UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2007/QĐ-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 05 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA TỈNH BÌNH DƯƠNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại văn bản số 05/TTr-TT ngày 11/01/2007 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 40/TTr-SNV ngày 24/01/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Thanh tra tỉnh Bình Dương.
Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 05/02/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí
Thanh tra tỉnh Bình Dương (sau đây gọi tắt là Thanh tra tỉnh) là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.
Điều 2. Chức năng
Thanh tra tỉnh có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lí nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lí nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn (được quy định tại Điều 18 của Luật Thanh tra) như sau:
- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân huyện, thị; của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh (gọi chung là sở).
- Thanh tra vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của nhiều Uỷ ban nhân dân huyện, thị; nhiều sở.
- Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
- Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
- Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng.
- Hướng dẫn công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính; phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan hướng dẫn chế độ chính sách, tổ chức biên chế đối với Thanh tra huyện, thị; Thanh tra của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh (gọi chung là Thanh tra sở).
- Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lí nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện, thị và Thanh tra sở.
3. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc hủy bỏ những quy định trái pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra.
4. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lí về thanh tra của Thanh tra tỉnh.
5. Tham gia với Uỷ ban nhân dân huyện, thị, sở và cơ quan, tổ chức hữu quan về cơ cấu tổ chức, biên chế, chế độ, chính sách đối với Thanh tra huyện, thị và Thanh tra sở.
6. Hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính đối với Thanh tra huyện, thị và Thanh tra sở.
Tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho Thanh tra viên của Thanh tra huyện, thị và Thanh tra sở.
7. Tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng nghiệp vụ thanh tra trong phạm vi quản lí nhà nước của Thanh tra tỉnh.
8. Trưng tập cán bộ, công chức thuộc cơ quan Thanh tra cấp dưới; yêu cầu cơ quan, đơn vị có liên quan cử cán bộ, công chức tham gia các Đoàn Thanh tra.
Điều 4. Quyền hạn của Thanh tra tỉnh
1. Thanh tra tỉnh có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
2. Được ban hành các văn bản hướng dẫn và kiểm tra các hoạt động về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lí của Thanh tra tỉnh theo quy định của pháp luật, của Thanh tra Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Quyết định theo thẩm quyền trong việc thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức thuộc quyền theo sự phân cấp quản lí cán bộ của tỉnh và theo quy định của Nhà nước về công tác cán bộ.
4. Được ban hành quy chế hoạt động trong nội bộ cơ quan để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn (được quy định tại Điều 19 của Luật Thanh tra) như sau:
- Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lí nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.
- Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Đề nghị Thủ trưởng cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh (gọi chung là Giám đốc sở), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị thanh tra trong phạm vi quản lí của sở, Uỷ ban nhân dân huyện, thị.
- Kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét trách nhiệm, xử lí người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lí của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lí người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lí của cơ quan, tổ chức đó.
- Kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Tổng Thanh tra.
- Xem xét những vấn đề mà Chánh Thanh tra sở không nhất trí với Giám đốc sở; Chánh Thanh tra huyện, thị không nhất trí với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị về công tác thanh tra và đề nghị Giám đốc sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xem xét lại; trường hợp Giám đốc sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị không xem xét hoặc đã xem xét nhưng Chánh Thanh tra tỉnh không nhất trí thì báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
- Lãnh đạo cơ quan Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra đối với Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện, thị, Thanh tra sở thuộc phạm vi quản lí của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thị.
3. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị; Giám đốc sở trong việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra thuộc phạm vi quản lí của Uỷ ban nhân dân huyện, thị; sở.
4. Kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lí việc chồng chéo, trùng lắp về chương trình, kế hoạch, nội dung thanh tra thuộc phạm vi quản lí nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh; tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ trưởng để xử lí việc chồng chéo, trùng lắp về chương trình, kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh.
5. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lí về thanh tra thuộc phạm vi trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị; Giám đốc sở.
6. Hướng dẫn, đôn đốc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị; Giám đốc sở thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra.
7. Báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Tổng Thanh tra về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.
8. Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị; Giám đốc sở trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
9. Trao đổi, thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị; Giám đốc sở trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra huyện, thị; Chánh Thanh tra sở và các chức danh Thanh tra.
Chương III
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ
Điều 6. Tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo
Thanh tra tỉnh có 01 Chánh Thanh tra và không quá 03 Phó Chánh Thanh tra. Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra. Phó Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh.
2. Các tổ chức giúp việc Chánh Thanh tra tỉnh
- Văn phòng
- Phòng Tổng hợp - Pháp chế - Chống tham nhũng
- Phòng Thanh tra kinh tế
- Phòng Thanh tra kinh tế văn xã
- Phòng Thanh tra xét khiếu tố
Văn phòng có 01 Chánh Văn phòng và 01 - 02 Phó Chánh Văn phòng; các phòng chuyên môn nghiệp vụ có 01 Trưởng phòng và 01- 02 Phó Trưởng phòng.
