UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 163/2006/QĐ-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 06 tháng 7 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 197/2001/QĐ-TTg ngày 27/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chính sách Quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích giai đoạn 2002-2010;
Căn cứ Quyết định số 227/2003/QĐ.UB ngày 03/9/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Kế hoạch hành động phòng, chống tai nạn thương tích giai đoạn 2003 - 2010 của tỉnh Bình Dương;
Căn cứ Quyết định số 170/QĐ-BYT ngày 17/01/2006 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích;
Theo đề nghị Sở Y tế, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tai nạn thương tích tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2010 (kèm theo).
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Uỷ ban nhân dân các huyện và thị xã Thủ Dầu Một:
a) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích huyện, thị xã do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm trưởng ban; lãnh đạo phòng Y tế huyện, thị xã Thủ Dầu Một làm phó ban thường trực và đại diện các ban ngành, đoàn thể có liên quan trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích làm thành viên;
b) Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động phòng, chống tai nạn thương tích hàng năm trên cơ sở điều tra thực trạng tai nạn thương tích tại địa phương. Chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể trong huyện, thị và các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tai nạn thương tích của huyện, thị xã;
c) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn củng cố Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có bổ sung một số thành viên để thực hiện công tác Xây dựng cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích. Chọn một số xã, phường, thị trấn để thí điểm xây dựng “Gia đình an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Hướng dẫn các tiêu chuẩn cụ thể để các gia đình, trường học và cộng đồng thực hiện. Hàng năm tổ chức đánh giá và cấp các giấy chứng nhận; rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình xây dựng cộng đồng an toàn ra các xã, phường, thị trấn khác;
d) Đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương cho các hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích;
đ) Xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, tổng hợp số liệu và báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn thương tích, về xây dựng cộng đồng an toàn (từ xã, phường, thị trấn đến huyện, thị). Tổng kết đánh giá hàng năm về các hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và triển khai kế hoạch cho năm tiếp theo.
2. Sở Y tế:
a) Là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích tỉnh, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trong tỉnh. Chịu trách nhiệm tổng hợp chung tình hình tai nạn thương tích toàn tỉnh và báo cáo cấp trên;
b) Triển khai các hoạt động của ngành Y tế về phòng, chống tai nạn thương tích trong gia đình và cộng đồng;
c) Chỉ đạo y tế cơ sở thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND các cấp trong xây dựng cộng đồng an toàn. Củng cố mạng lưới sơ cấp cứu và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn thương tích;
d) Phối hợp với các Tiểu ban và các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể trong việc tập huấn sơ cứu ban đầu các loại tai nạn thương tích cho các đối tượng ngoài y tế;
đ) In ấn và phân phối các giấy chứng nhận “Gia đình an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” cung cấp cho các huyện, thị.
3. Sở Giao thông vận tải:
Phối hợp với Công an tỉnh và Ban an toàn giao thông xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn giao thông.
4. Sở Lao động, thương binh và xã hội:
Phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh và các Sở, Ban, Ngành liên quan, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trong lao động sản xuất.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Phối hợp với Tỉnh Đoàn, Uỷ ban Dân số - Gia đình - Trẻ em và các Sở, Ban, Ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học. Chỉ đạo các trường học xây dựng “Trường học an toàn”.
6. Sở Công nghiệp:
Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan và các khu công nghiệp xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trong khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất, chất nổ và sử dụng thiết bị điện.
7. Sở Văn hóa – Thông tin: Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan xây dựng và triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Hội nông dân tỉnh và các Sở, Ban, Ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống bão lụt, bảo vệ đê điều; hướng dẫn nông dân bảo quản và sử dụng an toàn hoá chất trong nông nghiệp; đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn trong chăn nuôi.
9. Sở Thể dục thể thao: Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện các biện pháp an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các hoạt động thể dục thể thao.
10. Đài phát thanh truyền hình tỉnh và Báo Bình Dương: Xây dựng chuyên mục thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích.
