ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1615/QĐ-UBND | Nghệ An, ngày 04 tháng 5 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT ĐỀ ÁN "QUY HOẠCH TỔNG THỂ MẠNG LƯỚI PHÂN PHỐI HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2025”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số 370/SCT-QLTM ngày 02/5/2013 về việc phê duyệt đề cương chi tiết Đề án "Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề cương chi tiết Đề án "Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025” (có đề cương chi tiết kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo nội dung đề cương chi tiết được phê duyệt, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT
“QUY HOẠCH TỔNG THỂ MẠNG LƯỚI PHÂN PHỐI HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2025”
(Kèm theo Quyết định số 1615/QĐ-UBND ngày 04/5/2013 của UBND tỉnh Nghệ An)
PHẦN MỞ ĐẦU
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY HOẠCH
Mạng lưới phân phối hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là mạng lưới liên kết các cơ sở bán hàng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối hoặc các đại lý bán hàng để cung ứng hàng hóa đến người tiêu dùng. Mạng lưới phân phối hàng hóa, hay còn gọi là cầu nối giữa nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thương mại hiện đại, mạng lưới phân phối hàng hóa đang phát triển đan xen giữa các hình thức cũ và mới. Quan hệ cung cầu hàng hóa trên thị trường đã thay đổi một cách cơ bản từ chỗ thiếu hụt hàng hóa sang trạng thái đủ và dư thừa, đòi hỏi các doanh nghiệp phải phát triển mạng lưới bán lẻ đến các địa bàn khác nhau nhằm thu hút khách hàng. Thị trường được thống nhất và đã hình thành được mạng lưới phân phối hàng hóa với các cấp độ khác nhau: Thực hiện tự do hóa thương mại, tự do lưu thông hàng hóa, phát triển dịch vụ theo hướng hiện đại đã làm cho phân phối hàng hóa giữa các vùng, miền, các địa phương được thuận lợi.
Những năm qua, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An có những bước phát triển nhanh, khối lượng hàng hóa lưu thông ngày càng gia tăng, thu nhập của người dân được cải thiện. Đặc biệt, khi nền kinh tế của nước ta nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thị trường bán lẻ được mở cửa và nhanh chóng phát triển, nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của nhân dân tăng nhanh, kể cả vùng nông thôn đồng bằng và trung tâm các xã miền núi.
Tuy nhiên, các kênh bán buôn, bán lẻ hàng hóa hiện tại đang phát triển tự phát, còn manh mún chưa theo quy hoạch, gây tình trạng lộn xộn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Tình trạng buôn lậu hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng đang còn tồn tại trên địa bàn tỉnh nhất là hàng nhập ngoại ảnh hưởng khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh, trong nước.
Vì vậy, để hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển đúng quy định, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025” là hết sức cần thiết.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật Thương mại năm 2005;
- Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/6/2006 của Chính phủ về việc lập, xây dựng, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội.
- Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2011 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
- Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 20/3/ 2003 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thị trường trong nước.
- Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/ 09/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.
- Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05/5/2010 quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại.
- Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII;
- Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
- Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011-2020;
- Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2007-2015, có tính đến 2020;
- Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
III. TÊN GỌI VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ QUY HOẠCH
- Tên quy hoạch: “Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025”
- Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An
- Cơ quan lập quy hoạch: Sở Công Thương Nghệ An
- Đối tượng: Hệ thống bán buôn, bán lẻ hàng hóa, trong đó tập trung quy hoạch tổng thể hệ thống kho, bãi; hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu; hệ thống cửa hàng bán lẻ khí dầu mỏ hóa lỏng; hệ thống cửa hàng bán lẻ các mặt hàng thiết yếu như: thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực, hàng hóa tiêu dùng… và các yếu tố cấu thành.
- Phạm vi:
+ Về không gian: Xây dựng quy hoạch trên toàn bộ địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng hơn đến các địa bàn trọng điểm của tỉnh như thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ thuộc tỉnh Nghệ An.
+ Về thời gian: Đánh giá thực trạng giai đoạn 2008-2012, thời gian qui hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, có phân kỳ theo từng giai đoạn 5 năm.
