UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 161/QĐ-UBND | Điện Biên, ngày 19 tháng 3 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ MƯỜNG PHĂNG, GIAI ĐOẠN 2011-2020 HUYỆN ĐIỆN BIÊN, TỈNH ĐIỆN BIÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương VII (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18/11/2011 của Ban chấp hành Tỉnh ủy về việc về xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn năm 2011-2015, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 Hướng dẫn một số nội dung thực hiện QĐ số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Xét Tờ trình số 1201/TTr-SNN ngày 18/11/2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Tờ trình thẩm định số: 1207/TTr- KH&ĐT ngày 21/12/2011 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Mường Phăng, giai đoạn 2011-2020, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên gồm các nội dung chính như sau:
I. Quy hoạch sản xuất và Phát triển ngành nghề
1. Quan điểm
- Xây dựng xã Mường Phăng trở thành xã nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư được nâng cao, có kết cấu hạ tầng đáp ứng các tiêu chí của nông thôn mới, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ, đô thị, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu
- Giai đoạn 2011 - 2015:
+ Phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung chủ yếu là lúa gạo gắn với phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông thôn, nông nghiệp. Nâng mức thu nhập bình quân năm 2010 là 3,5 triệu đồng/người/năm (hơn 0,32 lần so với bình quân chung của tỉnh) lên 8 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 (hơn 0,74 lần) so với bình quân chung toàn tỉnh.
+ Phấn đấu xây dựng đạt 100% nội dung của 11/19 tiêu chí nông thôn mới bao gồm: Tiêu chí số 1, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 15, 16, 18 và 19.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng mức thu nhập bình quân/đầu người đạt 1,2 lần so với mức bình quân chung của tỉnh (tương đương 13 triệu đồng); Đảm bảo đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới và một số nội dung của 2 tiêu chí còn lại.
3. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
3.1. Đất nông nghiệp: 7.771,11 ha;
3.1.1. Đất sản xuất nông nghiệp: 921,71 ha
- Đất trồng cây hàng năm: 718,81 ha;
+ Đất trồng lúa: 525,9 ha;
+ Đất trồng cây hàng năm khác: 162,91 ha;
- Đất trồng cây lâu năm: 202,9 ha;
3.1.2. Đất lâm nghiệp: 6.725 ha;
+ Đất rừng sản xuất 2.288,4 ha;
+ Đất rừng dặc dụng 4.436,6 ha;
3.1.3. Đất nuôi trồng thủy sản: 112,4 ha;
3.1.4. Đất nông nghiệp khác: 12 ha;
3.2. Đất phi nông nghiệp: 1.387,45 ha
3.2.1. Đất ở: 82,08 ha;
3.2.2. Đất chuyên dùng 563,03 ha;
3.2.3. Đất nghĩa địa 11,2 ha;
3.2.4. Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 731,14 ha;
4. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp
4.1. Mục tiêu phát triển nông nghiệp
- Giai đoạn 2011 - 2015:
+ Nâng hiệu quả sử dụng đất canh tác nông nghiệp từ 27 triệu đồng/ha năm 2010 lên 40 triệu đồng/ha vào năm 2015;
+ Tăng tỷ lệ đàn gia súc được nuôi trong các trang trại lên 30% tổng đàn gia súc, mỗi năm cung cấp ra thị trường đạt 200 tấn thịt hơi xuất chuồng các loại. Phấn đấu nâng mức thu nhập từ chăn nuôi đạt 1 triệu đồng/người/năm;
+ Phấn đấu nâng độ che phủ rừng bình quân toàn xã từ 32% lên 38% vào năm 2015;
+ Khai thác hiệu quả diện tích mặt hồ, mở rộng diện tích ao nuôi cá phấn đấu thu nhập bình quân từ nuôi trồng thủy sản đạt 01 triệu đồng/người/năm;
- Giai đoạn 2016 - 2020
+ Nâng hiệu quả sử dụng đất canh tác nông nghiệp từ 40 triệu đồng/ha/năm lên 50 triệu đồng/ha/năm;
+ Đảm bảo 50% tổng đàn gia súc được nuôi trong các trang trại và thu nhập bình quân từ chăn nuôi đạt 1,5 triệu đồng/người/năm;
+ Phấn đấu nâng độ che phủ rừng ổn định đạt 45% vào năm 2020;
+ Cung cấp ra thị trường 300 tấn cá/năm, nâng mức thu nhập bình quân từ thủy sản đạt 1,5 triệu đồng/người/năm;
4.2. Trồng trọt
4.2.1. Đất trồng lúa nước
Diện tích 382,7 ha; được quy hoạch thành 4 vùng sản xuất lúa tập trung.
