BỘ
NỘI VỤ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1585/QĐ-BNV |
Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2015 |
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA NGÀNH NỘI VỤ GIAI ĐOẠN 2015-2025
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1666/QĐ-BNV ngày 02/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học, công nghệ của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Quyết định số 1758/QĐ-BNV ngày 05/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành nội vụ giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 2170/QĐ-BNV ngày 26/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ đến năm 2020;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ngành Nội vụ giai đoạn 2015-2025 (sau đây viết tắt là Chiến lược) với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM
1. Phát triển khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.
2. Đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ của ngành Nội vụ trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; đồng thời bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành.
3. Thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của ngành; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.
4. Gắn việc phát triển khoa học, công nghệ với đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm chủ động hội nhập và tiếp thu các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong những lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển khoa học và công nghệ nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành đến năm 2025.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đổi mới cơ bản, đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động khoa học và công nghệ; hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo yêu cầu của Chính phủ.
b) Phấn đấu bảo đảm 70-80% số nhiệm vụ nghiên cứu đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước của ngành nội vụ; 100% nhiệm vụ khoa học, công nghệ được nghiệm thu, đánh giá.
c) Nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học, công nghệ; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ, có năng lực tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ khoa học, công nghệ quan trọng của ngành. Phấn đấu đến 2025, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có trình độ trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) đạt tỷ lệ 50% trong tổng số công chức, viên chức của các tổ chức khoa học, công nghệ thuộc các lĩnh vực của ngành Nội vụ, được đào tạo về những chuyên ngành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ như chính trị học, luật học, hành chính học, kinh tế học, lịch sử...
III. ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NGÀNH NỘI VỤ
1. Hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý và thông tin khoa học công nghệ
a) Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn các tổ chức khoa học công nghệ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung đầu tư phát triển Viện Khoa học tổ chức nhà nước và các tổ chức nghiên cứu khoa học về văn thư lưu trữ, tôn giáo, thi đua khen thưởng. Nâng cao năng lực các Trường Đại học, Học viện về nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
b) Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với yêu cầu mới, bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu phát triển của Bộ, ngành Nội vụ. Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường cạnh tranh trong tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế để các Bộ ngành địa phương báo cáo kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực của ngành Nội vụ.
c) Đẩy mạnh hoạt động thông tin khoa học, công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý và quảng bá kết quả nghiên cứu của Bộ, ngành.
2. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ
a) Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và đạo đức nghề nghiệp của viên chức quản lý và nghiên cứu khoa học, công nghệ.
b) Tập trung đầu tư cho các định hướng nhiệm vụ khoa học, công nghệ đã được xác định trong Chiến lược. Thành lập Quỹ khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ để phục vụ cho các yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, ngành. Tăng cường khai thác các nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế và liên kết với các tổ chức và doanh nghiệp.
3. Định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ ngành Nội vụ
a) Nghiên cứu cơ bản những vấn đề lý luận và thực tiễn của khoa học tổ chức và tổ chức nhà nước
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của khoa học tổ chức:
+ Đối tượng, phương pháp luận của khoa học tổ chức.
+ Nhiệm vụ của khoa học tổ chức.
+ Mối liên hệ của khoa học tổ chức với các lĩnh vực khoa học khác.
+ Nghiên cứu quá trình phát triển của khoa học tổ chức.
+ Những vấn đề thực tiễn của khoa học tổ chức.
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoạt động tổ chức nhà nước với tư cách là một khoa học:
+ Đối tượng, phương pháp luận của khoa học tổ chức nhà nước.
+ Nhiệm vụ của khoa học tổ chức nhà nước.
+ Mối liên hệ của khoa học tổ chức nhà nước với các lĩnh vực khoa học khác.
+ Sự phát triển của khoa học tổ chức nhà nước.
+ Những vấn đề thực tiễn của khoa học tổ chức nhà nước.
+ Mối liên hệ giữa khoa học tổ chức nhà nước và công tác tổ chức nhà nước.
b) Nghiên cứu xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Nội vụ
- Lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
+ Chức năng hành pháp của Chính phủ trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước.
+ Chức năng của Chính phủ với tư cách cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và cơ quan chấp hành của Quốc hội.
+ Chế định Thủ tướng với tư cách người đứng đầu Chính phủ
+ Tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định mới của Hiến pháp năm 2013.
+ Cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIV (2016-2021).
+ Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
+ Hoàn thiện tổ chức phân công, phối hợp quản lý những vấn đề liên ngành.
+ Phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
+ Mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
+ Mô hình tổ chức và hoạt động của khu hành chính - kinh tế đặc biệt.
+ Địa giới hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
+ Mô hình tự quản ở cơ sở (chính quyền địa phương tự quản)
+ Cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
+ Quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty (doanh nghiệp) nhà nước.
- Lĩnh vực phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hoạt động công vụ:
+ Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
+ Xác định cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước.
+ Xác định biên chế, đổi mới cơ chế quản lý và tinh giản biên chế hành chính, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
+ Cơ chế chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng cán bộ, công chức có đức, có tài
+ Khung cơ bản danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước.
+ Xác định ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cao nhất trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Thi tuyển đối với công chức, viên chức.