IV. KẾT CẤU QUY HOẠCH
1. Phần mở đầu
2. Phần 1: Thực trạng phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh
3. Phần 2: Quy hoạch mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025
4. Phần 3: Giải pháp và Tổ chức thực hiện
PHẦN I
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI PHÂN PHỐI HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. CƠ SỞ HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI
1. Mạng lưới chợ:
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 370 chợ đang hoạt động. Trong đó khu vực thành thị có 48 chợ, khu vực nông thôn có 322 chợ. Trong tổng số chợ đang hoạt động có 06 chợ hạng 1. 20 chợ hạng 2, 166 chợ hạng 3 và 178 chợ cóc, chợ tạm.
- Trong tổng số chợ hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có 45 chợ kiên cố, 146 chợ bán kiên cố, còn lại là các chợ có cơ sở vật chất tạm bợ. Một số chợ tại khu vực đô thị, trung tâm các huyện được xây mới, nâng cấp, cải tạo có hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hệ thống PCCC cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Vệ sinh môi trường tại các chợ còn nhiều bất cập, nhất là chợ tại một số vùng nông thôn, vùng ven đô thị. Một số chợ tuy được nâng cấp, cải tạo nhưng khu vực xử lý rác thải, khu vệ sinh và hệ thống nước phục vụ cho hoạt động của chợ vẫn chưa được cải thiện.
- Hàng hóa lưu thông qua hệ thống chợ phong phú, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, rau quả, nông sản, lâm sản và tiểu thủ công nghiệp. Các chợ hạng 1, chợ vùng có khối lượng hàng hóa lớn, đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh, ngoài việc tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động, mà còn tạo ra nguồn thu khá lớn cho ngân sách các địa phương.
2. Mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại:
- Hiện nay trên địa bản tỉnh có 23 siêu thị, trong đó thành phố Vinh có 17 siêu thị, huyện Diễn Châu có 03 siêu thị, huyện Đô Lương có 01 siêu thị, huyện Yên Thành có 02 siêu thị. Nhìn chung các siêu thị từng bước phục vụ nhu cầu của nhân dân với nhiều loại hàng hóa đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng và phương thức phục vụ hiện đại, văn minh. Cuối năm 2010, siêu thị Big C ra đời, đánh dấu một bước tiến mới trong phương thức bán lẻ hàng hóa, tạo điều kiện thúc đẩy hệ thống bán lẻ trong tỉnh phát triển.
- Trên địa bàn tỉnh có 6 trung tâm thương mại đang xây dựng. Trong đó có 03 trung tâm thương mại đã xây xong và bắt đầu khai thác đó là trung tâm thương mại Quỳnh Lưu, trung tâm thương mại Nậm Cắn và trung tâm thương mại Vicentra (thành phố Vinh). Còn trung tâm thương mại BMC ( TP.Vinh), trung tâm thương mại Phủ Diễn (Diễn Châu), trung tâm thương mại Đô Lương, trung tâm thương mại Cửa Lò Plaza đang xây dựng.
3. Mạng lưới cửa hàng bán lẻ:
3.1. Cửa hàng kinh doanh thương mại
Trên địa bàn tỉnh có trên 80.000 quầy hàng trực tiếp bán lẻ hàng hóa. Trong đó có 65% quầy hàng kinh doanh tổng hợp và 35% chuyên doanh.
3.2. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Tính đến nay có 502 cửa hàng xăng dầu đã đăng ký và đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh. Cửa hàng xăng dầu xây dựng và phẩn bố trên các trục giao thông chủ yếu là Quốc lộ 1A, quốc lộ 7, quốc lộ 48.
Doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu tại Nghệ An chủ yếu là Petrolimex, Petec, Xăng dầu quân đội, xăng dầu hàng không…
II. HỆ THỐNG TỔ CHỨC KINH DOANH THƯƠNG MẠI
1. Doanh nghiệp kinh doanh thương mại
Theo ước tính, đến cuối năm 2012 đã có gần 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và hơn 80.000 hộ kinh doanh các thể. Các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và hộ kinh doanh các thể có mặt ở tất các vùng miền trong tỉnh. Đây là lực lượng quan trọng có phương thức hoạt động linh hoạt, nhanh nhạy đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
2. Hợp tác xã thương mại
Trên địa bàn tỉnh có 08 hợp tác xã kinh doanh thương mại, trong đó có 03 HTX được chuyển đổi từ Ban quản lý chợ sang HTX kinh doanh chợ. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng các hợp tác xã vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh, đang từng bước mở rộng các dịch vụ, hoạt động thương mại đạt kết quả tốt.
III. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÂN PHỐI HÀNG HÓA
1. Hệ thống phân phối vật tư chiến lược
1.1. Hệ thống phân phối xăng dầu
- Phần lớn lượng xăng dầu phân phối trên địa bàn được nhập khẩu từ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp đầu mối. Tại Nghệ An doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu là Petrolimex, Petec, Xăng dầu quân đội, xăng dầu hàng không, PetroVietnam.
- Nghệ An có 502 đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
- Các đối tượng tham gia phân phối xăng dầu đều phải tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh chặt chẽ của nhà nước.
1.2. Hệ thống phân phối vật tư nông nghiệp, phân bón
Vật tư nông nghiệp và phân bón hóa học được sử dụng ở Nghệ An chủ yếu được sản xuất và cung ứng bởi Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An (có 103 cửa hàng bán lẻ) và Công ty CP Hóa chất Vinh, đáp ứng 75% nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh.
1.3. Hệ thống phân phối vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép...)
- Tham gia vào hệ thống phân phối xi măng tại thị trường Nghệ An có khá nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Các loại xi măng được ưa dùng tại thị trương : Xi măng Hoàng Mai, xi măng Bỉm Sơn…
- Các chủ thể trong hệ thống phân phối thép xây dựng trên địa bàn chủ yếu là các tổng đại lý, đại lý, chi nhánh, cửa hàng bán lẻ với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, có mạng lưới bán lẻ được phân bổ rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh. Các Công ty có số lượng sắt thép lớn tiêu thụ trên địa bàn là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Nhật…
1.4. Hệ thống phân phối lương thực
- Nhìn chung hoạt động thu mua, phân phối lương thực trên thị trường trong tỉnh phần lớn là do các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế chiếm lĩnh, chi phối.
- Doanh nghiệp kinh doanh lương thực có doanh số lớn là Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, là đơn vị cung ứng khoảng 20% số lượng lương thực trên toàn tỉnh và góp phần điều tiết thị trường khi có biến động.
1.5. Hệ thống phân phối thuốc chữa bệnh
1.6. Hệ thống phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng
2. Hệ thống phân phối tổng hợp hàng hóa tiêu dùng
2.1.Hệ thống phân phối tổng hợp hàng hóa tiêu dùng qua chợ và các cửa hàng bán lẻ nhỏ, độc lập của các hộ kinh doanh
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 370 chợ đang hoạt động, trong đó có 45 chợ kiên cố, 146 chợ bán kiên cố, còn lại là các chợ có cơ sở vật chất tạm bợ. Theo ước tính, số hộ kinh doanh tại chợ là hơn 30.000 hộ. Hiện tỷ trọng phân phối hàng tiêu dùng qua chợ chiếm khoảng 35%.
- Các cửa hàng bán lẻ nhỏ, độc lập của các hộ kinh doanh chiếm khoảng 35% thị phần
2.2. Hệ thống phân phối tổng hợp hàng hóa tiêu dùng qua các loại hình tổ chức hiện đại
- Hiện có 23 siêu thị và 6 trung tâm thương mại. các cơ sở bán lẻ hàng hóa hiện đại này tập trung chủ yếu ở thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị trấn Diễn Châu, Đô Lương
- Tỷ trọng hàng tiêu dùng qua các loại hình tổ chức bán lẻ hiện đại chiểm khoảng 20 % thị phần
2.3. Hệ thống phân phối tổng hợp hàng hóa tiêu dùng qua một số doanh nghiệp lớn
- Công ty CP ĐTHT kinh tế Việt Lào, Công ty CP Hữu Nghị, Công ty CP Nông sản XNK tổng hợp, Công ty CP DV&TM Hương Giang,…
- Bên cạnh làm tổng đại lý phân phối, các công ty còn tổ chức các quầy hàng bán lẻ
IV. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MẠNG LƯỚI PHÂN PHỐI HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Kết quả đạt được
- Quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối hàng hóa vừ thị trường được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Vai trò của hệ thống phân phối hàng hóa trên thị trường được thừa nhận.
