UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2009/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 22 tháng 10 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT CẤP KINH PHÍ HỖ TRỢ DI DÂN VÙNG SẠT LỞ BỜ SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 206/TTr-SNN ngày 09 tháng 9 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục xét cấp kinh phí hỗ trợ di dân vùng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT CẤP KINH PHÍ HỖ TRỢ DI DÂN VÙNG SẠT LỞ BỜ SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này áp dụng cho việc thực hiện bố trí, ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng thiên tai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng xét hỗ trợ
1. Đối tượng được xét hỗ trợ:
Hộ gia đình được bố trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (thực hiện theo Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg).
2. Thời gian xét hỗ trợ:
Chính sách này áp dụng cho các đối tượng bị sạt lở bờ sông từ ngày 05 tháng 7 năm 2008 (thời điểm Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg có hiệu lực).
Điều 3. Chính sách hỗ trợ
Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình để hỗ trợ chi phí về di chuyển người, hành lý, khai hoang, công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, lương thực, nước sinh hoạt và cất nhà ở.
Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
1. Mức hỗ trợ cho hộ dân có nguy cơ sạt lở bờ sông di dân vào cụm tuyến dân cư là 10.000.000 đồng/hộ (mười triệu đồng).
2. Mức hỗ trợ cho hộ dân bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở bờ sông tự di dời là 20.000.000 đồng/hộ (hai chục triệu đồng).
3. Mức hỗ trợ cho hộ dân đang sống tại khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng phải di dời là 3.000.000 đồng/hộ (ba triệu đồng).
Điều 4. Quy trình xét hỗ trợ
1. Hồ sơ và thủ tục:
Thực hiện theo quy trình di dân đã ban hành tại Quyết định số 12/2005/QĐ-BNN ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy trình di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư đến năm 2010. Gồm có:
- Đơn xin hỗ trợ kinh phí di dời của hộ dân (theo mẫu quy định).
- Danh sách trích ngang số hộ dân được hỗ trợ kinh phí di dời (theo mẫu quy định).
- Quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện về số hộ dân được hỗ trợ kinh phí di dời.
- Danh sách cấp tiền hỗ trợ di dời.
- Phiếu cấp tiền hỗ trợ di dời của hộ dân.
2. Quy trình thẩm định và xét duyệt:
a) Bước 1
Thông qua Hội đồng xét duyệt cấp xã.
Hội đồng xét duyệt cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) làm Chủ tịch hội đồng, các thành viên gồm đại diện các ban ngành, đoàn thể của xã và các ấp có dân di dời đến.
Nhiệm vụ:
Xét duyệt số hộ dân bị sạt lở bờ sông, trên cơ sở Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) có dân di dời đến lập danh sách số hộ dân bị sạt lở bờ sông tự di dời đến nơi ở an toàn, danh sách số hộ dân vào cụm tuyến dân cư, danh sách số hộ dân ra ngoài rừng đặc dụng.
b) Bước 2
Thông qua Đoàn thẩm định.
Đoàn thẩm định gồm đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Phòng Kinh tế thành phố).
Nhiệm vụ:
Thẩm tra kết quả xét duyệt của Hội đồng xét duyệt cấp xã.
c) Bước 3
Hội đồng xét duyệt cấp huyện.
Hội đồng xét duyệt cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện (thành phố) làm Chủ tịch hội đồng, các thành viên gồm đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Phòng Kinh tế thành phố), Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) có dân bị sạt lở di dời đến.
Nhiệm vụ:
Xem xét báo cáo kết quả của Hội đồng xét duyệt cấp xã và kết quả thẩm tra của Đoàn thẩm định.
Hội đồng xét duyệt cấp huyện quyết định số hộ dân đủ điều kiện hỗ trợ và không đủ điều kiện hỗ trợ.
Sau khi có kết luận của Hội đồng xét duyệt cấp huyện, Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) niêm yết công khai danh sách số hộ dân đủ điều kiện hỗ trợ và không đủ điều kiện hỗ trợ để nhân dân giám sát.
Sau bảy ngày niêm yết công khai nếu không có thắc mắc, khiếu nại sẽ tiến hành cấp phát kinh phí cho các hộ dân đủ điều kiện.
3. Quy trình giải quyết khiếu nại của hộ dân:
Thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
4. Quy trình cấp phát kinh phí:
Tiến hành cấp phát kinh phí cho hộ dân bị sạt lở, giao Chi cục Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Phòng Kinh tế thành phố) và Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn).
Sau đó Chi cục Phát triển nông thôn sẽ thanh quyết toán theo quy định.
Hình thức cấp phát trực tiếp đến từng hộ dân.
Điều 5. Nguồn kinh phí sử dụng
Kinh phí hỗ trợ di dân sạt lở bờ sông được sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp di dân được ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Hàng năm lập kế hoạch bảo vệ với Trung ương để bố trí nguồn vốn cho chương trình di dân sạt lở bờ sông của tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
+ Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện (Phòng Kinh tế thành phố) thẩm tra kết quả họp xét của Hội đồng xét duyệt cấp xã và tham gia Hội đồng xét duyệt cấp huyện.
+ Phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện (thành phố) giải quyết khiếu nại.
+ Tiếp nhận nguồn vốn sự nghiệp di dân sạt lở của tỉnh và tiến hành cấp phát kinh phí cho dân kịp thời.
+ Tham gia Hội đồng cấp phát kinh phí cho số dân sạt lở.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí lồng ghép chính sách thuộc các chương trình, dự án khác trên địa bàn với dự án thuộc chương trình sắp xếp, bố trí dân cư.
- Theo dõi tiến độ thực hiện công tác di dân sạt lở để kịp thời bổ sung nguồn vốn hoặc điều chỉnh nếu có nhu cầu.
3. Sở Tài chính:
- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp di dân sạt lở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp phát kinh phí cho dân theo đúng tiến độ.
- Tham gia Hội đồng cấp phát kinh phí cho dân sạt lở.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định quyết toán vốn sự nghiệp di dân theo quy định.
4. Uỷ ban nhân dân các huyện (thành phố):
- Chủ trì họp với Hội đồng xét duyệt cấp huyện, phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn giải quyết đơn khiếu nại của hộ dân sau khi Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) đã giải quyết nhưng hộ dân chưa thống nhất.
- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Phòng Kinh tế thành phố) và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
+ Tham gia đầy đủ các công việc theo quy trình xét hỗ trợ di dân sạt lở.
+ Thống kê đầy đủ số hộ dân được hỗ trợ di dân sạt lở và họp hội đồng xét duyệt công bằng, chính xác, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu nại của người dân./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.