BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1663/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chức năng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây gọi là Vụ) là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
Vụ có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm, hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch và chính sách về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư.
3. Chủ trì xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, đề án thuộc phạm vi quản lý của Vụ để Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tham gia thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản và dự thảo chương trình, đề án trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ và các văn bản khác do Bộ trưởng giao.
4. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành và hướng dẫn sử dụng mẫu văn bản về phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư.
5. Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Vụ.
6. Theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Vụ.
7. Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Vụ.
8. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
a) Theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi cả nước;
b) Hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong phạm vi cả nước; đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp về tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Giúp Bộ trưởng - Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Hội đồng;
d) Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và cơ quan, tổ chức liên quan theo dõi, hướng dẫn và thực hiện công tác giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức thuộc Mặt trận phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù;
đ) Hướng dẫn, theo dõi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức thuộc Mặt trận xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật;
e) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính theo dõi việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù; tổng hợp đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và theo dõi việc thực hiện; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan thực hiện chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
g) Theo dõi, hướng dẫn, cải tiến việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học;
h) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, tổ chức có liên quan biên soạn, phát hành các tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và các ấn phẩm của Bộ;
i) Theo dõi, hướng dẫn, thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
9. Về công tác hoà giải ở cơ sở:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
b) Biên soạn, phát hành tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
c) Theo dõi, thống kê về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;
d) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính theo dõi việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí nhà nước chi cho công tác hòa giải ở cơ sở và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với hòa giải viên ở cơ sở theo quy định của pháp luật; tổng hợp đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và theo dõi việc thực hiện.
10. Về xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật:
a) Đề xuất các giải pháp xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở và tổ chức thực hiện trong phạm vi toàn quốc;
b) Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ; biên soạn, phát hành tài liệu về xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức đánh giá, công nhận, xếp hạng, biểu dương, khen thưởng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật;
d) Thực hiện nhiệm vụ thường trực Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật của Bộ Tư pháp;
đ) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính theo dõi, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
11. Về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư (gọi tắt là hương ước, quy ước):
a) Theo dõi, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước theo quy định của pháp luật;
b) Biên soạn tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.
12. Tổ chức sơ kết, tổng kết và thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về các lĩnh vực, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Vụ.
13. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
14. Kiểm tra, tham gia thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
15. Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
16. Về thi đua, khen thưởng:
a) Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong đơn vị theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi và đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học theo quy định của pháp luật.
17. Quản lý công chức của Vụ; quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
18. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức, biên chế
1. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Vụ:
Lãnh đạo Vụ gồm có Vụ trưởng và không quá 03 Phó Vụ trưởng.
Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Vụ.
Các Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Vụ; được Vụ trưởng phân công trực tiếp quản lý một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công.
b) Các tổ chức trực thuộc Vụ:
- Phòng Tổng hợp - Hành chính.
- Phòng Quản lý công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Phòng Quản lý công tác hòa giải ở cơ sở.
- Phòng Quản lý công tác xây dựng hương ước, quy ước và tiếp cận pháp luật ở cơ sở.
Việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức trực thuộc Vụ do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trực thuộc Vụ do Vụ trưởng quy định.
2. Biên chế của Vụ thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều 4. Trách nhiệm và mối quan hệ công tác
Trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa Vụ với Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác được thực hiện theo Quy chế làm việc của Bộ và các quy định cụ thể sau:
1. Vụ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng và Thứ trưởng được phân công phụ trách; có trách nhiệm tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về kết quả giải quyết công việc được giao.
2. Vụ là đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện quan hệ với Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 2 Quyết định này, nếu có vấn đề phát sinh liên quan đến các đơn vị khác thuộc Bộ thì Vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị đó để giải quyết.
Khi có yêu cầu của các đơn vị khác thuộc Bộ trong việc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó mà liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Vụ thì Vụ có trách nhiệm phối hợp giải quyết.
Trường hợp phát sinh vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc có ý kiến khác nhau giữa Vụ với các đơn vị có liên quan, Vụ trưởng có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách trực tiếp.
4. Quan hệ công tác giữa Vụ với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan:
a) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, Báo Pháp luật Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trong việc thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; thông tin, phổ biến, công bố kết quả đánh giá, công nhận, xếp hạng, khen thưởng các địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tiêu biểu trên báo chí và Cổng Thông tin điện tử của Bộ;
b) Phối hợp với Văn phòng Bộ thực hiện hoạt động thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng tháng;
c) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan xác định nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ ;
d) Phối hợp với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trong công tác theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi cả nước;
đ) Phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp biên soạn và phát hành các tài liệu phổ biến pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư;
e) Chủ trì phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng Cục Thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Thi đua – Khen thưởng và các cơ quan, tổ chức liên quan giúp Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật của Bộ Tư pháp công nhận, xếp hạng, biểu dương, khen thưởng các địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
g) Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ;
h) Phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính trong việc xây dựng, thực hiện dự toán kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, kinh phí thực hiện các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật và tổng hợp, đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở của các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách theo quy định của pháp luật.
i) Phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng trong việc đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ;
k) Chủ trì, phối hợp với Cục Công tác phía Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Vụ.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 879/QĐ-BTP ngày 28 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.