Các chức vụ Chánh Văn phòng, Trưởng phòng do Chánh Thanh tra tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có văn bản thỏa thuận với Giám đốc Sở Nội vụ. Các chức vụ Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng do Chánh Thanh tra tỉnh quyết định.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các tổ chức này do Chánh Thanh tra tỉnh quy định trên cơ sở Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.
Điều 7. Biên chế
Biên chế của Thanh tra tỉnh thuộc biên chế quản lí nhà nước của tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
Việc bố trí công chức, viên chức của Thanh tra tỉnh phải căn cứ vào chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 8. Chế độ làm việc
1. Thanh tra tỉnh hoạt động theo chương trình, kế hoạch công tác hàng năm được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong bản Quy định này; theo các quy định của Luật Thanh tra, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ.
2. Thanh tra tỉnh làm việc theo chế độ Thủ trưởng. Chánh Thanh tra tỉnh là người đứng đầu, quyết định mọi vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh và chịu trách nhiệm cao nhất trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Thanh tra tỉnh.
3. Phó Chánh Thanh tra tỉnh là người giúp việc cho Chánh Thanh tra tỉnh, được Chánh Thanh tra tỉnh phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra tỉnh về lĩnh vực công tác được phân công; đồng thời cùng Chánh Thanh tra tỉnh liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc tham mưu, đề xuất của mình trong lĩnh vực được phân công.
4. Chánh Thanh tra tỉnh có thể uỷ quyền cho Phó Chánh Thanh tra tỉnh giải quyết các công việc cụ thể khác, nhưng Phó Chánh Thanh tra tỉnh không được uỷ quyền lại cho cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền.
5. Khi có những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền của Chánh Thanh tra tỉnh thì Chánh Thanh tra tỉnh báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Thanh tra Chính phủ để xem xét cho ý kiến chỉ đạo giải quyết.
6. Các tổ chức giúp việc Chánh Thanh tra tỉnh làm việc theo chế độ Trưởng phòng, triển khai giải quyết công việc được Ban lãnh đạo phân công theo từng lĩnh vực chuyên môn và chịu trách nhiệm trước Ban lãnh đạo về kết quả công việc được phân công.
7. Về chế độ hội họp
Định kỳ (do Chánh Thanh tra tỉnh quy định) Thanh tra tỉnh tổ chức họp giao ban giữa Ban lãnh đạo với Trưởng, Phó các tổ chức giúp việc Chánh Thanh tra tỉnh để nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ, công việc và chỉ đạo triển khai công tác mới. Hàng quý, Thanh tra tỉnh tổ chức họp giao ban với Thanh tra huyện, thị; Thanh tra sở để nắm tình hình và chỉ đạo nhiệm vụ công tác thanh tra.
Giữa năm Thanh tra tỉnh tổ chức sơ kết 6 tháng và cuối năm tổ chức tổng kết công tác ngành Thanh tra toàn tỉnh để đánh giá kết quả hoạt động của ngành; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác cho thời gian tới.
Khi cần thiết, Thanh tra tỉnh có thể tổ chức các cuộc họp bất thường để phổ biến, triển khai các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách về các lĩnh vực thuộc ngành Thanh tra do Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Thanh tra Chính phủ chỉ đạo.
Điều 9. Mối quan hệ công tác
1. Đối với Thanh tra Chính phủ
Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ. Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh cho Thanh tra Chính phủ theo định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất.
2. Đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh
Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm báo cáo theo quy định và tham mưu đề xuất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về các lĩnh vực công tác do Thanh tra tỉnh phụ trách.
Trước khi tổ chức thực hiện các chủ trương, công tác của Thanh tra Chính phủ hoặc các Bộ, ngành Trung ương có liên quan đến chương trình, kế hoạch công tác chung của tỉnh, Thanh tra tỉnh phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh
Thanh tra tỉnh có mối quan hệ phối hợp, bình đẳng với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
4. Đối với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị
Thanh tra tỉnh có mối quan hệ phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị trong các lĩnh vực thuộc ngành Thanh tra tại địa phương.
Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ các lĩnh vực công tác thuộc chức năng quản lí thống nhất của Thanh tra tỉnh đối với Uỷ ban nhân dân huyện, thị thông qua Thanh tra huyện, thị để thực hiện tốt các lĩnh vực công tác thuộc ngành tại địa phương.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Việc sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ bất kỳ điều khoản nào trong bản Quy định này do Chánh Thanh tra tỉnh cùng Giám đốc Sở Nội vụ thống nhất trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.