ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2004/QĐ.UB | Mỹ Tho, ngày 07 tháng 04 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2002/NĐ-CP NGÀY 10/7/2002 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;
Căn cứ Thông tư số 07/2002/TT-BTP ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình có yếu tố nước ngoài;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp thực hiện Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Trung tâm Xã hội tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2002/NĐ-CP NGÀY 10/7/2002 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2004/QĐ-UB ngày 07 tháng 04 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy chế này quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, bao gồm các việc:
1. Đăng ký kết hôn;
2. Nhận cha, mẹ, con;
3. Nuôi con nuôi.
Điều 2. Đối tượng thực hiện
Các cơ quan, tổ chức được quy định trong Quy chế này bao gồm: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Tư pháp; Công an tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Tiền Giang; Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Xã hội tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công; Ủy ban nhân dân các xã, phường và thị trấn.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp giải quyết hồ sơ
1. Quy chế này xác định mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm đảm bảo giải quyết hồ sơ đúng pháp luật; về thời gian, chế độ quản lý hồ sơ và xác định trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan.
2. Việc phối hợp hoạt động dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức và các quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động của từng cơ quan, tổ chức và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, của nhân dân.
3. Việc phối hợp phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ được quy định tại Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ và Quy chế này.
4. Thực hiện kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh xử lý các vi phạm trong đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi.
5. Thời hạn giải quyết hồ sơ nêu trong Nghị định là thời hạn tối đa. Trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan, đơn vị rút ngắn thời hạn giải quyết trong 02 loại việc sau đây:
a) Đăng ký kết hôn: 20 ngày làm việc.
b) Đăng ký nhận cha, mẹ, con: 30 ngày làm việc.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC
1. Niêm yết công khai thủ tục đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con; nuôi con nuôi.
2. Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ khi đủ các giấy tờ hợp lệ và thu lệ phí theo quy định;
3. Thực hiện các thủ tục niêm yết theo quy định;
4. Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ trong thời gian 17 ngày (đối với việc kết hôn); 25 ngày (đối với việc nhận cha, mẹ, con). Riêng việc nuôi con nuôi, thời gian không vượt quá thời hạn quy định; cụ thể:
- Áp dụng các biện pháp nhằm hoàn tất hồ sơ: Trực tiếp xác minh, giao Phòng Tư pháp xác minh trong trường hợp cần thiết; phỏng vấn; yêu cầu đương sự bổ túc hồ sơ;
- Khi cần thiết, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Công an tỉnh xác minh;
5. Thông báo thời gian cho đương sự đến hoàn tất thủ tục theo quy định đối với từng loại hồ sơ cụ thể;
6. Thông báo cho đương sự biết lý do chậm trễ khi hồ sơ giải quyết không đúng thời hạn;
7. Đề xuất ý kiến trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết đối với từng hồ sơ cụ thể;
8. Tổ chức Lễ đăng ký kết hôn, trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con; lễ trao Quyết định cho nhận con nuôi; ghi vào sổ đăng ký các loại và lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật;
9. Cấp các loại bản sao Giấy chứng nhận kết hôn; Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con; Quyết định cho nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi;
10. Tiếp nhận, xem xét hồ sơ đăng ký thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn và cấp giấy đăng ký hoạt động, gia hạn, thay đổi nội dung, chấm dứt hoạt động của Trung tâm hỗ trợ kết hôn; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Tiền Giang theo dõi, quản lý, thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động và thu chi tài chính của Trung tâm (nếu có).
11. Thông báo kịp thời cho Công an tỉnh biết khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con và việc nuôi con nuôi;
12. Hàng tháng gởi danh sách số người kết hôn, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đến Công an tỉnh (qua phòng PA35).
Điều 5. Trách nhiệm Công an tỉnh
1. Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng nghiệp vụ trực thuộc Công an tỉnh tiếp nhận, yêu cầu xác minh hồ sơ của Sở Tư pháp chuyển đến; trả lời kết quả xác minh trong thời hạn quy định đối với từng loại hồ sơ (Riêng trường hợp đăng ký kết hôn thời hạn xác minh là 10 ngày (trừ ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật), kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp. Trong trường hợp phức tạp thời gian gia hạn không quá 10 ngày (trừ ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật).
2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống các hành vi lợi dụng việc kết hôn; nhận cha, mẹ, con; nuôi con nuôi nhằm mục đích mua bán, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác khi nhận được thông báo hoặc yêu cầu của các ngành, đoàn thể, địa phương theo quy chế này.
Điều 6. Trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do Sở Tư pháp chuyển đến.
2. Xem xét, kiểm tra hồ sơ do Sở Tư pháp đề xuất, trình giải quyết hoặc từ chối giải quyết.
3. Thời hạn giải quyết hồ sơ:
- Việc đăng ký kết hôn: 03 ngày;
- Việc nhận cha, mẹ, con: 05 ngày.
- Việc nuôi con nuôi: 05 ngày.
4. Thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp biết lý do nếu hồ sơ giải quyết không đúng thời hạn quy định.
5. Soạn thảo văn bản để Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời đương sự trong trường hợp từ chối giải quyết hồ sơ và gởi cho Sở Tư pháp một bản để theo dõi.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc giới thiệu trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi.
2. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Xã hội tỉnh thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định tại điều 8 của Quy chế này.
Điều 8. Trách nhiệm của Trung tâm Xã hội tỉnh
1. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc cho trẻ em Việt Nam đang sinh sống tại Trung tâm làm con nuôi cho người nước ngoài.
2. Giới thiệu trẻ em đang sống tại Trung tâm có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với nguyện vọng của người nhận con nuôi để cho làm con nuôi.
3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được công văn đề nghị giới thiệu trẻ em của Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm Xã hội tỉnh có trách nhiệm xác định trẻ em để giới thiệu và có công văn trả lời kết quả cho Sở Tư pháp.
4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp, nếu đồng ý cho trẻ em làm con nuôi, Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm hoàn tất 04 bộ hồ sơ của trẻ em làm con nuôi (gồm các giấy tờ quy định tại Điều 44 của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ) và nộp cho Sở Tư pháp.
5. Định kỳ báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình giới thiệu trẻ em đang sinh sống tại trung tâm làm con nuôi.
6. Thông báo kịp thời cho Công an tỉnh biết khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc nhận nuôi con nuôi.
Điều 9. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
1. Quản lý, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên về tình hình hoạt động của các Trung tâm hỗ trợ kết hôn do mình thành lập (nếu có).
2. Thông báo kịp thời cho Công an tỉnh biết khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đăng ký kết hôn, nhận cha mẹ, con và nuôi con nuôi.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh
1. Thường xuyên thanh tra, giám sát việc nuôi con nuôi theo Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ để đảm bảo việc cho và nhận trẻ em làm con nuôi người nước ngoài phải dựa trên tinh thần nhân đạo, vì lợi ích của trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em.
2. Phát hiện và thông báo cho Công an tỉnh ngăn chặn kịp thời các trường hợp lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm mục đích kinh doanh, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục việc thi hành Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ và những quy định của pháp luật có liên quan.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xác nhận, chứng thực; niêm yết việc đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con.
3. Chỉ đạo Phòng Tư pháp thực hiện theo Công văn số 25/CV.TP ngày 28/01/2003 của Sở Tư pháp khi có yêu cầu hỗ trợ xác minh hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
4. Thông báo kịp thời cho Công an tỉnh biết khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con và việc nuôi con nuôi.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã):
1. Thực hiện việc xác nhận, chứng thực trong hồ sơ kết hôn; nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi theo quy định pháp luật.
2. Thực hiện niêm yết thủ tục hồ sơ đăng ký kết hôn; xin nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn quy định (07 ngày liên tục đối với xin đăng ký kết hôn và 15 ngày liên tục đối với xin nhận cha, mẹ, con).
3. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo về việc niêm yết phải kịp thời báo cáo ngay đến Phòng Tư pháp hoặc Sở Tư pháp biết để xem xét, giải quyết.
4. Thông báo kịp thời cho Công an tỉnh biết khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con và việc nuôi con nuôi.
Chương 3.
CHẾ ĐỘ PHỐI HỢP
1. Mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, tổ chức theo quy chế này là quan hệ phối hợp, dựa trên những nguyên tắc chức năng, nhiệm vụ độc lập của mỗi cơ quan, tổ chức và sự tôn trọng lẫn nhau để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
2. Trong những trường hợp cần thiết có thể phối hợp công tác bằng các hình thức như: hội nghị liên tịch; ký kết văn bản liên tịch; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, thanh tra, kiểm tra hoặc khảo sát tình hình tại cơ sở…
Điều 14. Chế độ giao, nhận hồ sơ
1. Sở Tư pháp trực tiếp chuyển hồ sơ có yêu cầu xác minh đến Công an tỉnh (qua Phòng Nghiệp vụ) và khi có kết quả xác minh, Công an tỉnh trực tiếp chuyển hồ sơ đến Sở Tư pháp (qua Phòng Hộ tịch); Sở Tư pháp trực tiếp chuyển hồ sơ đến Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhận về khi có kết quả giải quyết hồ sơ.
2. Việc giao, nhận, chuyển hồ sơ phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về công tác văn thư.
Điều 15. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Sở Tư pháp thực hiện thống kê, báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm cho Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình giải quyết việc kết hôn; nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và tình hình thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại tỉnh.
2. Định kỳ 06 tháng các cơ quan, tổ chức phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế này báo cáo tình hình và công tác phối hợp gởi về Sở Tư pháp (qua Phòng Hộ tịch). Định kỳ hàng năm Sở Tư pháp chủ trì tổng kết công tác phối hợp theo quy chế này để rút kinh nghiệm chỉ đạo nâng lên.
Điều 16. Chế độ giải quyết những vướng mắc
1. Khi có những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý hoặc giải quyết hồ sơ thì lãnh đạo các cơ quan, tổ chức có vướng mắc phải thống nhất lại biện pháp giải quyết, khi chưa thống nhất được biện pháp thì phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất biện pháp thực hiện để xem xét quyết định.
2. Trong quá trình giải quyết hồ sơ, nếu có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức mà không thể thống nhất được thì Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo và đề xuất hướng giải quyết trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17.
1. Các cơ quan, tổ chức theo trách nhiệm được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề chưa phù hợp hoặc mới phát sinh, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo đề xuất Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.