a) Vùng 1: Chuyên canh cây lúa, cây vụ đông; diện tích đất canh tác: 117,6 ha;
b) Vùng 2: Cánh đồng khu vực trung tâm xã chủ yếu gieo trồng lúa và cây vụ đông; Tổng diện tích đất canh tác: 148,1ha;
c) Vùng 3: Cánh đồng khu vực bản Sôm chuyên canh trồng lúa; Tổng diện tích canh tác: 43,5 ha;
d) Vùng 4: Gồm toàn bộ diện tích ruộng nước các bản còn lại. Chủ yếu gieo trồng lúa và cây màu; Tổng diện tích đất canh tác: 73,5 ha;
4.2.2. Đất nương rẫy: Đất nương chủ yếu quy hoạch cho các hộ dân bản Pú Sung do không có ruộng nước. Diện tích nương quy hoạch là: 143,2 ha
4.2.3. Đất trồng cỏ: Diện tích: 30 ha; tập trung chủ yếu ở các bản: Bản Khá, bản Yên, bản Cang, bản Lọng Luông 1, bản Sáng. Chủ yếu trồng các loại cỏ cho trâu, bò và dê. Ngoài ra kết hợp trồng dưới tán cây ăn quả để bổ sung nguồn thức ăn cho gia súc.
4.2.4. Đất trồng cây hàng năm khác: Diện tích 162,91 ha;
4.2.5. Đất trồng cây lâu năm: Diện tích 202,9 ha. Được quy hoạch 4 khu vực trồng tập trung (khu vực 1 bản Che Căn, bản Khá; khu vực 2 bản Co Mận, bản Phăng, khu vực 3 bản Vang, khu vực 4 bản Co Luống, bản Lọng Nghịu) và toàn bộ diện tích trong khu vực dân cư. Cây trồng chủ yếu là cây ăn quả như: Chuối, Mận Tam Hoa, Đào Pháp, hồng không hạt, đào ta, Lê (mắc coọc) và Sơn Tra (Táo mèo).
4.3. Chăn nuôi
a) Chăn nuôi trâu, bò:
+ Đối với những khu vực bản trong và giáp ranh phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, chủ yếu chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt, tuyệt đối không thả rông;
+ Đối với những bản thuộc vùng quy hoạch rừng sản xuất cần phải đầu tư xây dựng chuồng trại tập trung, hạn chế tối đa thả rông.
b) Chăn nuôi lợn, gia cầm và thủy cầm: Quy hoạch thành 2 khu vực chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại. Tổng diện tích 12 ha, được chia thành 2 khu vực;
Trong đó: Khu vực 1 thuộc bản Co Thón diện tích 07 ha; khu vực 2 thuộc khu chăn nuôi bản Co Mận, diện tích 05 ha;
5. Nuôi trồng thủy sản
5.1. Mục tiêu cụ thể
- Mở rộng diện tích ao nuôi trồng thủy sản từ 53,2 ha lên 80 ha vào năm 2015 và đến năm 2020 lên 112 ha;
- Nâng năng suất ao nuôi từ 1,5 tấn cá/ha lên 2,5 tấn cá/ha vào năm 2015 và đạt 3 tấn vào năm 2020. Đối với diện tích nuôi thả mặt hồ năng suất trung bình từ 0,5 tấn/ha lên 0,8 tấn/ha;
5.2. Quy hoạch phát triển thủy sản
Quy hoạch trên địa bàn xã thành 2 khu vực:
- Khu vực 1 gồm toàn bộ diện tích ao khu vực trung tâm, diện tích mặt hồ Pá Khoang. Tổng diện tích 665,8 ha (Trong đó: Diện tích mặt hồ 600 ha; diện tích ao 81,8 ha).
