ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1512/QĐ-UBND | Rạch Giá, ngày 23 tháng 6 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG HỘ CHIẾU PHỔ THÔNG CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG TỈNH KIÊN GIANG ĐI NƯỚC NGOÀI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Căn cứ Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức, công dân.
Căn cứ Thông tư số 27/2007/TT-BCA (A11) ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thụng ở trong nước theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Xét Tờ trình số 225/CAT(PA18) ngày 17 tháng 6 năm 2008 của Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý việc sử dụng hộ chiếu phổ thông của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên trong các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức) trong tỉnh Kiên Giang đi nước ngoài.
Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Quy chế này và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG HỘ CHIẾU PHỔ THÔNG CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG TỈNH KIÊN GIANG ĐI NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1512/QĐ-UBND ngày 23/6/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
Điều 1. Quy định chung về hộ chiếu
1. Hộ chiếu quốc gia bao gồm: hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông.
2. Hộ chiếu quốc gia là tài sản của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được sử dụng thay thế giấy chứng minh nhân dân.
Điều 2. Quy chế này chỉ được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên trong các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân (gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức) sử dụng hộ chiếu phổ thông để đi nước ngoài. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức được quản lý theo quy định khác.
Điều 3. Quy định về cấp hộ chiếu phổ thông.
1. Hộ chiếu phổ thông cấp cho mọi công dân Việt Nam (trừ các trường hợp chưa được xuất cảnh, chưa được cấp hộ chiếu phổ thông, được quy định tại Điều 21, Điều 23 và Điều 24 của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam). Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.
2. Cán bộ, công chức, viên chức nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông như mọi công dân, không phải nộp thêm giấy tờ khác ngoài quy định của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ và Thông tư số 27/2007/TT-BCA(A11) ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông ở trong nước.
Điều 4. Sử dụng hộ chiếu phổ thông.
1. Cán bộ, công chức, viên chức được cấp hộ chiếu phổ thông phải ghi và ký tên mình vào hộ chiếu, có trách nhiệm giữ gìn và bảo quản cẩn thận, không được tẩy xoá, sửa chữa nội dung trong hộ chiếu, không được cho người khác sử dụng.
2. Khi sử dụng hộ chiếu để xuất nhập cảnh ra nước ngoài, phải sử dụng đúng hộ chiếu của mình, phù hợp với tính chất của mỗi chuyến đi, không được sử dụng hộ chiếu phổ thông trái với pháp luật Việt Nam. Khi xuất cảnh ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định nội bộ của từng ngành nhằm bảo vệ bảo vệ bí mật Nhà nước theo Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và Quyết định số 163/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước tỉnh Kiên Giang.
3. Cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộ chiếu phổ thông nếu bị mất phải có trách nhiệm khai báo theo quy định sau:
- Nếu hộ chiếu bị mất ở trong nước thì trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện mất phải có đơn trình báo và có xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi gần nhất, sau đó nộp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Cục quản lý Xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý Xuất nhập cảnh nơi thường trú hoặc tạm trú.
- Nếu hộ chiếu bị mất ở nước ngoài thì phải có đơn trình báo ngay với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi gần nhất và cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
- Nội dung đơn trình báo cần ghi rõ: họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú hoặc tạm trú, số hộ chiếu, ngày cấp, cơ quan cấp, thời gian, địa điểm xảy ra và lý do mất hộ chiếu.
Điều 5. Quản lý hộ chiếu phổ thông.
1. Giữ gìn và sử dụng hộ chiếu phổ thông đúng pháp luật là quyền và trách nhiệm của cá nhân được cấp hộ chiếu. Các cơ quan, đơn vị không thu giữ hộ chiếu phổ thông của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài; chỉ bị thu giữ trong trường hợp người mang hộ chiếu vi phạm pháp luật Việt Nam, bị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu giữ.
2. Căn cứ vào tính chất công việc, nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; quản lý việc sử dụng hộ chiếu phổ thông của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình để đi nước ngoài theo quy định hiện hành, nhưng không được trái với tinh thần Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức, công dân.
3. Cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộ chiếu phổ thông đi nước ngoài nếu để xảy ra vi phạm, nhất là vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, nội bộ cơ quan và các quy định khác...., ngoài cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đó bị xử lý theo quy định, thì Thủ trưởng trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó phải chịu liên đới trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, nếu thấy có vấn đề gì còn vướng mắc, cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp thì báo về Sở Nội vụ để báo cáo UBND tỉnh giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.