- Triển khai đồng bộ khâu quy hoạch phát triển thương mại, trọng tâm là quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo đề án Quy hoạch phát triển thương mại Nghệ An đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt; Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2007-2015, có tính đến 2020; Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011-2020.
-Thu hút và khuyến khích đầu tư phát triển các hệ thống phân phối, các loại hình thuộc kết cấu hạ tầng thương mại. Một số mô hình phân phối bán lẻ hiện đại theo mô hình của các nước tiên tiến như siêu thị, cửa hàng tự chọn đã hình thành và phát triển khá nhanh trong những năm gần đây.
- Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên được tăng cường trong hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường nói chung và mạng lưới phân phối hàng hóa nói riêng. Trong đó tập trung vào các hoạt động phòng chống các hành vi vi phạm các quy định về chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá tùy tiện… gây mất ổn định thị trường, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
2. Những tồn tại, hạn chế
- Công tác quản lý nhà nước về thị trường còn thụ động,thiếu thông tin;
- Trong quá trìn h triển khai thực hiện quy hoạch cũng như các quy định của Nhà nước ban hành về phát triển hạ tầng thương mại còn những vướng mắc, tồn tại.
- Thị trường hàng hóa và số người kinh doanh buôn bán tăng nhanh nhưng mang tính tự phát, phân tán, qui mô nhỏ, vốn ít, mua bán qua nhiều nấc trung gian
3. Nguyên nhân
- Chế độ thông tin thị trường hai chiều giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chưa được xác lập.
- Thiếu nguồn vốn để đầu tư hạ tầng thương mại
- Việc triển khai quán triệt các chủ trương chính sách của đảng, Nhà nước chưa sâu sắc, thiếu các biện pháp tổ chức thực hiện.
- Thiếu sự phối hợp giữa các cấp các ngành liên quan đối với hệ thống phân phối hàng hóa
- Công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo, phân công phân cấp có mặt chưa rõ ràng nên dẫn ðến tình trạng thiếu chặt chẽ trong khâu quản lý.
V. ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT
1. Kết quả đạt được
- Hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có bước phát triển khá, đạt được những kết quả quan trọng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa liên tục tăng trên dưới 20% năm. Tiêu thụ hầu hết sản phẩm hàng hóa do sản xuất trong nước và trong tỉnh làm ra, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Thương nhân tham gia thị trường ngày càng đa dạng và phong phú. Phương thức hoạt động, công nghệ quản lý và điều hành kinh doanh đang trên đà phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp
- Cơ sở vật chất ký thuật và kết cấu hạ tầng thương mại được chăm lo đầu tư, củng cố và nâng cấp một bước.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.1. Tồn tại, hạn chế
- Thị trường phát triển không bền vững, hệ thống phân phối còn manh mún, dễ bị tác động của giá cả thị trường thế giới và những đột biến về quan hệ cung cầu trong nước.
- Những doanh nghiệp có hệ thống phân phối đủ mạnh, có khả năng tài chính, có mạng lưới kinh doanh, có công nghệ quản lý điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa tương xứng với các tổ chức quốc tế trong tiến trình hội nhập còn quá ít.
- Chưa xây dựng được hệ thống phân phối nòng cốt, bảo đảm kiểm soát và chi phối được thị trường khi có biến động.
- Quá nhiều loại hình tổ chức mua bán và thương nhân nhỏ lẻ không được định hướng phát triển, hoạt động tự do và độc lập, cạnh tranh không lành mạnh làm cho thị trường lộn xộn, quyền lợi người tiêu dùng không được bảo đảm.
2.2. Nguyên nhân
- Nhận thức, quan điểm về phân phối hàng hóa và thị trường chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và thiếu nhất quán. Xem sản xuất là gốc, bỏ qua thị trường.
- Cơ quan chức năng chưa phát huy được chức năng tổ chức cũng như quy hoạch, định hướng phát triển và quản lý thị trường.
