ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2007/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 14 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC- THỂ THAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
Căn cứ Quyết định số 1336/2005/QĐ-UBTDTT, ngày 30 tháng 10 năm 2005, của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục - Thể thao về việc phê duyệt Đề án phát triển xã hội hóa thể dục - thể thao đến năm 2010.
Căn cứ Nghị quyết số 47/2006/NQ-HĐND ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố về xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 và các chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục - thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010.
Điều 2. Sở Thể dục - Thể thao là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Đề án nêu trên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC - THỂ THAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2010
(Đính kèm Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Phần I
THỰC TRẠNG XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC - THỂ THAO Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
I. CÁC KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:
Trong những năm qua, ngành thể dục - thể thao (TDTT) đã có kế hoạch, biện pháp cụ thể, tích cực để thực hiện công tác xã hội hoá hoạt động TDTT trên địa bàn thành phố, với mục tiêu phát triển ngày càng nhiều môn thể thao và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT, nhiều người dân tham gia rèn luyện.
Xác định rõ xã hội hoá là một xu thế tất yếu trong quá trình vận động và phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, ngành đã chủ động và tích cực khai thác, huy động mọi nguồn lực cho phát triển TDTT, như phát triển các câu lạc bộ TDTT công lập, ngoài công lập, xây dựng kế hoạch hoạt động liên ngành với các ngành, đoàn thể (Giáo dục - Đào tạo, Công an, Quân sự, Liên đoàn lao động, Phụ nữ, Đoàn thanh niên..), thành lập các Liên đoàn, Hội thể thao...., vận động tài trợ cho các hoạt động thi đấu thể thao ở các cấp.
Từ khi có Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia luyện tập TDTT, khuyến khích, mở rộng và phát triển các cơ sở sân bãi cho luyện tập TDTT được đẩy mạnh. Đã có nhiều hình thức câu lạc bộ TDTT ngoài công lập ra đời và đi vào hoạt động, như câu lạc bộ dưỡng sinh, thể dục thẩm mỹ, thể dục - thể hình, cầu lông, bóng bàn, billiards, các môn võ, quần vợt ... Từ chỉ một vài câu lạc bộ năm 1997, đến nay đã có trên 40 câu lạc bộ võ cổ truyền, 16 câu lạc bộ taekwondo, 17 câu lạc bộ thể hình, 11 câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ, hàng trăm câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn ... Các câu lạc bộ này đều do tư nhân quản lý và tổ chức hoạt động.
Ngoài ra, còn có các câu lạc bộ do các cơ quan, đơn vị đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động, như: hệ thống sân bãi thể thao (sân quần vợt, sân cầu lông, sân bóng chuyền, phòng tập bóng bàn, thẩm mỹ) của ngành đường sắt; sân quần vợt, nhà thi đấu đa năng của ngành bưu điện, các sân cầu lông trong nhà của Cục thuế, Công an các quận, Báo Đà Nẵng, Liên đoàn cầu lông ... Chính các cơ sở này hàng ngày đã thu hút đông đảo người dân đến tập luyện.
Trên địa bàn thành phố hiện có 4 Liên đoàn thể thao. Các tổ chức này đã phát huy vai trò của tổ chức xã hội trong hoạt động TDTT, góp phần phát triển phong trào TDTT của thành phố. Hàng năm, các liên đoàn như cầu lông, quần vợt bóng bàn đã thường xuyên tổ chức các giải, thu hút hàng trăm vận động viên tham gia thi đấu. Ngoài ra, các đơn vị như Báo Đà Nẵng, Đài truyền hình Đà Nẵng, Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng tổ chức các giải truyền thống, như: giải chạy việt dã - chạy vũ trang, giải đua thuyền truyền thống, giải đua xe đạp tay cầm ngang; ngành TDTT phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các giải thể thao học sinh, Hội khoẻ Phù đổng các cấp.
Đã huy động được nhiều nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp để phục vụ cho các hoạt động thi đấu TDTT.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
1. Thuận lợi:
- Chủ trương xã hội hóa TDTT đã được thể hiện rõ tại các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, được cụ thể hóa bằng các văn bản của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xã hội hóa phát triển.
