BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1613/2002/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐIỀU DƯỠNG - HỘ SINH,GIAI ĐOẠN 2002-2010.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ qui định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế.
Căn cứ quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19/3/2001 của Chính phủ phê duyệt Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010.
Theo đề nghị của Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam tại công văn số 13/VPH ngày 7/3/2002 của Hội Điều dưỡng Việt nam về đề xuất kế hoạch tăng cường dịch vụ điều dưỡng-hộ sinh.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Bà mẹ trẻ em-kế hoạch hoá gia đình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác Điều dưỡng - Hộ sinh, giai đoạn 2002-2010 (có văn bản kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh văn phòng, Chánh thanh tra, Vụ trưởng Vụ Điều Trị, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Bà mẹ trẻ em - kế hoạch hoá gia đình, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐIỀU DƯỠNG - HỘ SINH, GIAI ĐOẠN 2002-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số: 1613/2002/QĐ- BYT, ngày 3 tháng 5 năm 2002)
Sức khoẻ là một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi con người và mỗi gia đình. Đảng ta luôn khẳng định con người là nhân tố hàng đầu, là tài sản quí báu nhất, quyết định sự phát triển của đất nước. Vì vậy, đầu tư cho sức khoẻ là đầu tư cho sự phát triển về kinh tế và xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân và gia đình.
Điều dưỡng và hộ sinh đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tại bệnh viện và đưa các dịch vụ chăm sóc hướng về cộng đồng nhất là các vùng khó khăn. Trong thập kỷ vừa qua, Bộ Y tế luôn quan tâm xây dựng hệ thống điều dưỡng - hộ sinh thành một mạng lưới từ trung ương đến các cơ sở y tế. Vì vậy, chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng lên nhờ chăm sóc có hiệu quả.
Tuy nhiên công tác điều dưỡng - hộ sinh cũng còn nhiều tồn tại và bất cập. Để tiếp tục phát huy sự đóng góp của điều dưỡng -hộ sinh vào việc thực hiện các mục tiêu của ngành y tế, "Kế hoạch hành động tăng cường công tác điều dưỡng - hộ sinh, giai đoạn 2002-2010" là một trong những nội dung nhằm triển khai thực hiện Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã được Chính phủ phê duyệt.
I. CÁC CƠ SỞ PHÁP LÝ:
(1) Nghị Quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về những vấn để cấp bách trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
(2) Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban chấp hành TW về Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
(3) Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19.3..2001 của Thủ tướng Chính Phủ, phê duyệt Chiến lược bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010.
(4) Quyết định số 136/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giai đoạn 2001-2010.
(5) Quyết định 1895/1997/BYT-QĐ, ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ y tế ban hành Quy chế bệnh viện.
(6) Quyết định 356/BYT-QĐ, ngày 14/3/1992 của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành lập Phòng Y tá trong Vụ Điều trị.
(7) Quyết định số 370/2002/QĐ-BYT ngày 7/2/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành chuẩn quốc gia về y tế, giai đoạn 2001-2010.
(8) Nghị quyết số 54.12, ngày 21/5/2001 của Hội đồng Y tế thế giới về Chiến lược tăng cường dịch vụ điều dưỡng - hộ sinh toàn cầu.
II. CÔNG TÁC ĐIỀU DƯỠNG-HỘ SINH TRONG NHỮNG NĂM VỪA QUA.
1. Những thành tựu:
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan và Bộ Y tế, trong những năm qua chuyên ngành điều dưỡng - hộ sinh đã đạt được những thành tựu đáng kể và đóng góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao sức khỏe nhân dân.
1.1 Về tổ chức mạng lưới: Hệ thống tổ chức quản lý điều dưỡng - hộ sinh đã được thành lập ở các cấp. Tại Bộ Y tế, có Phòng y tá-điều dưỡng trong Vụ Điều trị. Các Sở Y tế tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (được gọi chung là tỉnh) có các Điều dưỡng trưởng của Sở y tế là Phó phòng Nghiệp vụ Y. Các Bệnh viện trung ương và bệnh viện tỉnh có Phòng Y tá
- Điều dưỡng, các bệnh viện khác có tổ Y tá - Điều dưỡng.
