tích kết hợp với việc tiến hành nghiên cứu, khảo sát tu bổ các công trình di tích.
Đến năm 2020 khu vực di tích Cổ Loa sẽ bao gồm các khu vực sau:
a) Khu vực di tích thành:
- Các vòng thành (bao gồm luỹ và hào có chiều rộng trung bình 55m) được khoanh vùng bảo vệ, chống mọi sự xâm phạm.
- Vòng thành Nội (thành, hào, hoả hồi và cổng thành) sẽ được tôn tạo lại toàn bộ với tổng chiều dài khoảng 1700m.
- Đối với thành Ngoại và thành Trung sẽ tôn tạo lại một số đoạn chủ yếu tập trung tại 8 cửa ra vào thành. Mỗi bên được tái tạo một đoạn thành hào dài trung bình 200m. Tổng cộng 2 bên cửa 400m. Tổng chiều dài đoạn thành hào phục hồi của 8 cửa khoảng 3200m. Tổng chiều dài tái tạo thành hào của cả 3 vòng thành hào là khoảng 4900m (chiếm tỷ lệ 4900m/15820m-khoảng 30%).
b) Khu vực trung tâm di tích Cổ Loa:
Khu sân tiếp đón đặt di tích Cổ Loa gồm:
- Khu sân tiếp đón tại phía Nam của thành Nội. Di chuyển UBND xã và trường học (là công trình án ngữ lối vào chính, làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu di tích) sang khu vực trung tâm xã mới
- Khu trung tâm thành Nội: được mở rộng trên cơ sở diện tích và sân hiện có (Cụm đình, chùa, am Cổ Loa) và di dời một số hộ dân. Tại đây sẽ hình thành một không gian tập trung của toàn bộ khu vực di tích, có quy mô khoảng 5ha để có bố trí các công trình bảo tàng trưng bày các di khảo cổ, tổ chức các hoạt động lễ hội văn hoá truyền thống làm sống lại các phong tục tập quán của người Việt cổ: giỗ chạp, tục ăn trầu nhuộm răng, tục xăm mình, tục giã cối, bắn cung… giúp cho các truyền thuyết dân gian: Âu Cơ – Lạc Long Quân, Sơn Tinh - Thuỷ tinh, Rùa vàng – Gà Trắng…giúp cho các thế hệ sau có thể hình dung được đời sống, công cuộc dựng nước và giữ nước của người Việt cổ.
Phần còn lại của xóm Chùa và xóm Chợ với quy mô khoảng 10 ha được bảo tồn và tôn tạo đồng thời cả giá trị vật chất và phi vật chất. Các công trình kiến trúc được cải tạo, chỉnh trang theo huớng nhà ở truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Các giải pháp quy hoạch tạo điều kiện cho việc giữ gìn các thiết kế kiến trúc làng xã cổ truyền, cảnh quan thôn xóm, gắn liền với các công trình tín ngưỡng và di tích kề liền.
- Khu đền Thượng bao gồm các công trình hiện có như đền An Dương Vương, giếng Ngọc và khu vực xây dựng mới: Vườn Thượng Uyển.
c) Khu các di tích kiến trúc khác:
Là các di tích nằm rải rác trong khu vực như: chùa, đình Mạch Tràng, mộ Mỵ Châu…Các công trình này được tiếp tục đầu tư để tôn tạo.
d) Khu vực các di chỉ khảo cổ:
Khu vực di chỉ khảo cổ chính là Đồng Vông, Bãi Mèn, Đường Mâ và các điểm phát hiện cổ vật khác được bảo vệ. Tại đây sẽ xây dựng thành các bảo tàng ngoài trời để phục vụ khách du lịch. Các điểm khảo cổ sẽ được bổ sung cùng với việc tiếp tục nghiên cứu khu di tích Cổ Loa.
Các khu vực trên đường liên hệ với nhau bằng các tuyến đường bộ và đường thuỷ (thông qua hệ thống hào, đầm và sông).