- TDTT là nhu cầu của xã hội, với sự đa dạng trong các hoạt động như tập luyện nâng cao sức khỏe, xem, thưởng thức các hoạt động biểu diễn, thi đấu thể thao, quảng cáo, tiếp thị ..., vì vậy, nó có tính xã hội cao, hấp dẫn, dễ thu hút, quy tụ mọi đối tượng, mọi tầng lớp xã hội tham gia.
- Thu nhập của nhân dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày được nâng cao dẫn đến nhu cầu tập luyện nâng cao sức khoẻ ngày càng cao, người dân có nhiều thời gian hơn để tiếp cận với các hoạt động TDTT và sự quan tâm đầu tư cho các hoạt động TDTT theo đó ngày càng tăng.
2. Khó khăn:
- Nền kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như cả nước, đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế; do ảnh hưởng khá sâu của cơ chế quan liêu bao cấp, trong công tác chỉ đạo điều hành ở nhiều nơi còn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào ngân sách nhà nước, chưa chú trọng, năng động trong việc tổ chức các hoạt động theo định hướng xã hội hóa. Công tác quản lý của các ngành chức năng chưa theo kịp với yêu cầu của xã hội hoá, vẫn theo nếp cũ.
- Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh sản xuất, nên việc vận động các doanh nghiệp tham gia hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT gặp nhiều khó khăn.
- Đời sống nhân dân mặc dù đã được cải thiện nhiều (chủ yếu khu vực thành thị và một bộ phận nhân dân có điều kiện việc làm ổn định), nhưng phần lớn nhân dân vùng ven biển, nông thôn, các xã miền núi cơ bản vẫn còn khó khăn, chưa có điều kiện tham gia các hoạt động TDTT.
- Cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ cho các hoạt động TDTT còn quá thiếu so với nhu cầu thực tế. Các chỉ tiêu cần thiết cho xã hội hóa như diện tích đất được quy hoạch cho TDTT, số công trình, sân bãi, định mức kinh phí trên đầu dân cho hoạt động TDTT, đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, cán bộ TDTT ở cơ sở quận, huyện, xã, phường còn ở mức thấp.
- Thị trường TDTT chưa sôi động. Các cơ sở ngoài công lập đa số quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, không đảm bảo cho dạy và tập luyện. Lĩnh vực TDTT chưa thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bởi đòi hỏi mức đầu tư lớn (nhất là trong xây dựng các công trình TDTT), trong khi đó khả năng thu hồi vốn chậm, phí dịch vụ thấp, độ rủi ro cao (thị trường mới, không ổn định).
- Các tổ chức xã hội về TDTT chưa có khả năng tự chủ về tài chính, hạn chế về khả năng huy động tài trợ, hoạt động vẫn dựa phần nào vào nguồn ngân sách của nhà nước và sự hỗ trợ về cán bộ của Sở TDTT. Tổ chức hoạt động của các Liên đoàn TDTT còn nhiều lúng túng, chồng chéo giữa cơ quan quản lý nhà nước và Liên đoàn, hiệu quả hoạt động chưa cao.
- Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ có các chính sách tốt, nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Chế độ chính sách ưu đãi không được thực hiện đồng bộ Chính sách thuế, đất đai và các chế độ chính sách cho những người tham gia trong các cơ sở TDTT ngoài công lập chưa được coi trọng đúng mức.
Phần II
MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ THỂ DỤC - THỂ THAO ĐẾN NĂM 2010
I. MỤC TIÊU:
- Vận động và tổ chức ngày càng có nhiều người tham gia tập luyện hoặc đóng góp vào các hoạt động TDTT, làm cho TDTT thực sự trở thành hoạt động “của dân, do dân, vì dân”.
