ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2007/QĐ-UBND | Biên Hòa, ngày 28 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM VÀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm;
Căn cứ kết quả cuộc họp liên tịch Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, UBND tỉnh ghi tại Thông báo số 8021/TB-UBND ngày 21/11/2006 của UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động phòng, chống tội phạm; phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và phòng, chống ma túy giai đoạn 2007 - 2010 trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, tổ chức cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM VÀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2007 của UBND tỉnh Đồng Nai)
Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp thực hiện của các Sở, ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân nên đã đạt được một số kết quả quan trọng, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy tình hình hoạt động của các loại tội phạm hình sự, tội phạm về ma túy được kiềm chế trong từng thời điểm, song chưa vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng Nai không phải là địa bàn trọng điểm về tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, song cũng là địa bàn mà các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Chương trình hành động phòng, chống tội phạm; phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và phòng, chống ma túy giai đoạn 2007 - 2010 với những mục tiêu và giải pháp như sau:
Phần I
MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu
a) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực công tác quản lý điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu, hướng dẫn nòng cốt của lực lượng Công an, Quân đội, sự tham gia tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đảm bảo cuộc sống yên bình của nhân dân. Giữ gìn kỷ cương pháp luật, bảo đảm pháp chế XHCN trên địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng thế trận an ninh nhân dân đến tận cơ sở phường, xã, thị trấn và cụm dân cư, chủ động phòng ngừa, đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm hình sự, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và tội phạm về ma túy, làm giảm đến mức thấp nhất tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Phát hiện và ngăn chặn không để xảy ra các tổ chức tội phạm trên địa bàn tỉnh.
c) Nâng cao ý thức cảnh giác của quần chúng nhân dân trong phòng chống tội phạm, làm cho quần chúng nhận thức một cách sâu sắc, đúng đắn quyền và nghĩa vụ trong việc giữ gìn ANCT-TTATXH, qua đó tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
2. Yêu cầu
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức và phương pháp phong phú, tạo sự chuyển biến cụ thể về nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành và thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
b) Nâng cao nhận thức hiểu biết của cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân về thủ đoạn, nguyên nhân, hậu quả của các loại tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và tội phạm về ma túy, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi tổ chức, công dân. Bảo đảm trên 90% ấp, khu phố, tổ nhân dân được thông tin về tội phạm và trật tự xã hội, qua đó tích cực tham gia phòng ngừa và đấu tranh các loại tội phạm. Đồng thời động viên tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phong trào phòng, chống tội phạm và tố giác tội phạm.
c) Phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn làm giảm dần các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự nguy hiểm như: Giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt và trộm cắp tài sản từ 5 - 10% hàng năm; giảm cơ bản dưới 10% tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; giảm từ 20 đến 25% số người nghiện ma túy và 90% địa bàn xã, phường, thị trấn không có ma túy.
d) Phấn đấu tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên trong độ tuổi lao động; không còn hộ đói, giảm đến mức thấp nhất hộ nghèo. Đẩy mạnh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, những người có thu nhập thấp và nhiều nơi vui chơi, giải trí, rèn luyện thể thao, tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống cho các tầng lớp nhân dân theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước nâng cao dân trí, tạo môi trường văn hóa lành mạnh và sân chơi bổ ích để thế hệ trẻ được giáo dục tốt, không có những hành vi tiêu cực, phạm tội, nghiện hút ma túy và các loại tệ nạn xã hội khác.
đ) Đấu tranh và xử lý nghiêm các loại tội phạm, không để lọt tội phạm hoặc làm oan, sai người vô tội. Phấn đấu không để xảy ra tổ chức tội phạm trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ điều tra các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%, giảm 30% đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn và hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Phần II
NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg ngày 08/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2010 và Kế hoạch số 3859/KH-UBND ngày 29/6/2005 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2007 triển khai xong đến tất cả các cấp, các ngành và quán triệt đến xã, phường, thị trấn, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp và của mọi tầng lớp nhân dân.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, nội dung Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong các tầng lớp nhân dân, kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt; phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến và kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ công tác chỉ đạo thực hiện của các Sở, ngành và các địa phương.
