BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
SỐ: 1574/2003/QĐ-BQP | Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP ỦY BAN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM BỘ QUỐC PHÒNG VÀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA ỦY BAN (BAN) DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM CÁC CẤP TRONG QUÂN ĐỘI.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996, đã sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 94/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em;
Căn cứ Nghị định số 41/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị,Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
1. Thành lập Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng.
2. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban (Ban) Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp trong Quân đội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, bãi bỏ Quyết định số 642/QĐ-BQP ngày 11/10/1993 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và quan hệ lề lối làm việc của Ủy ban dân số và kế hoạch hóa gia đình các cấp trong Quân đội; các quy định trong Quy chế hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ban hành kèm theo Quyết định số 874/1999/QĐ-BQP ngày 17/6/1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong Quân đội nhân dân Việt Nam trái với Quyết định này.
Điều 3. Các đồng chí Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và chỉ huy các cơ quan, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG ĐẠI TƯỚNG |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA ỦY BAN (BAN) DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM CÁC CẤP TRONG QUÂN ĐỘI
(ban hành theo Quyết định số 1574/2003/QĐ-BQP ngày 06/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban (Ban) Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp trong Quân đội.
Điều 2. Ủy ban (Ban) Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp trong quân đội có chức năng giúp chỉ huy, cấp ủy đảng triển khai thực hiện công tác dân số, gia đình, trẻ em và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 3. Hoạt động của Ủy ban (Ban) Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của người chỉ huy và sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp trên.
Chương 2:
ỦY BAN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM BỘ QUỐC PHÒNG
Điều 4. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em trong phạm vi quân đội, đặt dưới sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Quốc gia.
Điều 5.
1. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng gồm:
a) Chủ tịch Ủy ban: Một đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phân công
b) Phó Chủ tịch:
- Một đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần là Phó chủ tịch thường trực.
- Một đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
c) Các ủy viên:
- Một đồng chí Phó Cục trưởng Cục Quân y là ủy viên thường trực.
- Các cơ quan: Văn phòng Bộ Quốc phòng, Văn phòng Tổng cục Chính trị, Cục Tài chình, Cục Quân lực, Cục Quân huấn, Cục Tổ chức, Cục Cán bộ, Cục Chính sách, Cục Nhà trường, Cục Tư tưởng – Văn hoá, Cục Dân vận – Tuyên truyền đặc biệt, Cục Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư lệng Bộ đội Biên phòng, mỗi cơ quan, đơn vị cử một đồng chí chỉ huy phó là ủy viên.
- Trưởng ban Công đoàn quốc phòng.
- Trưởng ban Thanh niên quân đội.
- Trưởng ban Phụ nữ quân đội.
- Trưởng ban Tài chính Cục Quân y.
2. Chủ tịch, Phó chủ tịch và các ủy viên của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
3. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng có con dấu riêng.
4. Văn phòng Dân số, Gia đình và Trẻ em đặt tại Cục Quân y, biên chế gồm 03 cán bộ chuyên trách để giúp cho hoạt động của Ủy ban.
Điều 6. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Trên cơ sở các chính sách dân số, gia đình, trẻ em của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế trong quân đội, xây dựng các kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn, các chế độ, chính sách dân số, gia đình và trẻ em, trình Bộ Quốc phòng ban hành và chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp trong Quân đội hướng dẫn thực hiện kế hoạch, chế độ chính sách đó.
2. Liên hệ với Ủy Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em của Quốc gia, Bộ Y tế, các cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế theo quy chế đối ngoại quân sự để đề nghị, trao đổi và tiếp nhận sự hỗ trợ về ngân sách, trang thiết bị, tài liệu và kinh nghiệm công tác trong vấn đề dân số, gia đình và trẻ em.