11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng khu dân cư văn hoá, gia đình văn hóa; vận động nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 163/2006/QĐ-UBND ngày 6 /07/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
I. MỤC TIÊU
l. Mục tiêu chung:
Thực hiện mục tiêu chung của Chính sách quốc gia phòng, chống tai nạn thương tích; từng bước hạn chế tai nạn thương tích trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm đạt hiệu quả tích cực trong việc bảo đảm an toàn về tính mạng của nhân dân, tài sản của nhà nước, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Hoàn thiện mạng lưới phòng, chống tai nạn thương tích từ tỉnh đến cơ sở:
- 100% các Tiểu ban phòng, chống tai nạn thương tích (Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Sở Công nghiệp) được thành lập hoặc củng cố; xây dựng được mạng lưới đến cơ sở và chỉ đạo hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích (thuộc phạm vi ngành) thường xuyên;
- 100% huyện, thị có Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích và triển khai tốt kế hoạch hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trên địa bàn. Xây dựng được mạng lưới phòng, chống tai nạn thương tích từ huyện, thị đến tất cả các xã, phường, thị trấn;
b) Lồng ghép trong phong trào làng văn hóa sức khỏe, xây dựng mô hình cộng đồng an toàn. Cuối năm 2007, có ít nhất 15% xã, phường, thị trấn đạt được danh hiệu “Cộng đồng an toàn”; và đến năm 2010 có 50% xã, phường, thị trấn đạt được danh hiệu “Cộng đồng an toàn”;
c) Hoàn thiện hệ thống giám sát từ tỉnh đến cơ sở để theo dõi, kiểm tra, thống kê và báo cáo đầy đủ các loại tai nạn thương tích nhằm giúp cho Ban chỉ đạo các cấp có cơ sở dữ liệu đánh giá thực trạng tai nạn thương tích hàng năm tại từng địa bàn để có kế hoạch hoạt động tốt hơn trong những năm tiếp theo;
d) Thường xuyên tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ năm 2008, xây dựng được chuyên mục phòng, chống tai nạn thương tích định kỳ trên báo, đài; cung cấp đầy đủ các loại tài liệu truyền thông giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn cho 100% xã, phường, thị trấn;
đ) Các Sở, Ngành, Đoàn thể bổ sung thêm nhân lực cho hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm giảm thiểu những nguy cơ gây tai nạn thương tích. Đến năm 2010, ngành Giao thông - Vận tải xoá bỏ trên 70% các điểm đen tai nạn giao thông; ngành Y tế củng cố hệ thống sơ cứu, cấp cứu ở các tuyến và xây dựng được các đội cấp cứu lưu động ở 100% huyện, thị nhằm giảm tỷ lệ và mức độ bị tàn phế, giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích;
e) Phấn đấu mỗi năm số vụ tai nạn thương tích trong trường học, trong lao động sản xuất, trong gia đình và cộng đồng giảm 10% so với năm trước. Giảm số người tử vong do tai nạn giao thông xuống còn 8 người/10.000 phương tiện giao thông vào năm 2010.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG:
A. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
1. Phòng, chống tai nạn giao thông:
a) Tuyên truyền giáo dục về Luật Giao thông, các biện pháp an toàn giao thông cho người sử dụng phương tiện giao thông, cho học sinh và nhân dân... trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền giáo dục trực tiếp tại các trường dạy lái xe, các trường học và các khu dân cư;
b) Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã; đặc biệt tập trung khắc phục những điểm đen tai nạn giao thông trên các tuyến đường. Củng cố, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo giao thông trên các trục lộ;
c) Giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để tạo đường thông, hè thoáng, đảm bảo an toàn cho người đi lại;
d) Thường xuyên kiểm tra các phương tiện giao thông vận tải cả đường bộ lẫn đường thủy. Nghiêm cấm các phương tiện xe cơ giới không đảm bảo an toàn, các phương tiện quá hạn lưu thông... không được tham gia giao thông. Xử lý nghiêm khắc người và phương tiện vi phạm luật giao thông;
đ) Phát triển hệ thống xe công cộng như xe buýt, xe đưa đón công nhân, xe đưa đón học sinh...;
e) Tập huấn kiến thức sơ cứu ban đầu các loại chấn thương do tai nạn giao thông cho người sử dụng phương tiện giao thông để góp phần cứu sống người bị tai nạn giao thông.
2. Phòng, chống tai nạn thương tích trong lao động sản xuất:
Bao gồm tai nạn lao động trong quá trình sản xuất như vận hành các loại máy móc, thi công xây dựng, sử dụng thiết bị điện, khai thác khoáng sản, sử dụng hoá chất, chất nổ; ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hoá chất; bỏng; điện giật...
