BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1605/TC-QĐ | Hà Nội , ngày 25 tháng 7 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM THIẾT KẾ VÀ TU BỔ DI TÍCH
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN
Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 8 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá thông tin.
Căn cứ Quyết định số 3127/TC-QĐ ngày 9-10-1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin về chức năng nhiệm vụ của trung tâm thiết kế và tu bổ di tích.
Xét đề nghị của các đồng chí Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và Giám đốc trung tâm thiết kế và tu bổ di tích.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế hoạt động của Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích.
Điều 2: Bản quy chế ban hành kèm theo Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành, các văn bản trước đây có nội dung trái với bản quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các đồng chí Chánh văn phòng bộ, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Vụ trưởng Vụ tài chính kế toán, Giám đốc trung tâm thiết kế và tu bổ di tích và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Lưu Trần Tiêu (Đã ký) |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM THIẾT KẾ VÀ TU BỔ DI TÍCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1605 TC-QĐ ngày 25-7-1996 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin)
Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích là đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Văn hoá thông tin, có chức năng nghiên cứu về bảo tồn các di tích (động sản và bất động sản) trong phạm vi cả nước.
Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích hoạt động theo cơ chế sự nghiệp có thu, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước.
Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích được giao những nhiệm vụ chính sau đây:
- Thiết kế tu bổ các di tích theo kế hoạch của Bộ văn hoá thông tin (Cục bảo tồn bảo tàng); tham gia tư vấn, thẩm định các dự án và quá trình thực thi các dự án.
- Nghiên cứu, xây dựng và lữu trữ hồ sơ khoa học về các di tích (động sản, bất động sản) phục vụ công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo và giới thiệu di tích.
- Khảo sát và lập dự án quy hoạch tổng thể, dự án đầu tư tu bổ và tôn tạo di tích đặc biệt quan trọng và các di tích khác theo kế hoạch của Bộ.
- Nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu và thực nghiệm các công thức, quy trình công nghệ bảo quản di tích; nghiên cứu và đề xuất các vi phạm và định mức kinh tế kỹ thuật trong tu bổ di tích; nghiên cứu và thi công thực nghiệm các kỹ thuật truyền thống và các kỹ thuật mới trong tu bổ di tích.
- Tham gia đào tạo sau đại học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, đào tạo cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật chuyên ngành.
- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo quản, tu bổ di tích.
- Quản lý tài sản, tài chính và cán bộ nhân viên của trung tâm theo đúng chính sách, chế độ hiện hành của Nhà nước và quy định của Bộ Văn hoá thông tin.
Chương 1:
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ
Điều 1: Cơ cấu tổ chức của các bộ phận trung tâm:
1- Giám đốc và Phó giám đốc
2- Phòng hành chính tổng hợp 3- Phòng thiết kế và tư liệu 4- Phòng thí nghiệm bảo quản
5- Xưởng thực nghiệm bảo quản và tu bổ
6- Ngoài biên chế được Bộ giao, Trung tâm sử dụng biên chế mềm: các tư vấn, các cán bộ khoa học kỹ thuật và các lao động khác theo chế độ hợp đồng.
Điều 2: Chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các bộ phận:
1- Giám đốc:
Giám đốc quản lý điều hành và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về toàn bộ hoạt động của trung tâm, theo Quyết định số 3127/TC-QĐ ngày 09-10-1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin, các văn bản pháp quy của Nhà nước, các quy chế nội bộ. Giám đốc trực tiếp quản lý các khâu kế hoạch - tài vụ, tổ chức, các hoạt động khoa học - kỹ thuật và chuyên môn của cơ quan.
Phó Giám đốc giúp Giám đốc điều hành hoạt động cơ quan, trực tiếp quản lý các khâu công tác được Giám đốc giao, thay mặt Giám đốc khi được uỷ quyền.