3. Tăng cường lực lượng, phương tiện, kinh phí kể cả các nguồn từ ngân sách địa phương cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trước mắt tập trung củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra các cấp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an, nhất là cấp huyện, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm có khung hình phạt đến 15 năm tù (từ năm 2007 đến năm 2009). Xây dựng lực lượng CAND tỉnh Đồng Nai “Trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh, có trách nhiệm cao”, làm tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn và nòng cốt trong việc thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, củng cố các lực lượng bảo vệ chuyên trách và bán chuyên trách, các mô hình nhân dân tự quản, tự phòng.
4. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Tiếp tục mở các đợt cao điểm phát động toàn dân tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát; nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá và xử lý nghiêm minh tội phạm; đẩy mạnh công tác vận động, tổ chức xác minh, truy bắt đối tượng truy nã, trốn thi hành án. Tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý, theo dõi đối với người phạm tội được hưởng án treo về cư trú tại địa phương hoặc tại các tổ chức, đơn vị công tác.
Tiếp tục phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ một cách sâu rộng tại các địa bàn cơ sở.
5. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm về ma túy và tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em:
a) Đối với tội phạm có tổ chức:
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án III Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm. Đặc biệt tập trung vào các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động liên tỉnh, xuyên Quốc gia. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm: Giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản; buôn bán phụ nữ, trẻ em; ma túy; các băng nhóm lưu manh côn đồ gây mất trật tự xã hội, bảo kê nhà hàng, bến bãi,
- Phát huy sức mạnh đồng bộ các lực lượng, có biện pháp kiên quyết ngăn chặn và xóa bỏ các loại tội phạm có tổ chức từ khi manh nha mới xuất hiện, triệt phá tận gốc tổ chức tội phạm không để hình thành các đường dây, ổ nhóm tội phạm nghiêm trọng. Phối hợp chặt chẽ với Công an các tỉnh bạn và các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức hoạt động liên tỉnh xuyên Quốc gia, có tính Quốc tế.
- Chủ động phát hiện và xử lý thật nghiêm các hành vi “Bảo kê” của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đối với các loại tội phạm dưới mọi hình thức. Địa phương nào để xảy ra tội phạm có tổ chức theo kiểu “Xã hội đen” để các băng nhóm tội phạm hoành hành thì Chủ tịch UBND và Trưởng Công an xã, phường, thị trấn nơi đó phải chịu trách nhiệm.
b) Đối với công tác phòng, chống tội phạm về ma túy:
- Chính quyền các cấp, các Sở, ban, ngành, các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy. Tập trung tuyên truyền sâu rộng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trong trường học, cơ quan doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. Triển khai đồng bộ các biện pháp kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hoạt động tổ chức sử dụng ma túy ở từng địa bàn; xây dựng các địa bàn dân cư không có ma túy.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tập trung; Thực hiện đa dạng hóa các hình thức cai nghiện ma túy phù hợp với từng loại đối tượng. Thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện; có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và tư nhân tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy. Triển khai đồng bộ các biện pháp để giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện như: Dạy nghề, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm để tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất hành vi tái nghiện.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng Công an, Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả ma túy thâm nhập vào địa bàn tỉnh. Tập trung lực lượng, phương tiện phát hiện, bắt giữ những đường dây tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy. Kiên quyết triệt xóa các tụ điểm về ma túy, nhất là các địa bàn giáp ranh, nơi công cộng, gần trường học... Có kế hoạch làm chuyển hóa cơ bản các địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy.
c) Công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em:
- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo chí, phát thanh, truyền thanh, hoặc tuyên truyền trực tiếp qua các buổi họp tổ dân phố, cụm dân cư ở địa bàn để thông báo về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn bán người (thủ đoạn lừa gạt buôn bán phụ nữ, trẻ em qua hình thức môi giới kết hôn với người nước ngoài, giúp tìm kiếm việc làm) để quần chúng nhân dân đề cao ý thức cảnh giác đối với bọn tội phạm.