- Khu vực 2 gồm toàn bộ diện tích ao nuôi khu vực đường đi Na Tấu và diện tích mặt hồ Lọng Luông. Tổng diện tích 42,6 ha (trong đó: 12 ha mặt hồ, 30,6 ha diện tích ao);
6. Quy hoạch phát triển lâm nghiệp
6.1. Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2011 - 2015
+ Chăm sóc, bảo vệ 2.923 ha rừng tự nhiên hiện còn, khoanh nuôi tái sinh 500 ha;
+ Trồng mới 500 ha rừng trồng (trong đó: 300 ha rừng sản xuất và 200 ha rừng đặc dụng);
+ Nâng diện tích rừng toàn xã lên 3.500 ha, độ che phủ đạt 38%;
- Giai đoạn 2016 - 2020
+ Bảo vệ 3.500 ha rừng và trồng mới 1.200 ha (trong đó: 400 ha rừng đặc dụng, 800 ha rừng sản xuất);
+ Diện tích rừng toàn xã lên 4.500 ha, nâng độ che phủ rừng đạt 42%;
6.2. Quy hoạch phát triển lâm nghiệp
- Sau khi quy hoạch toàn xã có tổng diện tích đất lâm nghiệp là: 6.725 ha; chiếm 73,4% diện tích đất tự nhiên, giảm 56,8 ha so với hiện trạng. Bao gồm 2 loại rừng: rừng đặc dụng và rừng sản xuất
Trong đó:
- Đất rừng đặc dụng: 4.436,6 ha, tăng 1.767 ha, được quy hoạch chuyển từ đất rừng phòng hộ;
- Đất rừng sản xuất: 2.288,4 ha; tăng 1.887,1 ha được quy hoạch chuyển 1.790,7 ha từ đất rừng phòng hộ và 96,4 ha từ đất sản xuất nương rẫy.
7. Quy hoạch du lịch và dịch vụ
7.1. Dịch vụ
Duy trì các điểm kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân dọc theo đường ô tô tại khu trung tâm, giữ nguyên hiện trạng diện tích đất và các điểm kinh doanh hiện có tại cổng chợ.
+ Ổn định việc khai thác vật liệu xây dựng, kiểm soát chặt tình hình khai thác cát các điểm khai thác cát trên địa bàn xã, thành lập hợp tác xã vận chuyển hàng hóa.
+ Quy hoạch xây dựng cây xăng tại ngã 3 đường đi Na Tấu để cung cấp xăng, dầu cho nhân dân.
+ Quy hoạch 2 điểm dịch vụ cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp phụ vụ sản xuất. Địa điểm đặt tại: Bản Hả và 01 điểm đặt tại trung tâm xã;
7.2. Du lịch
- Loại hình du lịch:
+ Du lịch sinh thái: Tổ chức du lịch thăm quan hồ Pá Khoang, hồ Lọng Luông, leo đỉnh núi Pu Huốt và thăm quan các khu sinh thái nông nghiệp. Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trên mặt hồ.
+ Du lịch lịch sử, văn hóa: Tổ chức tuyến thăm quan khu di tích lịch sử hầm Đại Tướng, các bản làng văn hóa;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trùng tu, tôn tạo các hạng mục di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ;
+ Xây dựng các điểm dừng nghỉ chân, điểm phục vụ ăn uống cho du khách, trên cơ sở khôi phục tổ chức lại hoạt động của các nhà nghỉ khu vực hồ Pá Khoang; xây dựng mới điểm dừng chân tại hồ Lọng Luông;
+ Xây dựng tuyến đường du lịch lên đỉnh núi Pu Huốt từ bản Khá - Pu Huốt với chiều dài 3 km;
+ Hoàn thiện xây dựng tuyến đường dạo quanh khu hồ Pá Khoang với tổng chiều dài 16 km; mặt đường 1,2 m, nền đường 1,8 m và xây dựng 1 cầu treo;
+ Thiết lập tuyến du lịch: Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng;
8. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
- Quy hoạch diện tích 8 ha tại khu vực đường đi Na Tấu để xây dựng các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tập trung như các cơ sở sơ chế nông, lâm sản trên địa bàn nằm xa khu dân cư.