1.2 Về chất lượng chăm sóc: Đã được tăng cường thông qua việc thực hiện Quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện và đổi mới phương thức phân công chăm sóc, sự phát triển của các trung tâm y tế chuyên sâu đã giúp điều dưỡng - hộ sinh nâng cao kỹ năng. ở cộng đồng, điều dưỡng - hộ sinh đã có nhiều đóng góp vào các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mở rộng, các chương trình lao, phong, tâm thần, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, chăm sóc người cao tuổi, vệ sinh môi trường và giáo dục sức khỏe.
1.3 Vai trò, vị trí và chức năng của điều dưỡng - hộ sinh đã được thay đổi và mở rộng: không chỉ thực hiện phụ thuộc mà chủ động chăm sóc, phối hợp với thầy thuốc trong công tác điều trị, tư vấn và giáo dục sức khỏe. Sự thay đổi chức năng này đã tăng thêm vai trò của người điều dưỡng- hộ sinh trong xã hội và trong ngành Y tế.
1.4 Về đào tạo nguồn nhân lực: Trong thập kỷ vừa qua, ngoài việc đào tạo điều dưỡng - hộ sinh sơ học và trung học Bộ Y tế đã chú trọng việc đào tạo điều dưỡng - hộ sinh có trình độ cao đẳng và đại học ở trong nước và đào tạo trên đại học ở nước ngoài.
1.5. Hội Điều dưỡng Việt Nam và Hội NHS Việt Nam đã nâng cao vai trò tự quản, tư vấn phản biện, tập hợp hội viên, tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ trong nước và quốc tế và góp phần cùng Bộ Y tế bồi dưỡng, nâng cao trình độ điều dưỡng - hộ sinh, động viên điều dưỡng - hộ sinh hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
2. Những tồn tại và thách thức:
2.1. Nhân lực điều dưỡng - hộ sinh thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và chưa cân đối về cơ cấu. Hệ thống Điều dưỡng - hộ sinh trưởng còn nhiều hạn chế về trình độ, đa số chưa được đào tạo về quản lý chăm sóc người bệnh.
2.2. Hệ thống đào tạo chưa được chuẩn hoá. Thiếu giáo viên điều dưỡng -hộ sinh có trình độ đại học và trên đại học. Cơ sở thực hành còn nhiều hạn chế và chưa phát triển hệ thống đào tạo chuyên khoa.
2.3. Các kỹ thuật thực hành chăm sóc chưa được chuẩn hóa và xây dựng thành những qui trình chuẩn. Chăm sóc toàn diện mới bắt đầu, các chăm sóc cơ bản cho người bệnh còn giao phó nhiều cho người nhà. Công tác điều dưỡng- hộ sinh nông thôn và chăm sóc tại gia đình chưa được phát triển.
2.4. Chưa có một hệ thống chính sách đầy đủ. Thiếu chính sách thu hút nghề nghiệp và chưa tập trung đầu tư toàn diện, đặc biệt đầu tư về tài chính cho chuyên ngành điều dưỡng - hộ sinh.
III. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2010.
1. Mục tiêu chung đến năm 2010:
Mục tiêu đến năm 2010 là bảo đảm cho người bệnh được chăm sóc toàn diện tại các cơ sở y tế và mở rộng dịch vụ chăm sóc đến các gia đình và cộng đồng, chất lượng chăm sóc phải đạt trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực và từng bước hội nhập với các nước trên thế giới.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Kiện toàn hệ thống tổ chức điều dưỡng-hộ sinh từ trung ương đến địa phương và phát triển nguồn nhân lực để tăng cường chất lượng chăm sóc.
2.2. Hoàn thiện các chế độ, chính sách cho điều dưỡng - hộ sinh.
2.3. Xây dựng hệ thống đào tạo đạt trình độ và chuẩn mực tương đương các nước trung bình trong khu vực.
2.4. Đầu tư nguồn lực để thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện ở bệnh viện và đưa các dịch vụ chăm sóc hướng về cộng đồng, các vùng khó khăn.
2.5. Chuẩn hoá quy trình thực hành của điều dưỡng - hộ sinh.
2.6. Mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển chuyên ngành điều dưỡng - hộ sinh.
2.7. Xây dựng chính sách quan tâm đến đời sống, vật chất và tinh thần của điều dưỡng -hộ sinh.
3. Các chỉ số cụ thể để phấn đấu, theo dõi và đánh giá (theo phụ lục đính kèm).
IV. CÁC GIẢI PHÁP
1. Kiện toàn hệ thống tổ chức và phát triển nhân lực.
1.1. Thành lập Hội đồng tư vấn điều dưỡng-hộ sinh quốc gia: để tư vấn cho Bộ Y tế về chính sách và tiêu chuẩn hành nghề điều dưỡng - hộ sinh làm cơ sở cho việc đào tạo, giám sát, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng và sử dụng.