PHẦN II
QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI PHÂN PHỐI HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2025
- Phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và khuyến khích sản xuất hàng hóa phát triển, phù hợp các uy luật khách quan của nền kinh tế thị trường có định hướng của nhà nước; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; đảm bảo thực hiện các cam kết mà Việt Nam đã ký kết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
- Phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng và ngày càng tăng của các tầng lớp dân cư. Kết hợp thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Xây dựng và củng cố các kênh phân phối lớn trên phạm vi toàn tỉnh đi đôi với tổ chức và phát triển mạng lưới phân phối nhỏ tại các huyện, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
-Thúc đẩy phát triển đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với mạng lưới phân phối hàng hóa, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người tiêu dùng. Phát triển mạng lưới phân phối phải trong sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước để phát triển đúng mục tiêu.
- Quy hoạch mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành.
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa bền vững và hiện đại, dựa trên cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước.
Coi trọng phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh; đồng thời, khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ và tập trung nhằm tạo dựng các nhà phân phối lớn thương hiệu Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Xác lập sự liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong việc tổ chức thị trường, tạo sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh có hiệu quả với các tập đoàn nước ngoài khi tham gia mở cửa thị trường dịch vụ phân phối tại nước ngoài. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò và vị trí của mạng lưới phân phối trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, định hướng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, góp phần phát triển xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Làm cơ sở để quản lý và lập kế hoạch phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Tốc độ tăng bình quân hàng năm (đã loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn từ nay đến năm 2015 khoảng 11-12%/năm, trong các giai đoạn tiếp theo 13-14%/năm.
- Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa. Nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, tổng kho bán buôn…) ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; hoàn thành cơ bản chương trình phát triển các loại hình chợ.
II. CÁC ĐIỀU KIỆN VÀ XU HƯỚNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHÂN PHỐI HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Tác động của các yếu tố tự nhiên và kinh tế xã hội:
1.1. Điều kiện tự nhiên:
Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm Bắc Trung bộ, có điều kiện địa lý đa dạng, diện tích trên 16.490 km2, lớn nhất cả nước. Có thành phố Vinh là đô thị loại 1, là cầu nối giữa hai miền Bắc - Nam, cửa ngõ sang Lào, Đông Bắc Thái Lan. Nghệ An có 10 huyện miền núi, trong đó 6 huyện có đường biên giới với nước bạn Lào (chiều dài 419km), bờ biển phía Đông dài 82km có cảng biển và khu du lịch Cửa Lò là vị trí quan trọng trong mối giao lưu kinh tế xã hội, đây là điều kiện để phát triển khu kinh tế tổng hợp bao gồm công nghiệp, dịch vụ, du lịch và thương mại.
1.2. Điều kiện xã hội:
- Dân số Nghệ An có hơn 2,9 triệu người, là tỉnh có số dân đứng thứ 4 của cả nước, có 6 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc kinh chiếm 86,2%; dân số trong độ tuổi lao động chiếm 55,4%, trong đó lao động khu vực nông thôn chiếm xấp xỉ 86,11%, cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Theo dự báo, dân số toàn tỉnh đến năm 2015 sẽ vào khoảng 3,3 triệu người và 3,6 triệu người vào năm 2020, đây sẽ là nguồn lao động dồi dào phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của tỉnh đạt 10,31% cả thời kỳ 2005-2010, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp dịch vụ (năm 2010 tỷ trọng công nghiệp dịch vụ chiểm 33,46%); mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh liên tục tăng (năm 2010 đạt 24.000 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu tăng nhanh (năm 2010 xuất khẩu đạt 350 triệu USD); thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể (năm 2005 GDP bình quân đầu người đạt 5,59 triệu đồng, năm 2010 GDP bình quân đầu người đạt 10,08 triệu đồng).
- Cơ cấu các thành phần kinh tế chuyển dịch theo đúng quy luật thị trường, với sự tăng trưởng nhanh về số lượng cũng như tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng ngày càng tăng trưởng mạnh.
- Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ theo hướng giảm sự chênh lệch giữa các vùng, đặc biệt là giữa đô thị và nông thôn; nhiều loại hình dịch vụ mới được ra đời và phát triển làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn miền núi. Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, Hợp tác xã thương mại dịch vụ tổng hợp được hình thành và phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế trên địa bàn.