Chỉ tiêu thể thao quần chúng của thành phố đến năm 2010
Số TT | Chỉ tiêu | ĐVT | NĂM | ||||
2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | |||
1 | Số người tập luyện TDTT thường xuyên | % | 19,1 | 20,2 | 21,3 | 22,4 | 23,5 |
2 | Số hộ gia đình tập luyên TDTT thường xuyên | % | 13,7 | 14,5 | 15,3 | 16,2 | 17,3 |
3 | Số CLB TDTT thành lập mới - Một môn: - Đa môn: | Số CLB | 21 5 | 28 6 | 35 8 | 40 11 | 50 15 |
- Các cơ sở thể thao ngoài công lập và các lực lượng khác tham gia vào quá trình xã hội hóa TDTT đảm bảo đáp ứng tối thiểu từ 70% đến 80% nhu cầu dịch vụ TDTT tùy theo từng loại hình, tập trung vào các môn: Cầu lông, quần vợt, bóng bàn, bóng đá, thể dục thẩm mỹ, thể dục thể hình, thể dục dưỡng sinh, các môn võ, billiards.
- Đến năm 2010, hoàn thành việc chuyển toàn bộ các cơ sở TDTT công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển một số cơ sở TDTT công lập có điều kiện sang loại hình ngoài công lập. Chuyển toàn bộ các câu lạc bộ TDTT do nhà nước quản lý sang loại hình ngoài công lập.
- Phấn đấu đến 2010 có thêm 3 ít nhất Liên đoàn TDTT cấp thành phố (Hiện nay có 4 Liên đoàn thể thao).
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:
A. Giải pháp chung:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về xã hội hóa TDTT:
- Tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách xã hội hóa TDTT tới từng xã, phường, tổ dân phố, khu dân cư, các cơ quan, trường học, doanh nghịêp ... nhằm vận động, phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm của mọi ngành, mọi cấp và người dân trong việc tham gia tổ chức các hoạt động TDTT. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phát động thi đua xây dựng điển hình xã hội hóa TDTT lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
2. Đổi mới công tác quản lý Nhà nước cho phù hợp với xu thế xã hội hóa:
- Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước từ cấp thành phố đến quận, huyện trên nguyên tắc cấp sở, phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước là chính, không ôm đồm các công việc mang tính sự vụ. Hoạt động có tính dịch vụ trong các đơn vị này chỉ dừng ở mức dịch vụ công, còn các loại dịch vụ khác được chuyển giao cho các liên đoàn thể thao hoặc tư nhân.
- Phân cấp quản lý, tạo cơ chế linh hoạt, mở rộng khả năng tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, tạo nguồn thu, tiến tới tự chủ tài chính theo tinh thần Nghị định 10/NĐ-CP.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động TDTT từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện, xã, phường.
- Chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cụ thể cho các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức, đơn vị TDTT ngoài công lập thực hiện, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
- Xây dựng hệ thống các quy định về cấp phép, đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề trong lĩnh vực dịch vụ TDTT đảm bảo yêu cầu: giản đơn, nhanh chóng, thuận tiện.
- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý ngành, giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cho các đơn vị, cơ sở TDTT công lập và ngoài công lập.
- Tổ chức thanh tra chuyên ngành để thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyên môn trong hoạt động của các cơ sở TDTT công lập và ngoài công lập nhằm đảm bảo lợi ích chung cho xã hội và xử lý kịp thời các vi phạm.
- Công khai quy hoạch các công trình TDTT và chính sách khuyến khích đầu tư để mọi thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển sự nghiệp TDTT, trên nguyên tắc tạo sự bình đẳng trong đầu tư giữa các thành phần kinh tế.
3. Đổi mới chi tiêu công và các chính sách đầu tư của nhà nước để thực hiện mục tiêu xã hội hóa:
Trong giai đoạn 2006 – 2010, sự đầu tư của nhà nước đối với các hoạt động TDTT còn rất cần thiết để thực hiện các mục tiêu chung của xã hội hóa. Đầu tư nhà nước trong lĩnh vực TDTT đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa đảm bảo kích thích các nhu cầu về TDTT, vừa đảm thực hiện công bằng xã hội (thu hẹp sự chênh lệch trong trình độ phát triển và mức hưởng thụ các hoạt động TDTT giữa các vùng, miền, đối tượng).