1.2. Tăng cường thêm nhân lực và nhiệm vụ để Phòng y tá- điều dưỡng Vụ Điều trị phát huy vai trò quản lý, điều hành và giám sát. Trong Vụ Điều trị phấn đấu có một Phó Vụ trưởng là điều dưỡng có trình độ trên đại học để phụ trách công tác điều dưỡng - hộ sinh.
1.3. Sở y tế tỉnh có Phòng Điều dưỡng - hộ sinh. Trước mắt, mỗi Sở y tế có một điều dưỡng trưởng là Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y phụ trách công tác điều dưỡng - hộ sinh.
1.4. Bệnh viện trung ương, bệnh viện tỉnh, bệnh viện các Bộ ngành có Phòng Điều dưỡng, có một Phó giám đốc bệnh viện là điều dưỡng - hộ sinh phụ trách công tác chăm sóc. Mỗi khoa có một Phó trưởng khoa là điều dưỡng phụ trách công tác chăm sóc.
1.5. Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh (được gọi là huyện) có Phòng Điều dưỡng-Hộ sinh. Có một Phó giám đốc Trung tâm là điều dưỡng/hộ sinh phụ trách công tác chăm sóc.
1.6. Đảm bảo tỷ lệ 1 bác sĩ có 2,5-3 điều dưỡng - hộ sinh hoặc 1 điều dưỡng- hộ sinh cho 2 giường bệnh.
2. Hoàn thiện các chính sách và pháp luật
2.1. Xây dựng và bổ sung tiêu chuẩn ngạch công chức điều dưỡng và đề nghị Chính Phủ bổ sung ngạch công chức điều dưỡng trong danh mục tiêu chuẩn ngạch công chức của ngành y tế.
2.2. Xây dựng và đề nghị bổ sung thang bảng lương cho điều dưỡng - hộ sinh theo ngạch công chức.
2.3. Xây dựng và bổ sung chức trách nhiệm vụ cho điều dưỡng - hộ sinh cho phù hợp với ngạch công chức. Xác định mối quan hệ công tác giữa điều dưỡng - hộ sinh với các chuyên ngành khác trong ngành y tế.
2.4. Xây dựng Pháp lệnh hành nghề điều dưỡng -hộ sinh.
3. Đào tạo và nghiên cứu khoa học:
3.1. Quy hoạch mạng lưới và nâng cấp các trường đào tạo để hình thành một hệ thống đào tạo điều dưỡng - hộ sinh trong cả nước, tiến tới đạt tiêu chuẩn tương đương các nước trong khu vực.
3.2 Chuẩn hoá đội ngũ giáo viên là điều dưỡng - hộ sinh trong các trường đào tạo điều dưỡng. Ưu tiên đào tạo nhóm giáo viên nòng cốt.
3.3. Nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo liên thông, liên tục giữa các bậc học, thời gian đào tạo và đào tạo điều dưỡng các chuyên khoa.
3.4. Đề nghị Chính phủ thành lập Trường đại học Điều dưỡng
3.5. Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ điều dưỡng trong nước và ngoài nước.
3.6. Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ và lý luận điều dưỡng áp dụng vào thực tiễn việt nam.
4. Chính sách đầu tư
4.1. Đầu tư về phương tiện - kỹ thuật: Xây dựng các định mức về trang thiết bị y tế và phương tiện để phục vụ cho công tác chăm sóc người bệnh toàn diện theo tuyến bệnh viện.
4.2. Đầu tư tài chính cho công tác điều dưỡng - hộ sinh bao gồm: nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn viện trợ quốc tế, và các nguồn khác.
4.3. Lãnh đạo các Bộ ngành và các Sở y tế hàng năm dành một khoản ngân sách cho hoạt động điều dưỡng - hộ sinh.
5. Chuẩn hoá quy trình thực hành chăm sóc
5.1. Hoàn thiện và tiến tới xây dựng chuẩn quốc gia về "Quy trình kỹ thuật chăm sóc người bệnh trong bệnh viện".
5.2. Hoàn thiện và tiến tới xây dựng chuẩn quốc gia về "Quy trình thực hành chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện và cộng đồng".
