BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ******* Số:1526-QĐ-PC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******* Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1964 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHẾ ĐỘ NIÊM CẤT XE Ô-TÔ TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Để việc niêm cất xe ô-tô của ngành có chế độ thống nhất;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Vận tải đường bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản chế độ niêm cất xe ô-tô để áp dụng trong ngành giao thông vận tải.
Điều 2. Bản chế độ này thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Ông Chánh văn phòng Bộ, ông Cục trưởng Cục Vận tải đường bộ và các ông thủ trưởng các đơn vị có liên quan đến việc niêm cất xe chịu trách nhiệm thi hành.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CHẾ ĐỘ
NIÊM CẤT XE Ô-TÔ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1526-QĐ-PC ngày 10-11-1964)
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU CHUNG
Ô-tô bất kỳ mới hay cũ nếu không sử dụng trong một thời gian cần nhập kho để dự trữ, đều phải tuân theo chế độ niêm cất xe.
Ô-tô cũng như các loại máy móc khác nhập kho lâu ngày nếu không bảo quản cẩn thận thì dễ sinh ra han gỉ các bộ phận bằng kim loại, mục nát các bộ phận bằng gỗ, hư hỏng các bộ phận bằng cao su vv… Đặc biệt đối với Việt Nam chúng ta là xứ nhiệt đới có độ ẩm cao, ánh nắng mặt trời gay gắt, nên việc bảo quản trong thời gian niêm cất trở nên vô cùng quan trọng.
Vì vậy trong suốt thời gian niêm cất phải giữ gìn ô-tô có tình trạng kỹ thuật tốt, định kỳ xem xét bảo dưỡng để niêm cất được lâu dài, không để xẩy ra hư hỏng phụ tùng và các bộ phận.
Đối với xe mới sau khi nhận về, nếu cần nhập kho thì phải làm đúng thủ tục niêm cất để bỏ vào kho. Đối với những xe hiện đang sử dụng nếu cần nhập kho thì phải tiến hành bảo dưỡng định kỳ (ít nhất là bảo dưỡng cấp II) sau đó làm theo nội dung niêm cất rồi mới được nhập kho.
Niêm cất xe chia ra làm hai loại:
- Niêm cất ngắn hạn (dưới thời gian ba tháng).
- Niêm cất dài hạn (thời gian ba tháng trở lên).
Công việc niêm cất xe bao gồm: chuẩn bị vào niêm cất, bảo quản xe trong thời gian niêm cất, bảo dưỡng kỹ thuật trong thời gian niêm cất và chuẩn bị xe ra khi hết kỳ niêm cất.
II. NIÊM CẤT NGẮN HẠN
Những xe cần nhập kho trong phạm vi ba tháng thuộc vào diện niêm cất ngắn hạn. Đối với loại xe này cần làm mấy việc dưới đây:
A. Chuẩn bị xe vào niêm cất.
Trước khi đưa xe nhập kho, ngoài công việc bảo dưỡng định kỳ ra còn cần làm mấy công việc chuẩn bị dưới đây:
1. Đưa xe vào vị trí niêm cất quy định trong nhà xe (hoặc bãi niêm cất). Tháo hết xăng hoặc ma-dút trong thùng chứa, cho máy chạy cho tới khi hết nhiên liệu và tự động tắt máy. Tháo hết nước trong két nước làm mát ra.
2. Khi máy đã dừng lại, tháo ngay nến đánh lửa và tháo nắp đổ dầu, dùng tay quay hay máy khởi động cho máy quay để xả hết hơi ra ngoài. Sau đó, đổ vào xi-lanh 30-50g dầu máy trong sạch, dùng tay quay quay máy độ 15 vòng cho dầu phân phối đều trên mặt xi-lanh để tránh han gỉ, rồi vặn nến đánh lửa lại.
3. Đổ dầu máy trên lỗ nếu điện cách mặt nắp máy độ 5mm để tránh hơi ẩm thâm nhập vào trong xi-lanh.
4. Kiểm tra toàn bộ dây điện, lau sạch và chùi khô, chỗ nào bị han gỉ thì cạo sạch và bôi mỡ.
5. Tháo bình điện trên xe xuống, lau chùi sạch sẽ, đánh dấu số xe vào đưa đi tiếp điện đầy đủ và lắp lên xe.
6. Bản lề, khóa cửa; quả nắm, vv… chỗ nào mạ kền tốt thì thôi, các chỗ khác quét sơn hoặc bôi một lớp mỡ chống gỉ.
7. Cạo sạch và sơn lại những chỗ sơn bị tróc hoặc bị gỉ, những bộ phận kim khí không sơn phải lau sạch, bôi mỡ va-dơ-lin để tránh han gỉ. Những bộ phận có sơn phải rửa sạch lau khô.