3. Cùng với Cục Tài chính Bộ Quốc phòng, Cục Quân y - Tổng cục Hậu cần và các cơ quan có liên quan lập dự toán ngân sách phục vụ hoạt động của công tác dân số, gia đình và trẻ em trong quân đội. Chấp hành dự toán, thực hiện thanh quyết toán phần ngân sách trực tiếp chi tiêu, quản lý, xây dựng và hướng dẫn thực hiện chế độ tiêu chuẩn định mức chi ngân sách thuộc lĩnh vực phụ trách.
4. Quản lý, chỉ đạo, giám sát các ngành, các cấp, các tổ chức trong quân đội việc thực hiện kế hoạch, các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách và chương trình hành động về lĩnh vực dân số, gia đình, trẻ em.
5. Phối hợp với các ngành, các cơ quan trong và ngoài quân đội tổ chức triển khai công tác dân số, gia đình và trẻ em trong phạm vi toàn quân.
6.Tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân nhằm thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em; tổ chức thực hiện “Ngày Dân số”,” Ngày Gia đình Việt Nam” và “Tháng hành động vì trẻ em” hàng năm.
7. Vận động các tổ chức và cá nhân trong và ngoài Quân đội để bổ sung nguồn lực tài chính cho Quỹ bảo trợ trẻ em; hướng dẫn và triển khai việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em.
8. Tổ chức thu thập số liệu, xử lý, lưu trữ và phổ biến thông tin dân số, gia đình, trẻ em trong Quân đội.
Điều 7.
1. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng hoạt động trên cơ sở kết hợp giữa chế độ hội nghị và phát huy vai trò của các thành viên của Ủy ban.
2. Hội nghị của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng định kỳ 6 tháng một lần (khi cần thiết, chủ tịch Ủy ban có thể triệu tập hội nghị bất thường) để bàn bạc, thảo luận và giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn và quyết định theo nguyên tắc nhất trí. Trường hợp có ý kiến khác nhau thì Chủ tịch Ủy ban quyết định, Chủ tịch Ủy ban chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về toàn bộ hoạt động của Ủy ban.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng .
1. Chủ tịch Ủy ban: Điều hành chung, phân công các đồng chí Phó chủ tịch giúp Chủ tịch điều hành, theo dõi từng mặt công tác của Ủy ban.
2. Các đồng chí Phó chủ tịch và các ủy viên kiêm nhiệm:
a) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban trong việc xem xét, giải quyết các vấn đề dân số, gia đình và trẻ em thuộc chức năng quản lý của ngành do Chủ tịch Ủy ban phân công.
b) Tổ chức quản lý và chỉ đạo ngành thực hiện nhiệm vụ dân số, gia đình và trẻ em được phân công. Định kỳ báo cáo kết quả hoạt động của ngành mình cho cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo với đồng chí Chủ tịch Ủy ban.
c) Tham dự đầy đủ các hội nghị của Ủy ban, phản ánh vào báo cáo đầy đủ ý kiến chính thức của ngành mình về vấn đề dân số, gia đình và trẻ em để cùng Ủy ban thảo luận và báo cáo Chủ tịch Ủy ban quyết định.
3. Phó Chủ tịch thường trực:
a) Thay mặt Chủ tịch Ủy ban điều hành mọi hoạt động về dân số, gia đình và trẻ em theo kế hoạch đã được quyết định giữa các kỳ hội nghị của Ủy ban
b) Chuẩn bị nội dung chương trình, các đề xuất về chế độ chính sách và các văn bản khác của Ủy ban để Ủy ban thảo luận và quyết định, phân công theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp, các đoàn thể thực hiện các nội dung do Ủy ban đã bàn bạc quyết định và đã được Bộ Quốc phòng thông qua.
c) Thường trực giải quyết các công việc hàng ngày của Ủy ban được Chủ tịch ủy nhiệm.
d) Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch, phối hợp cùng Cục Tài chính dự trù, tiếp nhận, quản lý, điều phối sử dụng ngân sách, vốn đầu tư và trang thiết bị của chương trình dân số, gia đình và trẻ em.
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan có đại diện là thành viên Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng.
