UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2004/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
“VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN THƯƠNG MẠI HÀ NỘI TẠI TOKYO - NHẬT BẢN”
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
- Căn cứ Quyết định số 15/2004/QĐ-UB ngày 5/2/2004 của UBND Thành phố về việc thành lập Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO - Nhật Bản;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội và Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội và các Sở, Ban, Ngành thành phố có liên quan,
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Ban hành kèm theo Quyết định này là bản Quy chế hoạt động của Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO - Nhật Bản gồm 04 Chương và 12 Điều.
Điều II: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký
Điều III: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Nội vụ Hà Nội, Tài chính Hà Nội, Thương mại Hà Nội, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố có liên quan và Trưởng văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO - Nhật Bản chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN THƯƠNG MẠI HÀ NỘI TẠI TOKYO - NHẬT BẢN”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2004/QĐ-UB, ngày 5/2/2004 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN THƯƠNG MẠI HÀ NỘI TẠI TOKYO - NHẬT BẢN
Điều 1: Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO - Nhật Bản.
A- Chức năng:
Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO - Nhật Bản (sau đây gọi tắt là Văn phòng đại diện) hoạt động tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, Nghị định số 08/2003/NĐ-CP ngày 10/2/2003 của Chính phủ về hoạt động của Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế và luật pháp Nhật Bản.
Tên giao dịch tiếng Anh: Hanoi Trade Represntative office in TOKYO – Japan
Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO – Nhật Bản là đơn vị sự nghiệp có thu, được ngân sách cấp kinh phí hoạt động trong 3 năm đầu và hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động theo kế hoạch được duyệt cho các năm sau. Văn phòng đại diện có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại Nhật Bản và sử dụng con dấu riêng để giao dịch. Trưởng văn phòng đại diện là chủ tài khoản của Văn phòng.
Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO – Nhật Bản có chức năng khai thác, cung cấp thông tin; triển khai các hoạt động xúc tiến Thương mại, Đầu tư, Du lịch, Lao động và các nhiệm vụ khác được UBND Thành phố giao tại Nhật Bản.
UBND Thành phố giao quyền quản lý và điều hành Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO – Nhật Bản cho Sở Thương mại Hà Nội.
B. Nhiệm vụ và nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO - Nhật Bản.
1. Quảng bá hình ảnh và tiềm năng kinh tế - xã hội của Thủ đô, tiến hành các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, đối ngoài giữa Thành phố Hà Nội với TOKYO và các tỉnh, thành phố của Nhật Bản.
2. Nghiên cứu, khai thác và cung cấp thông tin về thị trường Nhật Bản, bao gồm: chính sách, pháp luật, tập quán kinh doanh, nhu cầu về xuất nhập khẩu hàng hóa, đầu tư, lao động và thị hiếu du lịch của người dân Nhật Bản; đẩy mạnh công tác thông tin dự báo về khả năng diễn biến của thị trường Nhật Bản; kiểm tra và cung cấp thông tin về tư cách pháp lý, năng lực hoạt động của các tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp Nhật Bản (khi Thành phố có yêu cầu).
3. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và xuất khẩu lao động giữa Hà Nội với TOKYO – Nhật Bản theo kế hoạch đã được Thành phố phê duyệt.
Nhiệm vụ cụ thể:
1. Xúc tiến thương mại:
- Tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, các ấn phẩm và tiềm năng của các doanh nghiệp Thành phố cho các đối tượng Nhật Bản.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Nội trong việc tổ chức và tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo, khảo sát thị trường tại các Thành phố Nhật Bản.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong đàm phán và ký kết hợp đồng buôn bán, hợp tác, giao dịch cung ứng hàng hóa với các đối tác nước ngoài. Nghiên cứu và phối hợp với các công ty Nhật Bản cung cấp hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước sang thị trường Nhật Bản.
2. Xúc tiến đầu tư:
- Tổ chức giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài của Thành phố Hà Nội. Quảng bá tiềm năng của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
- Giới thiệu các chính sách, môi trường đầu tư của Nhà nước Việt Nam và cơ chế đặc thù của Thủ đô Hà Nội về thu hút đầu tư nước ngoài.
