ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2007/QĐ-UBND | Tân An, ngày 23 tháng 4 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THỨ TƯ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN VÀ CÁN BỘ TƯ PHÁP TRONG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ VÀ NHÂN DÂN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 – 2010;
Căn cứ Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg ngày 28/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án chi tiết thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 – 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại công văn số 208/TTr-STP ngày 04/4/2007,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án thứ tư của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THỨ TƯ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN VÀ CÁN BỘ TƯ PHÁP TRONG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ VÀ NHÂN DÂN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-UBND ngày 23/4/2007 của UBND tỉnh)
Thực hiện Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 – 2010; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án thứ tư của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn như sau:
I. Mục đích yêu cầu:
1. Tạo sự chuyển biến thống nhất về nhận thức cho hệ thống chính trị trong tỉnh đối với Chương trình quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã phường, thị trấn, tạo sự phối hợp đồng bộ và thống nhất trong thực hiện công tác PBGDPL.
2. Phát huy vai trò của cơ quan tư pháp và cán bộ công chức tư pháp trong PBGDPL qua thực hiện các hoạt động tư pháp và khi thực thi công vụ, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ công chức tư pháp, kết hợp lồng ghép, khai thác có hiệu quả các phương thức, mô hình PBGDPL ở cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tư pháp địa phương đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp.
3. Hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ và có hiệu quả giữa cơ quan tư pháp; giữa cơ quan tư pháp với các tổ chức của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn; đề cao trách nhiệm quản lý chỉ đạo của UBND cấp huyện, xã trong công tác PBGDPL.
4. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch này phải kết hợp với các kế hoạch thực hiện Đề án trong Chương trình quốc gia PBGDPL, kết hợp chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 06-CT/TU của Tỉnh ủy về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010.
II. Nội dung, biện pháp tiến hành:
1. Bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức pháp luật và tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn.
- Sở Tư pháp phối hợp với Trường Chính trị xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng định kỳ mỗi năm một lần cho công chức tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn gồm: cập nhật thông tin mới về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng kỹ năng, hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL; kết hợp tổ chức các khóa tập huấn chuyên đề đối với một số hoạt động trọng tâm như: xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, tổ chức các câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, hướng dẫn hoạt động hòa giải cơ sở, khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả tủ sách pháp luật, cách thức lồng ghép PBGDPL khi thực hiện các hoạt động tư pháp ở cơ sở.
- Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh đưa nội dung tập huấn kỹ năng PBGDPL khi thực thi công vụ, nghiệp vụ Công an cho Trưởng, Phó Công an cấp xã; thống nhất cơ chế phối hợp giữa củng cố phát triển tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở với phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Tiếp tục tổ chức các lớp Trung học Luật để chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch cấp xã có trình độ Trung cấp Luật trở lên.
2. Phát huy vai trò của công chức tư pháp xã, phường, thị trấn trong công tác PBGDPL.
- Tập trung kiện toàn nâng cao vai trò và tạo điều kiện để Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL xã, phường, thị trấn hoạt động có hiệu quả, trong đó phát huy vai trò thường trực của công chức hộ tịch tư pháp trong Hội đồng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn trong công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở cơ sở. Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin xây dựng, hướng dẫn quy chế phối hợp trong việc quản lý hướng dẫn hoạt động hòa giải ở cơ sở, đưa nội dung pháp luật vào sinh hoạt ở các tiểu tổ Đoàn thể; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; quản lý, khai thác, sử dụng sách pháp luật, luân chuyển sách pháp luật,… tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động PBGDPL trong ấp, khu phố văn hóa, xã văn hóa.
3. Thực hiện PBGDPL qua các hoạt động tư pháp.
- Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cấp xã nội dung, trình tự thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội; áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ, kết hợp làm công tác PBGDPL qua hoạt động này.