8. Rửa sạch và lau khô lốp xe (kể cả lốp dự phòng), cậy sạch đất, đá bám vào và bơm đủ cân hơi lốp theo đúng quy định.
9. Nới lỏng dây đai kéo quạt gió, máy phát điện và bơm nước, cũng như dây đai kéo máy nén hơi.
10. Để cần số chính và số phụ về không, nhả hết phanh tay.
11. Dụng cụ đồ nghề theo xe phải kiểm kê lại, lau sạch, bôi dầu và dùng giấy dầu bọc kín, bỏ vào hòm đồ nghề và niêm lại.
Đối với động cơ xe díesel làm thêm:
- Tháo hết dầu ma-dút trong bơm cao áp ra (không được để tí nào đọng lại trong bơm).
Đặt bình dầu hỏa cao hơn bơm để dầu hỏa chảy qua bầu lọc và vào trong bơm. Cho máy chạy độ 10 phút để dầu ma-dút bị súc rửa hết,
- Sau đó tháo hết dầu hỏa trong bơm cao áp ra đổ dầu đặc biệt (dầu trắng) vào. Dùng bơm tay bơm dầu đặc biệt lên khắp một lượt cho tới đầu phun dầu (injecteur)
Cuối cùng tháo dầu đó ra và không cho chạy máy nữa.
- Tháo hết dầu cũ dưới bơm cao áp ra và thay dầu mới theo đúng mức quy định.
B. Bảo quản trong thời gian niêm cất
1. Xe niêm cất ngắn hạn có thể để trên bãi ngoài trời, cũng có thể để ở trong nhà xe.
Trường hợp để ngoài trời phải để trên bãi khô ráo, thoáng gió, dễ thoát nước, phải có hàng rào bảo vệ cách ly với các khu vực khác và có đủ điều kiện để phòng hỏa và chống hỏa.
Nếu cần thiết thì nên có bạt để che nắng, mưa.
Những xe niêm cất dài hạn phải để trong nhà xe, nhà để xe phải thoáng gió, khô ráo.
2. Xe niêm cất phải kê kích cho bánh xe cao hơn mặt đất 8-10cm để bánh xe khỏi phải chịu đựng sức đè. Nếu nền bằng đất lún thì dưới giá kệ phải lót ván. Nếu niêm cất dài hạn thì phải dùng gỗ kê giữa khung xe và trục xe hoặc cầu xe để nới lòng nhíp không cho nhíp chịu sức.
3. Xe để trên bãi hoặc trong nhà xe nếu bị nắng hắt vào thì dùng bìa giấy hoặc gỗ mỏng che kính chắn gió, tháo cần gạt nước bỏ vào trong buồng lái.
4. Dùng chiếu hoặc bạt đậy lốp lại để tránh ánh nắng và gió làm mục biến chất cao su.
5. Trong suốt thời gian niêm cất phải giữ toàn bộ tổng thành thiết bị cần thiết cho xe hoạt động, tuyệt đối không được tháo dùng từng bộ phận hoặc từng tổng thành.
6. Phải cắt đặt người chuyên trách chịu trách nhiệm giữ gìn bảo quản xe.
III. NIÊM CẤT DÀI HẠN.
Những xe bỏ kho quá thời gian ba tháng thuộc diện niêm cất dài hạn. Công việc niêm cất dài hạn bao gồm mọi nội dung của công việc niêm cất ngắn hạn, ngoài ra còn làm thêm:
A. Chuẩn bị xe vào niêm cất:
1. Tháo bầu lọc xăng ra lau sạch; rửa sạch lưới lọc.
Nếu phía trong bầu lọc bị gỉ thì dùng giấy dáp mịn đánh sạch.
2. Lấy bơm xăng xuống tháo dời và lau sạch, bôi lên một lớp mỡ mỏng, kiểm tra màng bơm, lắp bơm lại và lắp vào vị trí cũ.
3. Tháo bầu lọc không khí, tháo bộ chế hòa khí rửa sạch các bộ phận rồi dùng hơi nén thổi sạch, sau đó lắp lại, bôi một lớp mỡ bên ngoài.
4. Tháo bầu lọc không khí rửa sạch, thổi khô, nhúng lưới lọc dầu để chảy hết dầu thừa. Đổ dầu mới theo đúng tiêu chuẩn, lắp vào như cũ. Dùng giấy dầu bọc kín các khe hở để không thể lọt không khí vào được.
5. Dùng giấy dầu bịt kín nắp đổ dầu và lỗ thước đo dầu.
6. Tháo bánh xe ra ngoài cạo sạch gỉ ở vành (nếu cần thì sửa chữa và sơn lại) lau sạch bụi bẩn ở trong lốp, rắc bột tan rồi bơm 80% hơi lốp.
