ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1544/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 09 tháng 6 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT NHÀ Ở VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 90/2006/NĐ-CP NGÀY 06/9/2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 382/TTr-SXD-QLN ngày 13/5/2008 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt, Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT NHÀ Ở VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 90/2006/NĐ-CP NGÀY 06/9/2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1544 /QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Luật Nhà ở đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Để triển khai thực hiện Luật Nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Việc tổ chức thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được triển khai theo kế hoạch sau:
I. Mục đích yêu cầu:
1. Xác lập vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền trong lĩnh vực nhà ở trên địa bàn quản lý;
2. Quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sở hữu; phát triển, quản lý sử dụng; giao dịch và quản lý nhà nước về nhà ở;
3. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu;
4. Thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính đối với các hoạt động trong lĩnh vực nhà ở;
5. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đáp ứng nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp và các tầng lớp dân cư trong xã hội;
6. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện pháp luật về nhà ở.
II. Nội dung công việc cần triển khai thực hiện:
1. Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
a) Thẩm quyền cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở:
- Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Xây dựng cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho tổ chức trong nước và nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Nhà ở. Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho chủ sở hữu là Sở Xây dựng;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cá nhân trong nước. Cơ quan tiếp nhận giải quyết hồ sơ và giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho chủ sở hữu là cơ quan có chức năng quản lý nhà hoặc quản lý đất cấp huyện (theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện).
b) Thẩm quyền xác nhận thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở:
- Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh ( ủy quyền cho Sở Xây dựng) cấp thì Sở Xây dựng xác nhận và đóng dấu của Sở Xây dựng;
- Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp thì phòng có chức năng quản lý nhà ở hoặc quản lý đất đai cấp huyện xác nhận và đóng dấu của Ủy ban nhân cấp huyện.
c) Giấy tờ về tạo lập nhà ở làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
d) Trình tự, thủ tục, thời gian cấp mới, cấp đổi, cấp lại, xác nhận thay đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thực hiện theo quy định tại các Điều 46, Điều 47 và Điều 48 của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
đ) Về giao giấy chứng nhận và lưu trữ hồ sơ: cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận có trách nhiệm cấp cho chủ sở hữu bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sao một bản để lưu cùng hồ sơ gốc; trường hợp là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thì có trách nhiệm sao thêm một bản chuyển cho cơ quan quản lý đất đai cùng cấp để lưu.
e) Những trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thực hiện theo quy định tại Điều 51 của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
g) Về công khai thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thực hiện theo quy định tại mục III phần 1 của Thông tư số 05/2006/TT-BXD ngày 01/11/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
h) Quản lý mẫu Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở:
- Bộ Xây dựng phát hành hai loại mẫu giấy chứng nhận quy định tại Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ để sử dụng thống nhất trong cả nước;
- Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện phải lập sổ giao nhận và phát giấy chứng nhận theo nguyên tắc: số giấy chứng nhận đã cấp, số giấy chứng nhận bị hư hỏng (nếu có) và số giấy chứng nhận chưa cấp phải bằng tổng số giấy chứng nhận đã nhận từ Nhà xuất bản Xây dựng – Bộ Xây dựng;
- Định kỳ sáu tháng một lần và hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tổng hợp, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng về số giấy chứng nhận đã nhận, số giấy chứng nhận đã cấp, số giấy chứng nhận bị hư hỏng (nếu có) trên địa bàn.
i) Báo cáo kết quả về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở:
- Hàng quý, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có báo cáo gửi Sở Xây dựng về tình hình cấp giấy chứng nhận cho cá nhân trên địa bàn theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục số 9 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2006/TT-BXD ngày 01/11/2006 của Bộ Xây dựng;
- Hàng quý, Sở Xây dựng phải có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục số 10 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2006/TT-BXD ngày 01/11/2006 của Bộ Xây dựng;
- Chậm nhất vào ngày 15/7 hàng năm và ngày 15/01 của năm sau, Sở Xây dựng có báo cáo kết quả thực hiện sáu tháng đầu năm và báo cáo kết quả thực hiện cả năm về việc cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục số 11 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2006/TT-BXD ngày 01/11/2006 của Bộ Xây dựng.
k) Về lệ phí cấp, xác nhận thay đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở:
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy, xác nhận thay đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có trách nhiệm nộp lệ phí cấp giấy, xác nhận thay đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 27/3/2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng “về mức thu, nộp, tỷ lệ điều tiết và chế độ quản lý, sử dụng lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
2. Phát triển nhà ở
a) Mục tiêu phát triển nhà ở:
- Phát triển nhà ở là việc đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại hoặc cải tạo làm tăng diện tích nhà ở;
- Phát triển nhà ở phải đảm bảo cho công dân có chỗ ở phù hợp với khả năng thu nhập của các đối tượng khác nhau, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng; từng bước cải thiện chỗ ở của các tầng lớp dân cư, thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường bất động sản nhà ở; góp phần phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc;
- Phát triển nhà ở phải thể hiện chủ trương xóa bao cấp, thực hiện xã hội hóa nhà ở dựa trên cơ chế tạo điều kiện của nhà nước về tín dụng dài hạn với lãi suất phù hợp; xác định trách nhiệm của người có nhu cầu tạo lập nhà ở và của các cấp, các ngành, của cộng đồng dân cư trong lĩnh vực chăm lo, cải thiện chỗ ở.