- Rút kinh nghiệm các đợt cao điểm thi hành án dân sự tổ chức hội thảo đề cao vai trò PBGDPL trong vận hành cơ chế cấp ủy Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, ngành Tư pháp tham mưu, các ngành, đoàn thể tham gia vận động thi hành án dân sự trên từng địa bàn.
- Đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương, xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại từng địa bàn, khu vực; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã thông báo rộng rãi về việc mở phiên tòa xét xử lưu động để thu hút sự quan tâm và tham dự của người dân, trong đó các tiểu tổ đoàn thể, các câu lạc bộ pháp luật quan tâm tham dự và lấy nội dung phiên tòa để làm nội dung trao đổi sinh hoạt để giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
- Tổ chức khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL), xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức các đợt tư vấn, TGPL cho nhân dân ở cơ sở; phát huy vai trò các câu lạc bộ TGPL ở cơ sở, có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm TGPL Nhà nước với UBND cấp xã trong khảo sát nhu cầu TGPL, trong tổ chức các đợt TGPL, tư vấn pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân.
4. Biên soạn, cung cấp tài liệu phục vụ việc nâng cao năng lực PBGDPL cho cán bộ các cơ quan tư pháp thuộc phạm vi của Đề án.
Thực hiện chủ trương về phân cấp trách nhiệm biên soạn và cung cấp tài liệu, cấp tỉnh tổ chức biên soạn và cung cấp các tài liệu sau đây:
- Giới thiệu văn bản pháp luật mới; phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông; tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL, hướng dẫn phương pháp lồng ghép PBGDPL khi tiến hành các biện pháp tư pháp, quản lý giáo dục đối tượng trong tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự, qua phiên tòa xét xử lưu động, qua hoạt động tư vấn, TGPL…
- Căn cứ vào nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, năng lực cán bộ để chọn hình thức soạn thảo và cung cấp phù hợp, chủ yếu biên soạn và cung cấp tài liệu dưới hình thức: sổ tay hướng dẫn, đề cương giới thiệu, tài liệu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật.
- Nâng cao chất lượng bản tin tư pháp, đưa nội dung thực hiện kế hoạch này vào chuyên mục: trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ để phản ảnh, trao đổi tình hình thực hiện kế hoạch của cơ quan tư pháp và cán bộ công chức tư pháp. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Long An trong chuyên đề, chuyên mục pháp luật có những bài viết, phóng sự để phản ảnh và cổ động cho hoạt động PBGDPL của ngành tư pháp và cán bộ công chức tư pháp.
5. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan tư pháp với các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị cấp xã, phường, thị trấn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trên cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 21-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tập trung xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan tư pháp với các cơ quan tổ chức hệ thống chính trị cấp xã, lấy tổ chức và hoạt động của hội đồng phối hợp công tác PBGDPL cấp xã làm nòng cốt; triển khai và thực hiện thí điểm quy chế mẫu hoạt động của hội đồng phối hợp công tác PBGDPL cấp xã, sau đó nhân ra diện rộng; bảo đảm cơ chế chỉ đạo, hướng dẫn của thường trực và các ngành là thành viên cấp tỉnh, huyện đối với hệ thống hội đồng phối hợp công tác PBGDPL và các ngành là thành viên một cách thống nhất, hoạt động có hiệu quả.
III. Tổ chức thực hiện:
1. Kế hoạch được triển khai thực hiện tại các xã, phường, thị trấn cho các đối tượng như sau:
- Công chức tư pháp xã, phường, thị trấn;
- Công an xã;
- Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các chi nhánh trợ giúp pháp lý, các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý;
- Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án qua thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ gắn với PBGDPL.
2. Phương pháp thực hiện:
- Tổ chức các hoạt động khảo sát, đánh giá phục vụ việc triển khai kế hoạch trong đó chú trọng khảo sát, xác định nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL của cán bộ các cơ quan tư pháp; đánh giá năng lực thực hiện công tác PBGDPL của các cơ quan và cán bộ tư pháp; đánh giá việc PBGDPL thông qua các hoạt động tư pháp để có cơ sở biên soạn các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế.