5.3. Xây dựng các mô hình - các dự án minh hoạ về chăm sóc toàn diện để nghiên cứu áp dụng rộng rãi tại bệnh viện và thí điểm mô hình chăm sóc của điều dưỡng - hộ sinh tại cộng đồng và tại nhà.
6 . Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều dưỡng - hộ sinh.
6.1. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về kỹ thuật, phương tiện và kinh phí cho công tác điều dưỡng - hộ sinh.
6.2. Hợp tác trao đổi với các nước trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, học tập, thăm quan, hội nghị hội thảo về công tác điều dưỡng -hộ sinh.
6.3. Tham gia vào các tổ chức quốc tế về chuyên ngành điều dưỡng - hộ sinh ở khu vực và thế giới.
7. Đảm bảo đời sống, vật chất và tinh thần cho điều dưỡng - hộ sinh
7.1. Sử dụng đa dạng và hiệu quả các phương tiện truyền thông để tăng cường nhận thức về vai trò của điều dưỡng - hộ sinh.
7.2. Đề nghị Chính phủ bổ sung ngạch công chức và thang bảng lương cho điều dưỡng - hộ sinh tương đương với thang bảng lương của các chuyên ngành khác có cùng bậc đào tạo và thời gian đào tạo.
7.3. Bổ sung tiêu chuẩn danh hiệu cao quí cho điều dưỡng - hộ sinh trong các danh hiệu chung của ngành y tế.
7.4.Bổ sung các chế độ phụ cấp cho điều dưỡng - hộ sinh.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Vụ, Cục của Bộ Y tế.
Các Vụ,Cục của Bộ y tế căn cứ vào nội dung kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác điều dưỡng - hộ sinh để thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Cụ thể:
Vụ Điều trị đầu mối chỉ đạo, theo dõi thực hiện và hàng năm đánh giá kết quả để báo cáo lãnh đạo Bộ y tế. Vụ Điều trị, Vụ BVBMTE & KHHGĐ phối hợp với Hội nghề nghiệp triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện công tác điều dưỡng - hộ sinh.
Vụ Kế hoạch là đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục liên quan để xây dựng: qui hoạch màng lưới, kế hoạch và qui mô đào tạo, kế hoạch ngân sách cho hệ thống điều dưỡng - hộ sinh trong kế hoạch hàng năm và dài hạn của ngành y tế.
Vụ TCCB là đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục, Ban, Ngành liên quan và Hội nghề nghiệp để triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường vai trò quản lý, xác định mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng - hộ sinh, xây dựng tiêu chuẩn ngạch công chức điều dưỡng và các chế độ chính sách lương, phụ cấp đặc thù nghề nghiệp.
Vụ KH&ĐT là đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục liên quan và Hội nghề nghiệp để thực hiện các giải pháp nhằm chuẩn hoá các bậc đào tạo, chương trình và tài liệu đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo.
Vụ Tài chính Kế toán: Bố trí ngân sách hàng năm cho việc triển khai kế hoạch quốc gia về tăng cường công tác điều dưỡng - hộ sinh và ngân sách đào tạo, đào tạo lại cho công tác điều dưỡng - hộ sinh.
Vụ HTQT là đầu mối để tranh thủ và huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ công tác điều dưỡng - hộ sinh.
Vụ Pháp chế phối hợp với các Vụ, Cục liên quan để xây dựng chế độ, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về điều dưỡng - hộ sinh.
2. Các Bộ ngành, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ.
Lãnh đạo các Bộ ngành, các Sở Y tế, đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ vào kế hoạch hành động tăng cường công tác điều dưỡng - hộ sinh để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong phạm vi trách nhiệm được giao và tổ chức sơ kết việc thực hiện hàng năm.
3. Giai đoạn thực hiện
3.1 Giai đoạn 1(2002-2005).
- Củng cố hệ thống tổ chức điều dưỡng -hộ sinh trong ngành y tế.
- Quy hoạch hệ thống đào tạo và chuẩn hoá các chương trình đào tạo. Ưu tiên đào tạo giáo viên điều dưỡng
- Sửa đổi bổ sung chính sách, chế độ, các văn bản hướng dẫn, quy trình chuyên môn.