2- Phòng hành chính tổng hợp:
a) Công tác tổ chức cán bộ: giúp giám đốc về các mặt tuyển dụng và điều động; sắp xếp, đề bặt, nâng lương, giải quyết các chế độ chính sách về lao động, tiền lương, thương binh xã hội...
b) Công tác tổng hợp, kế hoạch: giúp giám đốc xây dựng các kế hoạch công tác; tổng hợp phân tích tình hình hoạt động của trung tâm; soạn thảo các hợp đồng và theo dõi thực hiện hợp đồng.
c) Công tác kế toán - tài vụ: chịu trách nhiệm về quản lý tài chính, tài sản của cơ quan, đảm bảo việc thu và chi theo các tài khoản ngân sách và tài khoản vãng lai; đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ về mặt tài chính của công chức, viên chức đúng chế độ; theo dõi và tổng hợp tình hình thu - chi báo cáo giám đốc.
d) Công tác hành chính quản trị: văn thư, lưu trữ, lễ tân quản lý tài sản và nhà cửa, phương tiện đi lại, bảo vệ cơ quan.
3- Phòng thiết kế và tư liệu:
a) Sưu tầm, xây dựng, bảo quản và cung cấp các hồ sơ khoa học, các tư liệu có liên quan đến di tích; nghiên cứu di tích về các mặt lịch sử, văn hoá, kiến trúc và mĩ thuật phục vụ cho việc xây dựng các dự án và việc lập các hồ sơ thiết kế kỹ thuật.
b) Khảo sát và lập các dự án quy hoạch tổng thể, các dự án đầu tư tu bổ và tôn tạo di tích; lập các hồ sơ thiết kế kỹ thuật của các di tích đặc biệt quan trọng và các di tích khác theo kế hoạch và hợp đồng do Giám đốc Trung tâm giao.
c) Tư vấn và tham gia thẩm định các dự án quy hoạch tổng thể và các dự án đầu tư tu bổ và tôn tạo di tích do các đơn vị khác thực hiện; tư vấn trong việc giám sát kỹ thuật thực thi các dự án tu bổ và tôn tạo di tích.
d) Xây dựng các quy phạm, định mức trong tu bổ, tôn tạo các di tích.
4- Phòng thí nghiệm bảo quản:
Nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu, thực nghiệm các công thức và quy trình bảo quản di tích (động sản và bất động sản) bằng các biện pháp hoá lý. Nhiệm vụ cụ thể là:
a) Nghiên cứu các đặc điểm tình trạng bảo quản của các hiện vật và các di tích có nguồn gốc hữu cơ và vô cơ; xây dựng sưu tập các mẫu vật.
b) Nghiên cứu hoặc tổ chức phối hợp nghiên cứu các công thức và các quy trình kỹ thuật bảo quản các chất liệu, vật liệu của di vật và di tích; sản xuất thử nghiệm các hoá chất sử dụng cho bảo quản di tích; soạn thảo các hướng dẫn về bảo quản di vật và di tích.
c) Tham gia xây dựng các dự án đầu tư tu bổ và tôn tạo di tích.
5- Xưởng thực nghiệm bảo quản và tu bổ:
a) Nghiên cứu và phục hồi các quy trình kỹ thuật truyền thống hoặc quy trình kỹ thuật thay thế sử dụng trong phục chế các di vật và di tích.
b) Thi công thực nghiệm bảo quản và phục chế các di vật và di tích có giá trị đặc biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao, sử dụng các nghệ nhân và kỹ thuật viên có trình độ tương ứng.
6- Hội đồng khoa học kỹ thuật:
Hội đồng thực hiện vai trò tư vấn khoa học kỹ thuật và chuyên ngành cho giám đốc, nhằm đảm bảo hiệu quả và chất lượng cao cho các công trình nghiên cứu, tư vấn và thực nghiệm của trung tâm.
Thành phần Hội đồng:
- Chủ tịch: Giám đốc
- Thư ký khoa học
- Các trưởng phòng chuyên môn
- Các chuyên gia bên ngoài được mời
Điều 3: Quan hệ lãnh đạo, quản lý khác trong trung tâm như chi uỷ - Ban chấp hành công đoàn và các tổ chức quần chúng khác tham gia quản lý, song không trực tiếp Quyết định các công việc thuộc thẩm quyền của Giám đốc.
