ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 161/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 3 tháng 7 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 06/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020;
Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 21/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2012/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi về việc thông qua Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 740/TTr-SXD ngày 27/6/2013 về việc xin phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch:
1.1. Quan điểm quy hoạch:
- Quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững.
- Quản lý chất thải rắn phải lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp.
- Quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực và tăng cường đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn.
- Quản lý chất thải rắn không khép kín theo địa giới hành chính, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, sự an toàn về xã hội và môi trường. Quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải rắn đô thị, liên đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.
- Ưu tiên áp dụng công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận để tái chế, tái sử dụng chất thải rắn nhằm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả sử dụng đất.
1.2. Mục tiêu quy hoạch:
a) Mục tiêu tổng quát:
- Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.
- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được quản lý và xử lý triệt để theo các phương thức phù hợp.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng được các phương thức, lộ trình triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn cho mỗi loại hình chất thải, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực.
- Quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp và điểm dân cư nông thôn, trong đó xác định được các phương thức thu gom, vị trí các trạm trung chuyển chất thải rắn liên đô thị.
- Tính toán quy mô và phân bố hợp lý các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đảm bảo phục vụ các đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn đang đô thị hóa. Đồng thời lựa chọn công nghệ thích hợp để xử lý, tái chế các loại chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại nhằm đảm bảo xử lý triệt để chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường;
- Đề xuất hệ thống quản lý, cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của tỉnh.
- Đề xuất kế hoạch, lộ trình và xác định nguồn lực thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020; đảm bảo đạt được các mục tiêu cụ thể sau:
+ Trên 95% tổng lượng chất thải sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
+ 100% tổng khối lượng chất thải công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ 100% tổng khối lượng chất thải y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ 80% tổng lượng chất thải xây dựng phát sinh tại đô thị được thu gom xử lý, trong đó 50% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.
+ Trên 40% bùn bể phốt phát sinh tại đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ Trên 50% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% lượng chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
2. Phạm vi, đối tượng quy hoạch:
- Nghiên cứu lập quy hoạch quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ngãi với diện tích tự nhiên là 5.152,67 km² và định hướng thu gom, xử lý chất thải rắn cho các đơn vị hành chính thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 bao gồm: thành phố Quảng Ngãi; 13 huyện (gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Lý Sơn) và Khu kinh tế Dung Quất.
- Nghiên cứu lập quy hoạch quản lý đối với các loại chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp (bao gồm chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại) và chất thải rắn y tế.
3. Nội dung quy hoạch:
3.1. Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn:
a) Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt: bao gồm hai loại hình chủ đạo như sau:
- Vận chuyển trực tiếp: các phương tiện thu gom cỡ nhỏ sẽ thu gom chất thải tại các khu vực và vận chuyển thẳng đến địa điểm đổ thải cuối cùng.
- Vận chuyển trung chuyển: phương tiện thu gom cỡ nhỏ thu gom chất thải tại các khu vực và vận chuyển đến trạm trung chuyển. Ở trạm trung chuyển, chất thải được chuyển vào các thùng chứa cỡ lớn nhờ thiết bị nén ép và được vận chuyển đến địa điểm đổ thải cuối cùng bằng xe chuyên dụng.
Với phương án xử lý chất thải rắn phân tán, từng đô thị và các khu tập trung dân cư tập trung nông thôn sẽ có quy hoạch tuyến thu gom vận chuyển riêng.
b) Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp: bao gồm hai loại hình chủ đạo như sau:
- Các cơ sở công nghiệp tự chịu trách nhiệm thu gom, phân loại và vận chuyển các loại chất thải rắn hoặc thuê khoán các cơ sở tư nhân có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép.
- Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp sẽ do đơn vị chuyên trách đảm nhiệm. Các cơ sở sản xuất công nghiệp có nhiệm vụ ký hợp đồng với đơn vị này để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp trên cơ sở các yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn công nghiệp nguy hại phải đảm bảo được phân loại tại cơ sở công nghiệp. Việc lưu trữ chất thải nguy hại phải tuân thủ theo các quy định về an toàn đối với chất thải nguy hại. Từ trạm trung chuyển, chất thải nguy hại sẽ được vận chuyển về khu xử lý chất thải rắn liên hợp hoặc chôn lấp tại ô chôn lấp chất thải nguy hại.
c) Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế: bao gồm ba loại hình chủ đạo như sau:
- Thu gom tập trung: áp dụng cho thành phố Quảng Ngãi, đô thị Dung Quất và đô thị Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn. Chất thải rắn y tế phát sinh được thu gom, vận chuyển tới khu liên hợp xử lý chất thải rắn An Định, Bình Nguyên và An Hải.