a) Tuyên truyền giáo dục về an toàn vệ sinh lao động, các biện pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất, trong vận hành máy móc, các thiết bị điện và các thiết bị chịu áp lực cho công nhân, cho lãnh đạo các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và cho người lao động tự do... Tuyên truyền rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân về an toàn hành lang lưới điện và các điều kiện an toàn khi sử dụng điện;
b) Đánh giá môi trường lao động, hướng tới cải thiện môi trường và điều kiện làm việc an toàn cho người lao động; các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất phải chủ động trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động để hạn chế các nguy cơ tai nạn thương tích và bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất tập trung; kiểm tra các quy trình đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể phục vụ người lao động. Đôn đốc các doanh nghiệp tự tổ chức kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động theo Chỉ thị 16/CT-UB ngày 21/4/2004 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương;
d) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình khai thác khoáng sản theo thiết kế đã được phê duyệt. Kiểm tra việc bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Kiểm tra lại các cơ sở sản xuất có sử dụng hoá chất độc hại, các thiết bị đặc thù chuyên ngành công nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, kiểm định theo Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19/11/2004 của Bộ Công nghiệp;
đ) Tổ chức các lớp tập huấn cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác bảo hộ lao động về an toàn vệ sinh lao động; các lớp tập huấn về an toàn sử dụng điện và các thiết bị chịu áp lực. Tổ chức các hội thi về an toàn vệ sinh lao động;
e) Tập huấn kiến thức sơ cứu ban đầu các loại tai nạn thương tích cho người lao động để góp phần cứu sống người bị tai nạn thương tích trong lao động sản xuất.
3. Phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường:
Bao gồm tai nạn giao thông trong học sinh; bạo lực trong trường học và xung quanh trường; các tệ nạn xã hội trong trường học; ngộ độc thực phẩm trong học sinh.
a) Tổ chức các buổi học chính khóa, ngoại khóa và các cuộc thi về phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường. Xem phòng, chống tai nạn thương tích là một nội dung quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hướng học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống tai nạn trong giao thông, trong sinh hoạt tại trường học, tại gia đình và nơi công cộng;
b) Thực hiện các quy định về việc quản lý học sinh, sinh viên sử dụng các phương tiện giao thông. Khuyến khích học sinh, sinh viên đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng;
c) Xây dựng trường học an toàn không có tệ nạn ma tuý, không có bạo lực, trấn lột trong trường và phạm vi gần trường; tổ chức tốt căn-tin phục vụ ăn uống trong trường đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngộ độc thực phẩm; tổ chức nơi tập luyện, vui chơi an toàn v.v...;
d) Quản lý tốt học sinh khi sinh hoạt dã ngoại, nhất là tại những nơi có các yếu tố nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích như đồi núi cao, cây lớn, ao, hồ, sông, suối hoặc biển;
đ) Tập huấn kiến thức sơ cứu ban đầu các loại tai nạn thương tích cho giáo viên, sinh viên và học sinh để biết sơ cấp cứu tại chỗ cho người bị tai nạn thương tích ngay khi xảy ra tai nạn, góp phần cứu sống nạn nhân và giảm thiểu hậu quả tàn tật do tai nạn thương tích gây ra.
4. Phòng, chống tai nạn thương tích trong gia đình và cộng đồng:
Bao gồm bạo lực, xung đột trong gia đình, ngoài cộng đồng; các tệ nạn xã hội xâm hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội; điện giật; bỏng do cháy nổ; chết đuối; tự tử; ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, hoá chất...
a) Tuyên truyền giáo dục về các biện pháp an toàn tại khu dân cư; về đời sống gia đình văn hóa, hạnh phúc; về các yếu tố nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích và cách phòng, chống, xử lý các tình huống tai nạn thương tích;
b) Xây dựng “Cộng đồng an toàn” trên cơ sở phát triển mô hình “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”;
c) Thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn mạng lưới điện tại các khu dân cư, có biện pháp khắc phục kịp thời các sự cố do điện gây ra;
d) Đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư;
đ) Xây dựng đội cứu hộ tại các khu vui chơi gần sông nước để kịp thời cứu hộ, sơ cứu, cấp cứu người đuối nước; thực hiện các biển báo và các rào chắn an toàn nơi ao, hồ, sông suối để phòng ngừa chết đuối;
e) Tổ chức các điểm sơ cứu ở các khu dân cư đông người, ở dọc các trục đường giao thông quan trọng để kịp thời sơ cứu và vận chuyển người bị tai nạn thương tích;
g) Tập huấn, bồi dưỡng về sơ cứu, cấp cứu cho cán bộ y tế cơ sở. Củng cố hệ thống cấp cứu tại các tuyến, cả về nhân lực lẫn cơ sở trang thiết bị cấp cứu. Xây dựng các “Đội cấp cứu lưu động” ở các huyện, thị.
B. XÂY DỰNG HỆ THỐNG GIÁM SÁT, TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THƯƠNG TÍCH:
1. Các Tiểu ban xây dựng mạng lưới giám sát, thống kê và báo cáo tai nạn thương tích tại các tuyến. Văn phòng thường trực của từng Tiểu ban tổng hợp và đánh giá tình hình tai nạn thương tích từ các số liệu báo cáo của mạng lưới và từ các ban ngành liên quan; báo cáo định kỳ hàng quý về Văn phòng Thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích tỉnh.