- Trên cơ sở hình thành các bản văn hóa làm du lịch, xây dựng 3 điểm phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với các nghề: Dệt thổ cẩm, mây, tre đan tại 3 bản: Đông Mệt, Che Căn và bản Phăng;
II. Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng
1. Mục tiêu: Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng của Mường Phăng nhằm đáp ứng yêu cầu các tiêu chí: 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 17 của bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
2. Quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật
2.1. Quy hoạch hệ thống giao thông
2.1.1. Đường trục xã : Cải tạo, nâng cấp 5 tuyến với tổng chiều dài 39,8 km đạt tiêu chuẩn quy định về đường giao thông nông thôn;
a) Giai đoạn 2011 - 2015
- Tuyến đường Nà Nghè – Mường Phăng dài 5,4 km cải tạo nâng cấp thành đường cấp AH MN (tương đương đường cấp VI MN), kết cấu đá nhựa hoặc bê tông;
- Tuyến đường Mường Phăng – bản Nghịu dài 6,5 Km cải tạo nâng cấp thành đường cấp AH MN (tương đương đường cấp VI MN), kết cấu đá nhựa hoặc bê tông;
- Tuyến đường Na Tấu – Mường Phăng dài 5 km quy hoạch cải tạo nâng cấp thành đường cấp A, kết cấu đá nhựa hoặc bê tông;
b) Giai đoạn 2016 – 2020: Cải tạo nâng cấp 2 tuyến
- Tuyến đường Nà Nghè – Nam Hồ Pa Khoang dài 8,3 km cải tạo thành đường cấp A có kết cấu đá nhựa hoặc bê tông;
- Tuyến đường Nà Nhạn - Pá Khoang - Mường Phăng dài 14,6 km quy hoạch cải tạo nâng cấp A, kết cấu đá nhựa hoặc bê tông;
2.1.2. Đường liên bản
- Cải tạo 1 tuyến với chiều dài 6,5 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp B có kết cấu đá nhựa hoặc bê tông; mặt đường 3,0m, nền đường 4 m;
- Nâng cấp tổng số 15 tuyến với tổng chiều dài 22,5 km, đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp B, có kết cấu đá nhựa hoặc bê tông đảm bảo mặt đường 3,0m nền đường 4,0 m;
2.1.3. Hệ thống đường nội bản
Quy hoạch nâng cấp, mở mới với tổng chiều dài 12,3 km đạt tiêu chuẩn đường cấp B nông thôn có kết cấu bê tông hoặc đá lát, gạch lát;
3.1.4. Giao thông nội đồng:
Nâng cấp cải tạo mở rộng 8 tuyến với tổng chiều dài 3,7 km đường giao thông nội đồng đạt tiêu chuẩn đường cấp B; đảm bảo mặt đường rộng 2,5 m, nền đường rộng 3,5 m.
2.1.5. Hệ thống cầu, cống
Đầu tư nâng cấp 1 chiếc cầu qua suối (cầu bản Sôm) và xây dựng mới 5 cái cầu qua suối (bản Yên 3, bản Nghịu 2, bản Pú Sung, bản Khá, bản Lọng Nghịu 1);
2.2. Quy hoạch hệ thống thủy lợi
2.2.1. Mục tiêu
Đáp ứng tiêu chí số 3, đầu tư xây dựng cứng hóa > 50% km kênh mương do xã quản lý để đảm bảo cung cấp nước đáp ứng cho nhu cầu tưới, tiêu chủ động trong sản xuất và dân sinh.
2.2.2. Nhiệm vụ
- Giai đoạn 2011 - 2015
+ Hoàn thiện công trình hồ chứa nước Lọng Luông dung tích 1 triệu m3 và công trình thủy lợi bản Bua;
+ Sửa chữa 0,8 km kênh cấp III khu vực bản Che Căn;
+ Cứng hóa 6,8 km kênh cấp III và hệ thống đập dâng; (Công trình thủy lợi bản Khẩu Cắm, công trình thủy lợi Phiêng Ma Lông, công trình thủy lợi Na Cổng Bản, công trình thủy lợi bản Phăng 2, thủy lợi bản Khá);
- Giai đoạn 2016 - 2020
+ Tiếp tục đầu tư cứng hóa 14 công trình thủy lợi với 11,2 km kênh cấp III và hệ thống đập dâng nước;
2.3. Quy hoạch hệ thống điện
2.3.1. Mục tiêu
Phấn đấu đảm bảo 100% các hộ dân được sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất thường xuyên và an toàn;
2.3.2. Quy hoạch cấp điện
- Nguồn điện của xã được lấy từ lộ 373 trạm 110 kV Điện Biên
- Trong giai đoạn 2011 - 2015 cần phải cải tạo nâng cấp 2 trạm biến áp có công suất 50 KVA lên 75 kVA đặt tại bản Đông Mệt, bản Nghịu;
- Xây dựng mới 2 trạm biến áp có tổng công suất 150 kVA đạt tại bản Hả 01 và 01 trạm đặt tại bản Sáng do nguồn vốn Ngân hàng Châu Á (ADB);
- Xây dựng 9,3 km đường dây hạ áp cung cấp điện cho các bản trên và cho bản Phăng 3;
- Giai đoạn 2020 xây dựng 01 trạm biến áp để cung cấp điện cho 02 bản Pá Trả và bản Co Líu;
3. Quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội
3.1. Quy hoạch khu trung tâm xã: Trên cơ sở khu trung tâm hiện tại, quy hoạch chỉnh trang một số công trình như: chợ, nhà văn hóa xã, trạm y tế, trụ sở UBND và bưu điện đảm bảo đạt chuẩn quốc gia. Quy hoạch mới khu thể dục thể thao văn hóa xã;
3.1.1. Trụ sở UBND xã
Giữ nguyên hiện trạng nhà làm việc hai tầng UBND xã; sửa chữa 1 nhà cấp IV gồm 4 gian hiện đang sử dụng làm việc; xây dựng thêm 1 nhà 2 tầng với 8 phòng làm việc trong khu đất đã quy hoạch;
3.1.2. Bưu điện văn hóa xã
Quy hoạch giữ nguyên hiện trạng điểm bưu điện văn hóa xã, duy trì hoạt động để phục vụ nhu cầu văn hóa, cung cấp thông tin cho nhân dân; phát triển các điểm dịch vụ Internet xuống các bản.