- Thu gom theo cụm bệnh viện: áp dụng đối với các bệnh viện tuyến huyện bao gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Minh Long, Sơn Hà và các bệnh viện đa khoa khu vực như Dung Quất, Đặng Thùy Trâm. Bệnh viện có lò đốt tiếp nhận và xử lý cho các bệnh viện phụ cận chưa có lò đốt.
- Thu gom và xử lý tại chỗ: áp dụng đối với bệnh viện các huyện Tây Trà, Sơn Tây, Ba Tơ; đầu tư xây dựng các lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế phát sinh tại mỗi bệnh viện. Đối với trạm y tế xã, phòng khám đa khoa xa khu xử lý tập trung, lượng chất thải rắn y tế ít có thể áp dụng mô hình xử lý tại chỗ với công nghệ phù hợp (đốt hoặc chôn lấp hợp vệ sinh) tùy theo địa hình, lượng chất thải rắn phát sinh và điều kiện kinh phí.
3.2. Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn:
Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sẽ được thực hiện bằng cách phối hợp sử dụng các loại hình công nghệ xử lý như sau:
a) Đối với khu vực đô thị, nông thôn vùng đồng bằng:
- Xây dựng 03 khu xử lý liên hợp chất thải rắn : khu xử lý An Định huyện Nghĩa Hành, khu xử lý Bình Nguyên huyện Bình Sơn và khu xử lý Phổ Nhơn huyện Đức Phổ. Sử dụng các công nghệ: chế biến phân hữu cơ; tái chế chất thải rắn; đốt chất thải rắn nguy hại và chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh. Phạm vi xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và y tế liên đô thị.
- Các đô thị khác sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, có bố trí thêm dây chuyền phân loại chất thải rắn, chế biến phân hữu cơ trước khi chôn lấp để xử lý chất thải rắn cho từng đô thị và các điểm dân cư nông thôn phụ cận.
- Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý bằng công nghệ đốt theo cụm bệnh viện hoặc xây dựng lò đốt tại bệnh viện các huyện.
b) Đối với khu vực đô thị, nông thôn miền núi:
Sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; đối với những huyện có điều kiện, kết hợp bố trí thêm dây chuyền phân loại chất thải rắn, chế biến phân hữu cơ trước khi chôn lấp. Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý bằng công nghệ đốt tại bệnh viện các huyện.
c) Đối với khu vực huyện đảo Lý Sơn: xây dựng khu xử lý liên hợp chất thải rắn quy mô nhỏ trên huyện đảo, sử dụng các công nghệ: đốt chất thải rắn nguy hại, chôn lấp hợp vệ sinh.
d) Các công nghệ phụ trợ: bao gồm: phân loại và xử lý cơ học nhằm xử lý sơ bộ và tái chế chất thải rắn; xử lý hóa - lý giảm thiểu khả năng nguy hại của chất thải đối với môi trường và thu hồi một số loại chất thải rắn có khả năng tái chế - cần áp dụng tại tất cả các khu xử lý.
4. Quy hoạch các khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn:
4.1. Quy hoạch các khu xử lý liên hợp chất thải rắn đến 2020:
Khu xử lý | Diện tích (ha) | Công nghệ áp dụng | Phạm vi phục vụ |
KXL liên hợp CTR An Định huyện Nghĩa Hành | 10 | Áp dụng đầy đủ công nghệ xử lý CTR: chế biến phân hữu cơ; tái chế CTR; đốt CTR nguy hại | TP. Quảng Ngãi, TT. La Hà, TT. Chợ Chùa và các xã thuộc huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành |
KXL liên hợp CTR Bình Nguyên * | 28 | Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, huyện Sơn Tịnh. | |
KXL liên hợp CTR An Điền xã Phổ Nhơn | 6/4 ** | Giai đoạn 2012-2016: chôn lấp CTR sinh hoạt hợp vệ sinh. Sau năm 2016 áp dụng đầy đủ công nghệ. | TT. Đức Phổ và các xã huyện Đức Phổ, TT. Mộ Đức (sau năm 2016) |
KXL liên hợp CTR huyện Lý Sơn | 2 | Áp dụng công nghệ chế biến phân hữu cơ, đốt CTR, chôn lấp hợp vệ sinh | Toàn bộ huyện đảo Lý Sơn |
Ghi chú:
* Riêng phần diện tích chôn lấp, xử lý CTR nguy hại thuộc KXL Bình Nguyên hiện trạng được di dời đến vị trí khác, đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh đối với khu dân cư.
