BỘ NỘI VỤ Số: 168-NV | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC SỬA CHỮA NHÀ HƯ HỎNG TRONG CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ nghị định số 130-CP ngày 29-09-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ, và quyết định số 31-CP ngày 20-03-1963 của Hội đồng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phụ trách công tác quản lý nhà, đất:
Căn cứ nghị định số 20-CP ngày 29-06-1960 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về cho thuê nhà và sử dụng nhà;
Căn cứ thông tư số 363-TTg ngày 12-09-1961 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa chữa nhà ở.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành bản quy định kèm sau đây về việc sửa chữa nhà hư hỏng trong các thành phố, thị xã.
Điều 2. – Các ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ông Cục trưởng cục Quản lý nhà, đất, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA CHỮA NHÀ HƯ HỎNG TRONG CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ
Điều 1. – Nhà cửa trong các thành phố, thị xã là tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Nhà cửa cần phải được bảo quản chu đáo và tu sửa kịp thời để bảo đảm an toàn cho người ở, để tránh đổ nát và tăng tuổi thọ của nhà cửa.
Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đôn đốc các cơ quan và tư nhân có nhà phải sửa chữa kịp thời những nhà hư hỏng theo những quy định dưới đây.
Điều 2. – Các ủy ban hành chính thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban hành chính thành phố trực thuộc tỉnh Ủy ban hành chính thị xã có trách nhiệm nắm tình hình toàn bộ nhà cửa trong địa phương mình để có kế hoạch sửa chữa những nhà hư hỏng.
Ủy ban hành chính thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban hành chính thành phố trực thuộc tỉnh, Ủy ban hành chính thị xã chỉ định một tiểu ban để giúp Ủy ban hành chính hàng năm kiểm tra về tình hình nhà cửa. Thành phần của tiểu ban gồm có: đại diện của Ủy ban hành chính thành phố, thị xã làm trưởng tiểu ban, và một số cán bộ của các cơ quan Kiến trúc và Quản lý nhà, đất.
I. NHÀ DO CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ, ĐẤT QUẢN LÝ
Điều 3. – Hàng năm và hàng quý, cơ quan Quản lý nhà, đất ở địa phương phải lập kế hoạch sửa chữa nhà cửa, kế hoạch tài vụ và bản dự trù nguyên vật liệu trình Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duyệt.
Điều 4. – Việc sửa chữa nhà hư hỏng phải theo các nguyên tắc sau đây:
1. Phải tùy theo quy hoạch kiến thiết của thành phố, thị xã mà định kế hoạch sửa chữa: Ở những đường phố vẫn được giữ nguyên trong quy hoạch kiến thiết, nhà cửa hư hỏng phải được sửa chữa vững chắc; ở những đường phố sẽ bị xóa bỏ sau này, nhà cửa hư hỏng chỉ nên sửa chữa tạm thời, nhưng phải bảo đảm an toàn cho người ở.
2. Trước hết phải sửa chữa những nhà hư hỏng có thể sập đổ gây nguy hiểm cho người ở và những nhà bị dột.
3. Phải bảo đảm chất lượng của công trình sửa chữa, thực hiện đúng quy phạm kỹ thuật.
4. Phải cải thiện hoặc làm thêm những tiện nghi tối thiểu cần thiết (như nhà bếp, nhà xí, cống rãnh…)
Điều 5. – Những công trình sửa chữa lớn đòi hỏi kỹ thuật cao thì phải giao cho cơ quan Kiến trúc nhận thầu sửa chữa. Cơ quan Kiến trúc và cơ quan Quản lý nhà, đất phải thi hành đúng chế độ hợp đồng kinh tế và các chế độ thanh toán, quyết toán. Nhà cửa sửa chữa xong, phải tổ chức nghiệm thu theo đúng thủ tục rồi mới được sử dụng.
Điều 6. – Việc sửa chữa nhỏ do cơ quan Quản lý nhà, đất đảm nhiệm. Các phòng nhà cửa khu phố, thị xã cần tổ chức những tổ công nhân chuyên nghiệp để sửa chữa kịp thời những nhà hư hỏng nhẹ và nhà hư hỏng lặt vặt.