3.1.3. Nhà văn hóa và trung tâm thể dục, thể thao
- Nhà văn hóa xã: Trên cơ sở nhà văn hóa hiện có đầu tư xây dựng hệ thống các công trình nhà vệ sinh, bê tông hóa 100 m2 sân và các trang thiết bị phục vụ biểu diễn.
- Trung tâm thể dục, thể thao: Quy hoạch chuyển đổi diện tích 0,4 ha trên diện tích ruộng 1 vụ tại vị trí giáp ngã 3 đường đi Nà Tấu.
3.1.4. Chợ trung tâm
- Giai đoạn 2011 – 2015: Tổ chức khôi phục lại hoạt động của chợ hiện tại;
- Giai đoạn 2016 -2020: Trên cơ sở chợ hiện có nâng cấp, cải tạo mở rộng về phía suối Nậm Phăng để đảm bảo quy mô diện tích chợ đạt 1.500m2; xây dựng thêm quầy bán hàng hệ thống nhà để xe, nhà vệ sinh, rãnh thoát nước đạt tiêu chuẩn chợ loại III.
3.1.5. Trạm y tế
Trên cơ sở trạm y tế hiện tại đầu tư một số nội dung sau:
- Về cơ sở hạ tầng: Cần tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà trạm và công trình phụ trợ như nhà bếp, nhà kho, bể nước, nhà vệ sinh.
- Về trang thiết bị: Đầu tư mua sắm, nâng cấp một số dụng cụ cơ bản để thực hiện việc khám, điều trị cho bệnh nhân, một số loại máy xét nghiệm đơn giản và các trang thiết bị khám, điều trị sản phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình, đỡ đẻ, cấp cứu sơ sinh và chăm sóc trẻ em.
- Về con người: Xây dựng kế hoạch đào tạo 01 bác sỹ, 01 cán bộ y học cổ truyền chuyên trách.
3.2. Trường học
3.2.1. Mục tiêu: Phấn đấu đến 2015 xóa bỏ 100% điểm trường tạm và đến năm 2020 phấn đấu > 70% các cấp trường đều có cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc gia.
3.2.2. Trường trung học cơ sở
- Quy hoạch chỉnh trang cải tạo trường hiện tại, mở rộng diện tích sân chơi bãi tập;
- Xây dựng mới: 6 phòng học, 2 phòng chức năng, 9 phòng công vụ, 10 phòng bán trú và công trình nhà vệ sinh cho học sinh, giáo viên trên diện tích đất quy hoạch xây dựng trường;
3.2.3. Trường tiểu học
- Trường tiểu học số 1 Mường Phăng: Quy hoạch giữ nguyên hiện trạng, hàng năm duy tu;
- Trường tiểu học số 2 Mường Phăng: Quy hoạch xây dựng mới 6 phòng học kiên cố thay thế phòng tạm, nhà Ban giám hiệu và 02 công trình vệ sinh cho giáo viên, học sinh, các công trình phụ trợ kèm theo.
- Trường tiểu học số 3 Mường Phăng: Quy hoạch xây dựng 8 phòng học kiên cố thay thế phòng học tạm, nhà Ban giám hiệu, 02 công trình vệ sinh cho giáo viên, học sinh và các công trình phụ trợ khác;
- Trường tiểu học bản Vang: Quy hoạch xây dựng mới 10 phòng học, 02 phòng chức năng và 02 công trình vệ sinh cho giáo viên, học sinh;
3.2.4. Trường mầm non
- Trường mầm non Mường Phăng: Quy hoạch giữ nguyên vị trí cũ, xây dựng mới 10 phòng học (thay thế phòng học tạm và 3 phòng mới). Xây dựng mới công trình nhà bếp, nhà vệ sinh và các công trình phù trợ khác;
- Trường mầm non số 2: Quy hoạch tại giữ nguyên vị trí cũ, xây dựng mới 11 phòng học (thay thế 8 phòng học tạm, 03 phòng học mới). Xây dựng nhà bếp, công trình vệ sinh và các công trình phụ trợ khác;
- Trường mầm non số 3 Mường Phăng: Quy hoạch xây dựng mới đặt tại bản Lọng Luông II (trên cơ sở chia tách trường mầm non số 1 và các điểm trường). Quy mô xây dựng 10 phòng học, 3 phòng Ban giám hiệu, nhà bếp và các công trình phụ trợ khác.