- Tuyên truyền, tư vấn, giải thích trong quần chúng nhân dân các chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, chính sách hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán và các chủ trương, chính sách có liên quan như việc kết hôn và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, việc xuất nhập cảnh, hợp tác lao động ở nước ngoài nhằm hạn chế các trường hợp bị bọn tội phạm lừa gạt.
- Vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tại cộng đồng; thông qua các tổ chức quần chúng như: Tổ dân phố, tổ dân phòng, tổ hòa giải, thanh niên xung kích để kịp thời phát hiện và giải quyết những nguyên nhân xã hội của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, cảm hóa giáo dục các đối tượng phạm tội, phát hiện các đối tượng nghi vấn có hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em, hỗ trợ, giúp đỡ những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dễ bị bọn tội phạm lợi dụng; tổ chức thường xuyên việc tiếp dân, xây dựng hộp thư tố giác tội phạm, đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.
- Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản của ngành Công an, công tác thông tin giữa các cấp, các lực lượng Công an để nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, quản lý chắc các đối tượng có tiền án tiền sự hoặc có nghi vấn về hành vi lừa gạt buôn bán phụ nữ, trẻ em (kể cả đối tượng người nước ngoài); rà soát lại các vụ án về buôn bán phụ nữ, trẻ em đã xảy ra, và thông qua công tác hồ sơ, tàng thư tìm ra quy luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động, phát hiện các đối tượng trong diện nghi vấn để nghiên cứu, dựng lại cơ cấu các tổ chức, đường dây phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em đã và đang hoạt động để có phương án phòng ngừa, điều tra triệt phá.
- Nghiên cứu đổi mới và cải tiến công tác quản lý Nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài ra vào tỉnh Đồng Nai, hoạt động của văn phòng đại diện của nước ngoài tại Đồng Nai có liên quan để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi lừa gạt, buôn bán phụ nữ, trẻ em do tội phạm là người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và tội phạm là người Việt Nam hoạt động ở nước ngoài thực hiện. Tăng cường công tác quản lý các loại giấy tờ (như hộ chiếu, CMND...) để tránh hiện tượng giấy tờ bị làm giả và bọn tội phạm lợi dụng.
Phần III
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Công an tỉnh có trách nhiệm làm tốt chức năng thường trực, tham mưu, hướng dẫn và nòng cốt xung kích trong thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Chương trình hành động phòng, chống ma túy của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan điều tra theo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm, phòng ngừa buôn bán phụ nữ, trẻ em và tội phạm về ma túy; tích cực tham gia nghiên cứu, xây dựng chương trình bảo vệ người tham gia phòng, chống tội phạm, người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; huy động các lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, tập trung điều tra, khám phá có hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm ma túy và tội phạm có tổ chức. Tổ chức nghiên cứu, dự báo tình hình tội phạm đề xuất chủ trương, biện pháp đấu tranh phù hợp, tăng cường công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong quân đội, kể cả các đơn vị của Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức quản lý chặt chẽ các loại vũ khí, vật liệu nổ, đất quốc phòng do quân đội quản lý.
3. Sở Văn hóa - Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm để nhân dân nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, hình thành trong các tầng lớp nhân dân ý thức tự giác chấp hành pháp luật và tích cực tham gia phòng chống tội phạm. Có kế hoạch lồng ghép công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện tốt các quy định về chế độ, chính sách đối với những người có công, bị thương, bị hy sinh trong phòng, chống tội phạm. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 16/2002/NQ-QH của Quốc hội về thực hiện tổ chức quản lý, dạy nghề tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy có kế hoạch thật cụ thể để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan có kế hoạch sớm củng cố, nâng cấp Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Đồng Nai, để tổ chức cai nghiện tập trung đối với những đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Có kế hoạch tiếp nhận số phụ nữ và trẻ em bị lợi dụng buôn bán ra nước ngoài; tư vấn ổn định tâm lý, đời sống để họ tái hòa nhập cộng đồng. Tham mưu đề xuất xây dựng khu nhà ở, các địa điểm vui chơi giải trí cho công nhân, phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
5. Các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thuế, Tài nguyên - Môi trường rà soát lại các quy định và thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm, đặc biệt là các quản lý tài sản công như: Quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thuế, quản lý tài chính của doanh nghiệp Nhà nước, nhằm phát hiện những quy định không còn phù hợp, có sơ hở, thiếu sót, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng để đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức quản lý Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm theo cơ chế quản lý chương trình, mục tiêu Quốc gia theo Quyết định số 59/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng.
6. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các Sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các đề án Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và xây dựng chương trình bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án hình sự. Phối hợp tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, thuế, quản lý đất đai... Phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà tội phạm có thể lợi dụng hoạt động phạm tội.
7. Sở Giáo dục - Đào tạo có kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
8. Cục Hải quan Đồng Nai đẩy mạnh công tác kiểm soát các chất ma túy, tiền chất sử dụng trong công nghiệp và các chất gây nghiện, hướng thần thông qua việc thực hiện các quy trình, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tăng cường sự phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để phát hiện kịp thời, xử lý triệt để các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất sử dụng trong công nghiệp và các chất gây nghiện, hướng thần.
9. Các Sở, ngành: Giao thông - Vận tải, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại - Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Đồng Nai... xây dựng kế hoạch phối hợp, tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của ngành mình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện công khai tài chính và các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, nhân dân tham gia giám sát. Tiến hành rà soát, hệ thống hóa các quy định, thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực của mình, qua đó phát hiện ra những sơ hở, thiếu sót mà tội phạm về tham nhũng có thể lợi dụng hoạt động để kịp thời báo cáo Bộ, ngành cấp trên có hướng sửa đổi cho phù hợp.
10. Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các dự án liên quan đến trẻ em. Phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 5318/2005/QĐ-UBND ngày 20/12/2005 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Chương trình hành động xây dựng gia đình Việt Nam tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2005 - 2010. Phối hợp với Công an tỉnh, các Sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong công tác phòng, chống các loại tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng chống tình trạng người chưa thành niên phạm tội.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các tổ chức thành viên đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mặt trận phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTQ, tham gia xây dựng lực lượng Công an các cấp gắn liền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đẩy mạnh công tác giám sát chính quyền, các cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và bảo đảm TTATXH.
12. Đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện đề án tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2006 - 2010. Chủ động lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Giám sát thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn làm giảm và không để tình trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán.
13. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh phong trào trong lực lượng công nhân, người lao động thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, phát huy quyền làm chủ của công nhân trên mặt trận phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTQ. Tham gia xây dựng lực lượng Công an các cấp gắn liền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đẩy mạnh công tác giám sát chính quyền, các cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và bảo đảm TTATXH.
14. Đề nghị Tỉnh Đoàn TNCS HCM tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lực lượng đoàn viên, thanh thiếu niên không phạm tội, tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm.
15. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện hệ thống thống kê tội phạm, thống kê hình sự thống nhất trong toàn quốc theo chỉ đạo của VKSND Tối cao. Đề nghị VKSND tỉnh, TAND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của UBND tỉnh trong công tác xử lý tội phạm đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, đặc biệt là đối với các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm về tham nhũng, ma túy, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.
16. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương mình và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống tội phạm về ma túy, phòng ngừa tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa căn cứ nội dung Chương trình này và Kế hoạch số 861/KH-UBND ngày 14/02/2005 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2006 - 2010, Quyết định số 2181/2005/QĐ-UBND ngày 15/6/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống ma túy giai đoạn 2006 - 2010, Kế hoạch 3859/KH-UBND ngày 29/6/2005 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị 37/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm để xây dựng kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương mình. Kế hoạch phải xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và đề ra các giải pháp, biện pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện. Kế hoạch gửi về UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh.
2. Các Sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm, nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân, xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, hạn chế và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, tội phạm và các tệ nạn xã hội.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của tỉnh có kế hoạch tham gia thực hiện chương trình này, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tham gia giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm.
4. Các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm về tình hình kết quả thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm về ma túy về Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo - Công an tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm Trung ương.
5. Giao trách nhiệm cho Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh (Công an tỉnh) theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.