- Ưu tiên xây dựng và thực hiện thành công các mô hình điểm để nhân rộng trong cả nước.
3.2 Giai đoạn 2 (2006-2010):
- Thể chế hoá các văn bản, chính sách đảm bảo sự phát triển bền vững cho chuyên ngành điều dưỡng - hộ sinh.
- Mở rộng các hoạt động chăm sóc toàn diện tại bệnh viện, chăm sóc tại cộng đồng và hộ gia đình.
- Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng - hộ sinh./.
PHỤ LỤC
CÁC CHỈ SỐ ĐỂ THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế Số: 1613/2002/QĐ-BYT, ngày 3 tháng 5 năm 2002)
1. Các chỉ số về kiện toàn tổ chức
Các chỉ số | 2002-2005 | 2006-2010 | Cấp thực hiện |
1. Bổ nhiệm các chức vụ quản lý cho điều dưỡng - hộ sinh các cấp | 35% | 100% | Mọi cấp |
2. Thành lập Hội đồng tư vấn điều dưỡng - hộ sinh quốc gia | x |
| Vụ Điều trị, TCCB, Pháp chế |
3. Xây dựng chỉ tiêu nhân lực điều dưỡng - hộ sinh trong ngành y tế | x |
| Vụ TCCB và Vụ hữu quan |
4. áp dụng chỉ tiêu nhân lực | x | x | Mọi địa phương |
- ĐD-HS / 1000 dân | 1.5 | 2.0 | Sở y tế |
- ĐD-HS/giường bệnh |
| 1 / 2 | Bệnh viện |
- Tỷ lệ ĐD-HS /BS | 2.5 | 3.0 | Bệnh viện |
- Tỷ lệ CĐ và ĐH / tổng số | 10% | 40% | Mọi cấp |
- Tỷ lệ trung học / tổng số | 45% | 30% | Mọi cấp |
2. Các chỉ số về đào tạo
Các chỉ số | 2002-2005 | 2006-2010 | Nơi thực hiện |
1.Thành lập Trường đại học ĐD | 01 | 02 | Vụ TCCB, KH&ĐT và Vụ hữu quan |
2. Thành lập Khoa ĐD trong các trường Đại học Y-Dược | 7 | 7 | VụTCCB, KH&ĐT /trường liên quan |
3. Nâng cấp trường TH lên cao đẳng | 50% trường TW và 10 trường địa phương | 100% trường TW và 20 trường địa phương | Vụ KH&ĐT, TCCB /trường liên quan |
4. Đào tạo thạc sĩ | 50 | 150 | Vụ KH, KH&ĐT, TCCB và Vụ liên quan |
6. Đào tạo tiến sĩ | 10 | 30 | Vụ KH, KH&ĐT, TCCB và Vụ liên quan |
7. Giáo viên ĐD-HS | 50 % CĐ và 50% cử nhân | 100% cử nhân 30% cao học | Vụ KH, TCCB, KH&ĐT/trường liên quan |
8. ĐD trưởng | 50% CĐ và 50% cử nhân | 100% cử nhân 15% cao học. 90% học QLCS | Vụ KH, TCCB, KH&ĐT/trường/bệnh viện liên quan |
9. Đào tạo chuyên khoa | 5% nhân lực ĐD chuyên khoa | 10% nhân lực ĐD chuyên khoa | Vụ KH, KH&ĐT/trường /bệnh viện liên quan |
3. Các chỉ số chuẩn hoá quy trình chăm sóc
Các chỉ số | 2002-2005 | 2006-2010 | Nơi thựchiện |
1. Ban hành quy trình chăm sóc | Ban hành và áp dụng thí điểm | Thực hiện thành chuẩn quốc gia | Vụ Điều trị, Vụ BVBMTE /các bệnh viện |
2. Ban hành các quy trình thực hành chống nhiễm khuẩn | Ban hành và áp dụng thí điểm | Thực hiện thành chuẩn quốc gia | Vụ Điều trị/ các bệnh viện |
3. Xây dựng và thực hiện thành công các khoa điểm CSTD | 50% bệnh viện áp dụng | 100% bệnh viện áp dụng | Các bệnh viện |
4. Xây dựng và thực hiện thành công mô hình điều dưỡng - hộ sinh chăm sóc tại cộng đồng và tại nhà. | 30% áp dụng | 100% áp dụng | Các TTYT và trạm y tế |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.