- Trường mầm non số 4 Mường Phăng: Quy hoạch xây dựng mới đặt tại bản Vang (trên cơ sở chia tách từ trường mầm non số 2 và các điểm trường). Quy mô 10 phòng học, 3 phòng Ban giám hiệu và các công trình phụ trợ.
- Xây dựng mới 12 điểm trường (điểm Lọng Nghịu, Co Luống, Điểm bản Khá, điểm Co Líu, điểm Phăng 1, điểm Khẩu Cắm, điểm bản Nghịu, bản Hả, bản Bó, bản Co Cượm, Pá Trả, Pú Sung). Mỗi điểm trường 3 phòng gồm: 02 phòng học và 01 phòng công vụ và hệ thống sân chơi, công trình vệ sinh, tường bao;
3.3. Quy hoạch các hạng mục vệ sinh môi trường
3.3.1. Nước sinh hoạt: Quy hoạch xây dựng hệ thống bể lọc cho công trình nước sạch 19 bản và nâng cấp tu sửa 4 công, xây dựng mới 3 công trình với chiều dài đường dẫn nước khoảng 5 km; tại các bản: bản Công, bản Yên 1, 2, bản Co Líu, bản Cang 1, 2, 3, 4.
3.3.2. Vệ sinh môi trường nông thôn
a) Thu gom xử lý rác
- Quy hoạch điểm xử lý rác: Quy hoạch 01 bãi xử lý rác thải tại khu bản Lọng Luông giáp ranh xã Na Tấu với quy mô 3,0 ha.
- Thu gom xử lý rác thải
+ Đối với các khu dân cư: Mỗi khu dân cư quy định 1 điểm đổ rác tập trung, diện tích tuỳ thuộc vào từng khu dân cư, trung bình từ 150 - 200 m2/điểm.
+ Đối với các hộ dân: Mỗi hộ phải có 2 thùng rác để phân loại thành rác vô cơ, rác hữu cơ. Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng bể biogas cho hộ dân để tận dụng chất thải từ chăn nuôi làm chất đốt hạn chế việc sử dụng củi.
+ Đối với các trường, cơ quan, chợ, khu du lịch đặt các thùng rác công cộng và hướng dẫn đổ rác đúng nơi quy định;
- Tổ chức thực hiện: Tuỳ thuộc vào số lượng dân cư, sự phân bố để thành lập 01 – 02 tổ thu gom, xử lý rác. Tổ có nhiệm vụ thu gom rác từ các bản về nơi đổ rác tập trung tại nơi quy định.
b) Xử lý nước thải: Nước thải từ khu dân cư, các điểm dịch vụ được xử lý sau đó được thoát chung với hệ thống thoát nước mưa trên các trục đường giao thông trước khi đổ ra suối.
c) Nhà vệ sinh nông thôn
- Đối với các trường học, trụ sở, chợ, các bản quy hoạch du lịch văn hóa và các điểm du lịch xây dựng nhà vệ sinh công cộng tự hoại theo tiêu chuẩn của Bộ y tế.
- Đối với các hộ gia đình nhà vệ sinh được bố trí cùng với khu chuồng trại cách nhà ở tối thiểu 5 m, trồng cây xanh làm hàng rào che chắn. Tuỳ thuộc vào điều kiện nước sinh hoạt của hộ gia đình để xây dựng nhà vệ sinh tự hoại hoặc nhà vệ sinh hai ngăn.
d) Quy hoạch hệ thống cây xanh: Quy hoạch 2 điểm trồng cây xanh với diện tích khoảng 2 ha thuộc khu đài tưởng niệm và khu trung tâm thể dục thể thao. Duy trì bảo vệ hệ thống cây xanh trong các khu dân cư tại bản Yên, Lọng Luông; trồng bổ sung trong các trường học, cơ quan, bên đường giao thông.
3.3.3. Quy hoạch nghĩa trang nhân dân: Quy hoạch 01 điểm nghĩa trang mới cho bản Đông Mệt, yêu cầu khu nghĩa trang mới phải nằm cách xa khu dân cư, nguồn nước sinh hoạt, suối tối thiểu 500 m và thuộc các khu rừng bản quản lý tại những nơi yên tĩnh, cao ráo
4. Quy hoạch khu dân cư: Trên cơ sở 7 cụm dân cư hiện tại quy hoạch cải tạo,
chỉnh trang các khu dân cư cho phù hợp, thuận tiện trong sinh hoạt. Quy hoạch mở rộng cụm dân cư số 2 về phía ngã 3 bản Hả 1, bản Bó để di chuyển 2 bản (Hả 2 và bản Co Muông) ra khỏi đất quốc phòng và đủ dung nạp thêm 50 hộ mới theo hạn mức quy định đất ở.