- Nghiên cứu môi trường, chính sách đầu tư nước ngoài của Nhật Bản để tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu đầu tư vào Nhật Bản.
- Nghiên cứu tiềm năng và nguyện vọng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, tư vấn cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội.
3. Xúc tiến du lịch:
- Giới thiệu về lịch sử, văn hóa và cung cấp thông tin về các danh lam thắng cảnh, các tuyến, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch của Thủ đô Hà Nội và các vùng phụ cận, các cơ sở phục vụ khách du lịch và các thông tin cần thiết khác phục vụ nhu cầu của du khách Nhật Bản; tìm hiểu và cung cấp thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường du lịch Nhật Bản cho ngành du lịch Hà Nội để khai thác và hợp tác đầu tư phát triển du lịch giữa hai nước.
- Phối hợp các Công ty du lịch trong nước tổ chức các đoàn du lịch Nhật Bản đến Việt Nam và các đoàn du lịch Việt Nam đến Nhật Bản.
- Tư vấn cho khách nước ngoài du lịch đến Việt Nam.
- Hỗ trợ ngành Du lịch tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại Nhật Bản.
4. Xúc tiến xuất khẩu lao động
- Tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng lao động của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, về đường lối, chính sách, pháp luật và chủ trương của Nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động và chuyên gia.
- Cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu lao động của Hà Nội về nhu cầu lao động của Nhật Bản, giới thiệu các thông tin về thị trường lao động và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Hà Nội cho các đối tác Nhật Bản.
- Tham mưu cho Thành phố và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu lao động của Hà Nội về việc đàm phán, ký kết các văn bản cần thiết với nước tiếp nhận lao động nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hoạt động.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Nội xúc tiến xuất khẩu lao động theo quy định pháp luật; tìm kiếm, khai thác các hợp đồng lao động.
5. Phối hợp cùng các doanh nghiệp và các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người lao động tại Nhật Bản trên cơ sở pháp luật Việt Nam và Nhật Bản, phù hợp với thông lệ quốc tế.
6. Báo cáo thường kỳ với UBND Thành phố Hà Nội và các Sở, Ngành có liên quan về hoạt động của Văn phòng đại diện thông qua Sở Thương mại. Thực hiện các quy định của Chính phủ Nhật Bản về việc đăng ký thuế thu thập lao động, bảo hiểm, nhân sự, visa và các quy định khác có liên quan.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND Thành phố giao.
C. Quyền hạn
1. Được các cơ quan chức năng của Thành phố cung cấp thông tin, tài liệu về các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ xúc tiến Thương mại, Đầu tư, Du lịch và Xuất khẩu lao động của Thành phố.
2. Được đảm bảo các điều kiện về tài chính, nhân sự để thực hiện tốt nhiệm vụ được UBND Thành phố giao.
3. Được tham gia cùng các Ngành đóng góp ý kiến vào kế hoạch xúc tiến Thương mại, Đầu tư, Du lịch và Xuất khẩu lao động của Thành phố.
Tổ chức bộ máy của Văn phòng đại diện thương mại Hà Nội
Điều 2. Biên chế của Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội, gồm có: Trưởng văn phòng đại diện do UBND Thành phố bổ nhiệm và một số nhân viên do Sở Thương mại quyết định sau khi có thỏa thuận của Sở Nội vụ Hà Nội. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, căn cứ vào nhu cầu và khối lượng công việc. Trưởng văn phòng đại diện có thể báo cáo xin phép Sở Thương mại và Thành phố cho ký hợp đồng tuyển thêm người Việt Nam (đang học tập, công tác tại Nhật Bản) hoặc người Nhật Bản để làm việc theo thời vụ.
4.1. Trưởng văn phòng đại diện phải có các điều kiện sau:
- Là công chức, viên chức hiện đang công tác trong lĩnh vực Thương mại, Đầu tư, Du lịch; có phẩm chất đạo dức và trình độ chính trị (là Đảng viên).