Chương 2:
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM
Điều 4: Căn cứ Quyết định số 3127/TC-QĐ ngày 09-10-1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin, Trung tâm hoạt động theo các nội dung sau:
a) Nghiên cứu lập dự án đầu tư tu bổ và tôn tạo các di tích.
b) Khảo sát, đánh giá hiện trạng và nguyên nhân xuống cấp các di tích. Thiết kế và lập dự toán tu bổ, tôn tạo các di tích và các công trình văn hoá có giá trị lịch sử, các công trình trong quần thể di tích và các công trình dân dụng khác có liên quan.
c) Tham gia thẩm định các dự án đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo các di tích, các dự án quy hoạch tổng thể, các thiết kế tu bổ tôn tạo di tích.
d) Tư vấn đấu thầu, chọn thầu và các hoạt động kinh tế về thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị xây lắp các di tích.
đ) Xây dựng các quy phạm, quy trình công nghệ, định mức kinh tế kỹ thuật bảo quản tu bổ di tích.
e) Thực hiện trang trí kiến trúc nội ngoại thất mang tính chất nghệ thuật đặc biệt, mang tính truyền thống dân tộc.
g) Xây dựng thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
h) Giám sát kỹ thuật và quản lý các dự án đầu tư tu bổ và tôn tạo di tích.
Các phần việc có tính chất sự nghiệp được giao cho các phòng hoặc trực tiếp cho chủ trì bằng phiếu giao việc và kế hoạch nghiên cứu được duyệt. Các phần việc không phải sự nghiệp được giao thông qua hợp đồng giao khoán nội bộ, được các phòng và giám đốc giám sát, kiểm tra chặt chẽ và được thanh - quyết toán phù hợp với kết quả kinh tế kỹ thuật thực hiện hợp đồng đó.
Điều 5: Giao việc nghiên cứu.
Các đề tài nghiên cứu sau khi được Bộ (hoặc Nhà nước ...) được Giám đốc giao trực tiếp cho chủ nhiệm đề tài hoặc phòng bằng phiếu giao việc. Các công việc khác cũng được Giám đốc giao trực tiếp cho các cán bộ thừa hành.
Chương 3:
LAO ĐỘNG VÀ TIỀN LƯƠNG
Điều 6: Trung tâm chăm lo, bồi dưỡng và chọn lọc đội ngũ để xây dựng lực lượng gọn nhẹ về số lượng, tinh về chất, hợp lý về cơ cấu và có thể phát triển linh hoạt khi cần thiết.
Ngoài số cán bộ cố định được Nhà nước và Bộ quy định, khi cần thiết trung tâm có thể sử dụng các cộng tác viên hoặc lao động bên ngoài bằng các hợp đồng lao động hoặc hợp đồng kinh tế - khoa học kỹ thuật, trên nguyên tắc thực hiện đúng Luật lao động và các văn bản hữu quan hiện hành của Nhà nước.
Điều 7: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng kinh tế do giám đốc ký hoặc người phụ trách ký, giám đốc duyệt.
Những công việc có tính chất chung hoặc gọn một đề tài do giám đốc ký trực tiếp. Những công việc có tính chất lấy thêm nhân lực (có kỹ thuật) thì người phụ trách công việc đó phải trực tiếp ký và giám đốc ký duyệt.
Điều 8: Trung tâm trả lương trực tiếp cho:
- Cho cán bộ công nhân viên hưởng lương sự nghiệp.
- Cho lao động khác (khi tham gia thực hiện hợp đồng kinh tế) thì thực hiện trả lương theo Nghị định 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ (không được để người phụ trách công việc đó chi trả). Về điều này còn liên quan đến khâu theo dõi, hạch toán, kế toán bắt buộc phải thực hiện hạch toán riêng... trên cơ sở đó mới có cơ sở chi trả lương cho hợp đồng. Trong trường hợp công trình ở xa, giám đốc có thể uỷ quyền cho người phụ trách tạm ứng tiền lương cho người lao động nhưng phải được tổng hợp theo dõi chung của trung tâm.