Đầm cả, đầm Muông, sông Hoàng gắn liền với hệ thống hào nước, được tôn tạo, kè và làm đường dạo xung quanh.
e) Khu vực phát triển mới hỗ trợ khu vực di tích:
Tổ chức đón các khu đón tiếp và kết hợp với các khu công viên nghỉ ngơi, giải trí khác nằm bên ngoài di tích:
- Xây dựng công viên truyền thuyết tại phía Nam khu vực di tích với quy mô diện tích 74.38 ha (khu C2), là công viên truyền thuyết theo dạng chủ đề: Khu vực Cổ Loa thời kỳ trước An Dương Vương, thời kỳ An Dương Vương và thời kỳ sau An Dương Vương. Quy hoạch bố trí các công trình: Bảo tàng di chỉ Cổ Loa (vị trí tại khu vực di chỉ Bãi Mèn), các công trình phục vụ lễ hội, di tích thành Cổ Loa thu nhỏ tỷ lệ 1/20, tháp tưởng niệm và ngắm cảnh, tượng đài An Dương Vương, Ngô Quyền…
Mật độ xây dựng các công trình trong công viên không quá 10%, các công trình trong công viên có chiều cao 1 tầng (không kể công trình tháp).
- Xây dựng một khu trồng hoa, cây cảnh tại khu vực Bắc sông Hoàng với diện tích 53,42ha (Khu C1) để tạo viễn cảnh và cảnh quan tại cửa ngõ chính của khu di tích. Đây la khu vực nằm trên khu ruộng trũng thuộc lòng sông Hoàng Giang xưa. Dự kiến phục hồi một phần mặt nước (vừa lấy đất tôn nền tránh lụt) tạo lại một phần diện mạo cảnh quan xưa. Tại đây không xây dựng nhà ở, chỉ xây dựng các công trình phục vụ cho nhu cầu sản xuất và du lịch, mật độ xât dựng 5%, chiều cao 1 tầng.
- Khu vực công viên đô thị (khu C3) có diện tích 30.65 ha, là không gian chuyển tiếp, nối khu di tích Cổ Loa với các khu vực phát triển khác tại phía Nam. Tại đây chủ yếu bố trí các bãi đỗ xe, các công trình dịch vụ công trình trong công viên không quá 10%, các công trình trong công viên có chiều cao 1 tầng.
3.4 Quy hoạch phát triển kinh tế, hạ tầng xã hội cho dân cư Cổ Loa
3.4.1 Định hướng phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu lao động và cơ hội việc làm
Kinh tế của xã Cổ Loa sẽ dần chuyển từ kinh tế thuần nông sang hình thức kinh tế nông nghiệp kết hợp với các hoạt động dịch vụ, phục vụ du lịch, chuyển dần từ trồng lúa sang nuôi trồng các sản phẩm có giá trị kinh tế và cảnh quan, làm tăng thu nhập trực tiếp (thông qua thu hút khách du lịch) cho nhân dân.
Đến năm 2020 số lao động trong khu vực quy hoạch dự kiến vào khoảng 8500 người, chiếm khoảng 50% số dân cư của khu vực quy hoạch.
- Số lao động nông nghiệp của khu vực quy hoạch giảm từ 88% hiện nay xuống còn 60% vào năm 2020, khoảng 5.100 người, lao động tại các khu vực cây xanh vườn, trang trại trong khu B và C với chỉ tiêu khoảng 500m2 đất/lao động nông nghiệp.
- Số lao động dịch vụ dự kiến chiếm khoảng 20% tổng số lao động, khoảng 1.700 người, phục vụ cho dân cư địa phương và du khách. Dự báo về du khách có thể lên đến 8.000 khách/ ngày và khách lưu trú đến 800 khách/ ngày.
- Số lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 20% tổng số lao động, khoảng 1.700 người. Do tại khu vực không có các nghề truyền thống nên các hoạt động tiểu thủ công nghiệp sẽ được định hướng cho việc sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch. Cơ hội về lao động công nghiệp chủ yếu ở khu vực ga Cổ Loa và các khu công nghiệp Đông Anh, Thăng Long.