1.Cục Quân y:
a) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện việc cung ứng các dịch vụ về kế hoạch hoá gia đình vào các chương trình thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác.
b) Quản lý và chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong Quân đội.
c) Xây dựng hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành về dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm dịch vụ kế hoạch hoá gia đình nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện cho các đối tượng thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
d) Xây dựng mạng lưới các cơ sở làm dịch vụ về kế hoạch hoá gia đình đến tận các đơn vị cơ sở.
2. Cục Tài chính: Phối hợp với Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng xác định kế hoạch tài chính, đảm bảo và quản lý các nguồn kinh phí cho công tác dân số, gia đình và trẻ em theo các mục tiêu:
3. Cục Nhà trường, Cục Quân huấn: Đưa chương trình giáo dục dân số, gia đình và trẻ em vào giảng dạy trong các học viện, nhà trường Quân đội và các đơn vị huấn luyện chiến sỹ mới thành một môn học ngoại khoá.
4. Cục Tư tưởng – Văn hoá: xây dựng và chỉ đạo công tác tuyên truyền vận động cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên chức quốc phòng thực hiện các mục tiêu dân số - kế hoạch hoá gia đình và chương trình hành động vì trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng và các loại hình tuyên truyền khác. Bồi dưỡng, tổ chức học tập tại chức cho cán bộ, trang bị các phương tiện, tài liệu, sách báo về dân số, gia đình và trẻ em cho mạng lưới cán bộ tư tưởng văn hoá làm nhiệm vụ tuyên truyền viên về công tác này.
5. Cục Quân lực, Cục Cán bộ, Cục Chính sách và các cơ quan liên quan: Tham mưu giúp Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng xây dựng tổ chức, sắp xếp, bố trí cán bộ, nghiên cứu, tham gia xây dựng chính sách phù hợp bảo đảm đầy đủ nghĩa vụ, quyền lợi đối với công tác dân số, gia đình và trẻ em trong Quân đội.
6. Ban Công đoàn quốc phòng, Ban Thanh niên quân đội, Ban Phụ nữ quân đội: Tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
7. Định kỳ 6 tháng, hàng năm các cơ quan là thành viên của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng có báo cáo sơ kết, tổng kết, gửi về Cơ quan thường trực.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng:
1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thường trực, bảo đảm các hoạt động thường xuyên của Ủy ban.
2. Giúp cho Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng triển khai, giám sát thực hiện các mục tiêu của công tác dân số, gia đình, trẻ em trong quân đội; xây dựng và chỉ đạo các đơn vị duy trì các chế độ, chính sách, chỉ tiêu, thực hiện các quy định về quản lý, điều hành công tác dân số, gia đình và trẻ em; các chế độ nền nếp chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ dân số - kế hoạch hoá gia đình của Quân y các đơn vị trong toàn quân.
3. Trực tiếp quan hệ với Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em của Quốc gia và các cơ quan có liên quan để thực hiện các nội dung công tác về dân số, gia đình, trẻ em.
4. Tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác dân số, gia đình và trẻ em.
5. Cùng với Ban Tài chính Cục Quân y tiếp nhận, quản lý, phân phối và sử dụng kinh phí chương trình dân số, gia đình, trẻ em theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban .
6. Quản lý các công văn, tài liệu về dân số, gia đình và trẻ em của Ủy ban.
7. Văn phòng Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chịu sự quản lý chỉ huy trực tiếp, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục trưởng Cục Quân y.
Điều 11. Kinh phí hoạt động của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng do Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em của Quốc gia và Bộ Quốc phòng đảm bảo (thông qua cơ quan Tài chính Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần).
Chương 3:
ỦY BAN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM CÁC CẤP TRONG QUÂN ĐỘI
Điều 12.
1. Ở Bộ Tổng tham mưu, các Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng và tương đương, thành lập Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trực thuộc người chỉ huy cùng cấp quản lý, do người chỉ huy cùng cấp ra quyết định thành lập.
