UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 161/2006/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 8 tháng 9 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG DANH HIỆU “NHÀ DOANH NGHIỆP GIỎI HÀ NỘI”
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Theo đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét tặng danh hiệu “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội”.
Điều 2. Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị doanh nghiệp và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
XÉT TẶNG DANH HIỆU “NHÀ DOANH NGHIỆP GIỎI HÀ NỘI”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 161/2006/QĐ-UBND ngày 8/9/2006 của UBND thành phố Hà Nội)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Danh hiệu “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội” là hình thức khen thưởng, tôn vinh của UBND thành phố Hà Nội đối với người lãnh đạo trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Bản Quy chế này quy định về tiêu chuẩn và quy trình xét tặng Danh hiệu “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội”.
Điều 3. Đối tượng xét tặng
Tổng Giám đốc, Giám đốc các tổng công ty, công ty, công ty TNHH nhà nước một thành viên, công ty cổ phần, công ty TNHH và chủ các doanh nghiệp tư nhân, Chủ nhiệm HTX bao gồm doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn 100% nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh có đăng ký hoạt động và nộp nghĩa vụ ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chương II
TIÊU CHUẨN DANH HIỆU “NHÀ DOANH NGHIỆP GIỎI HÀ NỘI”
Điều 4. Tiêu chuẩn đối với Doanh nghiệp
1. Về chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh: Doanh nghiệp có mức tăng trưởng nhanh.
- Doanh thu hàng năm tăng từ 15% trở lên (nếu là Tổng Công ty doanh thu hàng năm tăng từ 10% trở lên, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tăng từ 20% trở lên);
- Thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và các khoản nộp khác theo chế độ Nhà nước quy định, năm sau nộp cao hơn năm trước ít nhất 15%;
- Tỷ suất lợi nhuận thực hiện/vốn chủ sở hữu đạt 10% trở lên.
- Không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1.
- Không vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Về lĩnh vực khoa học, công nghệ: Áp dụng các hình thức quản lý chất lượng tiên tiến, thường xuyên áp dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động.
3. Về lao động và môi trường lao động: Lao động có việc làm thường xuyên, ổn định, đời sống không ngừng được cải thiện, mức lương ít nhất gấp 4 lần mức lương tối thiểu hiện hành. Môi trường lao động thực hiện đúng quy định, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ .v.v.
4. Về tổ chức Đảng, đoàn thể:
- Doanh nghiệp Nhà nước (bao gồm cả Công ty cổ phần nhà nước chi phối, Công ty TNHH nhà nước một thành viên) có tổ chức Đảng, đoàn thể. Tổ chức Đảng đạt trong sạch vững mạnh. Các tổ chức đoàn thể họat động có hiệu quả được các cấp khen thưởng.
- Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, HTX có tổ chức Công đoàn. Tổ chức Công đoàn họat động có hiệu quả được các cấp khen thưởng.
5. Về công tác từ thiện xã hội: Doanh nghiệp tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội như nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, tham gia đóng góp quỹ từ thiện xã hội .v.v. Hàng năm tham gia đóng góp tất cả các hình thức từ 50.000.000 đ (năm mươi triệu đồng) trở lên.
6. Về công tác thi đua, khen thưởng: Doanh nghiệp tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do thành phố phát động. Trước thời điểm xét tặng Danh hiệu, 3 năm liên tục Doanh nghiệp được tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng của Trung ương hoặc Thành phố (Cờ thi đua, huân chương, bằng khen, …), hoặc thương hiệu, sản phẩm được bình chọn và công nhận (Cúp luân lưu, Sao vàng đất việt …).
Điều 5. Tiêu chuẩn của cá nhân được xét tặng Danh hiệu:
Cá nhân được xét tặng Danh hiệu “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội” phải có các tiêu chuẩn sau:
1. Có thời gian giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp, Chủ nhiệm HTX từ 3 năm trở lên.
2. Trong 3 năm liên tục (tính từ thời điểm xét tặng), Tổng Giám đốc, Giám đốc, Chủ nhiệm HTX đạt được một trong các danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng của Trung ương hoặc Thành phố (Doanh nghiệp tư nhân được tính cả hình thức khen thưởng là giấy khen của các Sở, ngành, quận, huyện).
3. Bản thân tích cực tham gia công tác xã hội và cùng gia đình chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước (được chính quyền phường, xã, thị trấn xác nhận).
Chương III
THỦ TỤC HỒ SƠ, QUY TRÌNH XÉT TẶNG
Điều 6. Thủ tục hồ sơ đề nghị xét tặng
Danh hiệu “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội” được xét tặng vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hàng năm. Ban Thi đua-Khen thưởng Thành phố gửi thông báo bằng văn bản tới các tổng công ty, công ty, hợp tác xã vào đầu tháng 8 để các đơn vị đăng ký đề nghị xét tặng Danh hiệu. Hồ sơ đăng ký đề nghị xét tặng gồm:
1. Công văn của đơn vị đề nghị UBND Thành phố (thông qua Ban Thi đua-Khen thưởng Thành phố) xét tặng Danh hiệu “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội”;
2. Báo cáo thành tích của cá nhân (theo mẫu);
3. Xác nhận thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và các khoản nộp khác theo chế độ Nhà nước quy định;
4. Xác nhận của chính quyền (phường, xã, thị trấn) nơi cá nhân cư trú về chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của cá nhân và gia đình.
Điều 7. Quy trình xét tặng
Thành lập Hội đồng Tư vấn xét tặng Danh hiệu “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội” gồm: Ban Thi đua-Khen thưởng Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Thống kê, Sở Công nghiệp, Sở Xây dựng, Sở Thương mại, và một số Sở chuyên ngành khác liên quan. Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn. Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố và Phó Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, là Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn.
Ban Thi đua-khen thưởng Thành phố là cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn, căn cứ vào từng lĩnh vực xét tặng để mời các Sở, ngành liên quan tham gia Hội đồng tư vấn.
Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét, lựa chọn những cá nhân đủ tiêu chuẩn tặng Danh hiệu đề nghị UBND Thành phố quyết định. Các Sở, ngành tham gia Hội đồng tư vấn có trách nhiệm nhận xét, đánh giá, lựa chọn những cá nhân đủ tiêu chuẩn xét tặng Danh hiệu bằng văn bản gửi Ban TĐ-KT Thành phố để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
Chương IV
HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG, ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Hình thức khen thưởng
Cá nhân là “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội” được:
- UBND Thành phố tặng Bằng Công nhận “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội”, kèm theo mức thưởng là 2.000.000đ (hai triệu đồng) trích trong Quỹ khen thưởng của Thành phố.
- Tôn vinh, biểu dương, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của Thành phố.
Điều 9. Điều khoản thi hành
Danh hiệu “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội” được tổ chức xét tặng hàng năm. Cá nhân được tặng Danh hiệu “Nhà Doanh nghiệp giỏi Hà Nội” thì 2 năm sau được xét tặng lại.
Ban Thi đua-khen thưởng Thành phố có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.