+ Đánh giá cán bộ, công chức và viên chức.
+ Từ chức, miễn nhiệm đối với công chức.
+ Khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức.
+ Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
+ Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với cán bộ, công chức ngành nội vụ.
+ Chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và kết quả hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp.
+ Chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
+ Đạo đức công vụ.
+ Thanh tra công vụ
+ Văn hóa công vụ.
- Lĩnh vực quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công.
+ Chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức quản lý nhà nước về dịch vụ công, về hội, quỹ, tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước.
+ Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công.
+ Thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đối với quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công.
+ Tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng xác định lĩnh vực xã hội hóa và lĩnh vực cần tập trung ưu tiên phát triển.
+ Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Những vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ chế hoạt động phi lợi nhuận của các đơn vị cung ứng dịch vụ công.
+ Phương hướng đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công ở nước ta.
- Lĩnh vực cải cách hành chính:
+ Xây dựng khung đánh giá kết quả thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025.
+ Hoàn thiện cơ chế đối thoại giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và người dân.
+ Xây dựng cơ chế giám sát của người dân đối với bộ máy hành chính nhà nước.
+ Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến nhân dân, tổ chức xã hội trong việc xây dựng thể chế, chuẩn mực quốc gia về thủ tục hành chính.
+ Hoàn thiện Bộ Chỉ số chuẩn quốc gia về đánh giá cải cách hành chính và đo lường mức độ hài lòng của người dân.
- Lĩnh vực quản lý tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ:
+ Vai trò của các tổ chức xã hội trong tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
+ Xã hội dân sự trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế, mối quan hệ giữa nhà nước, xã hội dân sự và kinh tế thị trường ở Việt Nam.
+ Thể chế quản lý nhà nước đối với hội và tổ chức phi chính phủ đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế.
+ Chuyển giao một số nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước cho các hội, tổ chức phi chính phủ.
- Lĩnh vực văn thư - lưu trữ.
+ Chuẩn hóa quy trình quản lý hồ sơ điện tử trong môi trường điện tử.
+ Công tác văn thư lưu trữ trong điều kiện mới.
+ Chuẩn hóa các chức danh trong công tác văn thư, lưu trữ.
+ Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ lưu trữ các loại hình tài liệu lưu trữ.
+ Giải pháp mở rộng và đổi mới các hình thức tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ.
- Lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo.
+ Vấn đề quan hệ giữa nhà nước với tổ chức tôn giáo.
+ Vấn đề chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách với cốt cán tôn giáo.
+ Quản lý nhà nước đối với đất đai tôn giáo và cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo.
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong điều kiện hội nhập quốc tế.
+ Quản lý nhà nước đối với hoạt động của các chức sắc, nhà tu hành.
+ Quản lý các hội đoàn, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác.
+ Quản lý sinh hoạt tôn giáo, vấn đề sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam.
+ Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tôn giáo.
+ Quản lý các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo.
+ Vấn đề tổ chức, chức sắc tôn giáo và các hoạt động xã hội của các tổ chức tôn giáo hiện nay.
+ Vấn đề tăng cường quan hệ quốc tế và phối hợp đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo, bảo vệ và đấu tranh nhân quyền.
+ Vấn đề thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo.
+ Vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tôn giáo.
+ Vấn đề tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo.
+ Vấn đề tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo.
- Lĩnh vực thi đua - khen thưởng.
+ Tác động của các hình thức thi đua, khen thưởng hiện nay đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của các đối tượng khác nhau trong xã hội.
+ Các hình thức khen thưởng tôn vinh đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác trong xã hội.
+ Hoàn thiện điều kiện, quy trình, thủ tục khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác trong xã hội.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về khen thưởng.
- Lĩnh vực công tác thanh niên.
+ Đối tượng và nội dung quản lý nhà nước về thanh niên.
+ Tiêu chí đánh giá thanh niên.
- Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước của ngành nội vụ.
+ Xây dựng và triển khai ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt phần mềm quản lý số lượng, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong toàn quốc.
+ Cơ chế cung cấp, xử lý và khai thác dịch vụ công trực tuyến.
+ Xây dựng phần mềm trưng cầu dân ý về thủ tục cải cách hành chính.
+ Ứng dụng thư điện tử, văn bản điện tử và phần mềm quản lý, điều hành công việc qua môi trường mạng.
+ Ứng dụng chữ ký số trong điều hành và xử lý công việc trong hoạt động công vụ.
+ Ứng dụng công nghệ trong xây dựng và phát triển hành chính công điện tử.
- Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng cơ chế, chính sách theo yêu cầu của Bộ Chính trị; Ban Bí thư; Quốc hội; Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
1. Nhóm giải pháp về tổ chức, quản lý, cơ chế chính sách
a) Thực hiện hiệu quả việc kiện toàn các tổ chức khoa học, công nghệ trực thuộc Bộ Nội vụ. Kiện toàn đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý thống nhất các hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ và các tổ chức đầu mối quản lý khoa học, công nghệ của các đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ.
