ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2012/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 09 tháng 4 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Quốc hội;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về việc Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y;
Căn cứ Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn; Thông tư số 61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia cầm;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 40/TTr-SNN ngày 11 tháng 01 năm 2012 về việc ban hành Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và đề nghị của Chánh Văn phòng UBND thành phố,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 144/2003/QĐ-UBND ngày 20/10/2003 của UBND thành phố Đà Nẵng về kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; Công an thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; các tổ chức, cá nhân có hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15 /2012/QĐ-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2012 của UBND thành phố Đà Nẵng )
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định việc quản lý đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
2. Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này khi hoạt động vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải tuân theo quy định tại Điều 6 Quy định này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Gia súc: trâu, bò, dê, cừu, lợn và một số loài gia súc khác sử dụng làm thực phẩm
2. Gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, bồ câu, chim cút và một số loài chim khác sử dụng làm thực phẩm.
3. Sản phẩm gia súc, gia cầm: bao gồm những sản phẩm có nguồn gốc từ các loại gia súc, gia cầm được quy định tại khoản 1, 2 của Điều này ở dạng tươi sống và sơ chế.
4. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: là địa điểm cố định, được các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
5. Phương tiện vận chuyển: bao gồm các phương tiện được dùng để chuyên chở gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống và sơ chế.
6. Tiêu độc khử trùng: là việc sử dụng các tác nhân vật lý, hóa học để tiêu diệt các vi sinh vật vấy nhiễm trên đối tượng cần khử trùng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
7. Khu giết mổ: là nơi diễn ra các hoạt động gây choáng, lấy tiết, nhúng nước nóng, làm lông, tách phủ tạng, làm sạch phủ tạng, rửa thân thịt lần cuối, kiểm tra thân thịt và dán tem, đóng dấu kiểm soát giết mổ.
8. Khu bẩn: là nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ, gây choáng, lấy tiết, nhúng nước nóng, làm lông, tách phủ tạng, làm sạch phủ tạng, thu gom phụ phẩm.
9. Khu sạch: là nơi diễn ra hoạt động rửa lần cuối, làm lạnh, kiểm tra thân thịt lần cuối, pha lóc, đóng gói.
Điều 3. Điều kiện chung
1. Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nêu trên phải có giấy đăng ký kinh doanh và các giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Người trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh giết mổ, vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật phải có đủ sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm, có giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên, định kỳ khám sức khỏe 6 tháng/lần và có giấy chứng nhận đã qua các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải tuân thủ các điều kiện của Quy định này và các quy định khác của Trung ương.
Điều 4. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Vận chuyển gia súc, gia cầm vào khu vực nội thành bằng bất cứ phương tiện gì.
2. Vận chuyển sản phẩm động vật trên các phương tiện xe khách, xe không có thùng chứa.
3. Vắt sản phẩm động vật trên xe máy, xe thô sơ để vận chuyển, dẫm đạp hay ngồi trên sản phẩm động vật trong quá trình vận chuyển.
4. Mua bán động vật, sản phẩm động vật trên các vỉa hè, lề đường, trước cổng chợ.
5. Bán các sản phẩm động vật không qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, sản phẩm nhiễm bệnh, ôi thiu, có độc tố, có kí sinh trùng hoặc vi sinh vật gây bệnh cho con người.
6. Sử dụng các hóa chất, phụ gia không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế để bảo quản, chế biến các sản phẩm động vật.
7. Bán các loại sản phẩm động vật tươi sống và sản phẩm động vật đã chế biến chín trên cùng một mặt bàn và cùng một dụng cụ dao, thớt.
8. Buôn bán sản phẩm động vật tại khu vực giết mổ.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm
Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
1. Cơ sở giết mổ động vật được xây dựng theo đúng quy hoạch của thành phố, không nằm trong khu vực nội thành, cách biệt khu dân cư tập trung; xa trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, nơi nhiễm độc, nhiễm bẩn…
2. Mặt bằng cơ sở phải có diện tích phù hợp với quy mô quy hoạch, bảo đảm phân chia thành các khu riêng biệt, bao gồm:
a) Khu vực hành chính:
- Phòng làm việc của nhân viên thú y, diện tích tối thiểu 4 m2 cho mỗi nhân viên thú y kiểm dịch.
