BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1531/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XỬ LÝ KỶ LUẬT CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC BỘ TÀI CHÍNH VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ, KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 06/2003/PL-UBTVQH ngày 09/01/2003 về dân số;
Căn cứ Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số;
Căn cứ Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số; Nghị định sổ 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011 sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010;
Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;
Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về xử lý kỷ luật công chức, viên chức Bộ Tài chính vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế hướng dẫn trước đây về thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
XỬ LÝ KỶ LUẬT CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC BỘ TÀI CHÍNH VI PHẠM CHÍNH SÁCH DÂN SỐ, KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1531/QĐ-BTC ngày 23/06/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chế này quy định việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức, kể cả hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ đang công tác (sau đây gọi chung là công chức, viên chức), thuộc biên chế các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình: sinh con thứ 3 trở lên, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc thuộc một trong các trường hợp qui định tại Điều 2 của Quy chế này.
Điều 2. Những trường hợp sau đây không vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình:
1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm dân số (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Trung ương xác nhận.
6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
- Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).
- Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Điều 3. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật:
1. Đang trong thời gian nghỉ hàng năm theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.
2. Đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
3. Công chức, viên chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng.
4. Đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật:
1. Đảm bảo khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.
2. Phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; thái độ tiếp thu, sửa chữa khắc phục khuyết điểm của cá nhân vi phạm.
3. Đối với công chức, viên chức là đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình ngoài việc xem xét xử lý kỷ luật hành chính còn phải xem xét, xử lý kỷ luật về đảng theo quy định.
4. Trường hợp cả hai vợ, chồng cùng công tác tại các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính mà vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì xử lý kỷ luật cả hai theo quy định tại Quy chế này.
5. Cấm mọi hành vi xâm phạm danh dự của cá nhân trong quá trình xử lý kỷ luật.
6. Không áp dụng hình thức xử lý phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Quy định về hình thức kỷ luật:
1. Hình thức kỷ luật “Khiển trách”: áp dụng đối với các công chức, viên chức sinh con thứ 3.
2. Hình thức kỷ luật “Cảnh cáo”: áp dụng đối với công chức, viên chức sinh con thứ 4.
3. Hình thức kỷ luật “Cách chức”: áp dụng đối với công chức, viên chức lãnh đạo sinh con thứ 4.
4. Hình thức kỷ luật “Buộc thôi việc”: áp dụng đối với công chức, viên chức sinh con thứ năm trở lên.
Công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, ngoài việc xem xét, xử lý kỷ luật tương ứng với các hình thức kỷ luật nêu trên, trong thời gian thi hành Quyết định kỷ luật, không xem xét, giới thiệu quy hoạch, không đề cử, đề bạt, điều động, luân chuyển theo quy định.
Điều 6. Quy trình thủ tục xem xét, xử lý kỷ luật:
Quy trình thủ tục xem xét, xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thực hiện theo quy định tại Bộ Luật lao động, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật công chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 6/4/2012 Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính và công chức, viên chức trong thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình:
1. Trách nhiệm chung:
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, vận động và quán triệt đến từng công chức, viên chức về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình: Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 06/2003/PL-UBTVQH11 ngày 9/01/2003 về Dân số; Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số ngày 27/12/2008; Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 và Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình hàng năm; thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết kế hoạch triển khai thực hiện của đơn vị.
2. Trách nhiệm của Thủ trưởng một số đơn vị:
2.1. Vụ Thi đua khen thưởng:
Đưa kết quả thực hiện các chỉ tiêu về dân số, kế hoạch hóa gia đình là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng hàng năm đối với tập thể, cá nhân.
2.2. Các tổ chức chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính: Thành lập Ban Chỉ đạo dân số và kế hoạch hóa gia đình do 01 Lãnh đạo đơn vị làm Trưởng ban; các thành viên khác do đơn vị tự lựa chọn.
Các tổ chức chuyên ngành có hệ thống dọc, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
2.3. Các tổ chức đoàn thể: Tuyên truyền, vận động công chức, viên chức thuộc tổ chức mình, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và Nhà nước về dân số, kế hoạch hóa gia đình.
2.4. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình các cấp:
Ban Chỉ đạo chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình các cấp có nhiệm vụ:
- Xây dựng Chương trình hành động thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.
- Chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình hành động dân số và kế hoạch hóa gia đình của đơn vị.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của Bộ Tài chính trước ngày 28/02 năm sau.
3. Trách nhiệm của công chức, viên chức:
Công chức, viên chức thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chính sách dân số theo quy định của Đảng và Nhà nước, của cơ quan, đơn vị và nơi cư trú; hướng đến mục tiêu chuẩn mực gia đình ít con, no ấm, bình đẳng và hạnh phúc.
Điều 8. Quy định về những trường hợp đã xem xét, xử lý kỷ luật do vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đã được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật thì nay không xem xét, xử lý lại.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành:
Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và các quy định tại Quy chế này; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ) để được xem xét, hướng dẫn và báo cáo Bộ Tài chính giải quyết.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.