Trong đó:
+ Khu vực bản Hả 1 dung nạp 26 hộ từ bản Hả 2 di chuyển đến và 50 hộ dự phòng;
+ Khu vực bản Bó dung nạp 22 hộ từ bản Co Muông chuyển đến;
III. Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và giữ vững an ninh trật tự
1. Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị
- Tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chính trị cho những cán bộ hiện đang công tác với tổng số 55 lượt người;
- Đào tạo về chính trị từ sơ cấp đến trung cấp: 33 cán bộ;
- Đào tạo chuyên môn từ trung cấp trở lên: 22 cán;
- Củng cố hệ thống chính trị cơ sở: Kiện toàn 4 Chi bộ đảng tại 4 bản (Bản Hả 2, bản Sáng, bản Pá Trả, bản Co Khô) đảm bảo 47/47 bản có đủ hệ thống chính trị;
- Quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận và xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng;
- Đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
2. Đảm bảo an ninh trật tự xã hội
- Hàng năm Đảng ủy xã có Nghị quyết, UBND xã có kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh trật tự;
- Tổ chức có hiệu quả các chủ trương, biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự và “ ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”.
- Xây dựng củng cố lực lượng công an xã ngày càng trong sạch vững mạnh, kiện toàn lại đội an ninh tự quản cấp thôn bản. Hàng năm đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng tổ chức, bản làng đảm bảo an ninh, trật tự.
- Phối hợp với cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động.
- Làm tốt công tác hộ tịch hộ khẩu, tạm trú tạm vắng;
- Phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các cơ quan đóng trên địa bàn tuyên truyền, giữ vững an ninh trật tự.
IV. Vốn và nguồn vốn đầu tư
1. Tổng vốn đầu tư, hỗ trợ dự tính là: 445.128 triệu đồng;
- Vốn lập quy hoạch: 400 triệu đồng; chiếm 0,1%
- Vốn đầu tư xây dựng: 358.439 triệu đồng; chiếm 80,6%;
- Vốn phát triển sản xuất: 44.308 triệu đồng; chiếm 9,9%;
- Vốn hỗ trợ đào tạo: 1.515 triệu đồng; chiếm 0,3%;
- Vốn dự phòng (10%): 40.466 triệu đồng; chiếm 9,1%
(chi tiết có biểu kèm theo)
2. Phân theo nguồn vốn
2.1. Vốn Ngân sách Nhà nước: 191.548 triệu đồng; chiếm 43,0%;
- Vốn nông thôn mới: 85.083 triệu đồng;
- Vốn trái phiếu chính phủ: 106.865 triệu đồng;
2.2. Vốn đóng góp của dân: 46.436 triệu đồng; chiếm 10,4%;
2.3. Vốn lồng ghép: 93.311 triệu đồng; chiếm 20,9%;
2.4. Vốn doanh nghiệp: 27.830 triệu đồng; chiếm 6,3%;
2.5. Vốn tín dụng: 86.004 triệu đồng; chiếm 19,3%.
3. Phân kỳ vốn đầu tư
3.1. Giai đoạn 2011 - 2015: 128.908 triệu đồng
- Vốn lập quy hoạch: 400 triệu đồng;
- Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: 98.019 triệu đồng;
- Vốn phát triển sản xuất: 19.256 triệu đồng;
- Hỗ trợ đào tạo: 469 triệu đồng;
- Dự phòng vốn: 10.764 triệu đồng.
3.2. Giai đoạn 2016 - 2020: 326.720 triệu đồng
- Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: 270.920 triệu đồng;
- Vốn phát triển sản xuất: 25.052 triệu đồng;
- Hỗ trợ đào tạo: 1.047 triệu đồng;
- Vốn dự phòng: 29.702 triệu đồng;
V. Một số giải pháp để thực hiện quy hoạch
1. Giải pháp tuyên truyền, vận động
- Tổ chức phát động, tuyên truyền, vận động sâu rộng thông qua các phương tiện truyền thông công cộng thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới nhằm huy động sức mạnh tổng thể, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại của nhân dân đối với nhà nước;
- Đẩy mạnh phong trào phát động thi đua xây dựng nông thôn mới cho toàn nhân dân. Coi việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của các ngành các cấp và người dân.
