THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1476/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CÔNG TÁC CỦA THỦ TƯỚNG VÀ CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ
1. Thủ tướng Chính phủ thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ; lãnh đạo, điều hành công tác của Chính phủ, các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, các vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
Thủ tướng phân công các Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo, xử lý các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng trong từng lĩnh vực công tác của Chính phủ.
2. Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng; kịp thời báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng những vấn đề quan trọng. Những công việc liên quan đến các Phó Thủ tướng khác thì chủ động cùng phối hợp giải quyết, trường hợp có ý kiến khác nhau thì báo cáo Thủ tướng.
3. Trong phạm vi các lĩnh vực được phân công, Phó Thủ tướng có trách nhiệm và quyền hạn thay mặt Thủ tướng:
- Chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan.
- Chủ trì xử lý những vấn đề cần phối hợp liên ngành và xem xét, xử lý những kiến nghị của các Bộ, ngành và các địa phương thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi được phân công.
- Theo dõi chỉ đạo xử lý những vấn đề về công tác nội bộ của các Bộ và cơ quan được phân công.
4. Khi vắng mặt tại trụ sở Chính phủ và nếu xét thấy cần thiết, Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm một Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng lãnh đạo công tác của Chính phủ và giải quyết các công việc do Thủ tướng trực tiếp phụ trách.
5. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, hoặc khi Phó Thủ tướng vắng mặt thì Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo xử lý công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng.
6. Căn cứ tình hình thực tế, Thủ tướng xem xét, điều chỉnh việc phân công công việc của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của Chính phủ.
Điều 2. Phân công nhiệm vụ của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
a) Lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
b) Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác sau đây:
- Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước và các vùng (bao gồm cả quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất).
- Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Chiến lược, chính sách tài chính, tín dụng, tiền tệ quốc gia.
- Chi ngân sách nhà nước hàng năm (cả trái phiếu Chính phủ); sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước; phát hành công trái, trái phiếu Chính phủ; kế hoạch cung ứng tiền hàng năm.
- Công tác bảo đảm quốc phòng và an ninh.
- Công tác đối ngoại của Chính phủ; công tác biên giới và các vấn đề Biển Đông - Hải đảo.
- Công tác cải cách hành chính; xây dựng thể chế; tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; địa giới hành chính nhà nước; những vấn đề chung về công tác dân tộc, tôn giáo và thi đua, khen thưởng.
- Những nhiệm vụ đột xuất, quan trọng và những giải pháp có tính đột phá trên các lĩnh vực.
- Quan hệ phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
c) Theo dõi và chỉ đạo: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam; Đài truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam;
d) Trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và Chủ tịch một số Hội đồng, Ủy ban quốc gia và Trưởng một số Ban Chỉ đạo quan trọng khác.
2. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
a) Giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ chuyên trách chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và trực tiếp làm nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
b) Làm nhiệm vụ Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Giúp Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo, xử lý các công việc thường xuyên về công tác tổ chức cán bộ của Chính phủ và Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
c) Giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác thuộc khối nội chính bao gồm:
- Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Công tác bảo đảm an toàn giao thông.
- Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng chống HIV/AIDS.
- Công tác đặc xá.
- Cải cách tư pháp.
- Xử lý các vấn đề thường xuyên về công tác dân tộc, tôn giáo và thi đua khen thưởng.
- Phối hợp công tác giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Bí thư Trung ương Đảng; giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
d) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc; Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Văn phòng Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
đ) Làm nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Chủ tịch các Hội đồng, các Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
e) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng.
3. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
a) Giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác trong khối kinh tế ngành và phát triển sản xuất bao gồm: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại - xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường.
- Chỉ đạo bảo đảm năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
- Các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia và các dự án nhóm A có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
- Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Phát triển các loại hình doanh nghiệp và kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
- Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và đầu tư ODA.
- Công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
b) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c) Làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Dự án trọng điểm về dầu khí; Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Chủ tịch Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng.
4. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
a) Giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác thuộc khối khoa giáo - văn xã, bao gồm:
- Giáo dục và đào tạo (cả về dạy nghề).
- Khoa học và công nghệ.
- Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội.
- Thông tin và truyền thông.
- Văn hóa, du lịch; thể dục, thể thao.
- Công tác y tế; chăm sóc sức khỏe, dân số gia đình và trẻ em.
b) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
c) Làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia, Chủ tịch Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng.
5. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
a) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Khối kinh tế tổng hợp, bao gồm: kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ ngân hàng; thị trường chứng khoán, các nguồn đầu tư tài chính; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
- Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
- Theo dõi chỉ đạo đàm phán và thực hiện các Hiệp định kinh tế song phương và đa phương.
- Chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội.
- Chính sách phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
b) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
c) Làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin; Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành; các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.