Trong những năm tới tại khu vực quy hoạch sẽ có nhiều các dự án đầu tư với quy mô lớn, đây cũng là cơ hội về việc làm cho trong lĩnh vực xây dựng cho cư dân của khu vực.
3.4.2 Quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng xã hội:
Hệ thống hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ,
Các công trình công cộng dịch vụ trong khu vực quy hoạch gồm:
- Hai trường tiểu học với quy mô 2.6 ha cho 1.700 học sinh (một trường hiện có nâng cấp và một trường xây dựng mới).
- Xây mới 1 trường trung học cơ sở cho 1.300 học sinh với quy mô khoảng 1.3 ha.
- Xây mới 1 trường phổ thông trung học cho 400 học sinh với quy mô 0.6 ha.
Hình thành một trung tâm công cộng dịch vụ (tại khu vực B3.5 và B3.6): tại đây bố trí UBND và nhà văn hoá xã quy mô 0.6 ha; Trung tâm thương mại, dịch vụ (chợ) 0.4 ha. Trạm y tế phục vụ cho toàn xã và phục vụ cho khách du lịch với quy mô 0.2 ha; Sân luyện tập thể dục thể thao cho toàn xã hội với quy mô khoảng 1 ha.
Các công trình công cộng dịch vụ có mật độ xây dựng 25-30%, cao 2 tầng, hệ số sử dụng đất 0.5-0.6.
3.4.3 Quy hoạch phát triển các khu vực dân cư
Diện tích đất ở trong khu vực quy hoạch 103.49 ha, trong đó:
- Diện tích đất ở bảo tồn, tôn tạo (xóm Chùa, xóm Chợ): 9.47 ha.
- Diện tích đất ở hiện có: 82.08 ha.
- Diện tích đất ở mới: 11.94 ha.
Số dân cư trong khu vực quy hoạch 15.680 người.
Đối với nhà ở nằm trong vành đai bảo vệ không thể di chuyển khi cải tạo phải tuân thủ theo quy định: mật độ xây dựng không vượt quá 30%; chiều cao tầng trung bình 1.5 tầng; hệ số sử dụng đất 0.45. Nhà ở theo dạng nhà vườn, kiến trúc theo hướng nhà truyền thống. Khoảng cách xây lùi cách tuyến đường bao di tích không nhỏ hơn 3m.
Đối với các công trình nhà ở hiện có nằm ngoài vành đai bảo vệ được cải tạo chỉnh trang theo hướng; mật độ xây dựng không vượt quá 30%; chiều cao tầng trung bình 1.5 tầng; hệ số sử dụng đất 0.45. Nhà ở theo dạng nhà vườn.
3.4.4. Quy hoạch hệ thống cây xanh:
Diện tích cây xanh trong khu vực quy hoạch (không kể công viên trong khu C) gồm:
- Khu cây xanh cảnh quan trong các khu di tích, vườn dạo, công viên (xung quanh các gò, đầm) có diện tích 158.03 ha. Các công trình xây dựng trong công viên có mật độ xây dựng 5%, chiều cao 1 tầng, hệ số sử dụng đất 0.05, cách phạm vi bảo tồn tối thiểu 100m.
- Khu vườn, trang trại có diện tích 169.52 ha. Tại đây không xây dựng nhà ở, chỉ được xây dựng các công trình phục vụ cho nhu cầu sản xuất và phụcvụ du lịch. Công trình có mật độ xây dựng 5%, chiều cao 1 tầng, cách phạm vi bảo tồn tối thiểu 100m.
- Cây xanh nghĩa trang có diện tích 7.75 ha. Trong tương lai sẽ mai táng tại nghĩa trang của thành phố. Tại đây sẽ trở thành công viên.