7. Dùng 1-2 lít dầu lỏng rửa sạch hộp số chính,số phụ, cầu sau, bằng cách kích xe lên cho máy chạy độ 2-3 phút, sau đó tháo dầu bẩn ra và đổ dầu mới vào.
8. Dùng giấy dầu bịt kín các kẽ hở giữa đĩa phanh tay với má phanh và kẽ hở giữa tầng trong bánh xe và mâm phanh.
9. Đèn chỉ hướng lấy giấy dầu bọc lại cho khỏi ẩm. Các mặt kính đèn pha; cốt; tín hiệu cần bôi mỡ.
B. Bảo dưỡng kỹ thuật trong thời gian niêm cất.
Trong suốt thời gian niêm cất phải thường xuyên chăm sóc xe và quét tước, lau chùi sạch bụi bậm. Ngoài ra cứ ba tháng tiến hành một lần bảo dưỡng định kỳ.
Nội dung công việc bảo dưỡng định kỳ này bao gồm:
1. Kiểm tra kỹ lưỡng bộ phận bên ngoài xe, tình trạng xe và phụ tùng xăm lốp có hoàn hảo không, niêm phong có đủ không.
2. Tháo nến đánh lửa hoặc nến điện hâm máy ra đổ 30-50g dầu máy vào từng lỗ xi-lanh.
Gài hộp số chính, hộp số phụ và cầu xe ở số thấp nhất, dùng tay quay quay máy độ 15 vòng,
Đối với những xe có tời ở đầu mà không có tay quay thì gài số và quay bánh xe.
(Chú ý: sau khi quay máy xong phải kiểm tra lại cần bơm, giữ cho nó ở trạng thái nhả bơm để tránh hỏng màng).
3. Nếu thấy chỗ nào có dấu vết gỉ thì phải lau sạch chỗ đó bôi dầu hoặc quét sơn.
4. Kiểm tra áp lực hơi trong các bánh xe, nếu thiếu phải bơm thêm cho đủ. Đánh dấu điểm tựa lốp với mặt đất, dùng tay quay bánh xe ít nhất 8 vòng rồi trả về điểm tựa mới (mỗi lần quay điểm tựa đi 900).
5. Quay vô lăng tay lái về cả hai phía từ 2-3 lần. Đồng thời kiểm tra toàn bộ hệ thống chuyển hướng.
6. Kiểm tra phanh chân, phanh tay, hệ thống chuyển động, chân ga, tay ga, cần kéo bướm gió xem có linh hoạt không.
7. Kiểm tra bộ chia điện, nếu cần bôi thêm một lớp dầu nhờn lên các bộ phận phụ tùng bằng kim khí và kiểm tra các bộ phận khác.
8. Kiểm tra dụng cụ đồ nghề theo xe khi cần thì phải lau chùi sạch sẽ và bôi dầu.
9. Làm dầu mỡ các bộ phận cần tra dầu mỡ.
10. Sửa chữa những chỗ hư hỏng.
IV. CHUẨN BỊ XE RA KHI HẾT KỲ NIÊM CẤT
1. Lau rửa các bộ phận có bôi dầu mỡ trong thời gian niêm cất, rửa các bộ phận đó bằng dầu hỏa hay xăng không pha chì.
2. Dùng xăng rửa sạch nến đánh lửa, thổi khô, lắp lên máy và bắt dây cao thế vào.
3. Lắp chặt bình điện và bắt nối đầu dây lại xong kiểm tra đường dây.
4. Trước khi phát động, đổ 30-50g dầu máy vào mỗi xi lanh dùng tay quay quay máy độ 10-15 vòng. Kiểm tra mức dầu trong các-te nếu cần thiết thì đổ thêm.
5. Đổ nhiên liệu đầy đủ vào thùng chứa; bơm nhiên liệu lên đầy đủ phát động máy để máy chạy nóng tới 60-700C nghe tình hình làm việc của máy ở các tốc độ khác nhau, xem có hiện tượng gì khác thường không?
6. Kiểm tra vặn chặt ê-cu nắp máy; nếu nắp máy bằng gang thì vặn lại khi máy nóng, nếu nắp máy bằng nhôm thì vặn khi máy nguội và vặn theo thứ tự quy định.
7. Kiểm tra tình hình bắt chặt các bánh xe,
8. Kiểm tra phanh chân phanh tay.
9. Kiểm tra tình hình đèn và tín hiệu.
10. Mở máy phát động tiến hành thử xe tại chỗ kiểm tra các bộ phận, tình hình làm việc của các hệ thống.
Nếu phát hiện thấy hư hỏng thì phải sửa chữa ngay rồi mới cho xe đi hoạt động.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.