** Diện tích 6/4: diện tích đến 2020: 6ha / mở rộng phục vụ sau 2020: 4ha.
4.2. Quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh đến 2020
Khu xử lý | Diện tích (ha) | Công nghệ áp dụng | Phạm vi phục vụ |
Bãi chôn lấp hợp vệ sinh - Khu vực các huyện vùng đồng bằng | |||
BCL Nghĩa Kỳ | 16/7 | Phân loại chất thải rắn trước khi xử lý và chôn lấp CTR sau xử lý cho KLH An Định. | TP. Quảng Ngãi, TT. La Hà, TT. Chợ Chùa và các xã thuộc huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành |
BCL Đức Lân, huyện Mộ Đức | 2/5 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích công nghệ chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ | Toàn huyện Mộ Đức. Đến năm 2016 chuyển CTR TT. Mộ Đức về KLH xử lý CTR Phổ Nhơn. BCL Đức Lân chỉ phục vụ các xã phụ cận. |
BCL Đồng Nà, huyện Sơn Tịnh | 5/20 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích công nghệ chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ | CTR sinh hoạt trên địa bàn huyện Sơn Tịnh |
BCL Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ | 2/1 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích công nghệ chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ | CTR sinh hoạt khu vực phía Nam huyện Đức Phổ |
BCL Cỏ Huê H. Bình Sơn | 2,2 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. | CTR sinh hoạt TT. Châu Ổ và các xã phụ cận. |
Bãi chôn lấp hợp vệ sinh - Khu vực các huyện vùng miền núi | |||
BCL Ba Cung huyện Ba Tơ | 2 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích công nghệ chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ | CTR sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn huyện Ba Tơ |
BCL Long Mai huyện Minh Long | 1,5/2,5 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích công nghệ chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ | CTR sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn huyện Minh Long |
BCL Cà Đáo huyện Sơn Hà | 2,5 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích công nghệ chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ | CTR sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Hà |
BCL Sơn Dung huyện Sơn Tây | 2/1,5 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích công nghệ chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ | CTR sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Tây |
BCL Gò Rô huyện Tây Trà | 1,5/1 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích công nghệ chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ | CTR sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn huyện Tây Trà |
BCL Trà Thủy huyện Trà Bồng | 2/3 | Phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích công nghệ chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ | CTR sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn huyện Trà Bồng |
Ghi chú: Diện tích 16/7: diện tích đến 2020: 16ha / mở rộng phục vụ sau 2020: 7ha.
