BỘ LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 148/QĐ-LĐTBXH | Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA BỘ.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 24/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (gọi tắt là Thanh tra Bộ) là cơ quan thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lao động, người có công và xã hội trên phạm vi cả nước; thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đơn vị; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật
Điều 2. Thanh tra Bộ có nhiệm vụ
1. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội.
2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên phạm vi cả nước:
a) Thanh tra nhà nước về lao động
- Thanh tra việc chấp hành các quy định về chính sách lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động;
- Tổ chức và hướng dẫn khai báo, điều tra tai nạn lao động và những vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh lao động;
- Tham gia xây dựng và hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật.
b) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước đối với người có công, bảo hiểm xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước thanh tra chuyên ngành về dạy nghề, đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
3. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
4. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
5. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kiến nghị hủy bỏ quyết định trái pháp luật về lao động, người có công và xã hội khi có đủ căn cứ cho rằng hành vi hoặc quyết định đó gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
6. Thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc tiếp công dân, xử lý thư, đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
8. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
9. Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra hành chính đối với thanh tra của các đơn vị thuộc Bộ; hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành lao động, người có công và xã hội đối với Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thanh tra quận, huyện về lao động, người có công xã hội.
10. Thanh tra đột xuất và tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, của Bộ, ngành liên quan khi được Bộ trưởng giao.
11. Thẩm định, trình Bộ việc cấp thẻ Thanh tra viên lao động.
12. Thực hiện nghiên cứu khoa học; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật theo phân công của Bộ.
13. Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo quy định; tổng kết kinh nghiệm, nghiệp vụ thanh tra lao động, người có công và xã hội.
14. Thực hiện hợp tác quốc tế theo sự phân công của Bộ.
15 Quản lý cán bộ, công chức viên chức; cơ sở vật chất , tài chính theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
16. Thực hiện nhiệm vụ khác do Bộ giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ
1. Chánh Thanh tra và các Phó Chánh thanh tra giúp việc.
2. Các phòng chức năng gồm:
- Phòng Tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo;
- Phòng Tổng hợp và Thanh tra hành chính;
- Phòng Thanh tra chính sách người có công;
- Phòng Thanh tra chính sách lao động;
- Phòng Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động;
- Phòng Thanh tra chính sách về trẻ em và xã hội.
Điều 4. Chánh Thanh tra Bộ có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc và mối quan hệ công tác của đơn vị; quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng trực thuộc; sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức trong đơn vị trên cơ sở biên chế được phân bổ đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Thanh tra Bộ có con dấu, tài khoản riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc theo quy định.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây của Bộ trái với quyết định này.
Điều 7. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.