- Hàng năm gắn việc xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua và lấy đó làm tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá thi đua hàng năm đối với cán bộ, nhân dân cấp cơ sở.
2. Thực hiện tốt lồng ghép các nguồn vốn và huy động vốn
- Thực hiện việc lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình, mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ trên địa bàn như: Chương trình giảm nghèo, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, chương trình giáo dục đào tạo... để thực hiện.
- Huy động tối đa nguồn lực của địa phương thông qua các nguồn thu như: Từ tiền cho thuê sử dụng đất, thuê dịch vụ môi trường rừng, tiền thuế...;
- Huy động vốn đầu tư của các Doanh nghiệp vào sản xuất: Với những hoạt động sản xuất cần nguồn vốn lớn như chăn nuôi trang trại, trồng hoa tập trung, trồng rừng sản xuất cần huy động vốn doanh nghiệp thông qua hình thức liên danh, liên kết hoặc góp cổ phần bằng giá trị sử dụng đất.
- Đóng góp của nhân dân: Căn cứ vào từng dự án cụ thể, điều kiện kinh tế địa phương để huy động nhân dân đóng góp bằng nhiều hình thức: Góp công, hiến đất, góp thêm kinh phí.
- Huy động từ các nguồn khác: Mường Phăng là một xã lịch sử có căn cứ cách mạng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ anh hùng do đó thông qua hoạt động du lịch kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ quỹ tôn tạo di tích.
- Sử dụng hiệu quả tiết kiệm các nguồn vốn bằng việc lựa chọn các dự án thực hiện, kiểm soát chặt chẽ, công khai nguồn thu và chi.
3. Giải pháp về đất đai
- Thu hồi diện tích rừng và đất rừng đã giao cho các tổ chức, cá nhân giao lại cho Ban quản lý rừng Mường Phăng để quản lý bảo vệ rừng. Tiến hành điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn xã.
- Thực hiện việc giao đất, giao rừng, cho cộng đồng bản đối với diện tích rừng sản xuất để cộng đồng bản quản lý, bảo vệ và sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ có diện tích đất thuộc khu vực chăn nuôi tập trung.
- Đối với đất sản xuất nông nghiệp thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống kênh, mương và đường nội đồng. Vận động các hộ gia đình góp đất sản xuất để xây dựng mở rộng hệ thống đường nội đồng.
4. Đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật
- Đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã với tổng số 55 lượt người;
- Đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho trạm y tế 3 người; trong đó đào tạo bác sỹ 01 người, đào tạo y sỹ 01, y tá 01;
- Phối hợp với cơ sở dạy nghề tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nghề, khôi phục một số nghề truyền thống cho lao động với số lượng 800 người;
- Tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và xây dựng mô hình trình diễn về sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản cho nông dân. Gắn công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật với thị trường.
5. Giải pháp về tổ chức thực hiện
5.1. Thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng nông thôn mới cấp xã
- Thành phần bao gồm: Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban; Lãnh đạo Ban quản lý rừng Mường Phăng làm phó ban; Trưởng các Ban ngành, đoàn thể xã và các trưởng bản là thành viên;
- Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới: Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm; tiếp nhận và huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới; tổ chức cho người dân và cộng đồng thực hiện chương trình. Thực hiện kiểm tra giám sát và đánh giá kết quả thực hiện theo các tiêu chí; bổ sung điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với điều kiện của xã.
5.2. Phương pháp triển khai
- Căn cứ vào 19 tiêu chí, Ban chỉ đạo tham khảo ý kiến nhân dân lựa chọn những tiêu chí để thực hiện trước, trên cơ sở tiêu chí dễ triển khai, dễ thực hiện kinh phí sử dụng ít đưa ra thực hiện trước.
- Thực hiện triển khai theo phương pháp làm điểm đối với từng nội dung, từng bản sau đó rút kinh nghiệm rồi mới tiến hành triển khai rộng. Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm ngư nghiệp xây dựng cánh đồng mẫu.
Điều 2. Tên dự án được phê duyệt tại Điều 1, Quyết định này thay thế cho tên dự án: Quy hoạch Nông nghiệp, Nông thôn xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên 2011-2020 đã phê duyệt tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 15/9/2010 của UBND tỉnh Điện Biên.
Căn cứ Quyết định này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ dự án và hướng dẫn, chỉ đạo UBND huyện Điện Biên để tổ chức triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
UBND huyện Điện Biên có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án; đồng thời hàng năm báo cáo kế hoạch triển khai thực hiện gửi các ngành liên quan tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn để tổ chức thực hiện.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở ngành thành viên ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.