1.3. Về hạ tầng cơ sở:
- Về giao thông:
+ Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Ngoài các tuyến đường chính như QL1A, QL7, QL48 và đường Hồ Chí Minh thì các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện cũng thường xuyên được nâng cấp, cải tạo, đặc biệt hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông.
+ Sân bay Vinh, cảng Cửa Lò, Ga Vinh không ngừng được đầu tư nâng cấp. Các hoạt động dịch vụ vận tải bằng đường sắt, sân bay và cảng biển ngày càng tăng, nhiều thành phần kinh tế tham gia, tạo được nhiều việc làm cho người lao động.
- Về hạ tầng thương mại: Bên cạnh hệ thống chợ truyền thống, những năm gần đây hệ thống TTTM, siêu thị được hình thành và phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng; hình thức phục vụ theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội. Tuy vậy, các trung tâm thương mại, siêu thị đạt tiêu chuẩn theo quy định còn hết sức hạn chế mới chỉ đáp ứng là cửa hàng tự chọn và tiện ích.
1.4. Về phát triển đô thị và vùng nông thôn mới:
- Cùng với xu thế phát triển kinh tế, đặc biệt Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Myanma, Thái Lan, Lào. Đây là điều kiện để hình thành và phát triển khu kinh tế tổng hợp, hệ thống đô thị, các thị trấn, thị tứ và các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
- Theo Chương trình mục tiêu quốc gia, đến năm 2015, bộ mặt nông thôn sẽ có nhiều thay đổi sâu sắc theo hướng cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; ổn định và giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
2. Định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An
- Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, phấn đấu GDP (giá hiện hành) bình quân đầu người đạt khoảng 1.560 USD/người vào năm 2015 và đạt trên 3.100 USD/người vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12 - 12,5% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,5 - 12,0%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng các ngành phi nông nghiệp; đặc biệt, thúc đẩy các ngành trong khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn sau năm 2010. Năm 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP đạt 41,4%, dịch vụ 40,4% và nông - lâm - thuỷ sản khoảng 18,2%; cơ cấu tương ứng của các ngành vào năm 2020 là 43,0%; 43,0% và 14,0%.
- Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong giai đoạn tới, nền kinh tế của tỉnh sẽ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 11-12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó, ngành Công nghiệp - xây dựng chiếm 39-40%; Thương mại - dịch vụ 39-40%; Nông, lâm, ngư nghiệp 20-21%; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.700-1.800 USD/năm.
3. Xu hướng đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh thương mại:
- Xu thế toàn cầu hóa làm tăng sức cạnh tranh, nhất là đối với các nước có trình độ phát triển còn thấp, đặc biệt cạnh tranh thương mại thu hút vốn đầu tư và công nghệ ngày càng gay gắt, đây là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển về thương mại.
- Các loại hình tổ chức hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở bán buôn, bán lẻ đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, tỷ trọng hàng tiêu dùng qua các loại hình này chiếm khoảng 15% thị phần (loại hình này phát triển mạnh ở khu vực thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Diễn Châu, thị xã Thái Hòa,...)
III. NỘI DUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ MẠNG LƯỚI PHÂN PHỐI HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2025
1. Định hướng quy hoạch
2. Quy hoạch mạng lưới phân phối theo không gian:
- Khu vực đô thị
- Khu vực nông thôn
- Khu vực miền núi
- Theo phân vùng kinh tế
3. Quy hoạch phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa theo thành phần kinh tế
- Doanh nghiệp có vốn nhà nươc
- Hợp tác xã
- Thành phần thương mại tư nhân
- Thành phần thương mại có vốn đầu tư nước ngoài
4. Quy hoạch phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa theo hình thái tổ chức
- Hệ thống kho, bãi
- Mạng lưới chợ
- Mạng lưới trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm
- Mạng lưới siêu thị
- Mạng lưới dịch vụ hậu cần (logistic)
- Hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích, các cửa hàng bán lẻ: hệ thống cửa hàng xăng dầu, cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng, cửa hàng thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng...