Phát triển các tổ chức tư vấn. Nâng cao hiệu quả tư vấn của Hội đồng Khoa học Bộ Nội vụ trong việc tham gia xây dựng chính sách và các chủ trương, quyết định về quản lý khoa học và công nghệ của Bộ.
b) Đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý khoa học, công nghệ ở tất cả các công đoạn: xác định nhiệm vụ, giao nhiệm vụ, quản lý thực hiện và nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phù hợp với yêu cầu, định hướng của Chính phủ và đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ ngành; nâng cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế. Hoàn thiện hệ thống các quy định quản lý, phát triển hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ, ngành.
Tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý khoa học, công nghệ của Bộ Nội vụ, khuyến khích và nhân rộng mô hình tổ chức thực hiện tuyển chọn tổ chức, cá nhân theo hình thức đấu thầu chủ trì thực hiện các đề tài khoa học cấp bộ.
c) Xây dựng và áp dụng các cơ chế quản lý tài chính thông thoáng, đơn giản, chính sách động viên, khuyến khích phát huy sáng tạo, chính sách đãi ngộ, thu hút, sử dụng cán bộ có trình độ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ.
2. Nhóm giải pháp về phát triển nhân lực khoa học, công nghệ
a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của ngành Nội vụ theo hướng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và cơ cấu ngành nghề chuyên môn đáp ứng các yêu cầu công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ của ngành.
b) Nghiên cứu rà soát các chính sách hiện có, bổ sung các cơ chế chính sách mới của ngành Nội vụ đối với công chức, viên chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là chính sách và biện pháp hữu hiệu thu hút nhân tài, trí thức có trình độ cao trong một số ngành quan trọng như Hành chính học, Chính trị học, Khoa học quản lý, Kinh tế học, Luật học, Văn thư lưu trữ, Tôn giáo... Có chính sách ưu đãi, trọng dụng đối với các viên chức khoa học công nghệ có trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành.
3. Nhóm giải pháp về huy động nguồn lực
a) Tập trung đầu tư cho các định hướng nhiệm vụ khoa học, công nghệ đã được xác định trong Chiến lược. Đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng thêm kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ của ngành Nội vụ, trên cơ sở đó tăng kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học (phấn đấu đến năm 2025, kinh phí thực hiện chương trình, đề tài khoa học cấp bộ tăng từ 1,5 đến 2 lần so với mức hiện nay); tăng kinh phí để định kỳ tổ chức các hội thảo khoa học; bổ sung kinh phí mua sách, báo và các tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động đề xuất và thực hiện nhiệm vụ khoa học theo hình thức tự bảo đảm kinh phí và tuân thủ chặt chẽ các quy định của Quy chế quản lý hoạt động khoa học, công nghệ của Bộ Nội vụ.
b) Tăng cường khai thác các nguồn vốn ngoài nước thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế bằng nhiều hình thức, như: hợp tác nghiên cứu, đào tạo; xây dựng các chương trình liên kết, hợp tác với các trung tâm đào tạo, các viện, tổ chức nghiên cứu của nước ngoài theo quy định của pháp luật.
c) Nghiên cứu thành lập Quỹ khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ để phục vụ cho các yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, ngành.
d) Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho các tổ chức khoa học, công nghệ của ngành nội vụ. Kiện toàn các tổ chức khoa học, công nghệ của ngành nội vụ. Nâng cấp Viện Khoa học tổ chức nhà nước thực sự là trung tâm quản lý và tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học đầu ngành.
4. Nhóm giải pháp về hợp tác nghiên cứu khoa học
a) Xây dựng cơ chế liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với các Học viện, các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ.
b) Thực hiện cơ chế cộng tác viên thường xuyên đối với các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học đầu ngành có uy tín, giàu kinh nghiệm.
c) Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích viên chức khoa học, công nghệ tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế ở trong và ngoài nước. Triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
d) Tổ chức có hiệu quả các chuyến điều tra, khảo sát, học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới.
5. Nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền
a) Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ. Xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý khoa học của ngành Nội vụ.
b) Phổ biến kịp thời các chủ trương, cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ về quản lý và phát triển khoa học, công nghệ.
c) Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của thông tin khoa học, công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý của ngành Nội vụ.
d) Phổ biến, tuyên truyền, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn của ngành Nội vụ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Viện Khoa học tổ chức nhà nước: chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược; hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ hàng năm tổng kết báo cáo Bộ trưởng.
2. Vụ Kế hoạch - Tài chính: chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị: xây dựng dự toán, bố trí vốn, quản lý các dự án đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực của các Viện, trung tâm nghiên cứu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; xây dựng và quản lý thực hiện dự toán kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược.
3. Viện khoa học tổ chức nhà nước chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ khoa học và công nghệ ngành nội vụ; rà soát các chính sách đối với cán bộ khoa học đầu ngành đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung phù hợp; xây dựng các chính sách thu hút nhân tài làm việc trong các tổ chức khoa học và công nghệ.
4. Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức: Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
5. Các tổ chức khoa học công nghệ căn cứ vào Chiến lược, tiến hành rà soát, xây dựng, điều chỉnh bổ sung kế hoạch khoa học công nghệ của tổ chức mình và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và tổ chức thực hiện.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Vụ trưởng các Vụ: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.