2. Thành phần của Ủy ban gồm:
a) Chủ tịch Ủy ban là đồng chí Phó chỉ huy về Chính trị,
b) Phó chủ tịch Ủy ban:
- Đồng chí Chủ nhiệm Chính trị,
- Đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần.
c) Đồng chí Chủ nhiệm Quân y làm ủy viên thường trực.
d) Các thành viên: Cơ quan Tổ chức, Cán bộ, Quân lực, Tuyên huấn, Quân huấn, Dân vận – Tuyên truyền đặc biệt, Chính sách, Tài chính, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, mỗi cơ quan cử một đồng chí cấp trưởng hoặc cấp phó làm Ủy viên.
3. Các thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
4. Ủy ban sử dụng dấu và tài khoản của đơn vị.
Điều 13. Nhiệm vụ và quyền hạn Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Tổng Tham mưu, các Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn và tương đương:
1. Căn cứ kế hoạch và chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, tình hình thực tế của đơn vị và tình hình địa bàn nơi đóng quân, xây dựng kế hoạch hàng năm về dân số, gia đình, trẻ em cho đơn vị mình để trình chỉ huy trực tiếp phê duyệt.
2. Tổ chức điều phối, phân công thực hiện kế hoạch, phối hợp với các ngành, các đơn vị và địa phương nơi đóng quân để tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, công nhân viên chức, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ và nhân dân thực hiện tốt công tác dân số, gia đình, trẻ em.
3. Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả việc thực hiện theo kế hoạch công tác dân số, gia đình, trẻ em đã được xác định và thực hiện thống kê báo cáo theo đúng kỳ hạn.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên, cơ quan là thành viên của Ủy ban, thực hiện theo khoản 1, 2 Điều 6 Quy định này.
Điều 14.
1. Ở cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, học viện, nhà trường, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, tỉnh đội và tương đương, thành lập Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trực thuộc chỉ huy đơn vị, do Thủ trưởng đơn vị ra quyết định thành lập.
2. Thành phần của Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em:
- Trưởng ban: Đồng chí Phó chỉ huy về Chính trị,
- Ủy viên thường trực: Đồng chí Chủ nhiệm Quân y.
- Các thành viên: Cơ quan chính trị, công đoàn, phụ nữ (nếu có) tác huấn, chính sách, tài chính, mỗi cơ quan cử một đồng chí cán bộ làm Ủy viên.
Điều 15.
1. Nhiệm vụ của Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, học viện, nhà trường, bệnh viện, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và tương đương:
a) Lập kế hoạch và tổ chức phân công triển khai hướng dẫn tổ chức các hoạt động về công tác dân số, gia đình và trẻ em hàng năm của đơn vị.
b) Kiểm tra đánh giá định kỳ kết quả hoạt động của công tác dân số, gia đình và trẻ em, thống kê báo báo đầy đủ và gửi báo cáo định kỳ lên cấp trên.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên và cơ quan là thành viên:
- Trên cơ sở kế hoạch hoạt động của Ban, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.
- Tham gia đầy đủ các hoạt động, các hội nghị của Ban. Thu thập phản ánh và báo cáo đầy đủ ý kiến chính thức của ngành mình về vấn đề dân số, gia đình và trẻ em để Ban thảo luận và quyết định.
Điều 16.
1. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Tổng tham mưu, các Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng và tương đương, Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và tương đương sử dụng kinh phí do Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng cấp.
2. Các đơn vị tự cân đối một khoản kinh phí phù hợp cho hoạt động thường xuyên của Ủy ban (Ban) Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp mình.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17.
1. Người chỉ huy các cấp chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai công tác dân số, gia đình, trẻ em theo các mục tiêu tại đơn vị mình; Quân y là lực lượng nòng cốt và trực tiếp tổ chức thực hiện.
2. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân rà soát và kiện toàn lại tổ chức, quy chế thực hiện ở cấp mình./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.