- Phòng vệ sinh, thay quần áo của công nhân hoạt động trong cơ sở.
b) Khu vực sản xuất bao gồm:
- Chuồng nuôi nhốt trước khi giết mổ có diện tích đủ để nuôi nhốt số lượng gấp đôi công suất giết mổ, hệ thống cung cấp nước uống, lối đi phục vụ cho công tác kiểm tra, có đường thu gom nước thải đổ thẳng ra nơi xử lý chất thải lỏng, không được chảy qua khu vực giết mổ.
- Chuồng cách ly động vật nghi bị mắc bệnh.
- Khu giết mổ động vật được thiết kế bảo đảm quá trình giết mổ theo nguyên tắc một chiều từ khu bẩn đến khu sạch. Khu bẩn và khu sạch phải được cách biệt nhau, giữa hai khu phải có hố hoặc máng sát trùng.
c) Hệ thống thoát nước thải và xử lý chất thải bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường và vấy nhiễm sản phẩm sau khi giết mổ.
3. Cơ sở giết mổ động vật phải bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y đã được quy định tại Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn; Thông tư số 61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia cầm và các Quy chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường đối với một cơ sở giết mổ động vật.
4. Các cơ sở giết mổ tập trung phải thực hiện phương thức giết mổ treo thay cho phương thức giết mổ trên mặt nền và thực hiện đúng quy trình giết mổ động vật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
5. Tất cả động vật khi đưa vào cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển.
6. Cơ sở giết mổ được xây dựng sau ngày Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 61/2010/TT-BNNPTNT có hiệu lực (tức là từ ngày 10 tháng 12 năm 2010) phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu nêu trên mới được cấp phép hoạt động.
Đối với các cơ sở giết mổ đã được xây dựng trước khi ban hành Quyết định này và phù hợp với quy hoạch, phải khẩn trương thực hiện sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo các yêu cầu nêu trên. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, các cơ sở giết mổ không đáp ứng các yêu cầu tại Quy định này phải ngưng hoạt động.
Điều 6. Hoạt động vận chuyển động vật và sản phẩm động vật
1. Vận chuyển động vật
a) Gia súc, gia cầm vận chuyển từ các địa phương khác về thành phố Đà Nẵng và từ Đà Nẵng đi các tỉnh khác, hoặc từ quận, huyện này sang các quận, huyện khác trong địa bàn thành phố đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y.
b) Gia súc, gia cầm vận chuyển quá cảnh hoặc nhập vào thành phố phải được thực hiện kiểm dịch, tiêu độc khử trùng tại các trạm kiểm dịch động vật và phải vận chuyển đến đúng địa điểm ghi trong giấy kiểm dịch và đi theo đúng tuyến đường quy định của thành phố.
c) Gia súc, gia cầm dùng để giết thịt chỉ được vận chuyển đến cơ sở giết mổ tập trung.
d) Gia súc, gia cầm dùng để chăn nuôi, làm giống trước khi nhập vào thành phố, chủ cơ sở phải báo với cơ quan thú y để kiểm tra và hướng dẫn theo quy định.
e) Phương tiện vận chuyển động vật phải là phương tiện chuyên dụng, theo tiêu chuẩn, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y.
2. Vận chuyển sản phẩm động vật
a) Sản phẩm động vật phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh và đã được cơ quan thú y kiểm tra đóng dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch.
b) Việc vận chuyển sản phẩm động vật từ các địa phương khác về Đà Nẵng và từ các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn thành phố để kinh doanh, tiêu thụ phải sử dụng các phương tiện chuyên dụng: xe phải có thiết bị làm lạnh để bảo quản sản phẩm và có dàn treo thân thịt.
c) Nếu vận chuyển với số lượng ít và bằng phương tiện xe máy, xe thô sơ, sản phẩm phải được chứa trong thùng bằng kim loại không gỉ, không làm biến đổi màu, không làm thay đổi chất lượng sản phẩm, có đáy kín, chắc chắn và có nắp đậy.
d) Phương tiện vận chuyển và dụng cụ chứa sản phẩm phải được vệ sinh, khử trùng trước và sau khi vận chuyển.
e) Bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, tất cả các phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nói trên.