b) Yêu cầu đối với phát triển nhà ở tại khu vực đô thị:
- Tuân thủ các quy định về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch xây dựng đô thị bảo đảm bố trí dân cư, chỉnh trang đô thị, kiến trúc, cảnh quan, môi trường, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
- Nhà ở tại đô thị chủ yếu phải được phát triển theo dự án, các dự án phát triển nhà ở phải được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng yêu cầu cải thiện điều kiện sống của dân cư theo tiêu chuẩn của đô thị;
- Các dự án phát triển nhà ở tại khu vực nội thành phố Đà Lạt, nội thị xã Bảo Lộc phải dành một tỷ lệ thích hợp để xây dựng nhà chung cư, nhà ở xã hội nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu ở hiện đại, văn minh nhưng phù hợp với tính chất đặc thù của các đô thị, không phá vỡ địa hình, cảnh quan trong đô thị;
- Các dự án phát triển nhà ở, ngoài việc nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng còn phải nghiệm thu hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường trước khi đưa vào sử dụng.
c) Yêu cầu đối với phát triển nhà ở tại khu vực nông thôn:
- Tuân thủ quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, kiến trúc, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và sử dụng đất theo quy định của pháp luật, bảo đảm sự hình thành và phát triển nông thôn bền vững;
- Phát triển nhà ở nông thôn phải gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao điều kiện sống của nhân dân.
d) Các phương thức phát triển nhà ở:
- Nhà ở do tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển để bán, cho thuê theo nhu cầu của thị trường (sau đây gọi tắt là nhà ở thương mại);
- Nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng (sau đây gọi là nhà ở riêng lẻ);
- Nhà ở do nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để cho các đối tượng theo quy định thuê hoặc thuê mua (sau đây gọi là nhà ở xã hội);
- Nhà ở do nhà nước đầu tư xây dựng để phục vụ điều động, luân chuyển cán bộ, công chức theo yêu cầu công tác (sau đây gọi là nhà ở công vụ).
đ) Việc lập, phê duyệt và thực hiện các loại dự án phát triển nhà ở (bao gồm: phát triển nhà ở thương mại, phát triển nhà ở xã hội, phát triển nhà ở công vụ) trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ theo quy định tại Mục 1 Chương II (từ Điều 4 đến 10) của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
e) Phát triển nhà ở thương mại thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương II (từ Điều 11 đến Điều 17) của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
g) Phát triển và quản lý nhà ở xã hội thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương II (từ Điều 18 đến Điều 27) của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
h) Phát triển và quản lý quỹ nhà ở công vụ thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương II (từ Điều 28 đến Điều 41) của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
3. Quản lý việc sử dụng nhà ở:
a) Nội dung quản lý việc sử dụng nhà ở gồm:
- Lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở;
- Bảo hành, bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà ở.
b) Việc bảo hành, bảo trì, phá dỡ nhà ở (nhà ở đang cho thuê, nhà chung cư) thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương IV của Luật Nhà ở và Chương IV (từ Điều 52 đến Điều 56) của Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
4. Giao dịch về nhà ở:
a) Giao dịch về nhà ở gồm các hình thức mua bán, cho thuê, thuê mua, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ và ủy quyền quản lý nhà ở;
b) Các giao dịch về nhà ở thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật Nhà ở và Chương V (từ Điều 57 đến Điều 63) của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
5. Nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài:
Quyền sở hữu nhà ở, thuê nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương VI của Luật Nhà ở và Chương VI (từ Điều 64 đến Điều 68) của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
6. Quản lý nhà nước về nhà ở:
a) Quản lý nhà nước về nhà ở bao gồm các nội dung:
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện định hướng, chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển nhà ở;
- Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và tổ chức thực hiện các văn bản đó;
- Ban hành tiêu chuẩn nhà ở và quản lý chất lượng nhà ở theo tiêu chuẩn nhà ở;
- Công nhận quyền sở hữu nhà ở;
- Cho phép hoặc đình chỉ việc xây dựng, cải tạo nhà ở;
- Quản lý hồ sơ nhà ở;
- Điều tra, thống kê, xây dựng dữ liệu về nhà ở;
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhà ở;
- Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển và quản lý nhà ở;
- Quản lý hoạt động môi giới về nhà ở;
- Quản lý các hoạt động dịch vụ công về nhà ở;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực nhà ở.
b) Các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở theo quy định tại Chương VII của Luật Nhà ở và Chương VII (từ Điều 69 đến Điều 79) của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
III. Tổ chức thực hiện:
1. Thành lập Ban chỉ đạo chính sách nhà ở của tỉnh:
a) Ban chỉ đạo Chính sách nhà ở của tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Nhà ở và các chính sách liên quan đến quản lý và phát triển nhà ở;
b) Ban chỉ đạo của tỉnh có tổ chuyên viên liên ngành giúp việc;
c) Các thành viên của Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng phụ cấp theo quy định. Sở Tài chính hướng dẫn việc sử dụng ngân sách địa phương cấp kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên giúp việc;
d) Giao Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo chính sách về nhà ở của tỉnh, trong đó quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của ban chỉ đạo và tổ chuyên viên giúp việc.
2. Trách nhiệm của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Trách nhiệm của Sở Xây dựng:
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về nhà ở trên phạm vi toàn tỉnh;
- Nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định hướng, chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh cho từng giai đoạn 10 năm, trên cơ sở định hướng, chương trình phát triển nhà ở quốc gia và tình hình phát triển nhà ở, yêu cầu thực tế tại địa phương;
- Xây dựng đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;
- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định cụ thể các loại giấy tờ về tạo lập nhà ở tại địa phương;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện công tác quản lý và phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.
b) Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan:
- Các sở, ngành thuộc tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở;
- Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản liên quan đến quản lý, phát triển nhà ở theo chức năng nhiệm vụ được giao.
c) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- Thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn;
- Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý và phát triển nhà ở trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý và phát triển nhà ở;
- Định kỳ báo cáo cấp trên về tình hình triển khai Luật Nhà ở trên địa bàn./-
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.