- Giao dịch và viết bằng tiếng Anh tốt (ưu tiên biết thêm tiếng Nhật).
- Tốt nghiệp đại học chính quy trở lên chuyên ngành kinh tế (thương mại, du lịch, đầu tư, ngoại thương); ưu tiên đối với những người đã từng du học tại Nhật Bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực Xuất nhập khẩu, Đầu tư và Du lịch.
- Có khả năng làm việc độc lập; có kinh nghiệm điều hành tổ chức hoạt động của văn phòng; có kiến thức và hiểu biết về các chính sách phát triển thương mại, đầu tư và du lịch của Hà Nội; am hiểu tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố và Nhật Bản.
- Tuổi: Nữ dưới 40 tuổi; Nam dưới 45 tuổi.
4.2. Nhân viên văn phòng đại diện phải có điều kiện sau:
- Là công chức, viên chức, có phẩm chất đạo đức, am hiểu tình hình kinh tế xã hội của Thành phố.
- Giao dịch và viết bằng tiếng Nhật tốt.
- Tốt nghiệp đại học trở lên (ngành kinh tế, ngoại thương, du lịch).
- Có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực Thương mại, Đầu tư và Du lịch, có kiến thức và hiểu biết về Nhật Bản.
- Tuổi: Nữ dưới 35 tuổi. Nam dưới 40 tuổi.
Điều 3: Tuyển dụng người nước ngoài
Việc sử dụng người nước ngoài làm việc tại Văn phòng đại diện Thương mại được thực hiện theo chế độ tuyển dụng hợp đồng, nhưng phải căn cứ vào các yêu cầu cụ thể của công việc và khả năng tài chính của Văn phòng. Các nhân viên người nước ngoài được hưởng các chế độ theo hợp đồng lao động với Văn phòng đại diện, phù hợp với luật pháp của Nhật Bản.
Quy trình tuyển dụng: Trưởng văn phòng đại diện phải căn cứ vào nhu cầu của công việc, tìm hiểu và đề xuất nhân sự về Sở Thương mại xem xét và cho ý kiến thỏa thuận để thực hiện.
Điều 4: Nhiệm vụ của cán bộ, công chức làm việc tại Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội.
4.1. Nhiệm vụ của Trưởng Văn phòng đại diện:
Trưởng Văn phòng đại diện chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Thành phố và Giám đốc Sở Thương mại trong việc:
- Quản lý và điều hành các hoạt động của Văn phòng đại diện theo đúng quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và Nhật Bản.
- Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Văn phòng đại diện theo sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Thương mại, thực hiện báo cáo về Sở Thương mại để báo cáo UBND Thành phố hàng tháng, quý, 6 tháng, hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Thành phố.
- Chịu trách nhiệm quản lý cán bộ, tài sản, tài chính ... và các hoạt đông của Văn phòng đại diện theo đúng các qui định của pháp luật Việt Nam và Nhật Bản.
- Chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung công việc tại mục B, Điều 1, Chưong I của bản Quy chế này.
4.2. Nhiệm vụ của cán bộ làm việc tại Văn phòng đại diện:
- Thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng văn phòng đại diện giao dịch và chịu trách nhiệm trước Trưởng văn phòng đại diện.
- Tuân thủ các qui định của Quy chế này và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và qui định có liên quan của Nhà nước Việt Nam và Nhật Bản.
- Bảo quản thông tin và tài sản của Văn phòng đại diện được giao quản lý.
Chương II
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN THƯƠNG MẠI HÀ NỘI
Điều 5. Chế độ làm việc
5.1. Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO Nhật Bản do Trưởng Văn phòng đại diện quản lý theo chế độ thủ trưởng. Các chế độ về bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, nghỉ phép và chế độ đối với lao động được thực hiện theo qui định của Nhật Bản và Bộ luật lao động đã được thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 2/4/2002 Quốc hội khóa X nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5.2. Cán bộ, công chức làm việc tại Văn phòng đại diện được nghỉ ngày lễ phù hợp với qui định tại Bộ Luật lao động của Nhật Bản và những ngày lễ lớn của Việt Nam như Quốc khánh, Tết nguyên đán ... và được hưởng nguyên lương.