Điều 7. Hoạt động kinh doanh động vật; chế biến, buôn bán các sản phẩm động vật.
1. Địa điểm kinh doanh động vật phải cách xa khu dân cư, xa trường học, bệnh viện và được cấp có thẩm quyền cho phép.
2. Tại các chợ ở khu vực nông thôn, địa điểm kinh doanh gia súc, gia cầm phải bố trí ở khu vực riêng, cách biệt với các loại hàng hóa khác.
3. Các cơ sở chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thiết bị, dụng cụ, vật chứa đựng, bao gói… phải bảo đảm không gây ô nhiễm thực phẩm. Nguyên liệu đưa vào chế biến phải có nguồn gốc rõ ràng và đã được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát, cấp chứng nhận.
4. Các sản phẩm động vật được đưa ra lưu thông trên thị trường phải được lấy từ các cơ sở giết mổ đã được cấp phép hoạt động và được cơ quan thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch.
5. Các cửa hàng, quầy hàng bán sản phẩm động vật tại các chợ phải được bố trí ở khu vực riêng và có hệ thống cấp nước và thoát nước kín. Bàn bán hàng phải có chiều cao tối thiểu 0,6 m, mặt bàn làm bằng vật liệu không gỉ, không làm biến đổi chất lượng sản phẩm, dễ làm vệ sinh và phải được vệ sinh khử trùng trước và sau khi bán trong từng ngày. Hàng hóa khi giao cho khách hàng phải được đựng trong bao bì kín, đảm bảo vệ sinh.
6. Người trực tiếp bán hàng, ngoài các điều kiện chung tại Quy định này, phải mặc tạp dề và giữ gìn vệ sinh cá nhân (găng tay, khẩu trang, bao tóc).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
b) Chỉ đạo Chi cục Thú y:
- Phối hợp với UBND các quận, huyện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nội dung Quy định này;
- Chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định;
- Tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định của Pháp lệnh Thú y và các văn bản hướng dẫn kèm theo.
c) Chỉ đạo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Chi cục Thú y và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.
2. Sở Y tế:
a) Tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn thành phố; tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho các cá nhân hành nghề theo đúng quy định;
b) Phối hợp kiểm tra việc mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm;
c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và lây nhiễm trên người.
3. Sở Công thương:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện triển khai thực hiện phương án quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, nhất là các chợ, siêu thị có hoạt động kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật, chợ đầu mối sản phẩm động vật;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố và UBND các quận, huyện tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Hướng dẫn việc thực hiện điều kiện môi trường đối với hoạt động của cơ sở giết mổ tập trung gia súc, gia cầm;
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường;
c) Tổ chức thẩm định về điều kiện môi trường đối với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác định cam kết bảo vệ môi trường có tính chất và quy mô tương ứng.
5. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an thành phố kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm của chúng lưu thông, xuất, nhập vào thành phố.
6. Công an thành phố:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và cơ quan thú y kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.
b) Phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; kiểm soát giết mổ, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định các dự án quy hoạch cơ sở giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng phối hợp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền và kịp thời phát hiện, đưa tin biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời phản ánh các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi vi phạm trong công tác quản lý, kinh doanh các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.
9. Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành, cân đối kinh phí phù hợp cho các hoạt động có liên quan trong việc thực hiện Quy định này.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện UBND các quận, huyện:
1. Chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện các quy định quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý.
2. Tổ chức hướng dẫn các chủ cơ sở giết mổ, người buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm phải đăng ký kinh doanh và chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và của thành phố về công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm.
3. Phối hợp với các ngành chức năng quy hoạch địa điểm giết mổ, tổ chức hướng dẫn hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.
4. Thực hiện cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, mua bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.
5. Chỉ đạo thực hiện điều kiện môi trường đối với các điểm mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm thuộc địa bàn quản lý.
6. Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định này sẽ được xem xét, khen thưởng theo quy định về thi đua, khen thưởng.
2. Mọi hành vi vi phạm Quy định này và các quy định khác của Trung ương, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thanh tra các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải; các lực lượng Công an, Quản lý thị trường; Chủ tịch UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần phải sửa đổi, bổ sung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tổng hợp, đề xuất trình UBND thành phố xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.