Điều 7. – Các ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quyết định cho dỡ bỏ kịp thời những nhà đã quá hư nát theo đề nghị của cơ quan Kiến trúc và cơ quan Quản lý nhà, đất thuộc quyền.
Những nhà hư nát nhưng còn có thể sửa chữa để tạm thời sử dụng thì không nên dỡ đi ngay.
Điều 8. – Nhà phải được quét vôi và sơn cửa theo thời hạn như sau:
- Nhà làm việc và nhà ở: quét vôi ba năm một lần, sơn cửa sáu năm một lần.
- Bệnh viện, nhà ăn: quét vôi hai năm một lần, sơn cửa bốn năm một lần.
Điều 9. – Những vật liệu tháo dỡ ở các nhà cũ ra phải được tận dụng. Những vật liệu đó phải được bảo quản chu đáo và được ghi sổ sách rành mạch.
Điều 10. – Phí tổn sửa chữa những ngôi nhà có một số buồng để lại cho chủ nhà trong diện cải tạo sử dụng thì chia cho họ chịu theo cách tính sau đây:
a) Sửa chữa những bộ phận cơ bản của ngôi nhà chính (móng, nền tường, sàn, mái): phí tổn sửa chữa chia cho họ chịu theo tỷ lệ diện tích mà họ sử dụng so với tổng diện tích dùng để ở của ngôi nhà.
b) Sửa chữa những nhà phụ (nhà bếp, nhà tắm, nhà xí…): phí tổn sửa chữa chia cho họ chịu theo tỷ lệ số người của gia đình họ so với tổng số người ở trong ngôi nhà.
c) Sửa chữa những bộ phận thuộc phạm vi sử dụng riêng của họ: phí tổn sửa chữa do họ phải chịu hết.
II. NHÀ DO CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP TỰ QUẢN LÝ
Điều 11. – Các cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm bảo quản tốt nhà cửa do mình tự quản lý và sửa chữa kịp thời những nhà hư hỏng theo các điều quy định ở trên.
III. NHÀ CỬA TƯ NHÂN DÙNG ĐỂ Ở HOẶC CHO THUÊ
Điều 12. – Tư nhân có nhà để ở hoặc cho thuê có trách nhiệm bảo quản tốt nhà cửa và sửa chữa kịp thời những chỗ hư hỏng.
Trường hợp không có tiền để sửa chữa thì có thể vay tiền ở Ngân hàng theo thể lệ đã được Ngân hàng Nhà nước quy định.
Các Ủy ban hành chính thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban hành chính thành phố trực thuộc tỉnh, Ủy ban hành chính thị xã phải dành một phần vật liệu xây dựng để bán cho tư nhân dùng vào việc sửa chữa nhà cửa.
VI. QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI THUÊ NHÀ VỚI CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ, ĐẤT VÀ TƯ NHÂN CÓ NHÀ CHO THUÊ
Điều 13. – Người thuê nhà có trách nhiệm bảo quản tốt nhà cửa và khi phát hiện những chỗ hư hỏng thì phải báo ngay cho cơ quan Quản lý nhà, đất hoặc tư nhân có nhà cho thuê biết.
Sau khi biết tin, cơ quan Quản lý nhà, đất hoặc tư nhân có nhà cho thuê phải đến ngay tại chỗ để xem xét tình hình nhà cửa hư hỏng và có biện pháp giải quyết. Nếu nhà hư hỏng tới mức nguy hiểm thì phải sửa chữa ngay; nhà hư hỏng chưa tới mức nguy hiểm, hoặc chưa sửa chữa được ngay thì phải hẹn ngày đến sửa chữa sau.
Điều 14. – Người thuê nhà muốn tự mình sửa chữa rồi trừ dần vào tiền thuê nhà thì phải thương lượng với cơ quan Quản lý nhà, đất hoặc tư nhân có nhà cho thuê và được cơ quan Quản lý nhà, đất hoặc tư nhân có nhà cho thuê đồng ý bằng giấy tờ. Khi nhà đã sửa chữa xong, đôi bên phải lập biên bản thanh toán cho rõ ràng./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.