4.3. Quy hoạch hệ thống lò xử lý CTR y tế nguy hại đến năm 2020:
Huyện, thành phố | Công suất lò xử lý (kg/ngày) | Phạm vi phục vụ | Địa điểm xây dựng | |
2012-2015 | 2016-2020 | |||
TP. Quảng Ngãi | Lò xử lý BVĐK tiếp nhận (30kg/mẻ) xử lý cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP. | Xử lý chất thải rắn y tế cho BVĐK tỉnh, BVĐK TP. Quảng Ngãi và các bệnh viện trên địa bàn thành phố. | Lò đốt hiện đã xây dựng tại BVĐK tỉnh (500 kg/ngày); BV tâm thần; BV lao và bệnh phổi; các cơ sở y tế khác xử lý tại BVĐK tỉnh hoặc Khu liên hợp An Định. | |
Đô thị Dung Quất | 20 | 90 | Xử lý chất thải rắn y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Dung Quất | Sử dụng lò đốt tại BVĐK Dung Quất đang hoạt động để xử lý CTR các cơ sở y tế phụ cận. |
Huyện Đức Phổ | 50 | 75 | Các bệnh viện, cơ sở y tế huyện Đức Phổ và khu vực phụ cận | Sử dụng lò đốt tại BVĐK Đặng Thùy Trâm hoặc xử lý CTR y tế tại khu liên hợp Phổ Nhơn. |
Các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, MinhLong, Sơn Hà. | 20 | 30 | Các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc trên địa bàn các huyện và khu vực phụ cận | Sử dụng các lò đốt hiện đang hoạt động tại BVĐK các huyện; CTR y tế huyện Bình Sơn có thể xử lý tại Khu liên hợp Bình Nguyên. |
Các huyện Tây Trà, Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng. | 10 | 15 | Xử lý CTR cho các BVĐK các huyện và cơ sở y tế khu vực phụ cận | Xây dựng mới lò xử lý tại BVĐK các huyện để xử lý CTR y tế tại chỗ |
Huyện đảo Lý Sơn | 9 | 10 | Xử lý CTR cho BVĐK huyện và các cơ sở y tế xã An Hải, An Vĩnh, An Bình. | Đặt tại Khu xử liên hợp CTR huyện Lý Sơn |
5. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Quy hoạch:
- Tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về chất thải rắn;
- Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn;
- Ưu tiên phân bố hợp lý nguồn vốn ngân sách, vốn ODA hoặc các nguồn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các đô thị để đầu tư trang thiết bị và xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn;
- Đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn đầu tư, xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia góp vốn. Khuyến khích các doanh nghiệp môi trường đô thị sử dụng vốn tự có, vốn tín dụng để đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị. Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư vào lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
- Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ phù hợp với việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật lành nghề bằng nhiều hình thức thích hợp.
6. Kế hoạch thực hiện:
6.1. Giai đoạn 2013-2015:
- Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đáp ứng cho việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.
- Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý và nhận thức của cộng đồng trong việc thu gom và xử lý chất thải rắn.
- Hoàn thiện cơ chế chính sách trong đó khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom và xử lý chất thải rắn.
- Thực hiện thủ tục đóng cửa các bãi chôn lấp tại một số thị trấn, không có khả năng mở rộng, không hợp vệ sinh và đã quá tải (như: bãi chôn lấp thị trấn Đức Phổ, thị trấn Mộ Đức, thị trấn Trà Xuân...).
- Xây dựng mới và mở rộng bãi chôn lấp hiện trạng, đảm bảo bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các đô thị. Xây dựng bổ sung khu chế biến phân hữu cơ và khu vực phân loại tại các bãi chôn lấp.
- Thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn tại các đô thị lớn trong tỉnh là thành phố Quảng Ngãi, đô thị Dung Quất (tại Vạn Tường và các cơ sở CN trong KKT).
- Đầu tư xây dựng các Khu xử lý liên hợp xử lý chất thải rắn liên đô thị phục vụ công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng mới các lò đốt chất thải y tế nguy hại tại bệnh viện đa khoa các huyện trên địa bàn tỉnh.
6.2. Giai đoạn 2016-2020
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. Hướng dẫn người dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.
- Thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với 2 đô thị: thành phố Quảng Ngãi, đô thị Vạn Tường và các cơ sở CN trong KKT Dung Quất. Thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn cho đô thị Đức Phổ và các thị trấn Lý Sơn, Mộ Đức, La Hà, Chợ Chùa, Sông Vệ.
- Đánh giá năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn của các đơn vị thực hiện xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh, mở rộng phạm vi thu gom chất thải rắn khu vực đô thị và nông thôn các huyện ven biển.
- Đầu tư xây dựng và hoàn thiện các công nghệ xử lý tại các khu liên hợp xử lý CTR trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.
(Phần chi tiết có hồ sơ Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 kèm theo).
Điều 2.
1. Giao Giám đốc Sở Xây dựng:
- Giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch và triển khai thực hiện theo quy hoạch;
- Tổ chức công bố, công khai quy hoạch để các tổ chức, cơ quan có liên quan biết và thực hiện;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban ngành liên quan tổ chức triển khai cụ thể theo đúng quy hoạch được duyệt.
2. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: xây dựng kế hoạch triển khai lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn thuộc địa bàn quản lý theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất; Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.