5. Quy hoạch mạng lưới phân phối hàng hóa theo địa bàn: Chi tiết theo hình thái tổ chức cho 20 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh
PHẦN III
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về quản lý và thực hiện quy hoạch
2. Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ:
Chính sách về đầu tư xây dựng chợ, chính sách về thuế và phí, chính sách về đất đai.
3. Giải pháp về thu hút đầu tư
4. Giải pháp phát triển khoa học công nghệ
- Tích cực thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật quản lý kinh doanh hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao khả năng áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại
- Thực thi tốt các chính sách có liên quan của Nhà nước, của tỉnh về hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ.
5. Giải pháp phát triển thương nhân tham gia mạng lưới phân phối hàng hóa
6. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các loại hình kinh tế tham gia mạng lưới phân phối hàng hóa để tiến hành kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế
7. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với mạng lưới phân phối hàng hóa
8. Giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa
Tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, kinh doanh của thương nhân.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Sở Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã công bố công khai Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị xây dựng thực hiện và điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại (Quy hoạch mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh xăng dầu).
- Đẩy mạnh hoạt động quản lý thị trường, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi vi phạm nhãn hàng hóa, chất lượng hàng hóa, xây dựng văn minh thương mại nhằm tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh, thu hút các doanh nghiệp ngoại tỉnh, nước ngoài vào đầu tư phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì thực hiện Kế hoạch Thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển mạng lưới phân phối hiện đại và chế độ báo cáo, cập nhật, phổ biến thông tin trong các mạng lưới phân phối trên địa bàn.
- Phối hợp với các tổ chức, các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, trình độ quản lý cho công chức trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa.
2. Sở Kế hoạch & Đầu tư:
Cân đối, bố trí kế hoạch vốn hàng năm cho lập và thực hiện quy hoạch, phát triển hạ tầng thương mại; nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực thương mại, tập trung phát triển vào mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... nhằm xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
3. Sở Tài Chính: Phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh:
- Thẩm định và bố trí kinh phí lập “Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025” trên cơ sở dự toỏn kinh phí do Sở Công Thương xây dùng theo các quy định hiện hành về xây dựng quy hoạch, trình UBND tỉnh quyết định.
- Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí cho thực hiện quy hoạch; đầu tư các hạng mục công trình thương mại có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo doanh nhân và tăng cường cơ sở vật chất để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
- Tham mưu cơ chế, chính sách về tài chính để phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa; đề xuất các chính sách khác để ổn định thị trường và khuyến khích, hỗ trợ phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn:
- Chủ trì triển khai các dự án phát triển ngành hàng đã có quy hoạch. Tiếp tục xây dựng các dự án phát triển ngành hàng nhằm tạo ra lượng hàng hóa đảm bảo cung ứng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và góp phần ổn định thị trường.
- Ưu tiên các dự án sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng hàng hóa cung ứng cho mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
5. Sở Xây dựng:
Thẩm định và tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng các dự án nằm trong mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh; xây dựng thiết kế mẫu các loại hình chợ nông thôn phù hợp với từng địa bàn, khu vực.
6. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Phối hợp với các ngành, chủ động triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.
- Tạo điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối hàng hóa, mở rộng các đại lý, cửa hàng bán lẻ, đưa hàng hóa phục vụ tới tận người tiêu dùng.
- Bố trí cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn về quản lý thương mại theo dõi, quản lý các hoạt động thương mại nói chung và mạng lưới phân phối hàng hóa nói riêng.
- Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương và hợp tác liên kết cùng phát triển với các tỉnh, thành phố trong nước theo nhiều phương thức linh hoạt nhằm phát triển thương mại, mở rộng thị trường hàng hóa, phát triển sản xuất.
7. Các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối hàng hóa:
- Các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật; tập trung đầu tư, phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên cơ sở Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định.
- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực phân phối hàng hóa, trong đó chú trọng giao dịch và thanh toán trực tuyến và từng bước tham gia thương mại điện tử.
- Tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, phổ biến văn bản pháp luật, cơ chế chính sách do các cơ quan nhà nước tổ chức nhằm nâng cao năng lực hiệu quả quản lý doanh nghiệp, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.