Trên cơ sở phân vùng chức năng và cơ cấu sử dụng đất, khu vực quy hoạch được phân thành các ô đất với chức năng sử dụng đất và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật kèm theo. Đây là cơ sở cho việc quản lý theo quy hoạch và thúc đẩy đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát triển khu vực Cổ Loa. Tổng hợp chức năng sử dụng đất và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các ô đất được xác định theo bản vẽ QH-05 kèm theo.
3.5 Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật
3.5.1 Quy hoạch hệ thống giao thông
a) Giao thông đường bộ:
Tuyến đường liên bộ khu vực có mặt cắt rộng 50m, liên kết khu vực quy hoạch với các khu vực đô thị khác của huyện Đông Anh.
Hệ thống đường giao thông nội bộ; đáp ứng nhu cầu đi lại phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân và nhu cầu tham quan du lịch, gồm các tuyến đường có mặt cắt ngang rộng 25m, 17.5m, 13.5m và 11.5m. Các tuyến đường rộng 7.5m và 5.5m được mở rộng, nâng cấp từ các ngõ xóm chính hiện có đóng vai trò là các tuyến giao thông nội đồng phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp và các tuyến đường giao thông du lịch, đồng thời là ranh giới bảo vệ các khu vực di tích, chống lấn chiếm.
Tổng chiều dài hệ thống giao thông trong khu vực A và B từ đường 5.5m đến đường 25m là 63.2 km với mật độ đường 10km/km2.
Quy hoạch dành 8 ha để bố trí các bãi xe phục vụ khách đến thăm quan du lịch.
b) Giao thông đường thuỷ.
Cải tạo, mở rộng các mương dẫn nước dọc theo thành với chiều rộng khoảng 35m, kết hợp với việc nạo vét sông Hoàng Giang để tổ chức các tuyến đường thủy du lịch; đua thuyền khi có lễ hội. Xây dựng một bến tàu thuỷ tại khu vực trung tâm xã (khu Vườn Thuyền – Ao Mắm) và các điểm đỗ dọc theo các tuyến du lịch.
c) Đường sắt
Tuyến đường sắt hiện tại sẽ dịch chuyển ra khỏi khu vực thành Ngoại. Hành lang bảo vệ đường sắt có chiều rộng 20m. Ga đường sắt Cổ Loa (nằm ngoài khu vực quy hoạch) được nâng cấp vừa là ga trung chuyển hàng hoá vừa là ga hành khách phục vụ cho khách du lịch.
3.5.2. Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và san nền
a) Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa:
Khu vực quy hoạch thuộc một trong 5 lưu vực thoát nước phía Bắc sông Hồng (Lưu vực Vân trì; Cổ Loa; Vĩnh Thanh; Tây Bắc Đông Anh và Đông Bắc Đông Anh). Địa hình của khu vực chia thành 3 bậc thềm địa hình chính:
- Bậc thềm thứ nhất có cao độ 12-14m với cao độ mực nước tính toán của hồ, mương nước là 8.5m.
- Bậc thềm thứ hai có cao độ 8-10m với cao độ mực nước tính toán của hồ, mương nước là 7.5m
- Bậc thềm thứ ba có cao độ 7-8m với cao độ mực nước tính toán của Sông Hoàng Giang (Ngũ Huyện Khê) là 6-6.5m.
Đây cũng chính là mực nước cảnh quan của cac hào nước và đầm nước.
Khu vực quy hoạch được chia thành 3 tiểu lưu vực thoát nước chính. Việc giữ nước và tiêu nước thông qua hệ thống đập tràn. Xây dựng 1 trạm bơm với công suất 1000m3/h tại phía Tây Bắc khu vực quy hoạch lấy nước từ sông Hoàng Giang, qua tuyến mương dự kiến B: 15m; b: 10m và H: 4m cấp nước tưới cho khu vực.
Các tuyến cống có kích thước D600 đến D2000 chạy dọc theo các tuyến đường quy hoạch đổ vào cá hồ, mương nước từ đó dẫn ra sông.
b) Quy hoạch san nền
Tận dụng tối đa điều kiện cảnh quan tự nhiên, tạo cho khu vực có địa hình đa dạng, phù hợp với cao độ nền của các khu di tích, khu dân cư đã phát triển ổn định. Chỉ san nền tại các khu vực có cao độ nền quá thấp có thể gây úng lụt và phục vụ cho việc xây dựng các công trình.