2. Các Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích huyện, thị:
Xây dựng mạng lưới giám sát, thống kê và báo cáo tai nạn thương tích tại các tuyến. Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tổng hợp và đánh giá tình hình tai nạn thương tích từ các số liệu báo cáo của mạng lưới và từ các ban ngành liên quan; báo cáo định kỳ hàng quý về Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích tỉnh.
3. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích tỉnh (Sở Y tế tỉnh Bình Dương, số 211, đường Yersin, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một; điện thoại: 0650.822639; fax: 0650.625156) có trách nhiệm:
a) Tổng hợp số liệu tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích từ báo cáo định kỳ của các Tiểu ban và các Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích huyện, thị. Đánh giá tình hình tai nạn thương tích chung toàn tỉnh;
b) Báo cáo định kỳ cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích tỉnh và Trung ương về tình hình tai nạn thương tích trong tỉnh và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tai nạn thương tích trong thời gian tới.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Uỷ ban nhân dân các huyện và thị xã Thủ Dầu Một:
a) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích huyện, thị xã do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm trưởng ban; lãnh đạo phòng Y tế huyện, thị xã Thủ Dầu Một làm phó ban thường trực và đại diện các ban ngành, đoàn thể có liên quan trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích làm thành viên;
b) Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động phòng, chống tai nạn thương tích hàng năm trên cơ sở điều tra thực trạng tai nạn thương tích tại địa phương. Chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể trong huyện, thị và các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tai nạn thương tích của huyện, thị xã;
c) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn củng cố Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có bổ sung một số thành viên để thực hiện công tác Xây dựng cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích. Chọn một số xã, phường, thị trấn để thí điểm xây dựng “Gia đình an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Hướng dẫn các tiêu chuẩn cụ thể để các gia đình, trường học và cộng đồng thực hiện. Hàng năm tổ chức đánh giá và cấp các giấy chứng nhận; rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình xây dựng cộng đồng an toàn ra các xã, phường, thị trấn khác;
d) Đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương cho các hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích;
đ) Xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, tổng hợp số liệu và báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn thương tích, về xây dựng cộng đồng an toàn (từ xã, phường, thị trấn đến huyện, thị). Tổng kết đánh giá hàng năm về các hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và triển khai kế hoạch cho năm tiếp theo.
2. Sở Y tế:
a) Là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích tỉnh, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trong tỉnh. Chịu trách nhiệm tổng hợp chung tình hình tai nạn thương tích toàn tỉnh và báo cáo cấp trên;
b) Triển khai các hoạt động của ngành Y tế về phòng, chống tai nạn thương tích trong gia đình và cộng đồng;
c) Chỉ đạo y tế cơ sở thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND các cấp trong xây dựng cộng đồng an toàn. Củng cố mạng lưới sơ cấp cứu và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn thương tích;
d) Phối hợp với các Tiểu ban và các Sở ban ngành, đoàn thể trong việc tập huấn sơ cứu ban đầu các loại tai nạn thương tích cho các đối tượng ngoài y tế;
đ) In ấn và phân phối các giấy chứng nhận “Gia đình an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” cung cấp cho các huyện, thị.
3. Sở Giao thông vận tải:
Phối hợp với Công an tỉnh và Ban an toàn giao thông xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn giao thông.
4. Sở Lao động, thương binh và xã hội: Phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh và các Sở, Ban, Ngành liên quan, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trong lao động sản xuất.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Tỉnh Đoàn, Uỷ ban Dân số - Gia đình - Trẻ em và các Sở, Ban, Ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học. Chỉ đạo các trường học xây dựng “Trường học an toàn”.
6. Sở Công nghiệp: Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan và các Khu công nghiệp xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trong khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất, chất nổ và sử dụng thiết bị điện.
7. Sở Văn hóa –Thông tin: Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan xây dựng và triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Phối hợp với Hội nông dân tỉnh và các Sở, Ban, Ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống bão lụt, bảo vệ đê điều; hướng dẫn nông dân bảo quản và sử dụng an toàn hoá chất trong nông nghiệp; đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn trong chăn nuôi.
9. Sở Thể dục thể thao:
Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện các biện pháp an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các hoạt động thể dục thể thao.
10. Đài phát thanh truyền hình tỉnh và Báo Bình Dương:
Xây dựng chuyên mục thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích.
11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng khu dân cư văn hoá, gia đình văn hóa; vận động nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.