Đầu tư của nhà nước tập trung vào các lĩnh vực chính sau:
- Tiếp tục xây dựng các cơ sở TDTT trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của khu vực công lập và giữ vai trò nòng cốt của khu vực này trong quá trình xã hội hóa.
- Đào tạo hệ thống vận động viên của thành phố tham gia các giải quốc gia, quốc tế.
- Đầu tư cho các hoạt động dịch vụ TDTT công cộng có tính chất phúc lợi nhằm đảm bảo cho đại bộ phận người dân, đặc biệt là những người nghèo và đối tượng chính sách, được hưởng thụ các hoạt động TDTT.
- Hỗ trợ phong trào thể thao quần chúng.
- Thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành, của thành phố.
4. Phát triển thị trường thể thao:
- Nhanh chóng cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ TDTT.
- Ban hành các quy định, chính sách liên doanh, liên kết khai thác các công trình TDTT trên địa bàn thành phố.
- Xây dựng các quy định về giá chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên và các quy định xử lý khi có tranh chấp trong quá trình chuyển nhượng của các môn thể thao theo quy định của cơ quan cấp trên.
- Có các chính sách đối với hoạt động tài trợ, quảng cáo, môi giới trong lĩnh vực TDTT; khuyến khích thành lập các công ty tiếp thị và quảng cáo thể thao để tạo điều kiện nhanh chóng phát triển thị trường TDTT.
B. Giải pháp cụ thể:
1. Thể thao quần chúng:
- Trên cơ sở khuyến khích, vận động và tạo điều kiện để ngày càng có nhiều người tham gia tập luyện hoặc đóng góp vào các hoạt động TDTT, đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động phong trào, loại hình tập luyện phù hợp với các đối tượng, từng vùng.
- Cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng từ cấp xã, phường đến cấp thành phố theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ về chuyên môn để ngành, đoàn thể và nhân dân đứng ra tổ chức. Chuyển dần việc tổ chức các giải thể thao quần chúng cho các Liên đoàn. Trước tiên tập trung vào các Liên đoàn bóng đá, bóng bàn, cầu lông, quần vợt.
- Xây dựng các câu lạc bộ, công trình TDTT theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm tại các khu dân cư.
- Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành TDTT và Giáo dục - Đào tạo, Công an, Quân sự, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân... để đẩy mạnh các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao trong từng đối tượng. Trong đó, trọng tâm là ngành Giáo dục - Đào tạo.
- Mở các lớp hướng dẫn viên, trọng tài cho các cơ sở.
- Mở chuyên mục phổ biến các kiến thức về TDTT cho nhân dân trên Đài Phát thanh - Truyền hình và các báo địa phương .
2. Thể thao thành tích cao:
- Xây dựng các chính sách ưu đãi các tài năng thể thao. Huấn luyện viên và vận động viên được hưởng các chế độ đãi ngộ tương xứng với tài năng và mức độ cống hiến.
- Tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động TDTT như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, quần vợt. Trước mắt, tập trung xây dựng câu lạc bộ bóng đá thực sự chuyên nghiệp từ tổ chức bộ máy đến các hoạt động đào tạo, thi đấu, kinh doanh, dịch vụ... theo phương châm bóng đá tự nuôi bóng đá.
- Xây dựng các quỹ cho thể thao như quỹ bảo trợ tài năng thể thao, quỹ hỗ trợ vận động viên do các tổ chức, cá nhân góp vốn thành lập và tổ chức hoạt động.
- Vận động thành lập câu lạc bộ cổ động viên, những người hâm mộ thể thao từng môn.
- Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo vận động viên, xây dựng, các cơ sở vật chất cho TDTT, đầu tư trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu.
- Tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực TDTT dưới nhiều hình thức, như: liên doanh, liên kết hoặc đầu tư 100 % vốn nước ngoài...
3. Chuyển đổi phương thức hoạt động của các đơn vị công lập:
- Đối với đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực huấn luyện, tổ chưc tập luyện, tổ chức thi đấu (Trung tâm thể thao Nguyễn Tri Phương, Trung tâm thể thao người lớn tuổi): Phát huy tối đa công suất hoạt động của công trình thông qua các hoạt động như cho thuê sân bãi, tổ chức dịch vụ tập luyện, hợp đồng đào tạo... theo nhu cầu của nhân dân. Khuyến khích các đơn vị tổ chức thi đấu, biểu diễn thuê khoán để tăng nguồn thu.