3.5.3 Quy hoạch hệ thống cấp nước
Nguồn nước tưới rửa được lấy từ trạm bơm (công suất 1000m3/h) tại phía Tây Bắc theo tuyến mương dự kiến từ sông Hoàng Giang tới khu vực quy hoạch. Hệ thống các mương dọc theo thành luỹ sẽ đóng vai trò là hệ thống mương tưới và tiêu cho khu vực.
Nguồn cấp nước sinh hoạt là nhà máy nước Đông Anh với công suất dự kiến 4.000m3/ngày đêm nằm tại phía Bắc khu vựuc quy hoạch. Hệ thống mạng lưới gồm các ống truyền tải # 300-500, Ô700 và ống phân phối #100-200.
3.5.4 Quy hoạch hệ thống thoát nước thải và thu gom rác thải:
a) Quy hoạch hệ thống thoát nước thải
Khu vực quy hoạch thuộc lưu vực 2 - Tây Cổ Loa, được chia thành 3 tiểu lưu vực thoát nước thải:
- Lưu vực 1 được thoát về trạm xử lý nước thải phía Tây Bắc thành Cổ Loa có công suất 28.500 m3/ ngày đêm.
- Lưu vực 2, 3 được thoát về trạm xử lý phía Đông thành Cổ Loa có công suất 36.500 m3/ ngày đêm. Taị hai khu vực này bố trí một trạm bơm chuyển bậc có công suất 2600 m3 /ngày đêm.
Hệ thống nước thải được thiết kế là hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn. Nước thải được thu gom từ ô đất vào các tuyến cống từ D300 đến D600 thoát vào hệ thống cống thoát nước thải của đô thị.
b) Quy hoạch hệ thống thu rác thải
Rác thải sinh hoạt, sản xuất và du lịch được tổ chức thu gom và vận chuyển đến khu xử lý rác thải chung thành phố.
3.5.5 Quy hoạch hệ thống cấp điện
Nguồn cấp điện cho khu vực quy hoạch là trạm biến thế Đông Anh 110/22/6KV nằm tại phía Bắc khu vực quy hoạch.
Xây dựng mới 3 tuyến 22KV đi ngầm thay thế 2 tuyến trung thế 6KV hiện có. Bố trí 23 trạm biến thế 22/0.4KV, trong đó có 4 trạm nâng cấp từ những trạm hiện có và 19 trạm xây mới.
3.5.6. Quy hoạch hệ thống thông tin bưu điện
Xây dựng một tổng đài chuyển mạch 63000 số nối với tổng đài trung tâm Đinh Tiên Hoàng và tổng đài vệ tinh Mạch Tràng 5000 số.
Bố trí 12 tủ cáp, mỗi tủ có dung lượng 200x2 đến 300x2 số phục vụ nhu cầu điện thoại thuê bao và điện thoại công cộng của khu vực.
Điều 2: Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hồ sơ, bản vẽ theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu vực di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội và chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về nội dung Quy hoạch chi tiết đã được thẩm định; phối hợp với Chủ tịch UBND huyện Đông Anh tổ chức công bố, niêm yết công khai quy hoạch chi tiết để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện.
Giao Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Mội trường kiểm tra hướng dẫn các chủ đầu tư nghiên cứu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trong qúa trình thực hiện quy hoạch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và qui định của pháp luật.
Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND Đông Anh, Sở Văn hoá Thông tin và Sở Du lịch tổ chức và kêu gọi đầu tư vào các dự án trong khu vực quy hoạch, trước hết là các dự án ưu tiên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc,Văn hoá - Thông tin, Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Công chính, Tài chính - Vật giá, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Địa chính - Nhà đất; Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND các xã: Cổ Loa, Việt Hùng, Uy Nỗ và Dục Tú; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.