Điều 9: Trung tâm thực hiện đầy đủ chế độ nghỉ phép, chế độ làm thêm giờ, kiêm nhiệm, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác đối với công chức và người lao động của cơ quan.
Mọi công chức và những người lao động có đủ tiêu chuẩn nghỉ phép năm, phải có kế hoạch nghỉ phép trong năm đó; báo cáo với giám đốc, phòng quản lý trực tiếp và phòng hành chính tổng hợp. Phép năm nào thực hiện trong năm đó, không được để cộng dồn sang năm sau. Chỉ trường hợp do yêu cầu của giám đốc để hoàn thành gấp một công việc nào đó mà công chức không thể nghỉ phép trong năm thì được nghỉ phép tiếp sang năm sau và giải quyết trong quý I.
Chương 4:
TÀI CHÍNH
Điều 10: Trung tâm phải xây dựng kế hoạch tài chính nằm trên cơ sở kế hoạch tài chính quý, năm của các phòng, xưởng, ban. Trung tâm phải thực hiện đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ và nộp thuế với cơ quan thuế theo luật định.
Điều 11: Tạm ứng chi phí thiết kế, nghiên cứu.
- Kế hoạch nghiên cứu đề tài đã được thông qua giám đốc, được Bộ phê duyệt (để tài cấp Bộ) hoặc được Nhà nước phê duyệt (đề tài cấp Nhà nước) là căn cứ để tạm ứng. Kết quả nghiệm thu từng giai đoạn nghiên cứu được giám đốc duyệt là điều kiện được tạm ứng tiếp theo kế hoạch.
- Chứng từ để thanh toán thiết kế phí theo hợp đồng là biên bản nghiệm thu hồ sơ thiết kế, Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền và xác nhận đã nộp hồ sơ thiết kế (gồm thuyết minh, ảnh tư liệu, bản vẽ và dự toán và các văn bản liên quan khác) của bộ phận kế hoạch và tư liệu.
Điều 12: Nguồn tài chính thu được do hoạt động có thu được sử dụng theo quy định tại các thông tư số 01/TC/HCVX ngày 04-01-1994 và số 25 TC-TCT ngày 28-3-1994 của Bộ Tài chính.
Điều 13: Mọi tập thể và cá nhân có quản lý vật tư tài sản cố định của trung tâm đều phải chịu trách nhiệm vật chất; mất mát, hư hỏng phải bồi thường.
Chương 5:
MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH NỘI BỘ
Điều 14: Phụ cấp đi công tác chỉ thanh toán cho công chức, không làm theo hợp đồng đề tài nghiên cứu và công trình (thiết kế, thi công, bảo quản) theo chế độ quy định của Nhà nước. Các công chức đi công tác cho đề tài và các hợp đồng công trình thiết kế thi công thì công tác phí trích từ kinh phí khoán hoặc kế hoạch được duyệt.
Điều 15: Chi phí giao dịch tiếp khách.
- Chi phí tiếp khách thông thường của các phòng, xưởng được phòng hành chính tổng hợp quy định cụ thể.
- Chè thuốc tiếp khách của Ban giám đốc (hoặc người được uỷ quyền tiếp) do phòng hành chính đảm nhiệm và thực thanh hàng tháng.
- Chi phí giao dịch khác phải tiết kiệm và được giám đốc duyệt.
Điều 16: Trung tâm và công đoàn chăm lo giúp đỡ công chức, viên chức trong khả năng của mình, công chức, viên chức có khó khăn đột xuất được xét hưởng trợ cấp khó khăn đột xuất.
Điều 17: Sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định của Thông tư số 01/TC-HCVX và Thông tư số 25/TC-TCT của Bộ Tài chính, Trung tâm chủ động nguồn thu còn lại theo các thông tư trên nhưng quỹ khen thưởng không quá 3 tháng lương cơ bản.
Điều 18: Bản Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các văn bản trước đây có nội dung trái với quy định này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện bản Quy chế này nếu có gì không hợp lý thì giám đốc trung tâm sẽ tập hợp báo cáo Bộ để kịp thời bổ sung, sửa đổi.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.