- Đối với đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực đào tạo (Trung tâm huấn luyện và đào tạo vận động viên, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ): Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, ngoài hình thức chính quy, phát triển các hình thức đào tạo khác như đào tạo ngắn hạn, liên kết đào tạo, thực hiện các hợp đồng đào tạo.
- Đối với Câu lạc bộ bóng đá: Trong quá trình xây dựng bóng đá chuyên nghiệp, xem xét, lựa chọn hướng đi phù hợp cho bóng đá Đà Nẵng theo hướng có sự tham gia của doanh nghiệp, giảm thiểu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố. Đa dạng hoá nguồn thu bằng kinh doanh các sản phẩm lưu niệm của CLB, hoạt động quảng cáo trên sân, trên quà lưu niệm, bản quyền truyền hình trong hoạt động thi đấu, chuyển nhượng vận động viên ...
4. Các cơ sở thể thao ngoài công lập:
Mục tiêu chung là phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở TDTT ngoài công lập hoạt động dưới mọi hình thức, như: tự nguyện, tự quản, không thu phí, có thu phí, kinh doanh dịch vụ. Để tạo điều kiện phát triển khu vực ngoài công lập, cần tập trung vào những nhiệm vụ sau:
- Phổ biến các quy định của Ủy ban TDTT về thành lập, hoạt động, giải thể, sát nhập, cơ chế tài chính, xử lý vi phạm... cũng như các tiêu chuẩn về chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất đối với việc thành lập và đăng ký, cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở thể thao ngoài công lập.
- Xây dựng kế hoạch, các chính sách khuyến khích phát triển mạng lưới các cơ sở TDTT ngoài công lập trên địa bàn.
- Phân cấp quản lý rõ ràng (xã, phường; quận, huyện; thành phố) đối với các cơ sở TDTT ngoài công lập.
- Tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở ngoài công lập tham gia các dịch vụ TDTT phục vụ cho nhu cầu chung của nhân dân; đồng thời, nhà nước hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, trang bị kiến thức kỹ thuật cho các cơ sở trên.
- Tạo điều kiện bình đẳng trong việc tham gia các hoạt động TDTT giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập. Đồng thời, có biện pháp để đảm bảo cho mọi người dân, đặc biệt những đối tượng có thu nhập thấp được tham gia các hoạt động TDTT.
5. Các tổ chức xã hội về TDTT:
- Phấn đấu đến năm 2010, có thêm ít nhất 3 Liên đoàn (thể dục, võ thuật, billiards) được thành lập. Phân định rõ chức năng, phạm vi điều hành công việc giữa Liên đoàn và cơ quan quản lý nhà nước về TDTT. Từng bước đổi mới công tác nhân sự trong các tổ chức xã hội về TDTT.
- Chuyển giao dần các công việc về tổ chức thi đấu và quản lý hệ thống thi đấu các giải phong trào cho các Liên đoàn tự thực hiện.
- Khuyến khích các Liên đoàn thể thao tham gia công tác đào tạo vận động viên đỉnh cao cho thành phố.
III. CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN:
1. Năm 2007:
- Tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân về chủ trưong xã hội hóa và những ưu đãi của Nhà nước cho các cơ sở thể thao ngoài công lập.
- Kiểm tra, thống kê, phân loại các cơ sở thể thao công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
- Hướng dẫn các cơ sở TDTT ngoài công lập các thủ tục cần thiết để thành lập và tổ chức hoạt động đúng theo quy định. Tiến hành cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở TDTT ngoài công lập.
- Rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực TDTT. Xây dựng qui định về việc giao đất, cho thuê đất phục vụ cho việc xây dựng các công trình TDTT công cộng và ngoài công lập.
- Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích XHH TDTT
- Lập kế hoạch chuyển đổi cơ sở thể thao công lập của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố có đủ điều kiện sang loại hình ngoài công lập.
- Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Liên đoàn và bộ môn của Sở TDTT.
- Chuyển giao một phần công tác tổ chức thi đấu các giải phong trào cho các Liên đoàn bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt.
- Thành lập Liên đoàn các môn võ và Billiards.
- Thành phố tiếp tục đầu tư các công trình thể thao công lập để giữ vai trò nòng cốt như Khu Liên hợp thể thao, các cơ sở tập luyện thể thao, ăn, ở cho Trung tâm huấn luyện đào tạo VĐV, Trung tâm thể thao các quận huyện...
- Vận động và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình TDTT, hoạt động dịch vụ TDTT.
2. Giai đoạn năm 2008 – 2009:
- Thực hiện chuyển giao hoàn toàn công tác tổ chức thi đấu các giải phong trào cho các Liên đoàn bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt và chuyển dần giải phong trào cho Liên đoàn billiarrds, võ.
- Chuyển công tác tham gia thi đấu các giải Trẻ quốc gia cho Liên đoàn Bóng đá, Bóng bàn, Cầu lông, Billiards, Quần vợt.
- Thành lập Liên đoàn Thể dục.
- Chuyển một phần công tác đào tạo vận động viên trẻ (hoặc theo phương thức phối hợp giữa Liên đoàn và Sở TDTT) cho các Liên đoàn (Bóng bàn, Cầu lông, Billiards, Quần vợt).
- Mở rộng các loại hình dịch vụ TDTT như: Hợp đồng huấn luyện cho các tổ chức, cá nhân, cho thuê sân bãi tập luyện và thi đấu, cung ứng các sản phẩm TDTT, chuyển nhượng vận động viên ...
- Phát hành sổ xố thể thao, xây dựng quỹ cho tài năng thể thao.
3. Giai đoạn năm 2010:
- Tiếp tục củng cố, duy trì các giải thể thao phong trào của các Liên đoàn bóng đá, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, billiards, các môn võ.
- Chuyển giao một phần (Tuyến 1 và 2) công tác đào tạo vận động viên trẻ cho các Liên đoàn bóng bàn, cầu lông, quần vợt, billiards, các môn võ, thể hình.
- Vận động thành lập Liên đoàn điền kinh và bơi - lặn.
- Mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ các loại hình dịch vụ TDTT để tạo thuận lợi cho mở rộng thị trường TDTT trên địa bàn thành phố.
- Hoàn thiện tổ chức, bộ máy tổ chức hoạt động của các Liên đoàn thể thao đã thành lập. Chuyển việc cấp phép hoạt động của các cơ sở thể thao ngoài công lập cho các Liên đoàn thực hiện.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thể dục - Thể thao:
- Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Đề án.
- Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND thành phố xây dựng, ban hành các quy định về thành lập, quản lý hoạt động các cơ sở thể thao ngoài công lập.
- Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố về kế hoạch chuyên nghiệp hóa Câu lạc bộ bóng đá Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2010.
- Phối hợp Sở Tài chính, Cục thuế, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện quy hoạch đất, các chính sách ưu đãi cho các cơ sở TDTT ngoài công lập, đồng thời thực hiện các hoạt động giám sát việc thực hiện trên.
2. Sở Tài nguyên Và Môi trường: Phối hợp Sở TDTT tiến hành kiểm tra, thẩm định nhu cầu sử dụng đất của các cơ sở TDTT ngoài công lập, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của thành phố.
3. Cục Thuế: Phối hợp với Sở TDTT hướng dẫn và thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở TDTT ngoài công lập, các hoạt động tài trợ của các tổ chức kinh tế.
4. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện: Xây dựng tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án theo thẩm quyền, phù hợp với tình hình của địa phương.
5. Các cơ quan, đơn vị, các hội đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng: Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, nhân dân làm cho mọi người dân hiểu và tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động TDTT của Nhà nước.
*
* *
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả; định kỳ hàng năm đánh giá kết quả gửi Sở Thể dục - Thể thao để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có vướng mắc, phát sinh, cần kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Thể dục - Thể thao) để xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.