Điều 6. Mối quan hệ công tác.
6.1. Quan hệ giữa Sở Thương mại với Văn phòng đại diện.
Sở Thương mại Hà Nội là cơ quan quản lý và chỉ đạo trực tiếp, toàn diện các hoạt động của Văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội; chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về mọi mặt hoạt động của Văn phòng.
6.2. Mối quan hệ công tác giữa Sở Thương mại với các Sở có liên quan:
Sở Thương mại có trách nhiệm phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Du lịch, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính Hà Nội và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tài chính, chương trình hoạt động của Văn phòng báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định.
6.2.1. Sở Thương mại là đầu mối cung cấp, xử lý thông tin và các mối quan hệ công tác của Văn phòng đại diện với các cơ quan liên quan trong nước.
Sở Thương mại có trách nhiệm báo cáo UBND Thành phố, các Sở, Ngành có liên quan và các cơ quan Trung ương về tình hình hoạt động của Văn phòng đại diện (theo quy định).
6.2.2. Các Sở, Ban Ngành Thành phố có trách nhiệm, cụ thể:
- Cung cấp các thông tin về cơ chế, chính sách mới của Nhà nước và Thành phố; các báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố liên quan đến lĩnh vực Thương mại, Đầu tư, Du lịch và lao động... của Thành phố theo định kỳ (quý, 6 tháng và một năm).
- Trực tiếp hoặc thông qua Sở Thương mại cung cấp kịp thời các thông tin theo đề nghị của Văn phòng đại diện; hướng dẫn về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của ngành; phối hợp với Văn phòng đại diện xây dựng các báo cáo đánh giá về tình hình thị trường trong nước để tư vấn và cung cấp cho các đối tác Nhật Bản.
- Cung cấp các ấn phẩm giới thiệu về Hà Nội, về các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Thành phố.
6.3. Mối quan hệ công tác giữa Văn phòng đại diện và các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản.
Văn phòng đại diện chủ động thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản để thực hiện các nhiệm vụ của Văn phòng; tham mưu cho Thành phố để ký kết các văn bản hợp tác giữa Thành phố Hà Nội với các Thành phố, các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản.
6.4. Quan hệ công tác giữa Sở Thương mại và Văn phòng đại diện với các Cơ quan đại diện nước CHXHC Việt Nam tại Nhật Bản.
6.4.1. Sở Thương mại của UBND Thành phố ủy quyền thay mặt Thành phố phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam. Tổng Lãnh sự quán, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản để tổ chức các hoạt động của Văn phòng đại diện hoặc đề nghị hỗ trợ giúp đỡ khi cần thiết.
6.4.2. Văn phòng đại diện có trách nhiệm chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật Việt Nam và Nhật Bản dưới sự chỉ đạo chung của Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản.
Văn phòng đại diện thực hiện báo cáo định kỳ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản về tình hình hoạt động của Văn phòng và các nội dung chương trình, kết quả hoạt động của các đoàn công tác của Thành phố tại Nhật Bản. Phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động của Văn phòng; kịp thời báo cáo các vấn đề nảy sinh và những vướng mắc trong quá trình hoạt động để các Cơ quan đại diện giúp đỡ.
Các cán bộ và nhân viên của Văn phòng đại diện phải thực hiện chế độ sinh hoạt công đoàn và các hoạt động khác theo quy định của Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
6.5. Văn phòng đại diện có trách nhiệm phối hợp với các Văn phòng đại diện, Chi nhánh của các công ty, Hệp hội trong nước tại Nhật Bản trong việc triển khai các hoạt động của Văn phòng.
6.6. Quan hệ công tác giữa Văn phòng đại diện với các doanh nghiệp trong nước:
Văn phòng đại diện có thể trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp của Thành phố đề nghị cung cấp các thông tin cần thiết, sản phẩm mẫu, ấn phẩm để trưng bày và giới thiệu; thông qua Sở Thương mại để phối hợp với các doanh nghiệp triển khai các hoạt động của Văn phòng.