- Chỉ đạo điểm việc thực hiện Đề án để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng giữa tỉnh với huyện, cơ sở; giữa các ngành là thành viên.
- Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện chế độ thông tin trong việc triển khai kế hoạch; định kỳ đánh giá tác động, hiệu quả của kế hoạch đối với việc nâng cao nhận thức, ý thức về pháp luật của cán bộ các cơ quan tư pháp…
- Thực hiện tốt việc khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong thực hiện kế hoạch theo chuyên đề đột xuất, qua đợt tập trung hoặc định kỳ hàng năm, gắn nội dung thực hiện kế hoạch này để xem xét tiêu chí thi đua hàng năm.
- Phối hợp với các chương trình, dự án khác đang triển khai tại cơ sở và các kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện các Đề án của Thủ tướng Chính phủ như: kế hoạch thực hiện Đề án thứ hai về xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư; kế hoạch thực hiện Đề án thứ ba về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn.
- Định kỳ hàng năm, Sở Nội vụ cùng Sở Tư pháp vụ xây dựng chương trình nội dung bồi dưỡng cho công chức tư pháp - hộ tịch, tổ chức các lớp Trung học Luật để chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.
3. Tổ chức điều hành Kế hoạch:
- Giao Sở Tư pháp - cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch có trách nhiệm tổ chức điều hành, phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này, thành lập tiểu ban điều hành kế hoạch do lãnh đạo Sở Tư pháp làm Trưởng Tiểu ban và các thành viên là đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Trường Chính trị tỉnh. Tiểu ban điều hành kế hoạch có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức điều hành thực hiện, thống nhất hành động đối với các cơ quan thành viên, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
- UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch này; phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL và cơ quan tư pháp, công chức tư pháp cấp mình trong thực hiện kế hoạch; bảo đảm mỗi huyện, thị xã đều có chỉ đạo thực hiện điểm ở xã và lĩnh vực (ngoài điểm và lĩnh vực mà tỉnh đã chọn). Chịu trách nhiệm đánh giá và phản ảnh tình hình triển khai kế hoạch cho Sở Tư pháp.
4. Tiến độ thực hiện:
Việc thực hiện kế hoạch này bắt đầu từ quý II năm 2007 và kết thúc vào năm 2010, cụ thể:
- Quý II/2007:
+ Tổ chức triển khai tổng thể kế hoạch này và kế hoạch chi tiết của năm 2007.
+ Tiến hành các hoạt động khảo sát, đánh giá phục vụ việc thực hiện kế hoạch.
+ Tỉnh chọn 04 xã, phường, thị trấn để chỉ đạo điểm. Cụ thể: phường 4 - thị xã Tân An, thị trấn Đức Hòa - huyện Đức Hòa, xã Long Hậu - huyện Cần Giuộc, thị trấn Vĩnh Hưng - huyện Vĩnh Hưng).
- Quý III, quý IV/2007:
+ Thực hiện một số hoạt động như: tập huấn, bồi dưỡng; biên soạn tài liệu phục vụ cho các đối tượng; tuyên truyền, PBGDPL thông qua phiên tòa xét xử lưu động và hoạt động thi hành án; nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn.
+ Tiến hành sơ, tổng kết chỉ đạo điểm, mô hình điểm làm cơ sở nhân ra diện rộng.
- Từ tháng 01/2008 đến hết năm 2010:
+ Tiếp tục thực hiện kế hoạch một cách toàn diện.
+ Tổng kết việc thực hiện kế hoạch vào cuối năm 2010.
5. Kinh phí xây dựng và thực hiện kế hoạch:
Căn cứ Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các quy định hiện hành, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp kinh phí để phục vụ kịp thời cho việc triển khai thực hiện và quyết toán từng năm theo đúng quy định.
Nhận được kế hoạch này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn có trách nhiệm triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp ( cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.