THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1654/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH THOÁT NƯỚC THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 05 năm 2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng tại tờ trình số 56/TTr-BXD ngày 30 tháng 7 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính như sau:
1. Phạm vi quy hoạch:
Phạm vi nghiên cứu: toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước thuộc địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 và dân số gần 6,23 triệu người (thống kê năm 2008) và phần mở rộng ngoài địa giới hành chính Hà Nội thuộc các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên có cùng lưu vực sông.
Phạm vi lập quy hoạch:
- Đối với nước mưa: toàn bộ địa giới hành chính khu đô thị trung tâm thành phố Hà Nội, các đô thị vệ tinh tương đương cấp đô thị loại III và khu vực ven đô có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thoát nước mưa.
- Đối với nước thải: khu đô thị trung tâm thành phố Hà Nội, các đô thị vệ tinh tương đương cấp đô thị loại III.
2. Quan điểm quy hoạch
- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch chuyên ngành có liên quan (Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ; Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình…).
- Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội phải hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý cho từng lưu vực.
- Quy hoạch thoát nước mưa phải góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội và các đô thị khác trên địa bàn.
- Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung cho các đô thị (đặc biệt là đô thị trung tâm) và các khu công nghiệp, định hướng cho khu vực dân cư tập trung nông thôn nhằm góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội.
- Khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước của Thủ đô Hà Nội.
3. Mục tiêu lập quy hoạch
- Cụ thể hóa định hướng phát triển thoát nước Thủ đô Hà Nội trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
- Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
4. Nội dung nghiên cứu quy hoạch
- Đánh giá thực trạng cùng dự báo phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên của Thủ đô Hà Nội.
- Điều tra, khảo sát và đánh giá tổng hợp và toàn diện hiện trạng thoát nước (nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải y tế…) bao gồm: mạng lưới thoát, vị trí, quy mô các trạm, nhà máy xử lý nước thải, các công trình tiêu nước; nguồn tiếp nhận và khả năng tiêu thoát nước; tình trạng thoát nước và ngập úng; tình hình ô nhiễm môi trường và diễn biến môi trường; tổng lượng nước thải và tình hình xử lý.
- Rà soát, đánh giá các quy hoạch thoát nước, các dự án đầu tư xây dựng thoát nước đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn.
- Trên cơ sở định hướng phát triển thoát nước trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, yêu cầu:
+ Xác định mối quan hệ vùng về thoát nước, hệ thống tiêu thoát nước các lưu vực sông, các khu vực thuộc địa bàn Thủ đô Hà Nội.
+ Rà soát và xác định cụ thể các chỉ tiêu, thông số cơ bản cho thoát nước bao gồm điều kiện khí tượng, thủy văn, hệ số thấm, quy chuẩn thoát nước sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ…
+ Dự báo nhu cầu thoát nước mưa và dự báo tổng lượng nước thải theo từng giai đoạn quy hoạch.
+ Xác định lưu vực và hướng thoát nước mưa; vị trí, quy mô các công trình đầu mối, mạng lưới thoát nước mưa.
+ Lựa chọn hướng và phân vùng thoát nước thải, hệ thống thu gom, nguồn tiếp nhận nước thải; xác định chất lượng nước thải tại điểm đấu nối; vị trí, quy mô công suất các trạm, nhà máy xử lý nước thải và xác định nhu cầu sử dụng đất cho các công trình thoát nước.
+ Xác định vị trí, quy mô mạng lưới đường ống cấp 1, cấp 2.
- Xác định các chương trình, dự án, nguồn vốn và phân kỳ đầu tư để thực hiện quy hoạch.
- Đề xuất các quy định quản lý và bảo vệ hệ thống thoát nước.
- Đánh giá môi trường chiến lược.
5. Thành phần hồ sơ
a) Bản vẽ:
- Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng thể hiện ranh giới nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch, tỷ lệ 1/50.000.
- Bản đồ hiện trạng đánh giá tổng hợp đất xây dựng, hệ thống tiêu thoát nước; vị trí, quy mô các công trình đầu mối, tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.
- Bản đồ hiện trạng xây dựng và phát triển hệ thống thoát nước thể hiện: Vị trí, quy mô các công trình thoát nước, tuyến thoát nước cấp 1 và cấp 2, tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.
- Sơ đồ quy hoạch thoát nước thể hiện: phân vùng thoát nước; vị trí các tuyến thoát nước cấp 1, cấp 2; vị trí, quy mô các công trình thoát nước, tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.
b) Báo cáo tóm tắt, báo cáo thuyết minh tổng hợp, các phụ lục kèm theo và dự thảo tờ trình phê duyệt.
c) Đĩa CD ROM lưu trữ toàn bộ nội dung đồ án quy hoạch.
6. Tổ chức thực hiện
- Cơ quan tổ chức lập: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
- Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Xây dựng.
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ
- Thời gian lập quy hoạch: 09 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bố trí nguồn vốn và phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch; phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức lập đồ án Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.