Chương III
TÀI CHÍNH VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN THƯƠNG MẠI HÀ NỘI
Điều 7. Chế độ quản lý tài chính.
7.1. Văn phòng đại diện có trách nhiệm lập dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm thông qua Sở Thương mại. Dự toán kinh phí được Sở Thương mại giao cho Văn phòng là mức chi tối đa trong năm. Trưởng văn phòng đại diện xây dựng Quy chế chỉ tiêu nội bộ và công khai và mức chi nhằm sử dụng kinh phí có hiệu quả và tránh lãng phí công quỹ của Thành phố và có trách nhiệm quản lý sử dụng kinh phí, tài sản của Văn phòng theo đúng qui định của Bộ Tài chính.
7.2. Sở Thương mại có trách nhiệm xem xét, tổng hợp kế hoạch thu chi hàng năm; xét duyệt và tổng hợp báo cáo quyết toán năm của Văn phòng đại diện gửi Sở Tài chính và báo cáo của UBND Thành phố theo qui định.
7.3. Các khoản chi phí cho hoạt động của Văn phòng đại diện được áp dụng theo qui định của Nhật Bản đối với hoạt động của Văn phòng đại diện nước ngoài và Thông tư 02/2003/TT-BTC ngày 09/1/2003 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và được chi trả bằng ngoại tệ trên cơ sở quy đổi từ đồng Việt Nam ra ngoại tệ theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam tại thời điểm thanh toán.
Điều 8. Kinh phí hoạt động của Văn phòng, gồm:
8.1. Kinh phí ngân sách Thành phố cấp:
- Nguồn ngân sách (Chi cân đối ngân sách ba năm đầu từ chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của Thành phố cho toàn bộ chi phí hoạt động của Văn phòng đại diện thông qua Sở Thương mại) hoặc:
-Thành lập Quỹ xúc tiến Thương mại nhằm hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến Thương mại của Thành phố (Theo Thông tư 86/2002/TT-BTC ngày 27/9/2002 của Bộ Tài chính).
8.2. Nguồn thu từ các họat động của Văn phòng:
Các khoản thu từ những dịch vụ gắn với chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đại diện để bổ sung nguồn kinh phí họat động;
- Đối với các khoản thu dự kiến thuộc diện phí, lệ phí thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí và các hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định về phí, lệ phí.
- Đối với các khoản thu từ hoạt động dịch vụ của Văn phòng đại diện, việc quản lý và sử dụng sẽ có hướng dẫn của liên ngành Thuế, Tài chính, Hải quan trên cơ sở các quy định của Nhà nước để cụ thể hóa cơ chế quản lý tài chính đối với Văn phòng đại diện.
8.3. Các nguồn thu khác do các tổ chức trong nước và quốc tế tài trợ, hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Căn cứ vào Quy chế này, Sở Thương mại có trách nhiệm cùng với Văn phòng đại diện Thương mại phối hợp với các Sở, Ngành Thành phố có liên quan chuẩn bị nhân sự, xây dựng chương trình hoạt động báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định; ban hành nội quy, quy chế làm việc, quy chế quản lý tài chính – tài sản, chế độ tiền lương, tiền công, công tác phí ... theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam và Nhật Bản, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được UBND Thành phố giao.
Điều 10. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần sửa đổi bổ sung. Văn phòng đại diện cần báo cáo Sở Thương mại để tổng hợp xin ý kiến các ngành có liên quan, trình UBND Thành phố xem xét sửa đổi cho phù hợp với tình thực thế và theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Nhật Bản.
Điều 11. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 12. Chánh Văn phòng HĐND và UBND, Giám đốc các Sở: Nội vụ Hà Nội, Thương mại, Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Hà Nội, Lao động và Thương binh xã hội, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành thành phố có liên quan và Trưởng văn phòng đại diện Thương mại Hà Nội tại TOKYO Nhật Bản chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.